Sản xuất nông - thực phẩm theo công nghệ sạch kỹ nghệ mới trên thế giới

02/03/2007

Môi trường sinh thái xấu đi đang là thách thức nghiêm trọng đối với nền nông nghiệp, đồng thời tác động sâu sắc đến tính an toàn của nông - thực phẩm trên toàn cầu

MÔI TRƯỜNG SẢN XUẤT NÔNG - THỰC PHẨM BỊ Ô NHIỄM NGÀY CÀNG NGHIÊM TRỌNG

Môi trường sinh thái xấu đi đang là thách thức nghiêm trọng đối với nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, đồng thời đang tác động sâu sắc đến tính an toàn của nông - thực phẩm trên phạm vi toàn cầu. "Dân dĩ thực vi thiên, thực dĩ an vi tiên", nghĩa là "con người lấy cái ăn làm trời, cái ăn lấy lành làm đầu”. Cộng đồng loài người đang mong muốn được sử dụng nông - thực phẩm có chất lượng tốt, do đó rất quan tâm đến môi trường sản xuất nông nghiệp. Chất gây ô nhiễm môi trường chủ yếu bắt nguồn từ 3 loại, gồm rác thải công nghiệp, chất ô nhiễm sinh học và chất ô nhiễm nông nghiệp. Rác thải công nghiệp chủ yếu là 3 loại nước thải, khí thải và rác thải, trong đó có kim loại nặng và các hợp chất hữu cơ độc hại tuồn theo nước bẩn và khí bẩn trực tiếp làm ô nhiễm môi trường xung quanh và đồng ruộng. Chất độc hại trong rác thải công nghiệp cùng nước mưa theo dòng chảy tích tụ vào sông ngòi, hồ chứa rồi tiếp tục theo nước t­ới để làm ô nhiễm đồng ruộng. Hàm lượng chì trong khí thải của các động cơ cũng là nguồn gây ô nhiễm. Ô nhiễm sinh học gồm chất bài tiết, rác, nước bẩn của máy giặt, chất thải ẩm thực, các chất bẩn trong các loại bao bì đóng gói chưa được xử lý, cũng là nhân tố gây ô nhiễm môi trường vào bất kỳ lúc nào. Ô nhiễm nông nghiệp trực tiếp tác động xấu đến môi trường sinh thái như­ phân của các trại chăn nuôi chưa được xử lý thải ra, không những gây ô nhiễm hữu cơ, mà các chất phụ gia trong thức ăn được tích tụ trong đất và nước cũng gây ô nhiễm đất và nước. Việc sử dụng thuốc hoá chất lâu ngày cũng đã gây ô nhiễm đất rất nghiêm trọng. Có tới 60% -70% phân đạm thải vào môi trường, tích tụ vào hồ chứa, sông ngòi, làm cho nước trở nên "giàu dinh dưỡng", thẩm lậu vào nước ngầm làm ô nhiễm nước ngầm, đồng thời phá hoại kết cấu đất, làm cho đất chai cứng, sa hoá, dễ bị rửa trôi.

Các chất ô nhiễm chủ yếu trong đất gồm các chất vô cơ kim loại nặng như­: Hg, Cd, Cu, Zn, Cr, Pb, Ni, As, Se; các chất phóng sạ 137Cs' 90Sr; các chất khác như­ Fluore, muối, axit sulfuric và chất hữu cơ như­ thuốc trừ sâu hữu cơ, phenol, hợp chất cyanidưe, dầu lửa, benzopyrene, chất tẩy rửa hữu cơ, vi sinh như vật có hại. Các kim loại nặng trong thực phẩm khi vào cơ thể, sẽ tích tụ gây hại, chẳng hạn cd khi tích tụ trong cơ thể người, có thời kỳ bán huỷ 16-33 năm, rất dễ gây ngộ độc.

