Cần có biện pháp bảo vệ tài nguyên nước

14/12/2006

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 700 tuyến sông, kênh, rạch. Ngoài phục vụ giao thông, kênh rạch còn có nhiệm vụ quan trọng là điều tiết và thoát nước. Nhưng tình trạng ô nhiểm nặng đã khiến cho không ít dòng kênh nơi đây trở thành những dòng “kênh độc”, “kênh chết”

Một nguyên nhân của tình trạng này là do sự lấn chiếm, san lấp. Điều này khiến cho nhiều rạch như rạch Bình Tiên, Bà Lài, Cá Trê… đến giờ chỉ là những chiếc cống hộp, hoặc trở thành... mặt đường. Ngoài ra nguồn nước thải, chất thải từ sản xuất công nghiệp của một số tỉnh lân cận, như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… mới là thủ phạm chính. Như kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, mỗi ngày phải hứng hàng trăm nghìn mét khối nước thải từ sản xuất công nghiệp, khoảng 500 tấn rác sinh hoạt. Chưa kể, nồng độ SS trong nước thải đổ vào kênh có thể đạt tới 845 mg/lít - một chỉ số mà các nhà khoa học cho là không có khả năng duy trì sự sống.

Theo nhiều nhà khoa học, chẳng có gì quá đáng khi gọi một số con kênh của thành phó Hồ Chí Minh là “kênh độc”, “kênh chết”, vì nó là nơi có nhiều chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Thành phố, nguồn nước mặt các con sông và hệ thống kênh rạch thành phố đang bị ô nhiễm hữu cơ, dầu và vi sinh ngày càng nhiều hơn, độ ô nhiễm vi sinh ở mức độ rất cao so với tiêu chuẩn cho phép… Thủ phạm “giết” các dòng kênh chính là nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý. Qua khảo sát sơ bộ, các dòng kênh đang phải hứng chịu hàng trăm nghìn mét khối nước thải từ trên 31.000 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ cũng như rác thải trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá.

PGS- TS Lê Bắc Huỳnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ còn 5 tháng nữa thì tất cả các khu công nghiệp, chế xuất phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thế nhưng, hiện vẫn còn 9/14 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 5 khu công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, thì hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu thực tế.

Trong 9 khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, thì chỉ có Khu Công nghiệp Tân Bình đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải, 2 Khu Công nghiệp Tân Thới Hiệp và Cát Lái mới có kế hoạch. Các khu công nghiệp, khu chế xuất còn lại như Vĩnh Lộc, Bình Chiểu... thậm chí còn chưa có kế hoạch. Kết quả kiểm tra đột xuất vừa qua của thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất như Tân Thuận, Tân Bình, Hiệp Phước, Cát Lái 2, Tây Bắc - Củ Chi cho thấy, trong số 48 mẫu nước thải đã qua xử lý, có đến 45 mẫu phân tích không đạt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ các chất như BOD, COD vượt tiêu chuẩn cho phép gần...10 lần!

Chưa kể hiện vẫn còn 51 doanh nghiệp không chịu đấu nổi nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, mà thải trực tiếp ra các kênh rạch gần đó. Điều này càng khiến cho tình trạng ô nhiễm nước mặt thêm nghiêm trọng, gây suy giảm nước ngọt.

Theo PGS- TS Lê Bắc Huỳnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường - vừa cho biết, thì yêu cầu cấp thiết hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh là cần đưa ra những giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm nước sông. Đặc biệt, những đơn vị gây ô nhiễm cần phải bị xử phạt một cách nghiêm minh.

Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Quốc gia Tài nguyên nước đến năm 2020, bảo vệ tài nguyên nước mặt và nước dưới đất, Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với các quận, huyện triển khai thực hiện Nghị định số 34 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, Quyết định số 17 của Uỷ ban nhân dân thành phố về phân cấp quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã đưa ra những kế hoạch cụ thể trong việc khai thác và bảo vệ nguồn nước dưới đất nói riêng, tài nguyên nước nói chung. Đó là sẽ xây dựng thêm những quy hoạch tổng thể quản lý nguồn nước, mở rộng mạng quan trắc nước dưới đất, xây dựng mạng quan trắc nước mặt, nước mưa, quản lý chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm tài nguyên nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài nguyên nước và xử lý vi phạm, trong đó sẽ thanh kiểm tra sau giấy phép cho 50% các đơn vị được cấp phép khai thác từ trước năm 2003. Đặc biệt, ở những vùng có khả năng cấp nước, thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng xây dựng mạng cấp nước, tất cả các giếng không sử dụng được trong nhà dân sẽ được trám lấp đúng kỹ thuật. Các khu vực đang còn phải khai thác nước dưới đất sẽ được xây dựng trạm cấp nước tập trung quy mô nhỏ và vừa, để thay thế các giếng trong hộ gia đình. Bên cạn đó, còn tiếp tục ban hành các văn bản về quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố, quy định việc khai thác nước dưới đất và thu thuế tài nguyên nước./.


Theo Agroinfo

Tin khác