Hướng đi mới cho lao động nông thôn: Đào tạo phải gắn với việc làm (Kỳ II)

28/11/2006

Kỳ II: Vừa có nghề, vừa có việc làm "Mời những nghệ nhân, những người giỏi nghề ở địa phương trực tiếp đào tạo nghề, đồng thời hỗ trợ thêm vốn để những nghệ nhân này mở rộng sản xuất để thu hút lao động". Đây là con đường ngắn nhất mà Hội ND đã làm nhằm giúp ND vừa có nghề mới, vừa có thu nhập ngay.

Đã có một thời, làng khắc đá mỹ nghệ Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Tây) tưởng như chìm vào dĩ vãng. Lớp nghệ nhân già mất đi, lớp trẻ không thích nghề đã khiến làng nghề một thời nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc đứng trước nguy cơ xoá sổ. Ngay cả con cái những nghệ nhân giỏi cũng quay lưng lại với nghề.

Một người giỏi nghề, cả xã được nhờ

Ở tuổi ngoài 65, tay cầm búa không còn vững chãi như xưa, ông Nguyễn Văn Củng vẫn quyết tâm đeo bám nghề khắc đá của cha ông. Dù không nói ra nhưng lòng ông nặng trĩu lo lắng: "Chẳng lẽ nghề cha ông có từ hàng nghìn năm phải bỏ". Tâm sự của ông được giải toả khi chính quyền xã và các đoàn thể tìm cách đưa nghề về làng nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập. Ông Củng nói ngay: "Việc gì phải tìm nghề ở đâu, nghề đá ở đây có sẵn rồi. Nếu có người học, tôi sẽ dạy".

Với sự ủng hộ của Hội ND xã, ông Củng cùng 3 nghệ nhân trong làng đã tổ chức 1 lớp khắc đá mỹ nghệ. Cán bộ Hội chịu trách nhiệm "tuyển sinh". Cái hay của nghề khắc đá mỹ nghệ là người học không tốn kinh phí mua sắm đồ nghề, chỉ cần yêu nghề, chịu khó theo dõi đường búa, mũi dao của người nghệ nhân là có thể làm ngay được. Ngay sau hôm khai giảng lớp học, hơn 50 lao động địa phương đăng ký tham gia. 3 con trai của ông Củng cũng lần lượt trở lại với nghề. Cậu con trai út vừa tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật nhận chân thiết kế mẫu cho thợ khắc.

Khoá học hơn 2 tháng, hầu hết học viên đều có thể trạm khắc được những sản phẩm đá mỹ nghệ đơn giản bán cho khách du lịch. Những thợ lành nghề hơn có thể làm các sản phẩm lớn, cầu kỳ. Một số học viên còn thành lập xưởng đá riêng. Anh Nguyễn Xuân Quảng, học trò của ông Củng cho biết: "4 anh em tôi đều tham gia học trạm khắc đá mỹ nghệ. Sau khoá học, chúng tôi tự bỏ vốn để lập xưởng riêng. Ban đầu chưa có khách đặt trực tiếp, chúng tôi nhận gia công hàng cho thầy Củng và một số xưởng trong làng".

4 anh em của Quảng đang hoàn thành giai đoạn cuối hai đôi voi phục của Đền Đô. Anh tiết lộ, thu nhập của 1 lao động trong xưởng của anh mới chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, nhưng những người thợ có tay nghề cao làm trong xưởng của gia đình thầy Củng thu nhập tới hơn 4 triệu đồng, thợ bậc trung là 2,5 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, gia đình ông Củng đã thành lập được 2 xưởng trạm khắc đá mỹ nghệ, thu hút hơn 30 lao động địa phương vào làm việc và tạo việc làm cho hàng chục gia đình vệ tinh khác.

Ông Lê Văn Minh- Chủ tịch Hội ND xã Phụng Châu cho biết: Hiện, tại 10 xưởng sản xuất đã thu hút 100 lao động địa phương, đó là chưa kể rất nhiều lao động ngoại tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa.

Đào tạo gắn với phát triển làng nghề

Theo ông Lều Vũ Điều-Giám đốc Trung tâm Dạy nghề T.Ư Hội NDVN, Hà Tây chỉ là một trong hàng chục tỉnh thành công với mô hình truyền nghề cho ND. Với ưu thế, học viên không phải chi phí học nghề, không phải đi xa, trong thời gian học có thể kiếm được tiền, sau khi học xong có việc làm, thu nhập, loại hình đào tạo nghề này đang thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia. Không chỉ giúp ND có nghề, cách làm này còn khôi phục, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Ông Điều dẫn chứng, tại Bắc Giang, Hội ND đã có "chuyên đề" truyền nghề cho ND trên 30 tuổi. Hội trực tiếp liên hệ với các cơ sở mây, giang đan, thêu ren... ký hợp đồng bao tiêu hàng cho ND và đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hỗ trợ các nghệ nhân giỏi ở làng. Sau khoá học, Hội tổ chức cho họ tham gia các tổ, nhóm ngành nghề. Tổ trưởng các chi, tổ nhóm này chịu trách nhiệm củng cố tay nghề và thu mua thành phẩm để nhập cho các cơ sở xuất khẩu. Hàng nghìn lao động đã có việc làm, thu nhập ổn định sau các lớp đào tạo nghề do Hội ND tổ chức.

Ở Hà Nam, mấy năm nay, nghề thêu tay đã đem về cho nhiều gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tại xã Thanh Hà (Thanh Liêm), Hội đã tổ chức được 7 lớp thêu ren xuất khẩu và mời nghệ nhân, thợ giỏi đi truyền nghề cho các xã bạn. Người đi dạy được trả lương 2-2,5 triệu đồng/tháng. Làng hiện có có 14 doanh nghiệp, 28 tổ hợp sản xuất kinh doanh với 600 thợ thêu chính. 95% số lao động địa phương biết nghề thêu. Thu nhập bình quân từ 600.000- 1 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ nghề thêu chiếm 70% tổng thu nhập toàn xã (50-55 tỷ đồng/năm). Bà Nguyễn Thị Bình- Phó Chủ tịch Hội ND Hà Nam cho hay: "Cùng với các chương trình dạy nghề, chúng tôi thực hiện song song các chương trình hỗ trợ vốn, máy móc thiết bị cho ND. Những cá nhân, tổ hợp nhận các chương trình hỗ trợ đều phải cam kết đào tạo nghề, giải quyết việc làm lao động địa phương".

Kỳ 1


X. Mai (Theo Báo NTNN

Tin khác