Xuất khẩu gạo và thuỷ sản là thế mạnh là 2 mặt hàng chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước, nơi sản xuất 52% sản lượng lúa, đóng góp 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, hai thế mạnh này vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng để thúc đẩy, đưa kinh tế các tỉnh trong khu vực phát triển nhanh như yêu cầu đặt ra.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Theo con số thông kế hiện nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 12.100 trang trại thủy sản, chiếm hơn 72% số trang trại thủy sản của cả nước. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản chiếm 67,22%, sản lượng nuôi trồng chiếm 66,53%, khai thác thuỷ sản chiếm 43,08%, giá trị xuất khẩu thuỷ sản chiếm tới 54,34% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước. Ước tính ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ sản ở ĐBSCL đã góp phần giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cho hơn 6 triệu dân trong vùng. Tốc độ tăng số hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng hiện nay cao nhất nước và chiếm hơn 8,1% so với số hộ nông thôn toàn khu vực. Theo đánh giá của các các chuyên gia kinh tế, mặc dù là khu vực có lợi thế về phát triển thuỷ sản nhưng kết quả đạt được trong những năm qua của khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nuôi trồng thuỷ sản ở ĐBSCL hiện còn ở trình độ thấp, tăng trưởng chưa vững chắc, chủ yếu vẫn là quảng canh và khai thác tự nhiên. Thị trường xuất khẩu thuỷ sản mới mở rộng được cho các mặt hàng chế biến từ tôm và cá basa, còn thị trường các sản phẩm chế biến thuỷ sản khác vẫn còn hạn chế. Do vậy, muốn đẩy mạnh ngành nuôi trồng chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng ngoài những công tác quan trọng về vốn đầu tư, chính sách ưu đãi về tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chúng ta cần xây dựng tốt cơ sở hậu cần, dịch vụ phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Theo kết quả điều tra mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), ở ĐBSCL hiện có khoảng 25% diện tích trồng các giống lúa xác nhận, chất lượng cao. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch không thể tách riêng số lúa chất lượng cao và lúa thường, nên doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ phân biệt 2 loại lúa hạt dài và hạt tròn. Do vậy, dù xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, nhưng chất lượng gạo của Việt Nam vẫn chưa được nâng cao. Năm 2005 nước ta xuất khẩu 5,2 triệu tấn gạo, nhưng chỉ có 76.000 tấn gạo chất lượng cao. Chất lượng và giá trị kinh tế của hạt gạo Việt Nam so với các nước xuất khẩu gạo hiện vẫn còn là điều đáng bàn. Do chất lượng gạo, khâu chế biến yếu kém khiến cho giá gạo của Việt Nam luôn bị "lép vế" hơn so với gạo của Thái Lan trên thị trường quốc tế. Điều này khiến cho cả người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều bị thua thiệt. Thực tế, những năm qua tại vùng ĐBSCL chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc tăng năng xuất cây lúa còn chất lượng hiện vẫn còn bị bỏ ngỏ. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho hay: Lâu nay, loại lúa chất lượng cao thường bị trộn lẫn với loại lúa thường, do đó làm giảm giá trị xuất khẩu. Nếu chỉ quan tâm đến năng xuất, còn chất lượng bị xem nhẹ thì, về lâu dài hạt gạo của Việt Nam sẽ khó lòng đáp ứng được yêu cầu, của thị trường tiêu dùng. Khai thác thế mạnh phát triển kinh tế Trong nuôi trồng thuỷ sản thì con giống tốt có tính chất quyết định. Ưu thế của ngành thuỷ sản nước ta là con tôm, vì vậy cần phải quy hoạch, sắp xếp lại các trại tôm giống nói riêng và các loại giống thuỷ sản khác nói chung. Bộ Thuỷ sản cùng với các bộ, ngành hữu quan cần quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các trại giống một cách hợp lý. Cần thiết phải thiết lập quan hệ với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... để khi cần có thể nhập giống sạch của các quốc gia nay cũng như xuất các con giống của ta cho các nước khác khi mùa vụ đã chấm dứt. Ngoài con giống thì các nhu cầu khác như thức ăn nuôi thuỷ sản, thuốc thú y cũng là một vấn đề rất đáng lưu ý vì đa số các sản phẩm này đều nhập từ nước ngoài. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần tập trung đầu tư, sớm bàn giao đưa vào sử dụng các cơ sở hoạt động khoa học: Trung tâm Giống hải sản Nam Bộ, Trung tâm Giống quốc gia thuỷ sản nước ngọt Nam Bộ, Trung tâm cảnh báo môi trường ĐBSCL, các trại giống địa phương... đồng thời cần đầu tư xây dụng các trung tâm nghiên cứu điều tra nguồn lợi hải sản, các quy trình sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, phòng ngừa dịch bệnh. Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL có trên 10 giống lúa CLC đang gieo trồng tại nhiều nơi với năng suất và chất lượng gạo ở mức cao. Viện Lúa ĐBSCL đủ khả năng cung cấp từ 5 - 6 loại giống lúa CLC thỏa mãn các yêu cầu của nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu, để thực hiện chương trình này. Vấn đề mấu chốt của việc sản xuất lúa CLC không phải là khâu kỹ thuật mà ở khâu tổ chức sản xuất phải làm sao cho thấy hiệu quả kinh tế hơn sản xuất lúa thường. Đối với cây lúa, mới đây, Bộ NN và PTNT đã được triển khai xây dựng vùng lúa chất lượng cao với quy mô (vừa) khoảng 200.000 ha ra 7/13 tỉnh, thành ĐBSCL nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập, tăng giá trị xuất khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Vùng lúa chất lượng cao sẽ tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác khi có hiệu quả. Những năm qua, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đã ổn định được khoảng 2,4 triệu tấn chủ yếu là thị trường các nước châu á và châu Phi, phần còn lại xuất khẩu các châu lục khác. Mục tiêu của chương trình xây dựng 200.000 ha lúa chất lượng cao, vừa giúp xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam, mặt khác chủ động được sản lượng xuất khẩu theo kế hoạch và giúp nông dân nâng cao thu nhập từ việc tham gia sản xuất lúa chất lượng cao. Những nông dân tham gia chương trình này sẽ được hỗ trợ của các bộ ngành, các tổng công ty lương thực về trang thiết bị, giống, đầu ra... Dự kiến, Bộ NN và PTNT sẽ có văn bản hướng dẫn xuống các đơn vị trực thuộc để kịp triển khai thực hiện trong vụ đông xuân 2006-2007. Việc xây dựng thương hiệu, tiếp thị, quảng bá hình ảnh gạo Việt Nam trên thị trường, với chất lượng và số lượng xuất khẩu ổn định, nhằm năng cao giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế đang là một đòi hỏi bức thiết. Để khai thác phát huy 2 thế mạnh gạo và thủy sản phát triển kinh tế của khu vực ĐBSCL vẫn rất cần một sự phối hợp giữa các địa phương vừa trao đổi kỹ thuật kinh nghiệm sản xuất vừa tránh được những cạnh tranh thiếu lành mạnh, bán phá giá các mặt hàng gây thiệt hại cho không chỉ doanh nghiệp mà cả người nông dân. Mối quan hệ giữa nông dân-doanh nghiệp cần có sự phối hợp, gắn bó chặt chẽ điều hòa, cân bằng lợi ích. Nếu không, với những thế mạnh của khu vực ĐBSCL sẽ vẫn mãi chỉ là tiềm năng./. |
Theo Agroinfo