Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899 ngày 10.6.2013, Bộ NNPTNT là một trong số ít bộ, ngành tiên phong thực hiện tái cơ cấu ngành.
Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: Điểm nổi bật nhất là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của các nhà khoa học, của bà con nông dân và cộng đồng các doanh nghiệp nông nghiệp…
Theo Phó Thủ tướng, trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả hết sức phấn khởi, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng quan chung cả giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân của 5 năm trước; năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong đề án.
Về mục tiêu xã hội, cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012 và 3,5 lần so với năm 2008), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đạt 40% và năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn.
Bước vào giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục xác định việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp để góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng; là một quá trình, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực; cần sự chung tay, sự sâu sát của các bộ, ban, ngành và cả hệ thống chính trị, nhất là sự chủ động, tích cực của mỗi người nông dân, doanh nghiệp trong việc đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới để mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, miền, địa phương và từng lĩnh vực, hướng đến mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh”.
Tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu
Nhân dịp tổng kết 5 năm quá trình cơ cấu lại ngành, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức trao tặng bằng khen cho 20 hợp tác xã và 20 nông dân/chủ trang trại tiêu biểu xuất sắc, đã có thành tích đóng góp trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trao tặng Giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ III cho 45 cá nhân, nhóm tác giả có sản phẩm tiêu biểu, xuất sắc đã được khẳng định trong thực tiễn, góp phần tạo ra những thành quả về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” lần thứ II cho 53 doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực NNPTNT, có vai trò “đầu tàu” trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp 5 năm qua.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Bài học lớn rút ra trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các thành tố trong xã hội, từ Trung ương đến địa phương; từ người dân đến doanh nghiệp, tổ hợp tác và từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo… Chỉ khi cả xã hội chủ động, tích cực tham gia thì những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra mới trở thành hiện thực một cách có hiệu quả”.
Theo Dân Việt