Nếu có nền kinh tế thị trường hoàn hảo, sẽ chặn được tăng giá cuối năm

28/11/2006

Nếu thỏa thuận về tăng giá giữa Tập đoàn Than và Khoáng sản với ngành điện, xi-măng, giấy, phân bón được Chính phủ chấp nhận thì từ 1-1-2007, xi-măng, điện, than sẽ có bảng giá mới và nhiều khả năng hàng loạt các mặt hàng, dịch vụ sẽ tăng giá theo. Dưới đây là nhận định của ông Nguyễn Khánh Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu KH thị trường giá cả chung quanh vấn đề này.

Các quyết sách về giá sẽ phải theo cơ chế thị trường

Hỏi: Tăng giá than sẽ kéo theo tăng giá điện, xi-măng, giấy, phân bón và hàng loạt các mặt hàng khác... Vậy theo ông, tăng giá vào thời điểm này có hợp lý không?

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2006 tăng 6,4%
Ông Nguyễn Khánh Long khẳng định: "Sự phát triển kinh tế trong đó bao gồm cả vấn đề giá cả vừa qua và hiện nay là một bức tranh sáng sủa. Dự báo của tổ điều hành thị trường trong nước thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,2 - 0,3%. Chúng tôi nhận định tháng này sẽ tăng từ 0,3 - 0,5%. Tốc độ tăng giá của cả năm dự báo sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là dưới mức tăng của tốc độ tăng trưởng GDP. Cụ thể dừng ở khoảng 6,4% - 6,5% nhưng là với điều kiện mặt bằng giá như hiện nay, chứ chưa tính đến việc giá điện, than, phân bón... đang được trình tăng giá. Tốc độ tăng giá của năm nay thấp hơn so với tốc độ tăng giá của năm 2004 là 9,5%; năm 2005 là 8,4%.

+ Tại sao chỉ số tăng giá được công bố ba năm lại đây đều giảm nhưng trên thực tế, giá cả luôn biến động theo chiều tăng?

- Thực ra tính toán cụ thể thế nào là do Tổng cục Thống kê, nhưng tôi có thể nói rằng tiêu dùng giống như một rổ hàng hóa thập cẩm. Trong đó, có những mặt hàng tăng như lương thực thực phẩm nhưng có những mặt hàng lại giảm giá như hàng điện tử, điện lạnh hay xe máy chẳng hạn. Nói một cách toán học thì đó là cách tính dựa trên gần 400 mặt hàng. Chỉ số giá tiêu dùng được tính bình quân trên thị trường của 64 tỉnh thành. Tuy nhiên, tôi đồng ý với ý kiến rằng nếu tính một cách cảm quan thì đúng là giá tăng trên thực tế. Nhưng không thể đưa ra một con số cụ thể bằng cảm quan được mà phải thông qua các điều tra, tính toán cụ thể.

Trả lời: Theo tôi, việc đề nghị trình tăng giá là có căn cứ. Thực ra, hiện tỷ lệ hao hụt của ngành điện quá lớn, phổ biến đến mười mấy phần trăm thì không thể có một giá nào chịu được. Sự thất thoát không phải do kỹ thuật mà là do quản lý. Việc tăng giá là khó tránh nhưng cũng phải xem xét thật cụ thể để tránh gây sốc với thị trường và bảo đảm giá cả vẫn nằm trong khả năng chi trả của người tiêu dùng.

Nhưng chắc chắn thời gian tới các quyết sách, chính sách về giá cả thị trường phải theo cơ chế thị trường, chứ không thể áp đặt giá được nữa. Chính phủ cũng đã xác định rất rõ vấn đề này.

Hỏi: Nếu như phương án tăng giá điện, than... được chấp nhận, cộng với thời điểm cuối năm, giáp Tết thì giá cả thị trường sẽ bị "sốc" và biến động mạnh?

Trả lời: Chưa kể đến yếu tố tăng giá điện, than thì việc tăng giá dịp cuối năm giáp Tết là quy luật lặp đi lặp lại trên dưới 50 năm trở lại đây. Năm nay cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chắc chắn giá cả sẽ tăng. Không thể tránh được việc tác động lên người làm công ăn lương. Hiện các ngành đang xem xét cụ thể việc tác động này.

Hỏi: Có nhiều nước như Thái-lan, Singapore... dịp cuối năm, giáp Tết hay vào các ngày lễ là họ đẩy mạnh bán ra bằng cách giảm giá, khuyến mại. Vì sao chúng ta lại làm ngược lại?

Trả lời: Nếu chúng ta có một nền kinh tế thị trường hoàn hảo và một nền cung ứng hoàn hảo thì tôi tin là thị trường chúng ta cũng sẽ như thế.

Hỏi: Vậy theo ông, bao giờ thì chúng ta có một nền kinh tế thị trường hoàn hảo?

Trả lời: Tôi không thể khẳng định cụ thể vào năm nào, nhưng với sự phát triển rất lớn và nhanh như bây giờ thì chắc chắn là sớm hơn năm 2010. Điều đó phụ thuộc vào yếu tố hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển kinh tế nội lực. Thông qua các thay đổi về quản lý điều hành... mới đạt được nền kinh tế thị trường hoàn hảo.

Có ba nhóm nhân tố tác động tăng giá

Hỏi: Ngoài yếu tố giáp Tết thì những nguyên nhân cơ bản nào tác động khiến giá cả thị trường tăng?

Trả lời: Ba nhóm nhân tố làm tăng giá, thứ nhất là sự biến động tăng giá tư liệu sản xuất quan trọng của thị trường thế giới như xăng dầu, sắt thép. Nhóm thứ hai là thiên tai và dịch bệnh. Nhóm thứ ba là yếu tố tâm lý tạo nên sức ép tăng giá.

Hỏi: Vậy chúng ta dựa trên giải pháp nào để bình ổn thị trường?

Trả lời: Yếu tố thứ nhất để chúng ta có thể bảo đảm bình ổn thị trường là tăng trưởng kinh tế ổn định. Thứ hai là sự cạnh tranh trong hội nhập cũng khiến các doanh nghiệp không mạnh tay tăng giá như trước nữa. Thứ ba là thị trường thế giới cuối năm cũng có những yếu tố thuận lợi như giá dầu hiện nay giảm nhiều so với đầu năm.

(Nguồn: Gia đình và Xã hội)

Tin khác