CPTPP và cơ hội cho nông sản Việt: Xuất khẩu nông sản: Thuận - khó đan xen

05/04/2018

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết tại Chile là sự kiện được các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Bên cạnh những thuận lợi để mở rộng XK nông sản Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP thì theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN-NT (IPSARD), CPTPP là một hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn và đòi hỏi rất cao về sự minh bạch đối với hàng hóa và đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất ràng buộc.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với sự tham gia của 11 quốc gia xuyên hai bờ Thái Bình Dương cùng các cam kết sâu rộng về thúc đẩy môi trường kinh doanh rộng mở, CPTPP được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội XK cho nông sản Việt Nam.  

Thuận lợi về thuế

Một ví dụ trực quan là theo nội dung cam kết của CPTPP, những mặt hàng nông sản như hạt điều, nhãn, vải và thanh long… của Việt Nam sẽ được vào thị trường Peru với mức thuế NK 0% thay vì 9% như hiện nay. Điều này cũng diễn ra tương tự với nhiều thị trường khác trong CPTPP... Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản trong nước như cao su, gỗ, cà phê, ca cao, điều, tiêu, gạo, rau quả tươi cũng có nhiều cơ hội hơn trong thâm nhập thị trường nước ngoài.

Chế biến dứa XK tại Cty CP Thực phẩm XK Đồng Giao

Việc các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế NK theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại là một trong những thuận lợi đầu tiên cho nông sản XK của Việt Nam. Đồng thời, CPTPP còn đề cập đến các lĩnh vực như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại…

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm Tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh cho rằng, để tận dụng được cơ hội CPTPP đòi hỏi DN phải đẩy mạnh hơn nữa việc đưa hàng hóa của mình thâm nhập sâu rộng vào thị trường các nước trong khối CPTPP.

Đồng quan điểm, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, thị trường Nhật Bản đánh giá cao nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt với việc lô thịt gà được XK sang Nhật đã chứng minh cho sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có “phép thử” tại thị trường khó tính này. Cùng với đó là các mặt hàng chuối, xoài đang có nhiều tiềm năng tại thị trường Nhật.

Tuy nhiên, theo ông Minh giá cả XK các mặt hàng này vẫn còn cao do sản phẩm dễ bị hỏng và khâu vận chuyển vẫn còn khá tốn kém. Vì vậy, ông này kiến nghị cần có tác động đến các công ty vận chuyển nhằm giảm được giá thành vận chuyển để chiếm lĩnh thị trường.

Còn Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia, bà Nguyễn Hoàng Thúy cho biết, nông sản của Việt Nam được người tiêu dùng Australia rất ưa chuộng, đặc biệt là thanh long và vải thiều. Do đó, khi tham gia CPTPP, cơ hội cho các mặt hàng này vào Australia là rất lớn vì thuế NK được cắt giảm nhiều. Tuy nhiên, việc đàm phán ở thị trường này kéo dài khá nhiều thời gian, vì vậy, cần tìm giải pháp làm thế nào để rút ngắn quá trình đàm phán. Về phía thị trường Australia đã mở cửa cho một số loại quả nông sản của Việt Nam.

“Vấn đề quan tâm hiện nay là làm thế nào để XK được tôm tươi nguyên con của Việt Nam sang thị trường này. Nếu mở cửa được sản phẩm này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam”, bà Thúy nói.  

Vẫn làm bài toán nâng cao chất lượng

Chuyên gia cho rằng nếu muốn đẩy mạnh XK sang các nước thành viên CPTPP, nông sản Việt Nam cần nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe.

Chế biến tôm XK

Bên cạnh những thuận lợi để mở rộng XK nông sản Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP thì theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN-NT (IPSARD), CPTPP là một hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn và đòi hỏi rất cao về sự minh bạch đối với hàng hóa và đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất ràng buộc.

“Với những quy định mà CPTPP dự kiến thực hiện, nông sản Việt không chỉ chịu sự cạnh tranh với các thị trường tham gia CPTPP mà còn chịu sự cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Do vậy, để tận dụng được cơ hội XK nông sản vào các nước thành viên CPTPP, thách thức đối với các DN trong nước đến từ việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, tổ chức lại SX, quản lý lao động và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối”, ông Tuấn khuyến cáo.

Liên quan tới vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Trần Duy Khanh cho rằng, đối với các mặt hàng nông sản Việt, các sản phẩm chế biến như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng… sẽ phải chịu cạnh tranh lớn nhất. Bởi lẽ trước đây, nhiều sản phẩm gia cầm nước ngoài vào Việt Nam với giá rẻ hơn sản phẩm trong nước đã khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng khó khăn.

Đến nay, việc tham gia CPTPP với mức thuế giảm xuống 0% sẽ càng tạo áp lực lớn hơn cho ngành chăn nuôi trong nước vì đa số các cơ sở chăn nuôi còn nhỏ lẻ, quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được chú trọng dẫn tới kịch bản thất thế của doanh nghiệp Việt về giá cả và chất lượng.

Theo các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách, khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN cần phải nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với các DN nước ngoài thông qua đẩy mạnh liên kết SX, xây dựng mạng lưới phân phối nội địa vững chắc với sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành nghề, cũng như tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi từ chính sách nhà nước.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các giải pháp trao đổi hàng hóa, phương thức thanh toán thương mại tại các khu vực CPTPP nhằm đẩy mạnh trao đổi thương mại nông sản tại khu vực này. Ngoài ra, tích cực tìm kiếm, giới thiệu các hiệp hội ngành hàng nông sản, các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín tại các nước để thúc đẩy hợp tác với DN Việt Nam, tranh thủ vận động nguồn vốn ODA, FDI vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ các cơ quan chức năng và DN trong nước quảng bá nông sản Việt Nam tại các nước.

Ngoài ra, các tham tán thương mại các nước cần thường xuyên cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin thị trường, phân tích về thị trường để Bộ NN-PTNT có định hướng XK vào những thị trường nào có lợi thế hơn. Các tham tán thương mại nên thường xuyên chủ động trong công tác phối hợp để làm tốt hơn nhiệm vụ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của các quốc gia khó tính…

Sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là Hiệp định CPTPP.

Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, DN Nhà nước…

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác