Toàn cảnh bức tranh kinh tế tập thể
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, hợp tác xã nói riêng và kinh tế tập thể nói chung đã có sự phát triển vượt bậc. Các HTX lúc bấy giờ, đặc biệt là HTX nông nghiệp đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng hậu phương động viên sức người, sức của cho tiền tuyến.
Khi nền kinh tế nước ta chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, nhiều HTX đã không còn thích ứng, phải giải thể hoặc chuyển đổi. Một số HTX hoạt động “thoi thóp”. Sau khi Luật hợp tác xã mới (ban hành năm 2003) có hiệu lực, số lượng và chất lượng các HTX ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng mừng. Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 18.000 HTX, 320.000 tổ hợp tác với hơn 10 triệu xã viên và người lao động trong gần 3 triệu hộ gia đình. Rất nhiều HTX và tổ hợp tác đang hoạt động có hiệu quả, trở thành chỗ dựa tin cậy cho người lao động.
Mới đây, chúng tôi đã đến thăm HTX nông nghiệp xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam), đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. HTX nông nghiệp Yên Bắc đang đảm nhiệm phần lớn các khâu dịch vụ trên đồng ruộng như làm đất, bảo vệ thực vật, thuỷ lợi... Những khâu này, nếu giao cho từng hộ xã viên đảm nhận thì sẽ không có hiệu quả hoặc không thể thực hiện được. Ngoài ra, HTX còn thực hiện chức năng bao tiêu sản phẩm hàng hoá cho nông dân như thu mua hàng tiểu thủ công nghiệp, thay mặt xã viên ký kết các hợp đồng kinh tế.
HTX nông nghiệp xã Cổ Am hiện đang là lá cờ đầu trong khối các HTX nông nghiệp của huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Đồng chí Lê Đức Mấm, Chủ nhiệm HTX cho chúng tôi biết: So với trước kia, vai trò của HTX hiện nay đã có sự thay đổi, HTX không chỉ đạo điều hành trực tiếp mà qua các hợp đồng với xã viên. Các xã viên trong HTX mà chúng tôi hỏi đều tỏ thái độ hài lòng với cung cách tổ chức của HTX và khẳng định sự cần thiết phải có HTX.
"Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (sau đây gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của Luật này để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia hợp tác xã, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật." (Tr ích Luật Hợp tác xã năm 2003) |
Tại Hà Nội, thương hiệu xe tắc-xi Nội Bài đã quá quen thuộc và có thiện cảm với nhiều hành khách. Nhưng có lẽ ít người biết rằng Nội Bài là một HTX có 110 xã viên với gần 500 lao động, trong đó có khoảng một phần tư xã viên và người lao động là bộ đội phục viên, xuất ngũ. Doanh thu, các khoản nộp ngân sách Nhà nước và thu nhập bình quân của người lao động tại HTX Nội Bài không thua doanh nghiệp hạng trung bình ở Thủ đô.
Tại Đắc Lắc hiện có 267 HTX, với 71.700 xã viên. Các HTX này đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 18.000 lao động. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch - Đầu tư Đắc Lắc, tỷ lệ HTX từ khá trở lên đạt 41%, trung bình 43% và yếu kém 16%. Kinh tế HTX đóng góp 10% vào mức tăng trưởng GDP, nộp ngân sách đạt hơn 4% tổng thu ngân sách hằng năm của tỉnh.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, bên cạnh những Liên hiệp các HTX, HTX làm ăn hiệu quả như Saigon.Co.op, Nội Bài, Yên Bắc, Cổ Am... vẫn còn có khá nhiều các HTX khó khăn, nợ nần chồng chất. Tại Hội nghị "Diễn đàn HTX nông nghiệp các tỉnh phía Bắc" được tổ chức gần đây, nhiều vấn đề nan giải trong quá trình phát triển các HTX nông nghiệp đã được phân tích, mổ xẻ.
HTX Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới?
Trao đổi với phóng viên báo Quân đội nhân dân trong buổi lễ tôn vinh 100 doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2006 vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Saigon.Co.op cho rằng: Mô hình HTX có nhiều ưu điểm và HTX của Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thị trường thế giới. Hình ảnh Saigon.Co.op với chuỗi Co.op Mark đã chứng minh năng lực dịch vụ bán lẻ ở Việt Nam nói chung và hợp tác xã nói riêng.
