Nỗi lo mùa mía mới

04/09/2013

Còn chưa đầy tháng nữa, người dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) sẽ thu hoạch hơn 9.000ha mía (niên vụ 2013-2014). Tuy nhiên, điều bà con lo lắng trong nhiều năm qua là vấn đề giá cả cũng như thời gian cụ thể bắt đầu vào vụ ép của các nhà máy đường.

Lo giá mía thấp
Vụ mía năm nay, các nhà máy đường trên địa bàn Hậu Giang đều đưa ra mức giá ký hợp đồng bao tiêu với người dân là 830 đồng/kg mía 10CCS tại cầu cảng nhà máy - xí nghiệp, giảm 70 đồng/kg so với vụ trước. Mức giá này khiến người trồng mía lo lắng về một mùa “mía đắng” có thể xảy ra. 
Ông Trương Văn Cứ ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng cho biết: “Với giá bao tiêu như thế thì vụ mía năm nay, mức lợi nhuận của người dân rất thấp, khả năng không đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình và tái đầu tư cho mùa vụ sau. Bởi đây chỉ là mức giá mà các nhà máy đường đưa ra khi nông dân trực tiếp bán mía cho nhà máy và mía phải đạt 10CCS. Nhưng trên thực tế, có được mấy hộ vận chuyển mía đến nhà máy mà chủ yếu bán thông qua thương lái, còn đạt chữ đường 10CCS thì thật khó khăn. Qua nhiều năm bán mía thấy, giá mía bán tại ruộng luôn thấp hơn giá sàn từ 50-80 đồng/kg. Như vậy, căn cứ theo mức giá nhà máy đường đưa ra thì vụ mía này, bà con chỉ có thể bán được giá 730-750 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất đã lên đến 700 đồng/kg”.
Cùng chung nỗi lo trên, ông Nguyễn Văn Tùng ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương bộc bạch: “Tuy vụ mía năm nay, tiền mua hom giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và mướn nhân công chăm sóc đầu vụ không cao hơn so với cùng kỳ nhưng tính ra giá thành sản xuất cũng không dưới 700 đồng/kg. Như vậy, với giá bao tiêu 830 đồng/kg thì coi như người trồng mía khó có lợi nhuận, vì từ trước tới giờ ít ai bán được bằng hoặc cao hơn giá bao tiêu”. Ông Tùng nhẩm tính, nếu giá thành sản xuất 700 đồng/kg, năng suất mía trung bình 13 tấn/công (1.000m2), thì 1ha nông dân phải đầu tư khoảng 90 triệu đồng. Khi thu hoạch mía, nếu bán được giá 780 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng/ha (tính luôn công nhà), còn trừ công nhà thì đạt khoảng 20 triệu đồng/ha. Với 20 triệu đồng này, đem chia đều cho cả năm thì đời sống người dân rất khó khăn. 
Chưa thống nhất ngày vào vụ
Nhiều năm qua, việc không thống nhất ngày vào vụ ép luôn là đề tài nóng được các nhà máy đường đưa ra tranh luận mỗi khi vụ sản xuất mía chuẩn bị bắt đầu. Theo Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), năm nay đơn vị dự kiến bắt đầu vào vụ ép từ ngày 15 đến 25/9. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Casuco cho biết: “Qua kinh nghiệm sản xuất nhiều năm và theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian thu hoạch và sản xuất tối thiểu khi mía phải từ 9 tháng tuổi trở lên. Nếu thu hoạch sớm hơn, mía còn non, chữ đường thấp, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và nông dân. Ngoài ra, căn cứ vào kết quả điều tra thời gian sinh trưởng của cây mía trên địa bàn tỉnh mà công ty đưa ra thời gian dự kiến vào vụ ép, riêng trường hợp lũ về sớm thì đơn vị chạy sớm hơn”.
Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Casuco Nguyễn Thành Long cho biết: Sở dĩ giá hợp đồng bao tiêu mía cho người dân năm nay thấp hơn cùng kỳ là do, giá đường trên thị trường luôn tuột giảm, việc tiêu thụ đường của các doanh nghiệp vô cùng khó khăn và đang còn tồn kho một số lượng lớn. Nguyên nhân chính là do đường lậu từ Thái Lan đưa sang. Theo dự báo, trong thời gian tới đây, giá đường trên thị trường có khả năng không hơn 14.000 đồng/kg, đây là mức giá gần tương đương so với giá thành sản xuất tại nhà máy. Trong khi, giá đường là một yếu tố quan trọng quyết định đến giá thu mua mía nguyên liệu cao hay thấp.
Không giống với Casuco, Công ty cổ phần Mía đường cồn Long Mỹ Phát lại đưa ra ngày dự kiến vào vụ ép sớm hơn khoảng nửa tháng, tức từ ngày 5 đến 15/9. Bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc Công ty lý giải: “Hiện tại, các vùng mía của đơn vị được UBND tỉnh phân bổ chủ yếu nằm ở vùng trũng, thấp và thường xuyên bị ngập sâu khi lũ về. Để hạn chế thiệt hại do lũ gây ra cho nông dân, công ty lên lịch chạy sớm trước khi lũ về”.
Đến thời điểm này, việc chưa thống nhất ngày vào vụ ép không chỉ gây khó khăn cho các nhà máy đường mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý của ngành chức năng. Ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng cho rằng: “Việc nhà máy đường đợi mía có đủ chữ đường mới vào vụ ép và tiêu thụ mía cho dân, bên cạnh mặt lợi cũng kèm theo cái hại. Cụ thể, thu hoạch cùng một lúc dẫn đến mía thường bị ứ đọng tại nhà máy đường, người dân thiếu nhân công đốn mía dẫn đến giá liên tục tăng,… Trong khi cơ cấu giống mía hiện nay rất đa dạng, nhà máy có thể xem xét mua những giống chín sớm để giãn vụ. Hiện tại, tuy địa phương đã được UBND tỉnh đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê bao chống lũ (giai đoạn 1), với diện tích 1.212ha/1.800ha mía của xã nhưng trước tình hình giá mía thấp, việc vận động người dân bơm nước nhằm kéo dài thời gian sinh trưởng cho cây mía sẽ khó khăn. Vì càng bơm nông dân càng lỗ do tốn tiền xăng, dầu, nhưng giá mía không cải thiện, đặc biệt ai cũng muốn bán sớm để sạ lại vụ lúa liếp”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho hay: Đầu tháng 9, Sở và UBND tỉnh sẽ có buổi làm việc với các nhà máy đường trên địa bàn để thống nhất ngày vào vụ ép, đồng thời đề nghị nhà máy đường xem xét đưa ra giá thu mua mía nguyên liệu trong dân tốt hơn, cố gắng giúp bà con có được lợi nhuận để an tâm bám với cây mía… 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2013/9/43221.html


Tin khác