Hợp tác xã: Danh và Thực - Tân Hội, nỗi ám ảnh qua 2 thế kỷ

24/07/2007

AGROINFO - HTXNN Tân Hội (Cai Lậy, Tiền Giang) là mô hình HTX đầu tiên ở Miền Nam sau ngày giải phóng mà nông dân biết đến hình thức cá nhân góp vốn vào HTX. Nó lạ lẫm với nông dân nên có lúc ông Chín Lễ (Trần Văn Lễ - Nguyên Chủ nhiệm HTX Tân Hội, đã 74 tuổi), ông Hai Kiệt (Trần Văn Kiệt - Nguyên trưởng ban kiểm soát, 90 tuổi) vẫn nhói đau.

Ông Chủ nhiệm HTX đầu tiên ở Miền Nam

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang, nhắc và gợi chuyện HTX, chú chín chùng xuống và thỉnh thoảng nước mắt rưng rưng. Phòng bệnh đón nhiều bệnh nhân nhưng ít ai biết chú là Trần Văn Lễ-chủ nhiệm HTX Tân Hội. Giọng chú thì thào, khó thở: “4 năm qua, sức khoẻ yếu nên khi trái gió trở trời, các chứng bệnh tim phổi, thấp khớp lại hành hạ”. Chú Chín Lễ ho sùng sục nói với chúng tôi: “Nhắc lại thì buồn lắm, nhưng phải nghe nói rõ sự thật của HTX thời đó để từ đó rút ra kinh nghiệm”.

Chú Chín tâm sự, thời điểm ấy Trung Ương chọn xã Tân Hội làm điển hình vì xã này là xã anh hùng, có thành tích chiến đấu nên vận động bà con ở 5 ấp (Tân Hiệp, Quý Thạnh, Tân Phong, Tân Thành, Tân Hoà) vào 18 đội sản xuất của HTX. Ngày 7/2/1977, HTX Nông nghiệp Tân Hội ra đời để gần 2 năm sau đó, nó “chết” rồi cố gượng dậy. Lúc đó, cấp uỷ chính quyền và ban chủ nhiệm phải cùng nhau giáo dục tư tưởng mọi người trong xã thông suốt “con người HTX không thể là cá thể” và yêu cầu nông dân góp đất vào HTX, còn ai có đất không vào cứ bình quân đầu người trên hộ. lấy đất chia lại cho người không có đất để sản xuất.

“Khi ấy, người dân Miền Nam vẫn quen làm cá thể, không quen tập thể nên họ rất gượng ép rồi trở thành đối kháng đối với những người đi vận động, ép vào HTX. Chú nghĩ giá như lúc ấy làm điểm nhỏ thôi, nông dân dần dà quen đi thì cuộc vận động sẽ thành công. Nhưng đó là chủ trương nên những người trong ban chủ nhiệm và ban cải tạo nông nghịêp phải thực hiện. Ngược lại nông dân bị gò bó, đời sống đi xuống dẫn đến HTX rệu rã. Có lúc, ruộng vùa sạ xong, thanh niên nam nữ đi ăn giỗ về xúi nhau đạp nát bờ, nước tràn vào làm vụ mùa thất thu. Có nông dân chịu không nổi khi bị ép vào HTX Tân Hội đã trói cán bộ, mang xuống xuồng đem về trả lại huyện. Có cán bộ không đồng tình, xách súng đòi bắn đội sản xuất. Sau này chú nghĩ, phải chi ta đừng áp đặt thì nông dân giờ đây không đến nỗi bị ám ảnh như vậy”.

Trước khi được chọn làm chủ nhiệm, chú Chín mới học hết lớp 1, đang học bổ túc thêm thì có quyết định của Tỉnh uỷ rút về, sau mới biết đưa vào ban chủ nhiệm HTX. Chủ trương thời điểm ấy là không sản xuất riêng lẻ, phải làm ăn tập thể nên cùng với mọi người chú đi vận động cán bộ, nông dân vào HTX. “Tân Hội cách nay 30 năm là “điểm” nên hầu hết công việc đều Trung ương, địa phương cầm tay chỉ việc chứ chú trình độ như vậy làm sao đủ khả năng”. Muốn lúa năng suất cao thì cứ đưa xuống phân thuốc mà bón, phun không theo quy trình nào, cố tình lấy điểm thi đua nên phân, thuốc thất thoát. Còn thu hoạch, xã viên cứu đập lúa cho đủ diện tích, không màng lúa sót. Sau này nông dân vẫn còn trách chú nhiều lắm khi họ không còn đất sản xuất. Trách nhưng họ vẫn thông cảm và còn thương chú vì vốn liêm chính, thẳng thắn, làm theo chủ trương, cũng không lấy đất ruộng của ai.

Để dân suy nghĩ trên mảnh ruộng của họ

Nhưng chắc chắn, HTX Tân Hội chỉ mình chú Chín Lễ là chưa đủ. Chúng tôi tìm gặp ông Hai Kiệt - tức Trần Văn Kiệt, nguyên trưởng ban kiểm soát HTX Tân Hội, 90 tuổi rồi mà còn khá minh mẫn.