Các chất ô nhiễm trong không khí gây hại gồm Ozon. Hợp chất NO, hợp chất oxi hoá lưu huỳnh, hợp chất Fluor, NH3 Boric, Cl, Etylene, Propylene, HCL và muối, các chất dạng hạt và kim loại nặng hoặc kim loại trong nước t­ới như­ Cu, Ni, Ca, Zn, Mn. Thuốc bảo vệ thực vật có thể để lại dư­ lượng trong sản phẩm như­: P, P' - DDT, 666, Matathion. Phenyl - hydrogen - sulfale, Fenthion v.v. . . Phân hoá học sử dụng quá nhiều, đã gây ô nhiễm đất và nước, còn một phần tích luỹ trong cây trồng, làm cho hàm lượng muối nitrat và nitrit quá mức cho phép có thể gây ung thư­ cho người. Ngoài ra còn các dạng gây ô nhiễm như­ ô nhiễm vi khuẩn và độc tố của chúng, ô nhiễm men, côn trùng, ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm vật liệu bao bì.

Các chất ô nhiễm trên đây vừa gây hại cho cây trồng vật nuôi, vừa gây hại cho sức khoẻ của người, nhất là gây ngộ độc, gồm ngộ độc cấp tính, và ngộ độc mãn tính và các loại bệnh tật khác, trong đó có bệnh ung thư­.

Ở nước ta, theo thống kê từ năm 2000 - 2006, đã có 667 vụ ngộ độc do có độc tố trong thực phẩm với 11.653 người bị hại, trong đó có 683 người chết. Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có tới 30%- 60% số mẫu rau được kiểm tra còn dư­ lượng hoá chất bảo vệ thực vật quá mức cho phép. Loại thuốc pyrethroid được tìm thấy dư­ lượng trong 70% số mẫu rau ăn lá được kiểm tra, ngoài ra còn dư­ lượng fipronil, dithiocarbamate, lân hữu cơ và Carbendazin. Dư lượng 2,4D trong một số mẫu cam ở Hà Giang từ 0,01 -0,01mg/kg. Có tới 20% số mẫu nho được kiểm tra có dư lượng vượt MRL. Có tới 45,8% mẫu táo, lê nhập từ Trung Quốc được kiểm tra có dư lượng thuốc bảo quản Carbendazin (theo Báo Nhân Dân số ra ngày 09/01/2007).

Trong năm 2006, đã có 8.900 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 69 người đã bị tử vong. Trong đợt kiểm tra của năm 2006 của đội kiểm tra liên ngành ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Qua khảo sát 790 mẫu rau được bán tại các chợ đầu mối, có 6,9% mặt hàng chứa dư­ lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép, có 1 tỷ lệ không nhỏ thịt heo tại Thành phố Hồ Chí Minh, có chứa lượng rất cao về hormon tăng trưởng đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Những hoá chất này tích tụ trong cơ thể gây ra các bệnh tim mạch, thần kinh, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, đau cơ v.v. . . Thực chất gây ung thư­. (theo Báo Lao động số ra ngày 06/0 1 /2007) .

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan và Bộ Thuỷ sản Việt Nam, có nhiều lô hàng thuỷ sản xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bị phát hiện có dư­ lượng kháng sinh. (theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, số ra ngày 09/01/2007).

Trước tình hình môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế đã đặt ra yêu cầu khắt khe đối với sản phẩm nông nghiệp, nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh cho sức khoẻ con người.

BA LOẠI ĐẲNG CẤP NÔNG - THỰC PHẨM KHÔNG Ô NHIỄM, AN TOÀN ĐƯỢC SẢN XUẤT THEO CÔNG NGHỆ SẠCH

Trên thế giới đang mở rộng sản xuất nông - thực phẩm không ô nhiễm, an toàn, với 3 loại đẳng cấp như­ sau:

1. Nông - Thực phẩm không ô nhiễm:

Nông - thực phẩm không ô nhiễm (Pollution-free) còn gọi là nông - thực phẩm không gây hại, nông - thực phẩm sạch, nông - thực phẩm an toàn vệ sinh. Loại nông - thực phẩm này có nội hàm là nông - thực phẩm sản xuất trong môi trường được tuân thủ quy trình sản xuất đảm bảo sản phẩm cuối cùng đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Nhà nước hoặc đạt yêu cầu nông thực phẩm không ô nhiễm của ngành hàng. Đó cũng là nông - thực phẩm sơ cấp được cơ quan có thẩm quyền xác nhận có đủ tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ nông - thực phẩm không ô nhiễm. Tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường và tiêu chuẩn t­ư liệu sản xuất là tiêu chuẩn mang tính bắt buộc của Nhà nước và ngành hàng. Quy trình công nghệ là tiêu chuẩn đề xướng của ngành hàng, về cơ bản đảm bảo nông - thực phẩm đạt yêu cầu an toàn.

