Năm 2020, nhiều mặt hàng sẽ hồi phục tăng trưởng

02/01/2020

Năm 2019, do những yếu tố bất lợi, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng sụt giảm đáng kể. Bước vào năm 2020, nhiều mặt hàng có khả năng sẽ hồi phục, tăng trưởng trở lại.

Đồng thời, một số mặt hàng khác đang đầy cơ hội tiếp tục tăng trưởng mạnh.  

Cá tra sẽ hồi phục

Với việc đạt kỷ lục xuất khẩu năm 2018, cá tra bước vào năm 2019 với những kỳ vọng không nhỏ. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra trong năm 2019 không những không tăng mạnh như năm trước đó, mà lại liên tục tăng trưởng âm. Đến hết tháng 10/2019, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ 2018.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2019, đã xuất hiện những hy vọng lớn cho cá tra Việt Nam trong năm 2020. Trước hết, là việc Cục Kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá Siluriformes (trong đó có cá tra, basa…) của Việt Nam tương đương với Mỹ. Với sự công nhận này, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, việc Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) đối với cá tra Việt Nam, với thuế suất 0% cho bị đơn bắt buộc và tự nguyện, cũng đang mang lại ít nhiều hy vọng cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm 2020, dù phải đến tháng 2/2020 mới có kết quả cuối cùng.

Đây là thông tin rất được mong đợi với ngành hàng cá tra, bởi trong năm 2019, xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm rất mạnh (giảm tới 45,8% trong 10 tháng đầu năm 2019 khi chỉ đạt 232,9 triệu USD) chủ yếu là do bị áp thuế quá cao từ kết quả cuối cùng của POR14.

Mặt khác, theo đánh giá của Cty Chứng khoán KIS, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh trong năm 2019 (chủ yếu do giá cá nguyên liệu giảm vì sản lượng tăng cao), có thể sẽ thúc đẩy việc cải thiện nhu cầu tiêu thụ cá tra ở thị trường này trong năm 2020.

Sự tăng trưởng mạnh trở lại của cá tra sang Trung Quốc trong nửa cuối năm 2019, cũng là một dấu hiệu tích cực cho năm 2020. Bởi trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp khó do chưa thích ứng kịp với các quy định mới của nước này. Nhưng từ quý II trở đi, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc luôn tăng trưởng tốt vì các doanh nghiệp vừa đáp ứng những quy định mới, vừa đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Nhờ vậy, Trung Quốc - Hồng Kông đã trở lại vị trí thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam với kim ngạch 552,4 triệu USD trong 10 tháng đầu 2019, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2018.

Với đà tăng trưởng tốt của nửa cuối năm 2019 sau khi đã thích ứng với các quy định mới, Trung Quốc sẽ tiếp tục là điểm đến đầy hứa hẹn của cá tra trong năm 2020.

Cũng theo KIS, Trung Quốc đang có nhiều khả năng trở thành thị trường dẫn dắt cho cá tra trong những năm tới bởi quy mô dân số lớn sẽ hỗ trợ cho ngành dịch vụ ăn uống nội địa, tiêu thụ cá tra trên đầu người ở Trung Quốc còn thấp (0,14 kg/người) so với 0,32 kg/người của thị trường Mỹ, sự tham gia mạng mẽ của các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam vào các kênh thương mại điện tử ở Trung Quốc…  

Theo VASEP, Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ đa dạng nhất các sản phẩm cá tra Việt Nam từ sản phẩm cá tra phile đông lạnh truyền thống tới cá tra nguyên con xẻ bướm tẩm muối đông lạnh, bong bóng cá tra sấy, bong bóng cá tra đông lạnh, cá tra cắt khoanh đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, phile cá tra cắt tẩm gia vị đông lạnh, chả cá tra đông lạnh, cá tra cắt Nugget tẩm bột chiên đông lạnh… Điều này cũng cho thấy vị thế của thị trường Trung Quốc đối với cá tra Việt Nam hiện nay cũng như trong những năm tới.

Tôm tăng khả năng cạnh tranh từ nguyên liệu

Cũng như năm 2018, xuất khẩu tôm năm 2019 vẫn tiếp tục không khả quan, chủ yếu là do giá tôm giảm do nguồn cung tăng cao trên toàn cầu. 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm chỉ đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ 2018. Theo dự kiến của VASEP, xuất khẩu tôm cả năm 2019 đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4%.

Những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu tôm sang một số thị trường quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đã khả quan hơn do lượng tôm tồn kho giảm. Tuy nhiên, thị trường quan trọng nhất trong năm 2018 là EU, thì lại chưa hồi phục trong những tháng cuối 2019.