Là người địa phương, ông Kiệt kể, lúc đó xã viên chưa hiểu, chưa tích cực vì ngay cả lúc đó có chiến tranh nông dân làm lúa ở vùng đất này cũng không thất nhưng “chủ trương nên chọn điểm, làm điển hình nên phải tuân lệnh”. Cán bộ từ miền Bắc điều động vào chi viện giúp HTX Tân Hội làm được 2 năm, chứng 5 vụ lúa thì rút hết mà không rõ lý do. Khi ấy chỉ còn lại ban chủ nhiệm HTX, một số ít đảng viên và quần chúng gắn với HTX ngày càng “teo” lại. Còn 2 ấp Tân Phong, Tân Thạnh có khả năng vực dậy nhưng chẳng hiểu sao dần dần xã viên cũng xin rút. Nhưng mọi sự cố gắng để củng cố HTX Tân Hội chỉ là sự níu kéo. Ngay cả những cuộc họp cấp uỷ, chi bộ ở mỗi ấp kêu gọi đảng viên gương mẫu để “làng nước theo sau” nhưng một số phản đối thẳng thắn. Họ đứng dạy nói: “Bọn tôi phải lo sự sống, chứ lấy đất rồi chia bình quân cho cả người không có đất thì vợ con chết đói hết sao?”.

Rồi sau đó, Trung ương xuống thăm chê HTX Tân Hội yếu nên không còn cách nào khác, bác Chín Lễ - chủ nhiệm HTX, rồi cơ Tư Chiến (đã chết) và trưởng ban kiểm soát Hai Kiệt mạo muội đề xuất chỉ còn cách giao sản lượng, kiểm soát vật tư nhưng đã bị phản ứng. Ban chủ nhiệm không biết “khoán” mà dùng 2 từ “đặc xác” cho xã viên (lãnh xác ruộng) trên cơ số vật tư nông nghiệo và chỉ tiêu sản lượng 15 - 20 giạ lúa/công, đến ngày đóng đủ cho HTX. Xã viên xoay sở trên mảnh đất của mình, làm 25 - 30 giạ/công thấy có lời, thấy làm HTX kiểu này có lý nên ít ai xin ra HTX. Đến năm 1982, dù HTX Tân Hội ngắc ngoải trong góc tối nhưng ít ra vẫn “bình ổn” được phong trào HTX nên vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Nhưng trong thâm tâm của ban chủ nhiệm thời ấy, sự cầm cự này là đối phó vì “nó là xã điểm mà chết thì phụ lòng cán bộ Trung ương, địa phương”. Cho nên người ta lại níu kéo nhau, đa dạng HTX Tân Hội ra thành 3 cái HTX 1, 2, 3 thêm vài năm nữa rồi mới chết hẳn. Từ đó, một thời kỳ đáng nhớ của HTX Tân Hội dần dần rơi vào quên lãng. Sự tan rã ấy dù nhanh, chậm vẫn là xu thế tất yếu của một thời kỳ nóng vội khi không để người nông dân tự nghĩ suy trên mảnh đất cảu họ.

Trung ương xuống thăm, HTX chỉ ruộng dân báo công

Làm không hiệu quả nhưng báo cáo thành tích để lấy lòng Trung ương. Câu chuyện về bệnh thành tích của HTX cách nay 30 năm liệu ngày hôm nay có còn tồn tại?

Trả lời câu hỏi của tôi, ông Hai Kiệt bồi hồi nhớ lại: Nghĩ lại cái thời ấy sao dễ dãi quá chừng. Công lao động tập trung, rồi phân ra từng tổ đi làm. Phân bổ phân bón, xã viên vác từng bao đi rải nhưng không đều, làm cầu thả rồi báo đủ số bao để giao. Công đi mót lúa lúc đó cũng no vì xã viên đập lúa bừa bãi nên còn sót lại rất nhiều. Thời đó HTX chỉ làm được 6 - 7 giạ lúa/công ruộng, còn cá thể đứng ngoài làm thấp nhất 20giạ/công. Cá thể gom vào HTX với năng suất như vậy có phải là điều nghịch lý?! Lao động ở HTX đi nhổ cỏ cũng láp nháp nên ruộng của HTX Tân Hội chỉ toàn thấy cỏ. Lúc đó quan điểm đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội nên đầy khí thế mà không lường được thất bại. Có lúc Trung ương xuống xã tham quan đành phải nói láo, dẫn ra ruộng của dân tốt hơn để chỉ! Tôi còn nhớ trước khi giải thể HTX Tân Hội, một đội sản xuất cũng còn mắc nợ vài tấn lúa. Chính cái mô hình HTX điểm Tân Hội mà suốt một thời gian ám ảnh, gây hoang mang cho nông thôn Tiền Giang.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)


Tin khác