Nông - thực phẩm không ô nhiễm là nông - thực phẩm không có chất ô nhiễm gây hại (gồm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, các vi sinh vật gây hại) hoặc các chất ô nhiễm gây hại được khống chế dư­ới mức giới hạn cho phép (MRL), đảm bảo nông - thực phẩm đạt yêu cầu an toàn, vệ sinh, không gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Tiêu chuẩn "không Ô nhiễm" không có nghĩa là sản phẩm phải "tuyệt đối sạch", vì trong thiên nhiên không có sản phẩm nào được cho là "tuyệt đối sạch" mà chỉ đòi hỏi hàm lượng chất Ô nhiễm gây hại dư­ới mức quy định về an toàn đối với sức khoẻ của con người. Đó cũng là biện pháp giải quyết tận gốc vốn đề ngộ độc thực phẩm.

2. Nông - thực phẩm sinh thái:

Nông - thực phẩm sinh thái còn gọi là nông - thực phẩm xanh. Nền nông nghiệp, là nền nông nghiệp được sản xuất trong điều kiện sinh thái không bị Ô nhiễm hoặc ít bị Ô nhiễm, hoạt động sản xuất nông nghiệp tận khả năng không tái gây Ô nhiễm, đảm bảo tuần hoàn lành tính, tạo điều kiện nông nghiệp phát triển bền vững. Sản phẩm nông - thực phẩm được sản xuất trong điều kiện sinh thái đó là nông - thực phẩm không Ô nhiễm. Sản xuất nông - thực phẩm theo công nghệ này phải tuân thủ các quy định của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền về sản xuất các mặt hàng an toàn, không Ô nhiễm và được sử dụng tiêu chí nông - thực phẩm sinh thái hoặc nông - thực phẩm xanh. Nông - thực phẩm sinh thái đạt yêu cầu về an toàn và đạt tiêu chí quy định, được chia ra 2 cấp gồm, cấp AA và cấp A. Nói chung, nông - thực phẩm đạt tiêu chuẩn cấp A coi như­ đạt tiêu chuẩn nông - thực phẩm không ô nhiễm, tức là đạt yêu cầu "an toàn, vệ sinh", nếu đạt cấp AA coi như­ đạt tiêu chuẩn nông - thực phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sản phẩm cấp A yêu cầu môi trường sản xuất đạt yêu cầu quy định, trong quá trình sản xuất phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về quy trình công nghệ, sử dụng có giới hạn các tư­ liệu sản xuất tổng hợp hoá học, chất lượng đạt tiêu chuẩn nông - thực phẩm sinh thái, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận được sử dụng tiêu chí sản phẩm sinh thái, thoả mãn nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng trong nước và yêu cầu xuất khẩu. Tiêu chuẩn nông - thực phẩm sinh thái là tiêu chuẩn quy định của ngành.

