Đến tham dự Hội nghị có đại diện của lãnh đạo Sở NN&PTNT Nam Định, lãnh đạo UBND huyện Hải Hậu cùng các phòng, ban, đoàn thể của huyện và trưởng các xóm nằm trong khuôn khổ tác động của chương trình nông thôn mới.
Khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Vũ Trọng Bình - Giám đốc Trung tâm PTNT giới thiệu mục đích và nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ NN&PTNT chỉ đạo thực hiện. Theo đó, 10 mô hình nông thôn mới được thử nghiệm xây dựng tại các vùng khác nhau trong cả nước. Làng Hoành Đồn thuộc xã Hải Đường, huyện Hải Hậu là một trong 10 mô hình được chọn. Đây là điểm do Trung tâm PTNT - Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT chủ trì tư vấn xây dựng.
Trong bài phát biểu của mình, Tiến sĩ Vũ Trọng Bình đã đưa ra một mô hình nông thôn mới mà ở đó không chỉ có hệ thống cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) tốt, thực hiện những tiêu chí cứng nhắc như trước đây vẫn thường làm. Nông thôn mới hiện nay phải khiến cho người dân trở thành chủ thể, phục vụ được những nhu cầu, mong muốn của người dân, người dân phải được tham gia một cách dân chủ thực sự vào những quyết định chung của cộng đồng. Nông thôn mới phải văn minh và giữ được cảnh quan truyền thống, phải có nét đặc trưng theo từng vùng, miền, phải giữ được cái hồn riêng của nó, thậm chí có thể trở thành địa điểm thăm quan, học tập cho các thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
Thế nhưng, đội ngũ cán bộ thực hiện vai trò phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới của chúng ta hiện vẫn chưa có. Vì vậy, thực hiện chương trình nông thôn mới tại Hải Hậu, có 3 mục tiêu chính đặt ra là:
- Xây dựng làng Hoành Đồn thực sự trở thành mô hình nông thôn mới với những đặc trưng riêng, đáp ứng được mục tiêu đề ra.
- Xây dựng được một đội ngũ cán bộ địa phương có năng lực trong việc tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới.
- Tổng kết kinh nghiệm để xây dựng được tài liệu hướng dẫn, phục vụ có hiệu quả trong việc nhân rộng xây dựng nông thôn mới sau này.
Tiến sĩ Vũ Trọng Bình cũng đặc biệt lưu ý về nguyên tắc xây dựng mô hình nông thôn mới. Khác với trước đây thường do các cơ quan cấp trên về cấp cơ sở, đem theo cách làm ở trên đưa xuống. Hiện nay, quá trình xây dựng nông thôn mới phải đưa người dân nắm vai trò chủ đạo. Các cán bộ hỗ trợ chỉ đóng vai trò tư vấn, mọi kế hoạch phát triển thôn, bản phải có sự tham gia của người dân. Để làm được điều này, Trung tâm PTNT sẽ hướng dẫn cán bộ địa phương thực hiện phương pháp chẩn đoán và xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng dựa vào nội lực, phương pháp quy hoạch thôn, bản có sự tham gia của người dân và phương pháp chẩn đoán các hoạt động kinh tế thôn.
Nhằm đi đến sự thống nhất về nội dung và phương pháp xây dựng mô hình, đại diện của Trung tâm Phát triển nông thôn đã có bài trình bày về "Xây dựng nông thôn mới dựa vào nội lực cộng đồng và do cộng đồng làm chủ".
Trên cơ sở nắm được nội dung và phương pháp xây dựng chương trình nông thôn mới, cán bộ địa phương các cấp cũng đưa ra nhiều đóng góp hết sức thực tế, đồng thời cũng không khỏi có những băn khoăn về cách triển khai mô hình.
Nhiều băn khoăn tập trung vào việc có nên đặt ra các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để đạt tới hay không. Nông thôn mới mà chúng ta xây dựng sẽ khác nông thôn hiện nay là gì, liệu có phải chỉ là điện, đường, trường, trạm… Các đại biểu cũng thống nhất rằng cần phải xây dựng những tiêu chí nông thôn mới nhưng đó phải là những tiêu chí "động" thể hiện được sự thay đổi của nông thôn, vì thế cần phải có sự tham gia ý kiến của người dân. Do đó phương pháp chẩn đoán và lập kế hoạch phát triển cộng đồng, quy hoạch cộng đồng là hết sức cần thiết bởi người dân được tham gia ý kiến của mình, không bị áp đặt từ trên xuống.
