Dự án sản xuất gạo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở ĐBSCL

11/08/2007

Đây là cụm dự án mà sự thành công của nó được kỳ vọng sẽ mang đến định hướng mới cho sản xuất nông nghiệp lúa gạo tại Việt Nam.

 Trên 12.000 ha đất thuộc các huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng của tỉnh Long An sẽ được giành cho dự án có tổng vốn đầu tư trên 4.400 tỷ đồng này.

Nâng cấp vị thế gạo Việt Nam trên thế giới

Nhiều chuyên gia đã tỏ ra lạc quan trước tương lai của dự án, đặc biệt là các quan chức chính quyền nơi dự án được triển khai thực hiện. Trước hết là do mục tiêu của dự án, được đánh giá là cần thiết và đáp ứng sự mong đợi của nông dân. Tiếp đến là năng lực tài chính, quản lý và uy tín của chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư - Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm ITA (ITA - Rice).

Công ty này được thành lập với sự góp vốn của Tập đoàn Tân Tạo, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Đức và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Tân Đông Phương.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Nhưng cho tới hiện nay, trong cả nước chưa có nơi nào áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho sản xuất lúa gạo. Vì thế, với các loại gạo cùng chất lượng với Thái Lan nhưng giá luôn thấp hơn từ 7-20 USD/tấn và thấp hơn gạo của Mỹ đến 220 USD.

Điều còn rất ít người biết là hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tương đương trên 3.000 tấn gạo chất lượng cao để cung cấp cho các nhà hàng cao cấp và các công ty chế biến thực phẩm. Việc tăng chất lượng và giá trị gạo là đòi hỏi bức bách trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đã trở thành thành viên của WTO.

Ông Thái Văn Mến, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Tạo cho biết đấy chính là lý do để hình thành nên ITA-Rice và dự án sản xuất lúa gạo thơm xuất khẩu có quy mô lớn nhất nước hiện nay.

Ngoài 2 nông trường với tổng diện tích 12.000 ha trồng lúa theo quy trình GAP của Mỹ và châu Âu; còn có các nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, đạt công suất xay xát và đóng gói 50.000 tấn/năm, cùng hệ thống cảng có khả năng tiếp nhận tầu đến 1.000 tấn; các khu nhà ở chuyên gia - căn hộ với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và văn hóa, xã hội (trạm y tế, cơ sở thương nghiệp, trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở, khu vui chơi) và nhà máy nước công suất 10.000-20.000 m3/ngày-đêm.

Tổng vốn đầu tư toàn dự án lên tới hơn 4.414 tỷ đồng. Trong đó gần 1.668 tỷ đồng cho dự án 12.000 ha sản xuất lúa thơm; hơn 692 tỷ đồng cho xây dựng cảng, các nhà máy xay xát chế biến và hệ thống kho; hơn 1.938 tỷ đồng xây dựng khu đô thị, nhà ở và các công trình công cộng phục vụ chuyên gia, công nhân viên. Tất cả được phân kỳ đầu tư trong thời hạn 5 năm.

Ông Mến giới thiệu: “Để phát triển dự án này, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ hết sức quý báu của GS.TS - Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân và Đại học An Giang. Ngay trong năm đầu tiên, chúng tôi vừa tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như quy hoạch lại hệ thống đê điều, đường giao thông, cấp thoát nước, vừa tổ chức thí điểm trên diện tích 100 ha.

Sau đó, sẽ tăng dần diện tích sản xuất lên thêm 500 ha vào năm thứ hai; thêm 2.000 ha năm thứ ba; thêm 4.000 ha năm thứ tư; thêm 5.000 ha năm thứ năm; và đến năm thứ sau thêm 400 ha nữa là đủ 12.000 ha lúa như quy hoạch của dự án”.

Sẽ hình thành một vùng nông thôn mới

Theo tính toán của các chuyên gia, ngay năm đầu tiên, riêng lúa thơm xuất khẩu trên diện tích thí điểm 100 ha đã có thể đạt 360 tấn lúa loại I và 240 tấn lúa loại II, với tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Và trong vòng 10 năm sẽ bán được khoảng 489.000 tấn, gồm 293.400 tấn loại I và 195.600 tấn loại II và tổng doanh thu lúa đạt hơn 5.700 tỷ đồng.

Khu vực được quy hoạch giành cho triển khai dự án hiện nay chủ yếu là vùng đất trồng lúa hai vụ, một ít trồng màu, còn lại là đất trồng tràm kinh tế hay cỏ hoang. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn khá nghèo nàn, dân cư thưa thớt. Nhưng, tất cả sẽ đổi thay trong vài ba năm tới. Chính tại đây sẽ nhanh chóng hình thành một vùng nông thôn mới.

Các nhà đầu tư đã cam kết với chính quyền địa phương rằng nhân dân trong vùng và lân cận dự án sẽ được chính ITA-Rice đào tạo tay nghề sản xuất lúa và các kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn GAP. Sau đó được tuyển dụng lại và những lao động được tuyển dụng này sẽ trở thành công nhân của nông trường, được hưởng đầy đủ các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các phúc lợi khác như một cán bộ công nhân viên của công ty.

Theo phương án dự phòng, nông dân trong cận vùng, qua đào tạo có thể tổ chức sản xuất theo quy trình GAP và được công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Để ổn định cuộc sống và hỗ trợ cho bà con nông dân trong khu vực có đất bị giải tỏa, ITA-RICE sẽ bố trí khu vực căn hộ để tái định cư và bằng việc hoán đổi đất sản xuất nông nghiệp nhận nền nhà tương ứng với diện tích bị giải tỏa.

Công ty sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng và căn hộ hoàn chỉnh để bán hoặc hoán đổi cho nhân dân trong vùng dự án. Ngoài ra, để thu hút nhân dân các khu vực khác, công ty sẽ bán các khu nhà chuyên gia cho người dân nào có nhu cầu.

ITA-RICE cũng sẽ xây dựng trung tâm dạy nghề cho nhân dân hai huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Bên cạnh đó, sẽ thành lập công ty sản xuất thương mại thủ công mỹ nghệ để tận dụng nguyên liệu tại chỗ, vừa giải quyết lao động và tạo việc làm cho nhân dân với hai hình thức. Một là làm công nhân cho nhà máy, hai là nhận hàng về gia công cho nhà máy ở các công đoạn lao động đơn giản...

 

 


Theo VnEconomy

Tin khác