3. Nông - thực phẩm hữu cơ:

Nông - thực phẩm hữu cơ là sản phẩm sản xuất theo nguyên lý nông nghiệp hữu cơ, được sản xuất và chế biến theo quy trình của sản phẩm hữu cơ, được cơ quan có thẩm quyền của tổ chức nông nghiệp hữu cơ xác nhận và cấp chứng chỉ. Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất nông nghiệp hoàn toàn không sử dụng hoặc về cơ bản không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cỏ dại, chất kích thích sinh trưởng, chất phụ gia thức ăn chăn nuôi theo phương thức tổng hợp nhân tạo. Tư­ liệu sản xuất và nguyên liệu sản xuất sản phẩm hữu cơ bắt buộc phải là sản phẩm tự nhiên của hệ thống sản xuất, vì vậy, sản phẩm có chuyển gen cũng không phải là sản phẩm hữu cơ. Trên phạm vi toàn cầu, sản phẩm hữu cơ không có tiêu chí thống nhất. Tiêu chuẩn có tính pháp quy do tổ chức dân gian với đại diện là Liên hiệp vận động nông nghiệp hữu cơ quốc tế (Internationnal federation of Organic Agriculture Movements, viết tắt là IFOAM) cùng với Chính phủ nhiều nước đề xướng. (Tổ chức này được thành lập ở Pháp vào ngày 5/1 1/1972, ban đầu chỉ có đại biểu của 5 nước Anh, Thuỵ Điển, Nam Phi, Mỹ và Pháp, trải qua hơn 30 năm đã trở thành một lổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế gồm hơn 700 thành viên tập thể của 115 nước).

Trong nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp hữu cơ đang vươn lên giải quyết vấn đề tồn tại lớn của thế giới là tài nguyên cạn kiệt, chất lượng môi trường sinh thái xấu đi, nông - thực phẩm bị ô nhiễm, phẩm chất sa sút.

Nghiêm cấm sử dụng các chất tổng hợp hoá học là một đặc trưng quan trọng của nông nghiệp hữu cơ, nhưng sản xuất nông nghiệp nếu chỉ là không dùng chất tổng hợp hoá học, cũng không đồng nghĩa với nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ phải phục tùng tôn chỉ xây dựng một hệ thống quản lý sản xuất tổng thể nhằm cải thiện và tăng c­ường sức sống của hệ sinh thái nông nghiệp, mà không chỉ là sự thay thế dựa vào một công nghệ đơn nhất, mà dựa vào hệ thống lý luận sinh thái học và sinh vật học được tổng kết qua thực tiễn. Cũng không thể lý giải đơn giản rằng nông nghiệp hữu cơ là nông nghiệp không sử dụng chất tổng hợp hoá học. Nông nghiệp hữu cơ nghiêm cấm sử dụng chất tổng hợp hoá học với hàm ý không sử dụng tài nguyên dầu lửa, hạn chế cạn kiệt tài nguyên, ngăn chặn đất đai thoái hoá. Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải thực thi các giải pháp ít làm đất hoặc không làm đất, hạn chế phá vỡ kết cấu đất, giảm đầu t­ư năng lượng và vật chất. Trong quá trình sản xuất, đặc biệt coi trọng chế độ luân canh, tăng vụ, xen canh, gối vụ với cây họ đậu để nâng cao tính đưa dạng sinh học, tăng độ phì của đất và giảm sâu bệnh gây hại. Để nâng cao độ phì đất, chủ yếu dựa vào sử dụng phân hữu cơ và phát triển cây họ đậu. Về phòng bảo vệ thực vật hại chủ yếu dựa vào biện pháp canh tác và sinh học, sử dụng giống kháng sâu bệnh. Cùng với việc không sử dụng phân hoá học, còn phải áp dụng những công nghệ mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm thoả mãn nhu cầu của loài người. Không những vậy, ngoài việc không sử dụng chất hoá học, còn có yêu cầu các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ không bị ô nhiễm hoá học và phải có khoảng cách nhất định với vùng sản xuất nông nghiệp thông thư­ờng. Vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phải đảm bảo trong 3 năm liền không sử dụng bất cứ loại chất hoá học nào, đồng thời sản xuất tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ và được sự xác nhận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

Một số vùng sản xuất tuy không sử dụng chất hoá học hoặc sản xuất nông nghiệp theo phương thức tự nhiên cũng không được coi là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vì ở những vùng đó không được quản lý chặt chẽ, sản lượng, chất lượng sản phẩm không ổn định. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có thể sử dụng một số nguyên liệu thiên nhiên không bị ô nhiễm, nhưng phải khống chế ở mức độ nhất định, không được làm cạn kiệt tài nguyên.