Năm 2020, theo dự báo của một số tổ chức quốc tế, nhu cầu tôm toàn cầu năm là khoảng 5,2 triệu tấn. Trong khi đó, theo một khảo sát được thực hiện bởi ông James Anderson, giáo sư tại đại học Florida (Mỹ) và các chuyên gia trong ngành, được báo cáo tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các lãnh đạo nuôi trồng thủy sản (GOAL), sản lượng tôm nuôi toàn cầu sẽ vượt mốc 5 triệu tấn vào năm 2020. Như vậy, cung - cầu tôm thế giới năm 2020 có thể sẽ trở nên cân bằng hơn.

Theo một số chuyên gia ngành tôm, việc thu hẹp khoảng cách giữa giá thành tôm Việt Nam với các nguồn cung khác trong những năm qua, đã có những thành tựu đáng ghi nhận.

Cụ thể, những năm 2015 - 2016, giá thành tôm nuôi của Việt Nam cao hơn Ấn Độ, Indonesia khoảng 30%. Đến năm 2017 giảm xuống còn khoảng 20% và đến 2019 còn khoảng 12%.

Giá thành nuôi tôm được cải thiện nhờ Việt Nam đã tự chủ được 30% tôm giống bố mẹ (trước đây phụ thuộc 100% nguồn tôm giống bố mẹ nhập khẩu), áp dụng các quy trình nuôi tôm siêu thâm canh có hiệu quả…

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang đẩy mạnh việc đầu tư các vùng nuôi tôm công nghệ cao để chủ động nguồn nguyên liệu, vừa hạ được giá thành, vừa đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… để xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Theo một số nhận định khác, nguồn cung tôm thế giới trong năm 2020 vẫn nhỉnh hơn so với cầu khi sản lượng tiếp tục tăng cao ở nhiều nước. Vì vậy, để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới, tôm Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực giải quyết một trong những hạn chế lớn nhất là giá thành.

Bên cạnh đó, ngành tôm Việt Nam cần duy trì lợi thế cạnh tranh và thương hiệu của mình, qua việc chú trọng chất lượng sản phẩm, kiểm soát dư lượng kháng sinh, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với thị hiếu của các thị trường.  

Rau quả từng bước ổn định

Sau nhiều năm tăng trưởng liên tục, giá trị xuất khẩu rau quả đã đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2018. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỷ USD rau quả trong năm 2019.

Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả trong năm 2019 lại tăng trưởng âm. Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả đạt 3,41 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ 2018.

Xuất khẩu rau quả giảm, chủ yếu do sự giảm mạnh ở thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Rau quả Việt Nam vốn chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường biên mậu, nên đã gặp khó khăn lớn khi nước này đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì… với nông sản nhập khẩu. 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, một điều rất đáng chú ý là trong khi giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh, thì lại tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường khác, trong đó có những thị trường khó tính nhưng tiềm năng lớn.

Cụ thể, trong 11 tháng năm 2019, xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng 9,3%; Hàn Quốc tăng 14,3%; Nhật Bản tăng 26,9%; Hà Lan tăng 35,3%; Đài Loan tăng 69,9%; Hồng Kông tăng 220,2%; Thái Lan tăng 47%… Đặc biệt, xuất khẩu sang Lào tăng tới 570,3%, đạt 59 triệu USD, qua đó đưa Lào vào Top 10 thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam.

Sự tăng trưởng mạnh ở các thị trường khác là tín hiệu tốt cho rau quả Việt Nam, bởi nhờ đó mà sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã giảm đi đáng kể (11 tháng năm 2019, Trung Quốc chỉ còn chiếm 65,7% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam so với mức 74,2% của 11 tháng năm 2018).

Đây là cơ sở quan trọng để tin rằng xuất khẩu rau quả sẽ hồi phục sau một năm tăng trưởng âm. Bởi nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ rau quả ở nhiều thị trường vẫn đang rất lớn. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2013 - 2018, tổng lượng và giá trị nhập khẩu trái cây của EU tăng lần lượt 24 và 30%. Năm 2018, tổng giá trị nhập khẩu trái cây tươi của EU là hơn 20 tỷ euro.

Trong khi đó, dù đang tăng trưởng tốt nhưng thị phần của Việt Nam ở nhiều thị trường quan trọng còn khá khiêm tốn. Chẳng hạn, theo Eurostat, trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam chỉ chiếm 0,5% tổng lượng nhập khẩu của EU đối với trái cây mã HS 080450 (quả me, quả táo, hạt điều, vải thiều, mít, mận, quả hồng xiêm, chanh leo, khế và thanh long) và 081090 (quả ổi, quả xoài, măng cụt).

