Quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón: Phải từ gốc

04/09/2013

Phân bón là loại hàng hoá đặc thù, có nhiều điểm khác biệt với các loại hàng hoá khác. Nó là thức ăn, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, làm tăng độ màu mỡ của đất nhưng cũng có thể gây tác động xấu tới môi trường. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải đưa phân bón vào nhóm mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tình hình vi phạm phức tạp
Hiện, tổng nhu cầu phân bón của nước ta là 10,275 triệu tấn/năm, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia sản xuất các loại phân urê, lân, DAP, NPK, chưa kể còn có hàng chục ngàn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Cũng vì là mặt hàng kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn nên tình hình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm không chỉ nhỏ lẻ mà còn có những vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài. 
Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, các ngành chức năng đã kiểm tra 5.372 vụ; xử lý 1.390 vụ với tổng số tiền thu phạt hơn 17,2 tỷ đồng; tịch thu 917 tấn phân bón các loại; trong đó có không ít vụ việc, phân bón giả, kém chất lượng bị thu giữ có số lượng lớn như Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình kiểm tra, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an khởi tố vụ kinh doanh 36 tấn phân bón giả; Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp với lực lượng công an phát hiện, xử lý 2 vụ vận chuyển 225 tấn phân DAP do Trung Quốc sản xuất không đảm bảo chất lượng.
Điều đáng báo động là, chất lượng của nhiều loại phân bón không đảm bảo mà đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất là nông dân. Năm 2010, kiểm tra 23 đơn vị kinh doanh phân bón, phân tích 55 mẫu phân bón thấy, có 64,3% mẫu không đạt các yếu tố đa lượng (N, P, K), trong đó 9,5% mẫu không đạt cả 3 chỉ tiêu; tỷ lệ mẫu không đạt so với công bố về đạm tổng số là 41,7%, lân dễ tiêu 34,4% và ka li hữu hiệu 33,3%; có trên 30% mẫu vi phạm thiếu trung lượng.
Năm 2011, kiểm tra 18 đơn vị sản xuất và 7 đơn vị kinh doanh, lấy 100 mẫu, kết quả kiểm tra có tỷ lệ mẫu không đạt so với công bố áp dụng là 46,7% về hàm lượng hữu cơ; 46,6% về hàm lượng đạm tổng số; 33,3% về hàm lượng lân dễ tiêu; 42,6% về hàm lượng kali dễ tiêu; đặc biệt có tới 41,8% số mẫu được phân tích cho kết quả có vi phạm cả ba yếu tố NPK...
Kết quả kiểm tra, phân loại các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón theo Thông tư số 14/2011/TT- BNNPTNT thấy, trong số 1.466 cơ sở được kiểm tra đánh giá lần đầu: loại A có 220 cơ sở (21,1%), loại B có 636 cơ sở (61%), loại C có 187 cơ sở (17,9%); tái kiểm tra định kỳ kiểm tra 7 cơ sở: lên loại B có 2 cơ sở (28,6%), loại C có 5 cơ sở (61,4%), như vậy, các đơn vị không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh có tỷ lệ khá cao.
Để xảy ra tình trạng này, TS. Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân là do nước ta có đường biên giới trên bộ rất dài, địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, đường tắt qua lại biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi buôn lậu phân bón qua biên giới. Các rào cản thương mại dần được dỡ bỏ, điều kiện lưu thông hàng hoá ngày càng cải thiện, lượng hàng hoá lưu thông ngày càng phong phú về chủng loại tạo thuận lợi cho sản xuất phân bón giả, kém chất lượng... có đất phát triển. Hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại còn chưa hoàn chỉnh, dễ bị lợi dụng. Nhận thức về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tuy đã nâng lên song có lúc, có nơi chưa được quán triệt đầy đủ và thống nhất giữa các ngành, địa phương; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng kiểm tra, kiểm soát ở một số đơn vị, địa phương, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa được đào tạo chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng; trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ vừa thiếu, vừa lạc hậu; kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thói quen của một bộ phận người dân ở địa bàn nông thôn quan tâm chủ yếu đến yếu tố giá, mẫu mã hàng hóa, nên vô tình tạo nhu cầu cho buôn bán phân bón nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng.
Đến thời điểm hiện nay, tổng năng lực phân bón hóa học sản xuất trong nước đạt khoảng trên 8 triệu tấn/năm, đáp ứng trên 80% nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó, công suất sản xuất phân lân bình quân 2 triệu tấn/năm; urê khoảng 2,2 triệu tấn, đáp ứng được 100% nhu cầu trong nước và bắt đầu cho phép xuất khẩu vào những thời điểm thích hợp.