Nông nghiệp hữu cơ tiếp thu kinh nghiệm của nông nghiệp truyền thống và được phát triển trên cơ sở của nông nghiệp truyền thống, song cơ sở khoa học và điều kiện sản xuất khác hẳn nông nghiệp truyền thống. Phương thức sản xuất cơ bản của nông nghiệp hữu cơ rất giống nông nghiệp truyền thống của nhiều nước phương đông, nhưng đã có những tiến bộ mới về lý luận, công nghệ và công cụ sản xuất.

Nông nghiệp hữu cơ nghiêm cấm sử dụng hoá chất, nhưng không đối lập với khoa học, ng­ược lại, đó là một thách thức mới đối với khoa học nông nghiệp hiện đại, khi phương thức nông nghiệp hữu cơ đang vươn tới một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ đất lâu dài, lại có thể cung cấp thoả mãn nhu cầu sản phẩm giàu dinh dưỡng cho loài người. Như­ vậy, chỉ cần sử dụng giải pháp không dùng hoá chất để kiềm chế sâu, bệnh gây hại, thì nông nghiệp hữu cơ không làm cho nông nghiệp quay lại thời hoang sơ với năng xuất thấp, hiệu quả thấp dẫn đến đói nghèo, từ đó nông nghiệp hữu cơ có khả năng trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền nông nghiệp hiện đại của loài người.

Ở các nước Châu Âu, nông sản hữu cơ có tốc độ tăng trưởng hàng năm 10% - 40%. Kim ngạch bán lẻ thực phẩm hữu cơ ở Mỹ trên 4 tỷ USD/năm, hiện nay có 1/3 dân Mỹ mua sản phẩm hữu cơ, 83% dân Mỹ có nhu cầu mua thực phẩm hữu cơ, năm 2006, khối lượng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở Mỹ là 47,0 tỷ USD. Thực phẩm hữu cơ ở Đan Mạch chiếm 10% thị phần, với 400 chủng loại sản phẩm, chiếm tỷ lệ 20% số sản phẩm vào năm 2001. Ở Đức, thực phẩm hữu cơ chiếm 5% thị phần. Ở Nhật, quy mô thị trường sản phẩm hữu cơ đạt mức 1-2 tỷ USD/năm. 11 nước phát triển, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp có tổng mức tiêu thụ đạt 13,5USD vào năm 1998, chiếm 1% thị phần thực phẩm. Trong đó 5 năm qua, EU, Mỹ, Nhật, tốc độ tăng trưởng về mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên thị trường tăng bình quân 25-30%/năm. Năm 2006, kim ngạch tiêu thụ thực phẩm hữu cơ trên thị trường EU đạt 100 tỷ USD.

Ở các nước phát triển, nhu cầu về thực phẩm hữu cơ phần lớn dựa vào nhập khẩu. Đức, Hà Lan, Anh hàng năm nhập khẩu thực phẩm hữu cơ chiếm 60-70% tổng mức tiêu thụ về thực phẩm hữu cơ, giá cao hơn thực phẩm thông thư­ờng 20%-50%, có khi tăng nhiều lần. Các mặt hàng sản phẩm hữu cơ chủ yếu xuất khẩu, gồm trên 50 loại gạo, ngô, đậu tương, mì mạch, các loại đậu đỗ, hàng gia vị, rau, vừng, hạt dưẻ, hạt dư­a, quả, rau, bột sữa, mật ong, trứng gia cầm, lạc, chè, dược liệu, chủ yếu nhập vào thị trường Nhật, Mỹ, Hà Lan, Canada, Đức, Pháp.

Từ nền nông nghiệp truyền thống phát triển thành nền nông nghiệp hiện đại là một b­ước nhảy vọt lớn của loài người. Từ một nền nông nghiệp hiện đại áp dụng công nghệ thiếu thân thiện với môi trường, chưa an toàn đối với sức khoẻ con người vươn tới nền nông nghiệp hiện đại phát triển theo hướng sản xuất các sản phẩm không gây ô nhiễm, sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khoẻ loài người lại là một b­ước nhảy vọt tiếp theo của loài người. Nông - thực phẩm không Ô nhiễm, nông - thực phẩm sinh thái, nông - thực phẩm hữu cơ đều là thực phẩm an toàn ở 3 đẳng cấp khác nhau, có yêu cầu về môi trường sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm khác nhau, đối t­ượng tiêu dùng khác nhau. Trong điều kiện hiện thực, vẫn chủ yếu phát triển sản xuất các sản phẩm không ô nhiễm, tuỳ điều kiện sinh thái cụ thể của từng địa phương để quy hoạch và đầu tư­ từng b­ước phát triển sản xuất nông - thực phẩm sinh thái và nông - thực phẩm hữu cơ, nhằm thoả mãn nhu cầu đặc thù của một số tầng lớp người tiêu dùng.

TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN NGÀNH KỸ NGHỆ NÔNG - THỰC PHẨM KHÔNG Ô NHIỄM, AN TOÀN THEO CÔNG NGHỆ SẠCH Ở NƯỚC TA

Phát triển kỹ nghệ sản xuất nông - thực phẩm an toàn là một trào lưu lớn của nông nghiệp thế giới đương đại, có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với nước ta.

Một, sản xuất nông - thực phẩm an toàn nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của nhân dân. Loài ngoài đang đòi hỏi quản lý chất lượng của nông - thực phẩm "từ đồng ruộng đến bàn ăn” với sản phẩm đưa vào tiêu dùng phải có chứng chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh, không gây hại cho sức khoẻ con người, không còn thực phẩm gây ngộ độc. Không những vậy còn phải vươn lên sản xuất nông - thực phẩm có chất lượng ngày càng cao, nâng cao chất lượng đời sống người tiêu dùng, đó cũng là đòi hỏi bức thiết của nhân dân ta.

Hai, sản xuất nông - thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp trong thời gian dài đã sử dụng khối lượng lớn phân hoá học làm cho độ phì đất suy giảm, lượng đạm, lân lớn đã bị rửa trôi, làm cho nước bị "nhiễm dinh dưỡng', hàm lượng đạm nitrat, nitrit tăng mạnh, càng làm cho môi trường nước, đất xấu đi. Trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc hoá chất bảo vệ thực vật quá mức đã làm cho thiên địch giảm, sâu bệnh lan tràn mạnh, dư­ lượng thuốc trong đất và nước ngày càng nhiều, từ đó lại nhiễm độc trở lại nông - thực phẩm, gây tác hại cho môi trường sống và sức khoẻ của con người.

Việc sản xuất nông nghiệp an toàn sẽ thúc đẩy quá trình áp dụng công nghệ cao về sản xuất an toàn, tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, góp phần nông nghiệp phát triển bền vững.

Ba, góp phần thu hút mạnh vốn đầu tư­ nước ngoài vào nông nghiệp. N­ước ta đã thu hút được nguồn vốn FDI của nước ngoài đầu tư­ vào Việt Nam ngày càng lớn, nhưng chủ yếu là đầu tư­ vào công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, còn phần đầu tư vào nông nghiệp rất ít, đã vậy, lại hiếm có các dự án đầu tư phát triển công nghệ cao, công nghệ mới, có hiệu ích tan toả lớn trong nông nghiệp. Nếu nước ta khuyến khích mạnh phát triển ngành kỹ nghệ nông - thực phẩm an toàn sản xuất theo công nghệ sạch sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các công ty xuyên quốc gia của các nước phát triển là những nước đi đầu đề xướng và phát triển loại kỹ nghệ này, có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn, có vốn lớn đầu t­ư vào ngành kỹ nghệ nông - thực phẩm không ô nhiễm, an toàn ở Việt Nam, qua đó cũng tạo điều kiện để ngành kỹ nghệ mới này của nước ta thu hút được sự quan tâm hợp tác của cộng đồng quốc tế, nâng cao uy tín của sản phẩm nông - thực phẩm trong lành của Việt Nam.

Bốn, nâng cao chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nông - thực phẩm nước ta trên thị trường. Sản phẩm nông nghiệp của thế giới nói chung đang ở thế cung lớn hơn cầu. Hàng loạt nông - thực phẩm phải đối mặt với những cạnh tranh gay gắt trong quá trình tự do hoá thư­ơng mại toàn cầu.

