Tư duy cộng đồng – kinh nghiệm từ mô hình Hội quán ở Đồng Tháp

05/11/2024

Mô hình Hội quán được xây dựng dựa trên tư duy cộng đồng, liên kết các hội viên trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Theo Phó Nham trong cuốn Tư duy cộng đồng, khái niệm cộng đồng là sự liên kết tinh thần giữa những người có chung lợi ích và giá trị. Mục tiêu xây dựng Hội quán là kết nối những người có cùng ý chí, nguyện vọng để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế chung một cách bền vững.

Năm 2016, tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra chủ trương lớn nhằm xây dựng hình ảnh tỉnh cho giai đoạn 2017-2020, với nội dung cốt lõi là “hợp tác”, “liên kết”, và “định vị lại sản xuất theo nhu cầu thị trường”. Bên cạnh đó, tỉnh đã thí điểm các chính sách mới và đổi mới thể chế, nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, bao gồm chính sách đất đai, thu hút đầu tư, cơ giới hoá, phát triển kinh tế trang trại, và nguồn nhân lực v.v.

Nhờ những chủ trương hợp lý và quyết tâm thực hiện, tỉnh Đồng Tháp đã tạo ra một môi trường năng động và sáng tạo cho các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt trong nông nghiệp. Nhu cầu liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và tìm thị trường đầu ra cho sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy bà con hình thành các hội nhóm sản xuất, kinh doanh tự phát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Phát hiện ra xu hướng này, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp – Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có sáng kiến thành lập Canh Tân Hội quán và cho nhân rộng việc thành lập hội quán trên địa bàn tỉnh.

Hội quán hoạt động với phương châm “3 không” (không tổ chức bộ máy, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất), “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định) và “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hướng). Hội quán được dẫn dắt bởi ban chủ nhiệm do các hội viên bầu ra lãnh đạo, được hỗ trợ bởi chính quyền địa phương trong giai đoạn đầu. Việc tham gia là tự nguyện và không thu phí. Hội quán họp định kỳ một lần mỗi tháng, ban đầu tập trung vào các vấn đề sản xuất kinh doanh, sau đó mở rộng sang các vấn đề văn hóa, xã hội tại địa phương khi sự liên kết giữa các hội viên trở nên mạnh mẽ hơn.

Theo Công văn số 508-CV/TU ngày 25/1/2018, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo phát triển mô hình Hội quán trên toàn tỉnh, khuyến khích các thành phần tham gia và nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội quán. Đến tháng 10/2020, Đồng Tháp đã có 101 Hội quán tại 12 huyện, thị xã, với gần 6.000 hội viên và 22 hợp tác xã được thành lập dựa trên nền tảng này. Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 145 Hội quán hoạt động với gần 8000 hội viên, trong đó có 38 hợp tác xã được hình thành từ các mô hình Hội quán. Mô hình này đã trở thành trung tâm kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức Đảng, và chính quyền, việc tăng cường liên kết sản xuất, hướng phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp

Mô hình hội quán tạo ra sự liên kết bền vững giữa bốn nhà: nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước:

Liên kết giữa nông dân với nhau: Sự liên kết này hoàn toàn tự nguyện, dựa trên sự tin tưởng và hài hòa giữa lợi ích cá nhân và tập thể. Nhờ đó, người dân dần thay đổi tư duy sản xuất, từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp: Hội quán luôn nỗ lực thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản. Mối quan hệ này không chỉ giúp nông dân lựa chọn sản phẩm và công nghệ phù hợp mà còn gắn kết quá trình tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Liên kết giữa nông dân và nhà khoa học: Hội quán thường xuyên mời các nhà khoa học nông nghiệp chuyển giao công nghệ và giải quyết các vấn đề sản xuất như chăm sóc cây trồng, phát triển mùa vụ. Sự hợp tác này giúp nông dân nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhanh chóng và hiệu quả.

Liên kết giữa nông dân và chính quyền địa phương: Hội quán có sự tham gia của các nông dân, doanh nghiệp và cán bộ chính quyền địa phương, tạo nên sự giao lưu, trao đổi trực tiếp và cởi mở. Những vấn đề của nông dân được chính quyền nắm bắt và giải quyết nhanh chóng, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân và chính quyền các cấp.

Một số đóng góp của Hội quán trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương:

Phát huy tính sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh: Hội quán đã giúp bà con triển khai các mô hình kết hợp nông nghiệp và du lịch như vườn cam, vườn xoài, giúp quảng bá thương hiệu và phát triển du lịch cộng đồng.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp: Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tăng cường hợp tác và liên kết: Hội quán kết nối nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, giúp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Xây dựng tinh thần tự chủ tại cộng đồng: Hội quán thúc đẩy sự tự quản, tự quyết và hợp tác của người dân, giảm sự phụ thuộc vào nhà nước.

Đưa Đảng gần dân hơn: Hội quán với sự tham gia của nhiều đảng viên đã tăng cường niềm tin và kết nối giữa Đảng và nhân dân.

Tăng cường liên hệ với chính quyền: Hội quán là kênh trao đổi hiệu quả giữa người dân và chính quyền, giúp giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội.

Đảm bảo an sinh xã hội: Hoạt động của hội quán góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, và hỗ trợ các nhóm yếu thế, hướng đến phát triển bền vững.

Nguyễn Trung Kiên, Ban Chính sách và Chiến lược, IPSARD

Tài liệu tham khảo

Lê Minh Hoan – Bùi Văn Huyền. (2022). Kinh tế tập thể và liên kết kinh tế nhìn từ mô hình hội quán tỉnh Đồng Tháp. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật

Phó Nham. (2021). Tư duy cộng đồng. Nhà xuất bản Công Thương

Phú Nghĩa. (2023). Mô hình Hội quán - nơi gắn kết cộng đồng dân cư

https://www.baodongthap.vn/chinh-tri/mo-hinh-hoi-quan-noi-gan-ket-cong-dong-dan-cu-118460.aspx

Văn Vĩnh. (2023). Hội quán nông dân, cách làm hay ở Đồng Tháp

https://dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/16672387

 


Tin khác