Nông thuỷ sản cần phản ứng nhạy hơn với thị trường

16/08/2007

Khi ngành thuỷ sản về Bộ NN-PTNT, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, thuỷ sản sẽ đạt trên 10 tỷ USD/năm. Để con số này cao hơn nữa, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định Bộ mới cần phản ứng nhanh hơn với biến động của thị trường.

- Thưa Bộ trưởng, liệu việc sáp nhập ngành thuỷ sản vào Bộ NN-PTNT có làm bộ máy của Bộ cồng kềnh, khó điều hành?

- Lý do để hợp nhất Bộ Thuỷ sản với Bộ NN-PTNT đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội. Cả hai bộ đều có đối tượng và phạm vi quản lý gắn bó chặt chẽ với nhau trên cơ sở cùng sử dụng đất đai, tài nguyên nước; cùng mục tiêu phục vụ trực tiếp cho cuộc sống của dân cư nông thôn, trước hết là cho nông, ngư dân. Việc hợp nhất có làm cho bộ máy lớn hơn, song, trên thực tế đã hình thành những tổ chức chuyên ngành vận hành thông suốt từ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, tới đây, sẽ phải có sự điều chỉnh cần thiết để các tổ chức này phối hợp với nhau chặt chẽ hơn từ TƯ đến các địa phương, khắc phục những tồn tại trong bộ máy quản lý.

- Với vai trò quản lý bộ đa ngành, nông lâm thuỷ sản, Bộ trưởng thấy công việc trước mắt là phải làm gì để nhanh chóng ổn định bộ máy, hoạt động tốt nhất? Xin ông cho biết một số kế hoạch sắp xếp của Bộ mới trong thời gian tới?

- Chúng tôi nhanh chóng phối hợp để xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ mới để làm cơ sở sớm ổn định sắp xếp nhân sự, ổn định bộ máy và hoạt động của Bộ. Sau đó, hướng dẫn sắp xếp bộ máy của ngành ở địa phương.

Đồng thời chỉ đạo các hệ thống chuyên ngành vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động thường xuyên để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, vừa điều chỉnh để có sự phối hợp tốt hơn, hoạt động có hiệu quả hơn, từng bước phấn đấu đạt mục tiêu của sự hợp nhất.

- Quản lý thêm ngành thuỷ sản, ông thấy lo nhất ở khâu nào, bởi ngành thuỷ sản có rất nhiều vấn đề tồn tại lâu nay vẫn chưa thể giải quyết được tận gốc?

- Tôi suy nghĩ nhiều về sự phát triển bền vững về chất lượng, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về dịch bệnh và thiên tai đối với toàn ngành. Đó là thách thức lớn phải vượt qua. Song song đó, phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống của nông, ngư dân. Tôi đang tìm hiểu và sẽ bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo ngành thuỷ sản xác định những trọng tâm công việc cần triển khai ngay khi đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ mới.

- Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản chiếm vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cùng với đó là nỗi lo lớn hơn về thị trường, hàng hoá, giá cả, các DN xuất khẩu. Vậy sự quản lý chuyên môn (như các vụ, cục lo về xuất nhập khẩu) sẽ phải được nâng cao năng lực và bổ sung bộ máy ra sao?

- Đúng là khi nhập 2 bộ, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, thuỷ sản sẽ là trên 10 tỷ USD/năm. Con số này sẽ phải tăng thêm nữa. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ quản lý nhà nước về thị trường nhưng Bộ NN-PTNT vẫn có trách nhiệm tổ chức lực lượng chuyên môn để theo dõi và hỗ trợ DN cùng bà con nông, ngư dân tổ chức sản xuất theo yêu cầu của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản. Hơn nữa, cần phản ứng nhanh nhạy với các biến động của thị trường và mở rộng thị trường.

Chúng tôi sẽ nghiên cứu để tăng cường các tổ chức này gồm các cơ quan quản lý nhà nước (vụ, cục) và cơ quan sự nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, thông tin thị trường và hỗ trợ xúc tiến thương mại.

- Bộ NN-PTNT mới có đối tượng chung là nông dân, nông thôn; chung việc sử dụng đất, nguồn nước... vậy thời gian tới Bộ có những biện pháp gì để hài hoà phát triển cả hai lĩnh vực: nông nghiệp - thuỷ sản? Đặc biệt là hệ thống thuỷ lợi lâu nay vẫn chưa chú trọng nhiều cho nuôi trồng thuỷ sản?

- Trước tiên cần phải tiến hành rà soát lại quy hoạch, kế hoạch nông, lâm, thuỷ sản ở tất cả các vùng, miền để xác định rõ cơ cấu sản xuất phù hợp. Trên cơ sở đó, điều chỉnh cơ chế chính sách và hệ thống dịch vụ công; xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có thuỷ lợi để phục vụ cho cả nông, thuỷ sản một cách hợp lý, hiệu quả. Vừa qua, Bộ NN-PTNT (cũ) cũng đã chú ý phát triển hệ thống thuỷ lợi phục vụ phát triển thuỷ sản. Tuy nhiên vẫn làm chưa được nhiều.

- Ông cảm thấy như thế nào khi gánh nặng công việc và trách nhiệm dồn lên vai mình nhiều hơn, đặc biệt khi lĩnh vực quản lý của mình lại ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân, ngư dân, vốn chiếm khoảng 70% dân số cả nước?

- Tôi nghĩ rằng các lĩnh vực và phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT mới rất rộng. Vì vậy, nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ rất lớn. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn được Bộ triển khai thực hiện có ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của phần lớn dân cư. Vì thế, tôi luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hiện nông nghiệp, nông thôn còn rất nhiều tồn tại và đời sống của nông dân còn khó khăn. Tôi luôn suy nghĩ tìm tòi và tổ chức hành động cụ thể để ngành sẽ có sự chuyển biến tốt hơn.

(Nguồn: Vietnamnet.vn)


(Nguồn: Vietnamnet.vn)

Tin khác