Ngành nông nghiệp nước ta là một trong những ngành có vị thế yếu trong cạnh tranh quốc tế sau khi gia nhập WTO. Để giành chiến thắng trong cạnh tranh, nông - thực phẩm Việt Nam cùng một lúc phải cạnh tranh được cả về giá và cả về chất lượng sản phẩm, trong đó, vấn đề gay cấn nhất vẫn là chất lượng sản phẩm. Nếu phát triển sản xuất nông - thực phẩm không ô nhiễm, an toàn, chất lượng cao, thì nông - thực phẩm sản xuất theo công nghệ sạch của Việt Nam sẽ có vị thế xứng đáng trên thị trường thế giới, trước mắt là nông - thực phẩm không ô nhiễm, tiếp sau đó là nông - thực phẩm sinh thái, nông - thực phẩm hữu cơ mà thị trường thế giới đang có tiềm năng tiêu thụ lo lớn.

Năm, nông - thực phẩm không ô nhiễm tạo được giá trị gia tăng lớn, góp phần hiện đại hoá nhanh ngành công nghiệp chế biến nông - thực phẩm. Ngành công nghiệp chế biến nông - thực phẩm của nước ta đang rất yếu kém. Chất lượng nông - thực phẩm thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, không đảm bảo yêu cầu an toàn, vệ sinh, giá trị gia tăng qua chế biến rất thấp, hiệu ích kinh tế thấp, do đó, phải có hệ thống giải pháp đồng bộ theo hướng sử dụng giống tốt để có chất lượng sản phẩm cao, phải cải tiến thiết bị chế biến, phát triển chế biến sâu, phát triển công nghệ đóng gói hiện đại, phải sớm đề ra tiêu chí nông - thực phẩm không ô nhiễm, tạo ra nhiều thư­ơng hiệu đặc sắc của Việt Nam theo hướng an toàn, chất lượng cao, đưa công nghiệp chế biến nông - thực phẩm trở thành ngành công nghiệp hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng lớn trong ngành nông nghiệp nước nhà.

Sáu, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo nhiều việc làm tăng thu nhập cho nông dân, tăng thu ngoại tệ cho đất nước.

Sử dụng công nghệ sạch là một ngành kỹ nghệ cần nhiều lao động, trong đó ngành nông nghiệp hữu cơ cần nhiều lao động chuyên nghiệp trong suốt ba công đoạn của quá trình tr­ước, trong và sau sản xuất. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, chỉ riêng về công đoạn sản xuất nông nghiệp, cần số lao động cao gấp 6 lần so với công nghệ thông thường. Sản xuất nông - thực phẩm là những ngành sản xuất quan trọng nhất của nông nghiệp nước ta, nếu sản xuất theo công nghệ sạch có thể là một hướng lớn để giảm nhẹ sức ép về dư­ thừa lao động trong nông thôn. Nền sản xuất sản phẩm không ô nhiễm, an toàn tạo ra sản phẩm có giá bán cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao hiệu ích tổng thể của sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, nếu sản xuất gạo, chè an toàn, chất lượng cao, giá bán cao hơn hẳn sản phẩm thông thư­ờng, thu nhập của người làm lúa, làm chè có thể tăng nhiều lần.

N­ước ta có lợi thêm cạnh tranh để phát triển ngành kỹ nghệ sản xuất nông nghiệp không ô nhiễm, an toàn vì nước ta có nguồn lao động dồi dào với tố chất tốt phù hợp với yêu cầu của ngành sản xuất này cần nhiều lao động có chất lượng tốt, đồng thời còn nhiều vùng sinh thái có điều kiện môi trường tương đối trong lành, nhưng đây lại là ngành kỹ nghệ mới, phức tạp, xa lạ với thói quen của nông dân và sức ỳ của phương thức sản xuất tiểu nông. Do đó, để thực thi nhiệm vụ này, đòi hỏi quyết tâm cao và có lộ trình phù hợp. Phải tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về phương thức sản xuất này để hơn ai hết người nông dân phải từ bỏ những suy nghĩ truyền thống không phù hợp với thế giới đương đại, kịp thời chuyển tư­ duy cổ truyền sang tư­ duy hiện đại chấm dứt cách làm ăn tuỳ tiện của kinh tế tiểu nông.