Đối với phân DAP, hiện Nhà máy sản xuất DAP số 1 tại Hải Phòng có công suất thiết kế 330.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động, đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu trong nước; Nhà máy DAP số 2 với công suất 330.000 tấn/năm tại Lào Cai cũng đang được triển khai xây dựng, dự kiến năm 2014 đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng khoảng 80% nhu cầu trong nước.
Đối với phân NPK, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước hiện đạt khoảng 3 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Mới quản lý “ngọn” 
Theo ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, chúng ta vẫn quản lý phân bón theo danh mục với hơn 5.000 chủng loại. Để đưa được 1 loại phân bón vào danh mục cần phải qua 13 thủ tục hành chính. Đây là kiểu quản lý từ “ngọn”, không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của thực tế sản xuất. 
“Để hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, cần phải quản lý theo các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tức là quản lý từ gốc”, ông Định nói.
Đó là chưa kể, hiện nay có tới 2 bộ cùng tham gia quản lý nhà nước về phân bón gồm: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, tuy nhiên chưa phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ thống nhất quản lý phân bón. Do vậy, chưa có cơ quan nào thực sự nắm vững về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón; việc quản lý còn phân tán và có phần chồng chéo. Ở địa phương, cơ quan quản lý chất lượng phân bón không đồng nhất giữa các địa phương, có nơi giao cho phòng trồng trọt hoặc phòng kỹ thuật thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý, có nơi lại giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Quản lý chất lượng quản lý... Hầu hết các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý phân bón, đội ngũ cán bộ tham gia quản lý phân bón thiếu chuyên môn, thường xuyên bị thay đổi, thiếu trang thiết bị, kinh phí phân tích chất lượng phân bón. 
Vì vậy, ông Định kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định mới về quản lý phân bón thay thế cho Nghị định số 113/2003/NĐ-CP và Nghị định số 191/2007/NĐ-CP nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc về quản lý phân bón; chỉnh sửa lại Nghị định xử phạt về lĩnh vực phân bón. Công tác quản lý nhà nước về phân bón cần tập trung vào một đầu mối. Tăng cường cơ sở vật chất và nhân sự để có đủ năng lực tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng; khâu nối các phòng thí nghiệm phân tích chuyên ngành tham gia vào việc phân tích nhanh, chính xác các mẫu phân bón cần kiểm tra; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện và tham mưu cho bộ và Chính phủ nhanh chóng đưa ra các cơ chế, chính sách, các giải pháp quản lý phù hợp với từng giai đoạn. Chính quyền địa phương cần tổ chức thống nhất đầu mối quản lý phân bón ở địa phương, bổ sung cán bộ chuyên trách, tăng cường trang thiết bị, kinh phí cho quản lý phân bón, cần phân cấp triệt để cho các cấp huyện, thị xã để tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng phân bón. Đề nghị bố trí kinh phí cho công tác kiểm tra, lấy mẫu, phân tích mẫu đánh giá chất lượng phân bón, đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ, hội thảo về chất lượng phân bón. 
“Hiện nay, hệ thống phòng phân tích chất lượng phân bón còn rất mỏng, do vậy khi kiểm tra phân tích mẫu phân bón thường phải mất thời gian rất lâu (thông thường khoảng 1 tháng) mới cho kết quả kiểm tra, gây khó khăn cho việc xử phạt, xử lý vi phạm chất lượng. Do vậy cần tổ chức hệ thống phân tích chất lượng phân bón theo hình thức xã hội hoá, mở rộng cho tất cả các đối tượng có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và con người cùng tham gia. Thực hiện việc công nhận và chỉ định các phòng thí nghiệm phân tích, các tổ chức chứng nhận chất lượng có đủ điều kiện trên phạm vi toàn quốc, cho từng vùng kinh tế để đảm bảo nhanh chóng có được kết quả phân tích mẫu phục vụ kịp thời công tác đánh giá chất lượng, cho việc xử lý các vi phạm về chất lượng. Cần đầu tư trọng điểm cho một số phòng thí nghiệm phân tích của một số vùng kinh tế chính trên phạm vi cả nước”, ông Định nói.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2013/8/43081.html


Tin khác