Thực trạng thoái hoá chất lượng đất nông nghiệp

14/10/2024

Đất là nền tảng của mọi sự sống trên hành tinh, nông nghiệp sử dụng đất để trồng trọt, chăn nuôi, khái thác cây trồng nhằm sản xuất vật chất cơ bản cho xã hội. Mặc dù cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào đất đai nhưng thường bỏ qua tầm quan trọng sức khoẻ của đất đai. Đất trồng trọt đang dần suy giảm độ phì nhiêu do tác động bởi tập quán canh tác của người dân như: canh tác thâm canh, sử dụng phân bón quá liều lượng khiến đất bị bạc màu, thiếu hụt chất trung, vi lượng,… Ngoài ra, biến đổi khí hậu và sa mạc hoá là tác nhân chính dẫn đến tình trạng thoái hoá đất và nguy cơ hoang mạc hoá.

Nông dân là người chịu tác động lớn nhất trong cuộc khủng hoảng đất, họ vừa là tác nhân gây nên thoái hoá nhưng cũng là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất. Dân số Việt Nam năm 2024 là 99 triệu người, dự báo tăng nhanh đến năm 2069 là 116,9 triệu người (Dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069, Tổng cục Thống kê), tạo áp lực về vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng khi nguồn cung và quyền tiếp cận nguồn lương thực, thực phẩm chịu tác động nghiêm trọng. Bối cảnh hiện nay đã biến nông nghiệp thành một ngành “công nghiệp khai thác”, một ngành sử dụng tài nguyên thiên nhiên như nước và chất dinh dưỡng trong đất một cách không bền vững. Hậu quả là 1 phần 3 diện tích đất điều tra nước ta bị thoái hoá (Điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế năm 2021 – Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đánh giá đất cả nước, các vùng kinh tế xã hội (thực hiện điều tra 29 triệu ha trên 33 triệu ha tổng diện tích đất tự nhiên), theo kết quả điều tra đất nông nghiệp Việt Nam được đánh giá ở mức độ thoái hoá nhẹ và trung bình là chủ yếu lần lượt là với 3.308 nghìn ha (chiếm 23,49%) và 1.655 nghìn ha (chiếm 13%), diện tích thoái hoá nặng chỉ chiếm 144 nghìn ha (chiếm 4,14%) diện tích điều tra. Khu vực thoái hóa nặng chủ yếu trên địa bàn các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc (619 nghìn ha), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (456 nghìn ha). Diện tích đất bị thoái hóa trung bình phân bố chủ yếu trên địa bàn các vùng: Trung du và Miền núi phía Bắc (1.839 nghìn ha), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (889 nghìn ha).

Bảng 1. Diện tích đất bị thoái hoá chia theo loại đất của cả nước và theo vùng năm 2019

A screenshot of a white sheet with black numbersDescription automatically generated

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021

Đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp là 2 loại đất chiếm chủ yếu trong đất nông nghiệp, đây là những loại đất quyết định tới an ninh lương thực và đời sống của người dân. Bảng 2 dưới đây cho thấy, chất lượng đất lâm nghiệp được đánh giá chất lượng đất ở mức trung bình và thấp lần lượt 32,14% và 12,72 %, chất lượng đất loại cao chỉ chiếm 6,18%. Chất lượng đất lâm nghiệp bị thoái hoá nặng xảy ra trên các vùng đồi núi chủ yếu bị xói mòn, rửa trôi và suy giảm độ phì nhiêu ở khu vực có độ che phủ không cao, đây là các khu vực rừng bị suy giảm chất lượng tương đối nghiêm trọng.

Đối với đất nông nghiệp, chất lượng đất còn khá tốt, chất lượng đất loại cao chiếm 21,28%, chất lượng đất loại thấp chỉ chiếm 1,43% trên tổng diện tích điều tra. Đất nông nghiệp đang chịu tác động trực tiếp của con người (thâm canh, tăng vụ, hoặc cơ giới hoá đồng ruộng trong hoạt động sản xuất, sử dụng quá liều thuốc bảo vệ thực vật,…) đã góp phần tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ và giảm khả năng hồi phục của đất.

