Tiêu thụ lúa hè thu, nỗi lo lại tiếp diễn

07/05/2013

Vụ lúa hè thu ở ĐBSCL vẫn đang trong quá trình xuống giống, nhưng đã bắt đầu cho thu hoạch trên những trà lúa sớm. Dù diện tích thu hoạch chưa nhiều nhung nỗi lo tiêu thụ lúa đã bắt đầu hiển hiện.

Vết xe đổ
Theo Cục Trồng trọt, đến đầu tháng 5, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống vụ Hè thu được 1,05 triệu ha trên tổng diện tích kế hoạch là 1,6 triệu ha. Trong đó, có khoảng 100 ngàn ha lúa Hè thu sớm đã được thu hoạch. Phải hơn 1 tháng nữa, lúa Hè thu ở ĐBSCL mới bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, đã có những lo lắng lớn liên quan tới việc tiêu thụ lúa Hè thu.
Nguyên nhân trước hết là tình trạng gạo từ vụ Đông xuân hãy còn chất đầy trong kho của nhiều DN. Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các DN là thành viên của Hiệp hội này đang tồn kho tới 1,972 triệu tấn gạo.
Dù đến hết tháng 4, lượng gạo đã ký hợp đồng XK là 4,231 triệu tấn, trong đó 2,08 triệu tấn sẽ thực hiện giao hàng từ tháng 5 trở đi, tức là lượng hợp đồng còn phải thực hiện đang cao hơn một chút so với lượng gạo tồn kho, nhưng nếu xét trên tình hình giao nhận gạo XK giữa DN Việt Nam với khách hàng hiện nay, thì lại là mối lo không nhỏ.
Trước hết, đó là tình trạng bị khách hàng nước ngoài hủy các hợp đồng đã ký kết. Ông Huệ cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 280 ngàn tấn gạo bị khách hàng nước ngoài hủy hợp đồng. Khách hàng hủy mạnh nhất là Trung Quốc với 141 ngàn tấn, tiếp đó là châu Phi 52 ngàn tấn và Philippines 39 ngàn tấn.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL
 
