Lạm phát tăng, tăng trưởng kinh tế sụt giảm diễn ra ở nhiều quốc gia nhưng tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam vẫn được duy trì ổn định trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraina

19/12/2023

Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền đông Ukraine, khơi mào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cuộc xung đột đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới tình hình kinh tế, chính trị và xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng diễn ra liên tục. Hoạt động thương mại bị gián đoán. Thiếu hụt nguồn cung nguyên và nhiên liệu diễn ra ở phạm vi rộng. Giá nhiên liệu và nguyên liệu cũng như hàng hóa tăng mạnh. Các diễn biến này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lạm phát và tăng trưởng của nhiều quốc gia trong năm 2022.

 

Lạm phát tăng nhanh ở nhiều quốc gia

Đứt gãy các chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm tăng giá nhiều loại nguyên liệu và hàng hóa đầu vào cơ bản cho sản xuất, dẫn đến lạm phát do chi phí đẩy. Mặt khác, hệ quả của các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia đã thực hiện nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra cũng làm cho lạm phát tăng. Thêm vào đó, một trong những lý do khiến lạm phát toàn cầu tăng vọt, trước cả cú sốc giá năng lượng, là nhu cầu hàng tiêu dùng của Mỹ phục hồi mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa toàn cầu, tác động lan tỏa đến các nước khác trên thế giới. Khi các hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng và loại bỏ hầu hết từ năm 2021 hoặc đầu năm 2022, nhu cầu về các dịch vụ (tiếp xúc trực tiếp) cũng đã được nối lại Sandbu (2022). Những diễn biến này đang gây áp lực lên các mức giá hàng hóa và dịch vụ khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu.

Hầu hết các nước có công bố mức lạm phát mục tiêu đều ghi nhận tỷ lệ lạm phát thực tế đã vượt mốc kế hoạch do ngân hàng trung ương đặt ra. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản đối mặt với mức lạm phát tăng cao trong năm 2022. Lạm phát tháng 6/2022 ở Mỹ đạt 9,1% – mức cao nhất từ năm 1982. Tương tự, lạm phát khu vực Eurozone cũng lập kỷ lục vào tháng 10/2022 ở mức 10,7% – cao nhất kể từ năm 1997. Lạm phát tại Anh và Nhật Bản cũng lập đỉnh trong tháng 10/2022. Cuộc xung đột làm tăng giá cả, khiến lạm phát toàn cầu tăng 1,3 điểm phần trăm vào nửa cuối năm 2022, sau đó các tác động bắt đầu giảm dần. Tính chung cả năm 2022, có tới hơn 43% số quốc gia trên thế giới ghi nhận lạm phát ở hai chữ số, lạm phát toàn cầu khoảng 9% - mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Hình 1: Tỷ lệ lạm phát của một số nước trên thế giới 2000 - 2022

Nguồn: IMF, 2023 (www.imf.org).

Trước tình hình này, ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia trên thế giới đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát. Năm 2022 đã chứng kiến 305 lượt tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương. Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có phản ứng mạnh mẽ nhất với việc tăng lãi suất liên tục. Kể từ tháng 3/2022 đến tháng 01/2023, Cục dự trữ Liên Bang Mỹ đã có 8 lần tăng lãi suất cơ bản liên tiếp khiến cho mức lãi suất tham chiếu từ 0,25% tăng lên tới 4,75%. Lãi suất ở mức cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đầu tư của doanh nghiệp, dẫn đến triển vọng ảm đạm của kinh tế thế giới từ giai đoạn cuối năm 2022. Ở nhiều nước đang phát triển với nợ nước ngoài lớn, lãi suất cao đã dẫn tới khủng hoảng nợ công. Tháng 5/2022, Sri Lanka lần đầu vỡ nợ.

Tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia suy giảm

Sau giai đoạn tăng trưởng kinh tế bùng nổ của năm 2021, nhờ có các chính sách mở cửa sau đại dịch COVID-19 cùng với các gói kích cầu kinh tế thì đến năm 2022 nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế chính trị. Trong đó, Hoa Kỳ giảm tốc độ tăng trưởng, chỉ đạt 2,1% so với mức 5,9% của năm 2021 do suy giảm trong xuất khẩu, chi tiêu cho tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu của nhà nước. Nền kinh tế Trung Quốc năm 2022 tăng trưởng 3%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu kỳ vọng 5,5%. Ở góc độ tích cực hơn một chút, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất lợi, một số nền kinh tế như EU, Nhật Bản, ASEAN vẫn đạt mức tăng trưởng cao hơn dự báo. Trong đó, EU vẫn đạt được mức tăng trưởng 3,3% vào năm 2022, cao hơn mức dự báo là 2,7%. Các quốc gia trong khu vực ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan đều phục hồi tăng trưởng so với năm 2021, lần lượt đạt 8,7%; 5,31%; 7,6%; 2,6%. Riêng chỉ Singapore có dấu hiệu chậm lại khi tốc độ tăng trưởng năm 2022 chỉ đạt 3,6%, giảm từ mức 8,9% của năm 2021 do giảm sút trong lĩnh vực sản xuất.

Hình 2: Tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia (% thay đổi so với năm trước)

Nguồn: IMF, 2023.

Tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam vẫn được duy trì ổn định

Với ngành nông nghiệp, sau thời gian phục hồi năm 2021, tăng trưởng nông nghiệp của nhiều quốc gia sụt giảm mạnh trong năm 2022. Bên cạnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cả ngyên liệu duy trì ở mức cao, xung đột Nga -Ukraine đã làm cho giá cả nguyên liệu đầu vào và năng lượng tăng cao hơn. Giá lương thực tăng vọt và thương mại tiếp tục bị gián đoạn. Sức tiêu thụ của nhiều nước đối với lương thực, thực phẩm bị sụt giảm, thương mại nông sản bị hạn chế đã ảnh hưởng đến các kết quả tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tăng trưởng GDP nông nghiệp của EU, Philippine ở mức âm, lần lượt là - 1,1% và - 0,5% trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của Trung Quốc là  4,1% năm 2022, giảm thấp so với 2021 (7,1%).

Hình 3: Tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 2010-2022 (%)

A graph of different colored linesDescription automatically generated

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2023.

Tại Việt Nam, nhờ các nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn ở mức cao. Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh nhiều rủi ro và thách thức. Năm 2022, tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp tăng cao nhất trong những năm gần đây, đạt 3,36% (lĩnh vực nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%), cao hơn so với tốc độ tăng của 3 năm trước (năm 2019 tăng 2,67%, 2020 tăng 3,04%, 2021 tăng 3,27%). Tương tự, Thái Lan vẫn đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm 2022.

Như vậy có thể thấy rằng, nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ vững chắc khi kinh tế trong nước cũng như thế giới rơi vào hay chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng. Nói cách khác, nông nghiệp đã góp phần kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi và ổn định. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng theo để Việt Nam phát triển và duy trì tăng trưởng tích cưc, do đó cần có chính sách quan tâm hỗ  trợ thỏa đang để nông nghiệp giữ vững vai trò này.

Bùi Thị Việt Anh và Phạm Kiều Hạnh – Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp

 

 


Tin khác