Sau 7 tháng gia nhập WTO: Mối lo lớn nhất là nông nghiệp

13/08/2007

Không đến nỗi “bi đát” như nhiều người vẫn nghĩ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lực lượng doanh nghiệp vẫn đang hoạt động khá suôn sẻ và từng bước phát triển. Duy có ngành nông nghiệp dường như vẫn chưa thể bắt nhịp với guồng quay mới. Chính vì vậy, vấn đề cải cách nông nghiệp hiện nay phải được đặt lên hàng đầu.

Vững vàng hội nhập

Cựu Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: Thực tế là các doanh nghiệp (DN) đã được cọ xát với hội nhập từ trước khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Cụ thể như đối với thị trường Mỹ, sau khi chính thức ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Mỹ, các DN không những không chao đảo, mà còn có lãi. Thời điểm khi chúng ta ký BTA, kim ngạch thương mại song phương với Mỹ chỉ đạt 700 triệu USD, nhưng hiện đã lên đến 10 tỷ USD, trong đó VN xuất 7, nhập 3. Trước đó, khi VN ký Hiệp định AFTA với khối ASEAN, mức thuế nhập khẩu hạ xuống còn 0-5% (WTO giữ mức trung bình 13,6%) nhưng thị trường VN không hề bị hàng hoá ASEAN ào ạt chiếm lĩnh như dự báo. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ một thực tế rằng, năng lực cạnh tranh của các DN còn hạn chế, trình độ sản xuất lạc hậu, chưa theo kịp công nghệ của thế giới. Trong bối cảnh cơ cấu kinh tế thế giới đã thay đổi mạnh mẽ, kinh tế tri thức, kinh tế dịch vụ “lên ngôi”, các DN tham gia vào sân chơi toàn cầu phải trang bị cho mình một vốn kiến thức toàn diện và đặt mình trong mối liên kết toàn cầu. Thế giới bây giờ là thế giới mạng (network), DN phải nằm trong chuỗi liên kết, liên kết giữa các DN với nhau, giữa DN và Nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Cải cách nông nghiệp, việc cần làm ngay

Theo PGS- TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh): Việc sắp xếp lại các DN Nhà nước, thị trường hóa phải theo trình tự hợp lý. Nếu ưu tiên quá mức cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có thể dẫn đến tình trạng “ỷ lớn làm liều”, độc quyền, cấu kết để thao túng thị trường, “cá lớn nuốt cá bé”. Nóng vội thị trường hóa các lĩnh vực chính sách xã hội dân sinh như giáo dục, y tế, nhà ở… sẽ làm kiệt sức người nghèo. Cải cách cần chú ý đặc biệt đến doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhỏ ở các địa phương, ưu tiên phát triển một số tập đoàn kinh tế có thực chất, tạo ra những “quả đấm” chủ lực, tăng cường tính công khai minh bạch trong một sân chơi công bằng. Thực tế, việc Chính phủ ưu tiên tập trung xây dựng một số dự án lớn, tập đoàn mạnh thời gian qua chính là trình tự ưu tiên đúng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khi chúng ta đã là thành viên của WTO. Ví dụ như cụm công nghiệp tàu thủy và cơ sở hạ tầng khu vực ĐBSCL, dự án khí điện đạm Cà Mau, Dung Quất…

TS. Nguyễn Quốc Vọng (chuyên viên Bộ Nông nghiệp bang New South Wales, Ôtxtrâylia) cho rằng: Thực tế, Việt Nam vẫn duy trì ngành công nghiệp bảo hộ cho nền nông nghiệp của mình tuy không trực tiếp. Theo cam kết WTO, thuế nông sản bình quân nhập khẩu vào VN chỉ giảm 10% (thuế hàng công nghiệp giảm 23%) nhưng vẫn giữ hạn ngạch những mặt hàng nông sản nhạy cảm như đường, thuốc lá, trứng… và dành 10% giá trị công nghiệp để trợ cấp cho nông dân, trong khi các nước phát triển chỉ được dành 3%. Sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng chất xám tạo nên giá trị gia tăng chưa nhiều, chủ yếu xuất thô. Vì vậy, dù là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản nhưng nông nghiệp của Việt Nam còn rất yếu, bấp bênh, sản xuất theo phong trào, quy hoạch chưa hợp lý. Các nước thành viên WTO hằng năm cần nhập khẩu gần 103 tỷ USD rau quả, lúa gạo chỉ khoảng 10 tỷ USD, trong khi đó Việt Nam vẫn dùng 7 triệu hecta đất cho cây lúa, chỉ 1, 4 triệu hecta cây ăn trái. Sân chơi WTO quy định 4 “luật chơi”, cũng là 4 thách thức mà nông nghiệp VN đang thiếu: số lượng hàng hóa phải lớn, đồng bộ về kích cỡ, màu sắc, bao bì và thời gian giao hàng chính xác…; sản phẩm phải có chứng chỉ xác nhận về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm...; giá rẻ để cạnh tranh; hàng hóa phải có chứng chỉ nông nghiệp an toàn (GAP).

Chặng đường phát triển còn rất dài, ngành nông nghiệp cần nhìn nhận những yếu kém của mình để khắc phục và tiến hành cải cách. Trong một sân chơi lớn, nếu chỉ đứng một mình sẽ dễ bị dòng nước cuốn trôi nhưng nếu biết liên kết, tạo ra giá trị riêng biệt, sẽ thắng.

Nguồn: Trương Khắc Dũng - Kinh tế nông thôn


Tin khác