Nguyên nhân khiến khách hàng nước ngoài hủy nhiều hợp đồng là do giá gạo trên thị trường, nhất là gạo Việt Nam, liên tục sụt giảm, ảnh hưởng tới những hợp đồng đã ký trước với giá cao hơn. Vì thế, nhiều khách hàng đã không ngần ngại hủy hợp đồng cũ để chờ giá gạo giảm thêm rồi mới ký những hợp đồng mới.
Bên cạnh đó, việc Myanmar đẩy mạnh XK gạo với khối lượng không nhỏ mà giá rẻ hơn nhiều so với gạo cùng loại của Việt Nam (dù gạo Việt Nam hiện đang ở mức thấp nhất trong những nước XK chính), cũng khiến cho không ít khách hàng từ Trung Quốc hủy hợp đồng đã ký với DN Việt Nam để chuyển sang mua gạo Myanmar.
Những yếu tố nói trên cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện giao hàng 2,08 triệu tấn gạo đã ký từ tháng 5 trở đi và ký kết thêm những hợp đồng thương mại mới. Bởi hiện tại, các khách hàng Trung Quốc đang mua chậm lại và trì hoãn nhận hàng do họ đã ký nhiều mà giá lại đang giảm. Ông Huệ thừa nhận: “Tuy giá gạo Việt Nam đang thấp hơn giá gạo thế giới nhiều, nhưng khách hàng ngại mua vì giá không ổn định. Họ sợ rủi ro vì vừa ký xong giá lại giảm giá tiếp”.
 Xem ra, trong việc này, ngành gạo đang đi vào “vết xe đổ” mà ngành hàng cá tra đã từng gặp phải cách đây chưa lâu. Khi ấy, cũng do giá cá tra Việt Nam liên tục giảm, hôm sau giá thấp hơn hôm trước, khiến cho nhiều khách hàng Âu, Mỹ phải ngưng mua vì sợ ký hợp đồng hôm nay thì hôm sau thành ra lỗ về giá do giá cá đã giảm xuống.
Đưa tạm trữ về các tỉnh
Nhìn chung, nhu cầu trên thị trường gạo thế giới hiện nay đang ở mức khá yếu, trong khi đó, nguồn cung lại khá dư thừa ở các nước XK. Chính vì thế, việc còn tồn tới gần 2 triệu tấn gạo Đông xuân trong kho của các DN thành viên VFA (nếu tính cả các DN ngoài VFA, các nhà máy xay xát, lượng gạo tồn kho còn cao hơn nhiều), đang tạo nên áp lực lớn cho việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ Hè thu.
Ông Nguyễn Văn Tiến, TGĐ Cty Angimex cho rằng, áp lực lớn nhất hiện nay là giải quyết lượng gạo tồn kho từ chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ Đông xuân vừa rồi. Bởi nếu không giải quyết được thì vụ sau không biết DN có dám tạm trữ nữa không.
 Nhưng với giá gạo XK hiện nay (chỉ còn 380 USD/tấn với gạo 5% tấm và 355 USD/tấn với gạo 25% tấm), nếu bán ra, các DN cầm chắc lỗ. Ông Tiến than: “Bán ra thì lỗ. Không bán thì cũng mệt mỏi với gạo tồn kho”.
Giá gạo XK và giá lúa gạo hàng hóa trong nước hiện đã giảm nhiều cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ lúa Hè thu. Trong tháng 4 vừa rồi, giá giao dịch gạo XK của Việt Nam đã giảm tới 10-15 USD/tấn do nhu cầu yếu, trong khi nhiều DN đẩy mạnh bán ra với giá thấp để quay vòng vốn.
Đến ngày 3/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam kém gạo cùng loại của Ấn Độ và Pakistan tới lần lượt là 65 USD/tấn và 45 USD/tấn. Khoảng cách giữa gạo 25% tấm của Việt Nam với gạo cùng loại của 2 nước nói trên tuy có ít hơn nhưng cũng ở mức 35 USD và 25 USD/tấn.
Bộ Công thương vừa có văn bản gửi VFA, đề nghị Hiệp hội này xác minh, làm rõ những thông tin về việc giá gạo XK Việt Nam giảm mạnh và hiện tượng XK gạo thơm không đảm bảo chất lượng (Báo NNVN đã phản ánh), đồng thời có kiến nghị với các cơ quan quản lý những giải pháp cụ thể để chấn chỉnh tình trạng này.
Bộ Công thương cũng yêu cầu VFA: Tăng cường công tác kiểm tra việc đăng ký hợp đồng XK, giá XK phù hợp với giá sàn được công bố; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi gian lận giá, vi phạm giá sàn gạo XK...
Còn ở trong nước, giá lúa khô hồi cuối tháng 3 ở mức bình quân 5.452 đ/kg với lúa hạt dài và 5.269 đ/kg với lúa thường, thì đến cuối tháng 4 chỉ còn tương ứng là 5.291 đ/kg và 5.138 đ/kg. Đã thế, việc nhiều nông dân tiếp tục gieo trồng giống IR50404 trong vụ Hè thu cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới giá lúa hàng hóa vụ này...
Để giải bài toán tiêu thụ lúa Hè thu, ngoài nỗ lực cố gắng khai thác mở rộng thị trường của các DN, việc thu mua tạm trữ sớm được tính đến. Nhưng nếu như trước đây, VFA và các DN đều muốn làm, thì lần này, họ lại muốn đưa về cho các địa phương. Đây cũng chính là mong muốn của các tỉnh ĐBSCL sau những tranh cãi về hiệu quả trong những lần tạm trữ trước đây.
Vì thế, VFA đã thống nhất sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT và các địa phương thực hiện thu mua tạm trữ lúa từ vụ Hè thu này.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Tin khác