Làm gì để phát triển HTX?

02/08/2007

Hợp tác xã sau chuyển đổi ở Nghệ An: Lúng túng và kém hiệu quả, vì sao?

Phải nói ngay rằng, hiệu quả SXKD của một HTX phụ thuộc vào 2 yếu tố sau đây: Sự năng động của bộ máy Ban chủ nhiệm và điều kiện vốn liếng nhiều hay ít của từng HTX. Thế nhưng theo khảo sát của các ngành chức năng, một HTX Nông nghiệp ở Nghệ An hiện nay chỉ có trên dưới 500 triệu đồng, chủ yếu là tài sản và cơ sở vật chất (hầu hết đã lạc hậu, xuống cấp và bị phân tán) từ các HTX cũ chuyển sang. Các HTX phi nông nghiệp thì có khá hơn (trên dưới 1 tỉ đồng/HTX), nhưng vốn cố định vẫn chiếm gần 80%, vốn lưu động cũng chỉ trên 20%. Điều đáng nói là trong nguồn vốn lưu động của các HTX, số vốn tự có chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại đều vay từ các ngân hàng thương mại.

Theo bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng tổng hợp, chi nhánh Ngân hàng nhà nước tại Nghệ An, trong số 63 HTX mới thành lập tại Nghệ An, có 61 HTX có vốn góp của xã viên. Tại các HTX Nông nghiệp chuyển đổi, số vốn góp của xã viên đều không đáng kể, nên sự yếu kém trong sản xuất kinh doanh tại các HTX trong thời gian qua là không thể tránh khỏi. Tại các HTX phi nông nghiệp tuy nguồn vốn góp có khá hơn song cũng chỉ dừng lại ở mức 5-6 triệu đồng/xã viên (cá biệt tại HTX Quyết Thành, mỗi xã viên góp tới 47 triệu đồng).

Ông Cao Xuân Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu thừa nhận: Tại các HTX Nông nghiệp chuyển đổi ở Quỳnh Lưu, vốn của họ chủ yếu là các hồ đập, công trình kiến trúc nên tình trạng thiếu vốn lưu động trầm trọng là phổ biến. Hoạt động của HTX lại nặng về lĩnh vực công ích nên hiệu quả từ SXKD còn rất thấp. Một số chủ nhiệm HTX tâm huyết với xã viên muốn hoạt động SXKD của HTX có hiệu quả đều phải vận động cả BCN dùng nhà cửa, tài sản của mình ra thế chấp ngân hàng để vay vốn cho HTX.

Tại Yên Thành, UBND huyện tổ chức cho 3 HTX làm thí điểm công tác chuyển đổi từ mô hình HTX cũ sang HTX mới thì cả 3 mô hình đều có hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, khi huyện buông thì UBND các xã còn lại cũng buông nên việc chuyển đổi sau đó đã trở thành hình thức. Những HTX làm ăn khá tại Yên Thành đều do Ban chủ nhiệm năng động, dám nghĩ, dám làm. Tại HTX Thọ Thành, vốn kinh doanh lên tới 6 tỷ đồng. Bản thân Chủ nhiệm HTX góp cổ phần vào HTX 70 triệu đồng, nhờ làm ăn có hiệu quả nên lương ông chủ nhiệm từ 0.8 -1 triệu đồng/tháng. Muốn nâng cao hiệu quả SXKD tại các HTX nông nghiệp nói riêng, ngay từ bây giờ, công tác chỉ đạo, định hướng để các HTX hoạt động thực sự có hiệu quả phải được cấp Uỷ, các ngành các cấp tỉnh và huyện quan tâm hơn nữa. Một số nội dung của Luật HTX và các văn bản dưới luật hướng dẫn về dịch vụ tín dụng nội bộ, thế chấp giá trị quyền sử dụng đất, các chính sách hỗ trợ khác của trung ương đã ban hành cần phải sửa đổi để đông bộ và sát với thực tiễn. UBND các huyện cần phải triển khai nhanh việc thành lập các Ban Nông nghiệp xã.

(Theo báo Nông nghiệp Việt Nam)


Tin khác