Ông Trần Quốc Khải, Chủ nhiệm HTX Nội Bài trong buổi làm việc với phóng viên báo Quân đội nhân dân vào ngày 26-10 cũng khẳng định: Mô hình tổ chức quản lý của HTX Nội Bài hiện nay là phù hợp. Những xã viên trong HTX đều được đối xử bình đẳng và được tôn trọng, đó là động lực để họ gắn bó với HTX và là một trong những lợi thế của việc tổ chức mô hình HTX.
Theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003 thì HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và các nguồn vốn khác của hợp tác xã. Trong HTX vẫn có thể thành lập các doanh nghiệp trực thuộc. Các HTX lại được quyền liên kết với nhau tạo thành những liên hiệp HTX... vì vậy, hành lang pháp lý của HTX rất rộng.
Tại Hội nghị "Diễn đàn hợp tác xã nông nghiệp khu vực phía Bắc, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chủ trì mới đây, bà Đỗ Thị Liên, Chủ nhiệm HTX Đạo Đức (Đông Anh- Hà Nội) cho biết, HTX Đạo Đức mới thành lập, hoạt động hiệu quả nhưng việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. HTX có nhiều đơn hàng, thậm chí đã xuất khẩu rau sạch ra nước ngoài nên rất muốn mở rộng sản xuất, tiến tới sơ chế sản phấm nhưng không có vốn. Chủ nhiệm HTX Nhữ Hán (Tuyên Quang) Nguyễn Bút Kỳ phát biểu: HTX hiện nay chỉ được hoạt động tín dụng nội bộ, chỉ được huy động vốn và cho vay trong xã viên HTX. Vấn đề vốn là một trong những cản trở trong phát triển sản xuất hàng hoá, sản xuất chuyên canh…
Nhiều ý kiến của các HTX tại Hội nghị này cho rằng, Ngân hàng cho vay tín chấp nhưng vẫn phải có sổ đỏ. Trong khi, việc cấp số đỏ cho các HTX rất chậm. Ngoài ra, đất đai của HTX Nông nghiệp là giao đất không thu tiền. Do vậy, không thể thế chấp được.
Rất cần những cú hích
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế: Việc nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ có tác động lớn tới khu vực kinh tế tập thể. Trong quá trình hội nhập kinh tế, hàng hoá và dịch vụ xuất nhập khẩu có khả năng cạnh tranh cao về giá cả và chất lượng, phương thức bán hàng sẽ tác động đến tâm lý và tập quán tiêu dùng và công nghệ sản xuất, tiếp thị.
Hiện tại ở nước ta có đến 70% số hợp tác xã phân bố ở khu vực nông thôn, trong khi đó chỉ có khoảng 12% số doanh nghiệp có trụ sở ở đó và khu vực nông thôn chiếm đến hơn 70% dân số cả nước. Sức mua của khu vực nông thôn sẽ tăng dần, thực sự là khu vực tiêu dùng tiềm năng. Các doanh nghiệp cần nhìn nhận số hợp tác xã ở đây là đầu mối liên kết nhiều công đoạn của quá trình tái sản xuất: Cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, mở rộng tín dụng ứng trước cho sản xuất và tiêu dùng để tạo chỗ đứng lâu dài. Các hợp tác xã cần chủ động nhìn nhận, phân tích, tiếp cận các đối tác thương mại và đầu tư theo hướng vừa liên kết, vừa cạnh tranh.
Khi gia nhập WTO, để sản phẩm của các HTX Việt Nam vững vàng trên thị trường trong nước và quốc tế, các chuyên gia kinh tế khuyên rằng vấn đề xây dựng thương hiệu có vai trò quan trọng đặc biệt. WTO tác động mạnh đến phân công lao động một cách chi tiết, do vậy các hợp tác xã và xã viên sẽ phải phát huy sở trường khi tham gia phân công lao động quốc tế. Sản xuất và dịch vụ tổng hợp có xu hướng giảm, thay vào đó là tính chuyên nghiệp, chuyên ngành, tinh chế các sản phẩm, chi tiết bán thành phẩm và công đoạn dịch vụ với số lượng lớn.
Để các HTX Việt Nam phát triển vững chắc trong tiến trình hội nhập, rất cần những cú hích cần thiết từ Chính phủ và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Các HTX và Liên hiệp HTX cần tranh thủ các chính sách khuyến khích hỗ trợ hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã, Nghị định 88/2005/NĐ-CP…
Mới đây, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển làng nghề...Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X cũng vạch ra những quyết sách quan trọng để phát triển kinh tế tập thể. Đây cũng là động lực quản trọnggiúp các HTX Việt Nam đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.