Tính khả thi của dự án 1 triệu tấn lúa chất lượng cao.

26/09/2006

Trong thời gian qua mặc dù ngành nông nghiệp đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện chất lượng lúa gạo trong khu vực, nhưng kết quả còn nhiều hạn chế. Không phải vô căn cứ khi có ý kiến cho rằng dự án "1 triệu tấn lúa chất lượng cao" khó khả thi. Trong thời gian qua mặc dù ngành nông nghiệp đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện chất lượng lúa gạo trong khu vực, nhưng kết quả còn nhiều hạn chế. Không phải vô căn cứ khi có ý kiến cho rằng dự án "1 triệu tấn lúa chất lượng cao" khó khả thi.|

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, dự án "1 triệu tấn lúa chất lượng cao" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra khó lòng thực hiện được. Theo ông Xuân, dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa về tỉnh, tỉnh triển khai xuống huyện rồi bỏ đó, ai muốn làm thì làm, không làm cũng không sao, không có kiểm tra đôn đốc thực hiện.

Trong khi đó, 7 giống lúa có tên trong chương trình không đảm bảo đủ giống. Hai là, đặc tính của nông dân thì hay tuỳ tiện, nếu cứ để họ làm linh tinh thì không thể nào đạt yêu cầu. Chúng ta có thể có khối lượng 1 triệu tấn, nhưng chất lượng thì không thể đạt cao như mong muốn.

Theo ông Xuân, muốn có 1 triệu tấn lúa chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra trong dự án, trước hết ngành nông nghiệp phải tổ chức và khoanh vùng sản xuất, đồng thời phải kết hợp chặt chẽ 4 nhà. Chúng ta không thể để nông dân tự làm một mình. Cụ thể tỉnh An Giang có thể làm ra được 250.000 tấn lúa/1triệu tấn. Thế nhưng 250.000 tấn lúa này nằm ở chỗ nào? Chất lượng có đạt không? Chúng ta phải có bản đồ khoanh vùng.

Từ vùng lúa này xem giống lúa nào thích hợp nhất trong số 7 giống lúa mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra, sẽ tiến hành cho nhân giống lúa đó thật thuần chủng, huấn luyện nông dân trong vùng trồng lúa theo đúng kỹ thuật mà lúa chất lượng cao đòi hỏi. Rồi thì phải xác định thời gian xuống giống, bón phân lúc nào, bón phân gì, bảo vệ thực vật như thế nào? Nông dân trồng lúa chất lượng cao phải tuân thủ đúng những điều kiện nêu trên.

Muốn đạt được như vậy phải có bộ máy đi kiểm tra cách thực hiện của nông dân.  Sản lượng lúa cao, chất lượng lúa tốt sẽ bảo đảm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Vì vậy doanh nghiệp sẽ là người chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức bộ máy kiểm tra chất lượng khi ký hợp đồng thu mua lúa với nông dân. Tức là thành lập và vận hành bộ máy này.

Do đó, phải gắn lợi ích của doanh nghiệp với nông dân. Nhưng làm sao để doanh nghiệp nhận biết và chịu gắn kết với nông dân, đây lại là một câu hỏi mà thời gian qua chúng ta vẫn chưa có đáp án thích hợp. Qua việc triển khai thực hiện chương trình "1 triệu tấn lúa chất lượng cao" đã cho thấy, từng hộ nông dân nhỏ lẻ không thể đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp. Mà các HTX nông nghiệp hiện nay thì quá yếu. Chưa phải là một đơn vị hợp tác làm kinh tế đúng nghĩa.

GS-TS Võ Tòng Xuân đề cao vai trò của Nhà nước trong việc tạo mối liên kết thật sự giữa doanh nghiệp với nông dân. Trách nhiệm của nhà quản lý là làm thế nào gắn được doanh nghiệp với nông dân.

Trong đó, Nhà nước phải đứng ra làm người tổ chức. Có tổ chức, có giao - nhận và có quản lý và kiểm tra thực hiện. Nếu vẫn làm theo kiểu cũ thì giá trị của gạo Việt Nam sẽ tiếp tục đi xuống, ông Xuân khẳng định.

http://www.vneconomy.com.vn


Tin khác