Chồng là cán bộ xã, vợ là ND. "ND" đi học lớp chăn nuôi thú y thấy hay quá về khoe với "cán bộ". Nhân lúc rảnh việc, "cán bộ" "lỉnh" xuống cùng "ND" nghe giảng bài. Sau khoá học cả hai vợ chồng đồng lòng "cắm" sổ đỏ vay vốn để áp dụng kiến thức đã học vào nuôi lợn.
Nghe câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hoa- giáo viên Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm của Hội ND tỉnh Hải Dương về khoá đào tạo chăn nuôi thú y tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành, chúng tôi xuống tận nơi để "mục sở thị" xem thực hư thế nào. Tiếp chúng tôi, từ ông chủ tịch, ông bí thư đến các hộ dân đều hỉ hả: "Chưa đầy 1 năm, chăn nuôi lợn đã trở thành nghề chính của xã. ND đầu tư bạc tỷ để mở rộng sản xuất".
70 tuổi vẫn... chống gậy đến lớp
Để phục vụ cho việc xây dựng khu công nghiệp, gần 213ha đất nông nghiệp ở Lai Vu phải giao lại cho các nhà máy, xí nghiệp. Hơn 1.060 hộ dân bỗng dưng thành vô sản, không đất đai, không nghề nghiệp. Nhiều hộ vì quá bức xúc, không chịu nhận tiền đền bù. Họ cho rằng chính cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh đã gây nên... "cơ sự" này. ND biểu tình, gây rối, tẩy chay các đoàn công tác của cán bộ tỉnh, cán bộ huyện về xã. Nhưng "riêng cán bộ Hội ND được bà con ưu ái đặc biệt. Mọi người đem chuối, đem ổi ra, nhất quyết bắt cán bộ phải nhận. Nhờ lớp học nghề cả đấy"- ông Đúc cho hay.
Giữa năm 2005, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm Hội ND Hải Dương mở lớp dạy nghề chăn nuôi thú ý tại Lai Vu. Ban đầu chẳng mấy người thiết tha đi học. Bà con nghi ngờ người tổ chức lớp học có ý đồ gì. Nhưng khi đội ngũ giáo viên cùng lỉnh kỉnh những cám, thuốc thú y về xã, bà con mới bớt e dè. Số người đăng ký tham gia lớp học tăng dần từ hơn 20 lên gần 50 người, một số ND ở xã bên cạnh cũng sang xin học. Học viên nhỏ tuổi nhất là cô học sinh mới tốt nghiệp phổ thông. Học viên lớn tuổi nhất xấp xỉ 70.
Với phương pháp vừa học kiến thức mới, vừa tranh thủ phát huy kinh nghiệm của học viên, học đến đâu thực hành ngay đến đó, suốt khoá học không có học viên nào bỏ học giữa chừng hay nghỉ học không lý do. Sau gần 2 tháng, các thao tác về tiêm phòng dịch đến phối giống, đỡ đẻ cho lợn, mọi người đều có thể làm thành thạo. Chị Nguyễn Thị Bích - một học viên cho biết: "Tôi nuôi lợn nái đã hàng chục năm nay. Vậy mà, khi lợn con đi phân trắng tôi hết cách chữa. Tham gia lớp học này, cô giáo chỉ cho phương pháp chữa trị cực kỳ đơn giản, cho lợn uống nước vôi trong. Kinh nghiệm này đã giúp tôi đỡ thiệt hại 5-7 triệu đồng mỗi năm đấy".
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao giữa hai buổi học, bà con còn mời giáo viên đến tận nhà để giúp tìm bệnh cho... đàn lợn, đàn gà nhà mình. Khoá học 2 tháng, giáo viên và học viên đã coi nhau như người nhà. Hôm bế giảng lớp, có học viên tiếc rẻ: "Nếu khoá học kéo dài vài tháng nữa, tôi sẽ gọi đứa con gái đang đi làm may về để học".
Sẵn sàng trả học phí
Ông Bùi Ngọc Lợi- Chủ tịch UBND xã Lai Vu phấn khởi thông báo: "Sau khoá học, 100% học viên đều đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Lối sản xuất manh mún theo kiểu tận dụng bèo rau có sẵn cũng được bỏ hẳn. Nếu như trước đây, mỗi năm, cả xã chỉ xuất hơn 4.000 con lợn thịt thì hiện nay, con số này đã lên tới gần 15.000 con".
Ông Chủ tịch Hội ND xã Lai Vu cũng tỏ ra phấn chấn không kém. Sau khoá học này, thông qua Hội ND, UBND tỉnh cho các hộ nuôi lợn vay 2 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, đồng thời hỗ trợ 1 phần kinh phí xây dựng hầm biogas. Sau 1 năm, xã đã có hơn 300 hộ xây được hầm. Chị Bùi Thị Sinh - một trong những "cựu" học viên của lớp chăn nuôi thú y cho hay: "Vợ chồng tôi "cắm" sổ đỏ vay vốn ngân hàng để nuôi lợn. Năm 2005, tôi thu lãi 25 triệu đồng".
Thấy "hàng xóm" sau khoá học chăn nuôi làm ăn hiệu quả, nhiều hộ đã làm đơn đề nghị Hội ND tiếp tục mở thêm khoá học mới. Thậm chí bà con sẵn sàng trả học phí để được học. Bà Hoa cho biết: "Dù kinh phí không còn nhưng chúng tôi vẫn mời giáo viên, đưa dụng cụ thực hành về để mở lớp thứ 2 tại Lai Vu. Trong 1 ngày mà hơn 50 hộ đã đến đăng ký học".