Đây là chứng nhận quốc tế thứ 2 và là chứng nhận BAP đầu tiên của Việt Nam được trao cho vùng chuyên canh tôm lúa ở tỉnh Cà Mau.
Đại diện tổ chức BUREAU VERITAS tại Việt Nam trao giấy chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất) cho Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú. Ảnh: Trọng Linh.
Chứng nhận quốc tế thứ 2 cho vùng chuyên canh lúa - tôm
Vừa qua, UBND huyện Thới Bình (Cà Mau) phối hợp với Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú và Tổ chức GIZ tổ chức Hội nghị “Hội nghị Tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chứng nhận BAP mô hình Tôm - Lúa tại xã Biển Bạch Đông”. Tại đây, tổ chức BUREAU VERITAS tại Việt Nam trao giấy chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất) của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu (GAA) cho vùng chuyên canh lúa - tôm của tỉnh Cà Mau.
Đây là chứng nhận quốc tế thứ 2 (sau ASC được công nhận vào tháng 10/2022) và là Chứng nhận BAP đầu tiên của Việt Nam được trao cho vùng chuyên canh tôm - lúa ở tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Hoàng Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau chia sẻ: Thới Bình có tiềm năng lớn để phát triển mô hình lúa - tôm, nổi bật là mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh và lúa - tôm sú, được đánh giá thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu và góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Mô hình tôm lúa trong những năm qua đã mang lại nhiều giá trị cho nông dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.
"Thời gian qua, huyện Thới Bình cũng đã quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai nhiều mô hình về lúa sạch, lúa hữu cơ và nuôi tôm theo hướng VietGAP trên địa bàn xã nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết vào chuỗi giá trị lúa - tôm trên địa bàn. Kết quả đã có Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với địa phương, cùng các hợp tác xã Bông Vàng, Hòa Phát, Dân Phát... và hộ dân xây dựng và thực hiện mô hình nuôi lúa - tôm theo chứng nhận BAP.
Với nhiều nỗ lực của các bên liên quan, ngày 31/7/2024, đơn vị đánh giá Chứng nhận BAP (Bureau Veritas) đã hoàn thành việc xác nhận thực hiện chứng nhận BAP cho các hộ nuôi tôm lúa trên địa bàn xã Biển Bạch Đông, gồm 231 hộ, với 296 ao nuôi trên diện tích gần 700ha. Lợi ích lớn nhất khi được cấp chứng nhận BAP chính là giải quyết vấn đề nuôi tôm không bền vững cho các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp về nuôi tôm bền vững. Hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững 4 trụ cột: Môi trường, xã hội, an sinh động vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc.
Với mô hình tôm - lúa, nông dân có thu nhập từ trung bình từ 70 - 100 triệu đồng/năm/ha. Ảnh: Trọng Linh.
Sẽ nhân rộng mô hình
Theo lãnh đạo UBND xã Biển Bạch Đông, thực tế sau hơn 2 năm triển khai dự án cho vùng chuyên canh lúa - tôm xã Biển Bạch Đông, sự thích ứng của mô hình với biến đổi khí hậu và góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân hiệu quả thấy rõ. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng vùng chuyên canh lúa - tôm thêm khoảng 2.000ha.
Hơn 2 năm tham gia dự án đạt chứng nhận BAP, ông Võ Văn Được (ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông) chia sẻ, nếu như trước đây nuôi theo phương thức truyền thống không đạt hiệu quả cao và chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, về môi trường, nguồn nước, giá cả. Tuy nhiên, từ khi gia đình thực hiện dự án nuôi mới theo chuẩn quốc tế BAP đã giảm thiểu tối đa những vấn đề đã gặp phải, đồng thời, thu nhập tăng lên hơn 80 triệu đồng/ha/năm.
So với mô hình truyền thống thì mô hình ASC, BAP sẽ đem lại giá trị cao hơn. Ảnh: Trọng Linh.
Tương tự, theo tính toán của ông Nguyễn Văn Thương cũng ở ấp 6 La Cua, với diện tích đất 3,2ha, mô hình lúa - tôm đã mang lại cho gia đình nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Bạo, với mô hình này, doanh nghiệp sẽ liên kết bao tiêu, thu mua toàn bộ tôm sú đạt chứng nhận BAP của hợp tác xã Bông Vàng, Hòa Phát, Dân Phát nói riêng và của người dân nuôi tôm sú - lúa trên địa bàn xã Biển Bạch Đông nói chung. Qua đó, Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú có thể đảm bảo nguồn cung cấp tôm nguyên liệu sạch, bền vững, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng theo tiêu chuẩn BAP, trong khi đó các hộ nuôi tôm an tâm về đầu ra sản phẩm.
"Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh con tôm của tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng ra thị trường thế giới, nhất là ở những thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắc khe như Hoa Kỳ, châu Âu…", ông Bạo chia sẻ thêm.
Cán bộ Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú chia sẻ mô hình với hộ dân. Ảnh: Trọng Linh.
Đại diện GIZ tại Việt Nam cho rằng, hiện có nhiều tiêu chuẩn đã và đang được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam như SQF, GlobalGAP, ASC, BAP, Naturland, AquaGAP, VietGAP… Tuy nhiên, các tiêu chuẩn rất quan trọng được áp dụng phổ biến cho con tôm xuất khẩu hiện nay vẫn là bộ 3 ASC, GlobalGAP và BAP.
Điểm chung của 3 chứng nhận này là tập trung bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Do đó, khi đạt được chứng nhận BAP, tôm Cà Mau nói riêng, tôm Việt Nam nói chung sẽ rộng đường xuất khẩu đến hầu hết các quốc gia khó tính trên thế giới. Hiện nay, GAA có hơn 1.100 thành viên ở 70 quốc gia và đã trở thành tổ chức nổi bật nhất đại diện cho ngành công nghiệp thủy sản toàn cầu.
Mô hình lúa - tôm. Ảnh: Trọng Linh.
Anh Lâm Thái Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú, chia sẻ, chứng nhận BAP là cơ sở để doanh nghiệp phối hợp với UBND xã Biển Bạch Đông cùng các hộ dân tiếp tục mở rộng mô hình với mục tiêu là 100% diện tích vùng chuyên canh lúa - tôm, tức khoảng 4.000ha.
https://nongnghiep.vn/tri-thuc-nong-dan/vung-chuyen-canh-lua--tom-dau-tien-cua-viet-nam-nhan-chung-nhan-bap-d397146.html