Được phép xuất gạo, doanh nghiệp sẽ mua lúa giá cao

13/04/2020

Quyết định của Thủ tướng cho phép xuất khẩu gạo trở lại rất phù hợp với nguyện vọng của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nhất là DN ở ĐBSCL.

Theo các DN, bán gạo vào thời điểm hiện tại sẽ được giá, như thế DN sẽ có tiền tiếp tục mua lúa giá cao cho nông dân. Ảnh: CẢNH KỲ

Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép xuất khẩu (XK) 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020. Còn phương án điều hành trong tháng 5/2020, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ báo cáo Thủ tướng quyết định trước ngày 25/4.

Ngay trong ngày 10/4, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch XK đối với gạo trong tháng 4/2020, với số lượng 400.000 tấn.

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Ngọc Quang Phát (Cần Thơ) cho biết, trung bình mỗi tháng Việt Nam XK 500.000-600.000 tấn gạo, nếu tính cả phần chừa lại dự trữ trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì hạn ngạch cho phép XK trong tháng 4 (400.000 tấn) là phù hợp. 

“Hiện nay, giá gạo đang ở mức cao, DN xuất được thì cũng sẽ có tiền mua được lúa với giá cao cho nông dân, khi mà vụ Hè Thu cũng gần đến thu hoạch. Đây là thời điểm vàng để chúng ta bán gạo, nếu để trôi qua, giá gạo xuống trở lại thì sẽ rất khó khăn”, bà Huyền nhận định.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, đây là quyết định rất kịp thời và vui mừng cho DN, làm cho ngành hàng lúa gạo không mất cả ngàn tỷ đồng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các DN hoạt động trong ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nhất là ở ĐBSCL. 

Với hạn ngạch được phép XK 400.000 tấn trong tháng 4 và dự kiến thêm 400.000 tấn trong tháng 5, theo ông Bình, đây là sự thận trọng rất phù hợp, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

“Trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt thì việc XK gạo theo quyết định của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý, giúp giải quyết được mọi vấn đề. Nếu có tình huống xấu xảy ra thì Việt Nam vẫn giữ được an ninh lương thực quốc gia, mặt khác vẫn đảm bảo cho các DN hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Bình nói.

Trước đó, nhiều DN kinh doanh XK gạo tại ĐBSCL tỏ ra rất lo lắng vì lượng hàng bị "mắc kẹt" ở cảng, hằng ngày, DN phải chịu các chi phí phát sinh. 

Các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và DN trong giai đoạn khó khăn này. Theo chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, lâu nay chúng ta kêu gọi xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam, mà thương hiệu không chỉ là chất lượng hạt gạo mà còn là uy tín của các DN kinh doanh XK mặt hàng này.

Ở một diễn biến khác, trong văn bản (hỏa tốc) gửi Bộ Công Thương ngày 10/4 về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành XK gạo, Bộ Tài chính cho biết Tổng cục Dự trữ nhà nước đã đấu thầu và trúng thầu 178.000/190.000 tấn gạo kế hoạch mua dự trữ năm 2020. 

Tuy nhiên, đến nay có rất nhiều DN đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng đã có văn bản từ chối kí hợp đồng.

Theo Tiền Phong


Tin khác