Hợp tác xã: Danh và Thực - Không ai dám đụng Luật HTX...

20/07/2007

AGROINFO-Làm gì để phát triển HTX? Đây là một trong những chủ đề quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn. "Hợp tác xã: Danh và Thực" là những bài viết, phóng sự về tình hình phát triển HTX ở khu vực nông thôn. Loạt bài viết này cho thấy, tình hình phát triển HTX theo Luật HTX mới đang có nhiều sự bất cập, hạn chế trong tổ chức, thực hiện, định hướng phát triển...Hiệu quả hoạt động của những HTX kiểu này đang là một dấu hỏi.

Tìm hiểu những vấn đề về HTXNN, chúng tôi chọn tỉnh Nam Định để khảo sát. Xin bắt đầu từ cái gốc của vấn đề là xã viên và vốn góp. Theo tinh thần của Luật HTX (năm 1996), thì muốn chuyển đổi HTX kiểu cũ sang kiểu mới phải giải quyết triệt để quyền lợi của xã viên, vốn quỹ của HTX cũ. Rồi trên cơ sở đó, các sáng lập viên (theo quy định của điều 12 Luật HTX) sẽ tiến hành tuyên truyền vận động để thành lập HTX kiểu mới theo điều 13, 15 và 20...của luật. Và như vậy, thay vì mỗi xã chỉ có 1 HTX, thì nay một xã có thể có nhiều HTX. Có thể nói Luật HTX đã mở cho người nông dân rất nhiều loại hình kinh tế tập thể để họ phát huy hết khả năng của mình.

Thế nhưng, khi về đến các địa phương, tình hình không diễn ra suôn sẻ như vậy. Chỉ trong vòng 10 năm thực hiện cơ chế thị trường (1986 - 1996) và nhất là qua hai Chỉ thị khoán 10 và khoán 100, rồi sau đó là Nghị định 64, các HTX kiểu cũ đã phải hứng chịu một cơn bão táp khiến nó bộc lộ hàng loạt nhược điểm, mất hẳn chức năng sản xuất, phần lớn chỉ còn cái vỏ. Vốn quỹ còn lại chỉ là một số tài sản cố định như trụ sở, nhà kho...là những thứ không thể chia, chưa kể nhiều hợp tác xã nợ chồng nợ chất. Nên khi chuyển đổi chúng ta bế tắc ngay từ khâu đầu tiên là giải quyết quyền lợi cho xã viên. Để giải quyết tình trạng đó và để chuyển đổi hết các HTX của mấy tháng trong năm 1997 theo chỉ thị của trên, tỉnh Nam Định đã chọn một phương án “đi vòng qua luật”: Người ta lập danh sách tất cả những người được chia đất canh tác theo Nghị định 64, kể cả những người đã nhận ruộng nhưng đi làm ăn ở nơi khác, coi như đó là xã viên của HTX mới. Còn vốn góp? Thì quy tất cả vốn quỹ cũ thành tiền, chia đều cho số xã viên đó trên... giấy, rồi tiến hành một đại hội gọi là chuyển đổi và đăng ký kinh doanh. Cơ quan chức năng dù biết việc chuyển đổi như vậy là trái luật, vẫn cứ cấp giấy đăng ký kinh doanh. Xã viên phần lớn chưa kịp hiểu Luật HTX là gì. Sáng dậy, mở mắt ra đã thấy mình là xã viên của HTX mới. Cách làm mang tính hình thức, đối phó với luật này ngay từ đầu đã triệt tiêu ngay năng lực của các HTX. Thay vì mở nhiều loại hình HTX ở nông thôn như đã nói ở trên thì người ta bó chặt chúng lại, khiến mỗi xã viên chỉ có một HTX. Và “dù đã hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh theo Luật HTX, nhưng hai vấn đề cốt lõi của Luật HTX là chế độ sở hữu và tư cách xã viên vẫn còn nguyên là mô hình hợp tác xã kiểu cũ..., các thế hệ dân cư kế tiếp lớn lên đương nhiên là xã viên của HTX” (Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định). Bên ngoài, các HTX vẫn còn cái danh bóng loáng là đại diện cho hàng ngàn xã viên, nhưng bên trong, nếu căn cứ vào các quy định của luật thì không có xã viên thực, không có vốn góp thực. HTX sống được là nhờ cái đuôi bao cấp bốn dịch vụ mà chẳng xã viên nào thiết tha. Cái mô hình HTX “hữu danh vô thực” này đã bó chặt tay cả những chủ nhịêm có tâm huyết nhất. Được hỏi: HTX anh có hơn hai ngàn hộ xã viên. Nếu bây giờ mỗi hộ xã viên góp vốn 1 triệu đồng, thành hơn 2 tỉ thì anh sẽ dùng số tiền đó như thế nào?

Chủ nhiệm HTX Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) Trần Xuân Đĩnh không đắn đo:

- Chúng tôi sẽ mở ngay dịch vụ tín dụng. Xã tôi là xã nghề, nhu cầu vay vốn rất lớn. Dịch vụ tín dụng nhất định thành công.

- Luật không chỉ cho phép mà còn bắt buộc các anh phải huy động vốn góp của xã viên để đảm bảo tư cách của xã viên cho họ. Tại sao các anh không làm? Vốn ở đó chứ còn ở đâu nữa?

- Thực sự tôi cũng rất đau đầu về việc này. Trước kỳ đại hội mới rồi (nhiệm kỳ 2006 - 2009), trong đề án phát triển HTX của mình, chúng tôi cũng đặt vấn đề huy động vốn góp. Nhưng khi vác đề án đó đi thăm dò ý kiến của Đảng uỷ, UBND và huyện, tất cả đều lắc đầu. Sợ huy động sẽ không thành. Xã viên sẽ bỏ HTX hàng loạt, HTX sẽ tan. Thế là đành bỏ phần đó trong đề án...

Chủ nhiệm HTX Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) Nguyễn Văn Luật cho biết:

- Nếu có thêm vốn, chúng tôi sẽ làm được rất nhiều việc, ví dụ có thể mở ngay được tổ dịch vụ làm đồ mộc, hay tiêu thụ hải sản. Xã tôi gần biển, nguồn hải sản khá dồi dào...

Chúng tôi đặt một câu hỏi có tính chất gợi ý: vậy ông hãy làm một cú đột phá là huy động vốn góp của dân đi.

- Khó lắm. Một là các cấp lãnh đạo chưa đồng ý. Hai là sẽ có nhiều xã viên bỏ HTX.

- Họ bỏ HTX thì có sao đâu. Luật đã quy định rõ, muốn trở thành xã viên bắt buộc phải có vốn góp. Nay HTX huy động vốn góp, ai không góp HTX sẽ khai trừ. Cứ cho là một nửa, thậm chí hai phần ba số xã viên bỏ HTX đi, thì hợp tác xã vẫn còn tồn tại. Và nếu HTX làm ăn cho ra HTX, thì sau này, số người bỏ hiện nay lại làm đơn, lại góp vốn để xin vào, lo gì?

- Họ ra, nhưng ruộng của họ vẫn xôi đỗ với ruộng của xã viên, mình vẫn phải phục vụ nước non... cho họ thì có khác gì đâu...

Nhưng câu chuyện cũng chỉ dừng lại ở đó. Huy động vốn góp đã trở thành một từ “cấm kỵ”. Cuộc khảo sát đem lại cho chúng tôi một phát hiện lý thú: 100% số HTX của Nam Định đã chuyển đổi theo Luật HTX. Nhưng không một ai dám làm đúng luật...

[Còn nữa]

(Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam, Vũ Hữu Sự)


Tin khác