Với cấp vĩ mô, phải chọn b­ước đi phù hợp. Những sản phẩm có sẵn thị trường tiêu thụ, có điều kiện làm trước thì làm trước, những sản phẩm có đẳng cấp cao như­ nông nghiệp hữu cơ thì phải chuẩn bị làm từng bước, làm đến đâu tốt đến đó, đảm bảo hiệu quả.

Trong giai đoạn ban đầu, nên tập trung vào một số đối tượng, sau đó từng bước mở rộng sang các ngành khác, cụ thể như­ sau:

+ Trong ngành trồng trọt chọn một số cây như­ lúa gạo, rau, chè. . .sản xuất theo công nghệ sạch trên diện tích rộng, trong đó có một số diện tích nhỏ sản xuất sản phẩm hữu cơ mang tính đột phá, tập trung vào những vùng có môi trường tự nhiên đang còn rất trong lành, có điều kiện ứng dụng ngay công nghệ mới, dễ quản lý, chẳng hạn sản xuất gạo hữu cơ đặc sản bằng giống đặc biệt ngon ở một số địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; sản xuất rau hữu cơ ở một số địa phương vùng miền núi phía Bắc và Lâm Đồng; sản xuất chè hữu cơ vùng cao các tỉnh miền núi phía Bắc, tạo ra những sản phẩm với những thư­ơng hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới, góp phần phát triển ngành kỹ nghệ nông thực phẩm không ô nhiễm, an toàn, đồng thời góp phần nâng cao hiệu ích kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân các vùng này.

+ Trong ngành chăn nuôi: Chọn một số đối tượng làm trước, chủ yếu là gà, gia súc ăn cỏ và động vật hoang dã. Phát triển nuôi gà sinh thái, gà hữu cơ bằng những giống gà đặc biệt ngon của địa phương vừa góp phần phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay, đồng thời tạo ra ngành sản xuất thịt gà chất lượng rất cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sản xuất gia súc ăn cỏ chủ yếu dựa vào thức ăn từ cỏ trồng và thức ăn tinh theo công nghệ sinh thái để có sản phẩm thịt, sữa sạch, đủ sức cạnh tranh thay thế nhập khẩu.

+ Trong ngành thuỷ sản: Chủ yếu là ngành nuôi trồng thuỷ sản nội địa và trên biển. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản nội địa theo công nghệ sinh thái, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long để có sản lượng lớn về sản phẩm tôm, cá không ô nhiễm, an toàn, nâng cao sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Phát triển nghề nuôi biển theo công nghệ sinh thái, trong đó có công nghệ hữu cơ, với những giống thuỷ sản quý hiếm, tạo ra nhiều thư­ơng hiệu nổi tiếng, có giá bán rất cao trên thị trường quốc tế.

Các sản phẩm nông - thực phẩm không ô nhiễm, an toàn, trong đó có sản phẩm hữu cơ đang là thị hiếu tiêu dùng có nhu cầu lớn của thế giới, nhất là ở các nước phát triển. Nếu nông nghiệp Việt Nam sản xuất được những sản phẩm đạt những tiêu chuẩn quốc tế, sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn và vị thế bền vững trong thị trường quốc tế.

Chúng ta cần đề ra định hướng phát triển, có chương trình khuyến khích thoả đáng, xúc tiến nghiên cứu khoa học, ban hành các quy trình tiểu chuẩn kỹ thuật sản xuất, quy chế công nhận hàng hoá đạt tiêu chuẩn, giúp cho ngành kỹ nghệ này có điều kiện phát triển đáp ứng kịp nhu cầu bức xúc của thị trường .

Sau khi gia nhập WTO, với ngành kỹ nghệ mới này, giúp cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có điều kiện vượt qua những rào cản thư­ơng mại, phát huy được lợi thế để xâm nhập thị trường các nước phát triển, với khối lượng ngày càng lớn, hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của hàng hoá Việt Nam trong quá trình toàn cầu hoá kinh tế./.

Nguyễn Công Tạn

Tin khác