Xuất khẩu 6 tháng: Lượng tăng, chất chưa đạt yêu cầu

25/07/2007

Xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay đạt 48% so với kế hoạch cả năm do Quốc hội đề ra. 52% mục tiêu còn lại cho 6 tháng cuối năm không phải quá khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, trong cuộc gặp mặt của các nhà xuất khẩu Việt Nam với lãnh đạo Bộ Thương mại tổ chức vào ngày 24/7 tại Tp.HCM, nhiều vấn đề bức xúc mới đã được đặt ra.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước trong 6 tháng đầu năm nay đạt 22,46 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Thương mại, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có tốc độ tăng trưởng cao như thủy sản, dệt may, tương đương với tốc độ tăng trưởng của kế hoạch đặt ra. Thủy sản đạt 1,65 tỷ USD, bằng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó dệt may kim ngạch đạt được 3,43 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao hơn thủy sản và dệt may như cà phê, tiêu và sản phẩm nhựa. Tăng trưởng của cà phê trên 100% so với cùng kỳ khi giá trị kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD, nhựa tăng 51% với kim ngạch 320 tỷ USD và 146 triệu USD tăng 33% của mặt hàng tiêu.

Ông Đỗ Hoàng Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, cho biết kim ngạch tiêu xuất khẩu trong 6 tháng qua tăng không phải nhờ vào số lượng mà phần lớn là giá cả.

Giá trên thị trường thế giới đã có lợi hơn cho nhà sản xuất và người nông dân. Việc tăng giá tiêu không phải chỉ do yếu tố cầu thị trường mà là nhờ sự chủ động của những nhà xuất khẩu Việt Nam.

Đối mặt với vấn đề chất lượng

Cùng với gia tăng về số lượng, mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với vấn đề chất lượng. “Đây không phải là vấn đề của doanh nghiệp mà là quốc gia và cần được cảnh báo nếu không nguy cơ này làm cản trở hoặc mất thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản và thực phẩm”, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Thương mại, đã phát biểu với các doanh nghiệp tham dự cuộc gặp.

Theo ông Biên, chất lượng cà phê, thủy sản và một số mặt hàng xuất khẩu khác là vấn đề cần được quan tâm. 63 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất hàng vào Nhật. Vấn đề này được lo lắng nhiều nhất hiện nay vì chưa có một giải quyết nào được đưa ra cho thấy có thể để giải quyết hiệu quả và ngăn chặn dư lượng kháng sinh với hàm lượng cao trong thủy sản xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu của cao su Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã giảm 3% so với cùng kỳ, điều mà lẽ ra phải ngược lại khi cao su là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam nói rằng kim ngạch giảm, ngoài sản lượng xuất khẩu thấp, còn do chất lượng cao su thấp hơn so với các nước khác. Đây là vấn đề cũng được nói nhiều giữa các doanh nghiệp nhưng tình hình không thay đổi và chính điều đó làm cho giá cao su Việt Nam thấp hơn của nước khác từ 4-10%. Riêng trong 6 tháng đầu năm, giá cao su Việt Nam đã giảm 5,1% so với cùng kỳ.

Riêng với sản phẩm hồ tiêu thì ngược lại. Ông Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết: sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đang gặp cái khó, mặc dù không phải là vấn đề lớn, chính là chất lượng quá cao so với yêu cầu thị trường.

Theo ông Nam, khác với thị trường châu Âu và Mỹ, thị trường Trung Đông và Tây Á thích loại hồ tiêu chất lượng thấp trong khi loại này Việt Nam không sản xuất. Kết quả là hồ tiêu có chất lượng cao phải “biến đổi” thành thấp theo yêu cầu của khách hàng ở Trung Đông và Tây Á nếu không 50% nhà máy sản xuất hồ tiêu chất lượng cao của Việt Nam phải ngưng sản xuất.

Thủ tục, chi phí cao, kim ngạch ảo?

Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu, đó là chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp khá nhiều phiền toái về thủ tục hành chính. Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Sông Tiền, cho biết chuyện C/O (chứng nhận xuất xứ) quả là phiền phức đối với công ty ở tận Tiền Giang của bà. Để xin được C/O, người của công ty phải lên tận Tp.HCM để xin và phải mất từ 2-4 ngày mới có. Bà đặt vấn đề tại sao ở chỗ bà không có cơ quan cấp C/O? “Lẽ ra ở đâu có hải quan thì ở đó phải có bộ phận cấp C/O cho doanh nghiệp”, bà phát biểu.

Cùng với vấn đề thủ tục, bà Anh còn bức xúc đối với chuyện chi phí tăng cao khiến bà lo lắng không kém vấn đề chất lượng thủy sản, mặt hàng Sông Tiền đang kinh doanh. Bà nói chi phí đầu vào trong thời gian qua tăng khá mạnh, như chi phí xăng dầu, điện, vật tư và vừa rồi là cước tàu vận chuyển (sắp tới cước này sẽ tiếp tục tăng).

“Xuất khẩu thực chất có tăng nhưng với chi phí đầu vào tăng như vậy thì giá trị xuất khẩu xem như không tăng. Bên cạnh đó, đồng Đôla thu về lại giảm và như thế tính hiệu quả của xuất khẩu không có”, bà bộc bạch. Bà kêu gọi Nhà nước có biện pháp can thiệp để cùng giúp doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu và gia tăng giá trị kim ngạch.

Hiện doanh nghiệp xuất khẩu kêu ca rất nhiều về cước phí bốc dỡ contanier (THC) mà các hãng tàu áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của họ. Bộ Thương mại và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã làm việc với các hiệp hội hãng tàu. Tuy nhiên, việc áp dụng cước THC không bị loại bỏ mà được trì hoãn đối với một số hãng tàu, trong khi đó nhiều hãng tàu đã bắt đầu áp dụng loại cước mới phát sinh này.

Bà Hoa - Hiệp hội Cao su Việt Nam nói rằng cước THC ảnh hưởng rất nhiều đến giá xuất khẩu của cao su Việt Nam vốn đã rất thấp so với các nước xuất khẩu khác. Theo bà Hoa, Hiệp hội cao su Việt Nam sẽ kiên quyết không áp dụng cước THC đối với cao su xuất khẩu theo lời kêu gọi của Hiệp hội cao su Đông Nam Á để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ trưởng Biên thừa nhận việc áp dụng cước phí THC ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên giải pháp nào đối với vấn đề này là chuyện Việt Nam còn nhiều lúng túng.

Bộ Thương mại kêu gọi các tham tán ở nước ngoài nghiên cứu về cách giải quyết vấn đề cước THC để lựa chọn giải pháp thích hợp và hiệu quả cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong cả năm 2007 là 48 tỷ USD, tức tăng 20,8% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của 2006. Mục tiêu này được đặt ra cùng với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng mục tiêu về vốn đầu tư nước ngoài dễ đạt được hơn mục tiêu xuất khẩu bởi những tác động làm gia tăng giá trị xuất khẩu chưa đủ thời gian để phát huy tác dụng, thay vào đó mức tăng trưởng được dự đoán sẽ không có đột biến.

(Theo VnEconomy)


Tin khác