Bảng 2. Chất lượng đất theo mục đích sử dụng của cả nước năm 2019

A table with black textDescription automatically generated

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021

Theo kết quả điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất bị thoái hóa chia theo loại hình thoái hóa: Đất bị suy giảm độ phì; Đất bị xói mòn; Đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; Đất bị kết von, đá ong hóa; Đất bị mặn hóa; Đất bị phèn hóa trong đó, diện tích bị thoái hóa nặng từ 1 đến 3 triệu ha (trên tổng số 29 triệu ha diện tích điều tra cả nước). Kết quả điều tra đánh giá dựa trên tình trạng khô hạn toàn quốc dựa trên hệ số khô cạn (K1), số tháng khô hạn trong năm và mức độ khô hạn theo số liệu từ các trạm khí tượng trên cả nước, kết hợp với yếu tố tưới tiêu trong các khu vực sử dụng đất. Kết quả cho thấy diện tích chịu khô hạn là 16.763 nghìn ha, chiếm 57,54% diện tích điều tra. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, thường xuyên đối mặt với hạn hán kéo dài trong mùa khô.

Thoái hoá đất dẫn đến hoang mạc hóa có thể tác động đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường và sinh kế của con người. Quá trình này còn gây ra mất mát của thảm thực vật, tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, và làm suy giảm chất lượng nước cũng như lượng phù sa của các sông, hồ.

Bảng 3. Diện tích đất bị thoái hoá chia theo loại hình thoái hoá cả nước năm 2019

A white and black text with black textDescription automatically generated

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021

Các giải pháp phòng chống thoái hoá đất

-                Chính sách quản lý đất đai: Xây dựng khung pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý và sử dụng bền vững trong đó chú trọng đất nông nghiệp. Quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng được giao thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực bị thoái hoá đồng thời nêu rõ trách nhiệm nếu để xảy ra thoái hoá đất

-                Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững: Xây dựng và hoàn thiện các chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện môi trường, tập trung vào 2 ngành có lượng thải các bon lớn là chăn nuôi và trồng lúa để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

-                Trồng rừng và bảo vệ rừng: Tập trung bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giữ vững diện tích rừng hiện có (khoảng 10 triệu ha rừng tự nhiên và 4 triệu ha rừng trồng). Đây là xu hướng chung của toàn thế giới, với đặc thù tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là nước có đa dạng sinh học cao, bảo vệ và phát triển rừng không những bảo tồn, phát huy được tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái.

-                Nhóm giải pháp kỹ thuật: Nghiên cứu kỹ thuật áp dụng cho canh tác đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho con người và suy trì sức sản xuất bền vững của đất. Các giải pháp kỹ thuật nhằm phục hồi đất đã bị thoái hóa, có nguy cơ bị thoái hóa và đồng thời cũng nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ đất khỏi bị thoái hóa.

Thực trạng thoái hoá đất nông nghiệp hiện nay đang trở thành một vấn đề cấp bách ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Các nguyên nhân chính dẫn đến thoái hoá đất bao gồm canh tác quá mức, sử dụng phân bón và hóa chất không hợp lý, xói mòn, cũng như biến đổi khí hậu. Hậu quả của thoái hoá đất không chỉ làm giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà còn gây tổn hại đến hệ sinh thái và đe dọa sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp.

Để đối phó với vấn đề này, cần có các biện pháp kịp thời và hiệu quả từ việc áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp bền vững, quản lý tài nguyên hợp lý, đến nâng cao nhận thức cộng đồng. Chính sách hỗ trợ từ nhà nước và các tổ chức quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên đất, từ đó duy trì sự ổn định và phát triển dài hạn của ngành nông nghiệp./.

Nguyễn Trung Kiên, Ban Chính sách và Chiến lược/Ipsard

Tài liệu tham khảo

Cao Tân (2024). Đất nông nghiệp suy kiệt

https://nhandan.vn/dat-nong-nghiep-ngay-cang-suy-kiet-post814273.html

Hán Thị Ngân (2023). Thực trạng thoái hóa đất và cam kết quốc tế của Việt Nam.

https://tapchimoitruong.vn/phap-luat--chinh-sach-16/thuc-trang-thoai-hoa-dat-va-cam-ket-quoc-te-cua-viet-nam-28747

Nguyễn Bá Long (2024), Thực trạng thoái hóa đất và giải pháp phòng chống sa mạc hóa, cải thiện chất lượng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. https://isponre.gov.vn/vi/news/doi-thoai/thuc-trang-thoai-hoa-dat-va-giai-phap-phong-chong-sa-mac-hoa-cai-thien-chat-luong-dat-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-tai-viet-nam-2705.html

Quyết định số 1432/QĐ-BTNMT. Công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội.

http://tnmt.backan.gov.vn/uploads/news/2021_07/qd.1432.btnmt.21.7.2021.con-bo-dieu-tra-dat-dai.pdf

 

 


Tin khác