Việc thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, mà theo cam kết thuế quan của các nước dành cho Việt Nam, phần lớn các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến được xóa bỏ thuế hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực, sẽ tạo cơ hội cho rau quả Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở nhiều thị trường quan trọng.

Xuất khẩu rau quả sang các thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu lớn, sự gần gũi về địa lý, thuế hầu hết đã về 0% theo các hiệp định ATIGA, VKFTA và VJFTA.

Với thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc, Bộ Công Thương dự báo rằng, trong năm 2020 xuất khẩu hàng rau quả sẽ từng bước ổn định hơn do các doanh nghiệp đã dần quen với các quy định mới trong nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc. 

Thị trường nước ép trái cây và rau quả tăng trưởng do nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm lành mạnh, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Nước ép lạnh ngày càng phổ biến là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường nước ép trên toàn thế giới. Châu Âu hiện là thị trường tiêu thụ nước ép trái cây và rau quả nhiều nhất thế giới, còn Trung Đông và châu Phi là thị trường tăng trưởng nhanh nhất. Bởi mức tiêu thụ trung bình nước ép trái cây và rau quả mỗi người ở khu vực Trung Đông và châu Phi hiện đang thấp hơn so với các khu vực phát triển. Ở khu vực này đang nổi lên xu hướng tăng tiêu thụ nước ép trái cây và rau quả lành mạnh thay vì nước tăng lực có ga.

Nhập khẩu rau quả của Trung Quốc vẫn đang tăng mạnh, nhất là trái cây tươi, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường nội địa.

Theo Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Thực phẩm, sản phẩm tự nhiên và phụ phẩm vật nuôi Trung Quốc (CFNA), trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu trái cây tươi của Trung Quốc đạt 5,11 triệu tấn, trị giá 7,32 tỷ USD, tăng tới 35% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Điều đáng chú ý là trong khi nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đang tăng mạnh thì xuất khẩu trái cây của nước này đang suy giảm.

Điều đó cho thấy, nhu cầu tăng cao ở thị trường nội địa đã khiến cho một lượng không nhỏ trái cây của nước này, vốn trước đây dành cho xuất khẩu, giờ đã được đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Như vậy càng thấy rõ thêm về sư gia tăng của nhu cầu tiêu thụ trái cây ở Trung Quốc hiện nay và trong những năm tới.

Bên cạnh việc xuất khẩu trái cây tươi, ngành rau quả Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến, nhất là nước ép, vì quy mô thị trường rất lớn. Theo Mordorintelligence.com, thị trường nước ép trái cây và rau quả thế giới có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,17%/năm trong giai đoạn 2019-2024 và dự báo đạt 174 tỷ USD vào năm 2024.  

Hạt điều hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD

Năm 2019, do giá nhân điều xuất khẩu giảm mạnh, nên giá trị xuất khẩu điều giảm so với 2018. Tuy nhiên, năm 2019, xuất khẩu điều đã ghi nhận một kỷ lục mới về lượng khi hết tháng 11, đã xuất khẩu được 413.373 tấn, tăng tới 21,8% so với cùng kỳ 2018.

Đây là lần đầu tiên, lượng nhân điều xuất khẩu vượt mốc 400.000 tấn. Điều này cho thấy, nhân điều Việt Nam tiếp tục được ưa chuộng trên thị trường thế giới.

Theo nhận định của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2020, sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường đối với ngành điều. Trước hết, là những diễn biến phức tạp của kinh tế quốc tế.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn, tác động không nhỏ tới xuất khẩu nhân điều Việt Nam. Những chính sách bảo hộ của các nước liên quan đến cả điều thô và điều nhân cùng những diễn biến trên thị trường hạt điều toàn cầu.

Tuy nhiên, Vinacas vẫn tự tin hướng tới mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đó, Vinacas khuyến nghị các doanh nghiệp “giảm lượng, tăng chất” trong nhập khẩu điều thô, nhằm nâng cao chất lượng điều nhân và hiệu quả chế biến.

Các doanh nghiệp chế biến lớn phối hợp và chủ động trong kinh doanh để cơ bản giúp ngành điều làm chủ nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh cải tiến máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực, hiệu quả chế biến, nhất là chế biến sâu và đa dạng sản phẩm chế biến từ hạt điều, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo NNVN


Tin khác