Trong phát biểu của mình, ông Mai Văn Dư - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định cho rằng cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm từ thất bại của mô hình 14 xã điểm trước đây. Mô hình nông thôn mới cần thiết phải có tiêu chí định lượng để phấn đấu nhưng bên cạnh đó cần phải đạt được những vấn đề về dân chủ, thiết chế, cho từng giai đoạn. Song nếu chỉ ngồi bàn bạc ở cơ quan cấp trên mà không trao đổi với người dân ở địa phương thì rất có thể sẽ lại rơi vào lối mòn như trước. Vì vậy hết sức cần thiết phải tìm ra phương pháp, cách làm mới trong chương trình lần này của Bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Tìm - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, mô hình nông thôn mới phải dựa trên 3 yếu tố:
- Vai trò của người dân trong cộng đồng: gắn kết, phát huy vai trò làm chủ, tham gia vào quá trình ra quyết định
- Quang cảnh nông thôn: văn minh, tiến bộ, môi trường trong lành, quy hoạch hợp lý
- Quang cảnh hộ gia đình: văn hóa, làm ăn kinh tế giỏi
Lãnh đạo UBND huyện đã xác định xây dựng nông thôn mới tại Hải Hậu vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, lại có sự tư vấn trực tiếp và thường xuyên của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, phía địa phương cấp tỉnh và cấp huyện rất hăng hái tham gia xây dựng mô hình, cử cán bộ dành 100% thời gian tham gia trong quá trình triển khai.
Về phía cán bộ cấp xóm, làng, sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các cơ quan cấp trên, các đại biểu bày tỏ sự mong muốn các cơ quan tư vấn và các cấp chính quyền giúp đỡ trong quá trình triển khai xây dựng mô hình tại địa phương. Cấp cơ sở sẽ vừa học, vừa làm, hăng hái tiếp nhận và làm theo hướng dẫn của các cấp trên.
Trong buổi chiều, nhóm cán bộ tư vấn của Trung tâm PTNT tổ chức buổi tập huấn, giới thiệu cụ thể 3 nội dung tác động xây dựng nông thôn mới cho các cán bộ địa phương, bao gồm cán bộ Sở NN&PTNT Nam Định và cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hải Hậu. Ngoài ra, đại diện các xóm, thôn nơi tiếp nhận mô hình và các tổ chức đoàn thể địa phương cũng được mời tham dự để hiểu cụ thể hơn nội dung sẽ triển khai.
Bài trình bày thứ nhất là "Phương pháp chẩn đoán và xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng theo phương pháp ABCD" (CN. Nguyễn Ngọc Luân - Trung tâm PTNT). Đây là một phương pháp tiếp cận mới trong phát triển cộng đồng, được gọi là phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (Asset Based Community Development). Sử dụng phương pháp ABCD sẽ cho phép nhóm cán bộ tư vấn của Trung tâm PTNT cùng cán bộ địa phương giúp người dân nhận ra những khả năng, nội lực của mình để từ đó xây dựng những kế hoạch phát triển thôn, bản dựa trên những gì sẵn có.
Bổ sung cho phương pháp ABCD là hai nội dung cụ thể về quy hoạch thôn và chẩn đoán hoạt động kinh tế thôn.
Bài trình bày về "Phương pháp quy hoạch thôn, bản có sự tham gia của người dân" (KS. Chu Sỹ Huân - Trung tâm PTNT) nhằm mục đích cùng người dân và cán bộ địa phương xây dựng được một bản đồ quy hoạch hợp lý, phù hợp với mục tiêu của chương trình nông thôn mới, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, người dân trong cộng đồng sẽ phát huy những năng lực của mình để tham gia vào quá trình quy hoạch lại thôn, bản để tạo ra một cảnh quan nông thôn mới khang trang, hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của dân.
Cuối cùng là bài trình bày "Phương pháp chẩn đoán các hoạt động kinh tế thôn, xóm" (KS. Ngô Sỹ Đạt - Trung tâm PTNT). Vấn đề kinh tế là yếu tố quan trọng phản ánh kết quả của mô hình, dựa trên việc khảo sát nắm tình hình các hoạt động kinh tế diễn ra tại địa phương, nhóm cán bộ tư vấn sẽ giúp cho người dân nhận ra được những hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ đang diễn ra như thế nào và cần có những thay đổi gì để phát triển hoạt động kinh tế trong cộng đồng.
Ba nội dung thực hiện ở trên phục vụ trực tiếp cho hoạt động xây dựng nông thôn mới tại làng Hoành Đồn, giúp cho người dân tham gia và chủ động xây dựng kế hoạch cho cộng đồng. Đồng thời, quá trình triển khai sẽ đào tạo được một lực lượng cán bộ địa phương ở tỉnh, huyện nắm được phương pháp xây dựng nông thôn mới. Những kết quả và kinh nghiệm triển khai sẽ được tổng kết để xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn về phương pháp.
Hội nghị đã đạt được sự thống nhất cao về phương án và kế hoạch triển khai. Ngay trong tuần tiếp theo, các hoạt động xây dựng mô hình nông thôn mới tại làng Hoành Đồn sẽ được bắt đầu triển khai. Một mô hình nông thôn mới phát huy nội lực của người dân sắp bắt đầu với những bước chuyển mình đầu tiên.