Không được quên những cống hiến to lớn và không được xem nhẹ những lợi ích chính đáng của người nông dân

21/08/2007

Tôi vốn đọc bài báo “Giải phẫu” dự án 3.000 tỷ đồng đăng trên Tiền Phong các số 215, 216 ra ngày 3/8 và 4/8 năm 2007 của tác giả Quyền Thành như một bài phóng sự, điều tra… bình thưòng, nhưng không ngờ sau khi đọc xong dòng cuối, như một sức mạnh vô hình, bài báo đó đã thôi thúc tôi phải nói ra, phải viết ra những điều mà tôi nung nấu trong lòng nhưng chưa tiện dịp nói ra, viết ra. Như một chân lý mà những người Việt Nam ở độ tuổi trên dưới năm mươi đều có thể cảm nhận sâu sắc, đó là tầng lớp nông dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã có những cống hiến cực kỳ to lớn trong mấy cuộc kháng chiến chông ngoại xâm của dân tộc.Tuyệt đại đa số bộ đội ta là những người nông dân mặc áo lính, thóc gạo của nông dân đã giúp bộ đội cụ Hồ ăn no đánh thắng, và không biết bao nhiêu nông dân nam nữ với vai trò dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong, không sợ hy sinh gian khổ đã góp công đầu trong việc tải lương tiếp đạn, mở đường thắng lợi…Những người đã qua thời kỳ sơ tán tản cư chắc cũng chưa thể quên được những gia đình nông dân đã vui lòng dành cho họ nhưng gian nhà tốt nhất để tạm trú không phải là vài ba ngày mà là hàng tháng, hàng mấy tháng để tránh bom địch.

Thế nhưng trong tiến trình thực hiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá, hình như một số người có trách nhiệm và đông đảo cư dân thành thị (trong đó có người viết bài này) đã dần dần quên mất chân lý đó, sự thực đó. Một số người tỏ ra vô cảm với nông dân. Trong khi quy hoạch chương trình này, kế hoạch kia … một số người có chức có quyền thường chỉ nghĩ là đã ban ơn cho nông dân chứ không nghĩ rằng đất nước này và những người như họ còn nợ nông dân nhiều lắm! Và hình như họ cũng quên rằng, nếu không có những mảnh đất màu mỡ, ngon lành mà những người nông dân như xé thịt da mình ra dành cho nhà nước thì làm sao một số khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, những khách sạn cao cấp, những khu chung cư, biệt thự hoành tráng v.v.. có đất để mà mọc lên được.(Nhân đây xin mạnh dạn nêu một câu hỏi: những đền bù cho nông dân khi lấy ruộng đất của họ đã công bằng chưa? Có bao nhiêu kẻ đã kiếm được bạc tỷ, bạc tỷ tỷ từ những chuyển nhượng béo bở này? )

Chợt nhớ đến mấy số liệu vừa đọc được trên báo chí và mạng Trung Quốc: sau gần ba mươi năm cải cách và mở cửa thu được những thắng lợi rực rỡ mà ai cũng thấy, Trung Quốc hiện nay đã có khoảng 120 triệu-200 triệu nông dân đang vào làm thuê trong các thành phố với đủ các ngành nghề(trong đó hầu hết là những ngành lao động đơn giản, nặng nhọc, vất vả, bẩn thỉu, thu nhập thấp mà người thành phố không làm). Những người này là nông dân ở các khu vực kém phát triển trong cả nước, nhưng cũng có không ít là những người sau khi mất hết ruộng đất cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu du lịch v.v.. buộc phải lao vào để kiếm sống. Khoảng 17-18% tổng dân số nông dân Trung Quốc và thế hệ thứ hai của họ đang là mhững công dân mang tiếng là sống trong đô thị, nhưng phần lớn là không có hộ khẩu, không có nhà ở, bị phân biệt đối xử.( Tôi được biết Chính Phủ Trung Quốc đang ra sức giải quyết tình trạng này và đã thu được một số thành quả ban đầu.)

Bài báo của Quyền Thành chỉ nêu lên vấn đề của một xã Tân Lập, nhưng nếu nhìn vấn đề từ tầm vĩ mô và bằng con mắt tổng thể, người ta có thể từ đó rút ra được nhiều bài học bổ ích. 

                          Dương Danh Dy (cán bộ Ngoại giao đã nghỉ hưu)


Tin khác