"Khoán 10" trong khoa học nông nghiệp - Bài 5. “115 không bắt tất cả các nhà khoa học đi kinh doanh”

30/05/2007

Trước những khó khăn của các tổ chức khoa học công nghệ thuộc Bộ NN&PTNT trong quát rình thực hiện Nghị định 11, NNVN đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với TS Nguyễn Quân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thành viên BCĐ đề án 115.

Trước việc nhiều viện nghiên cứu đang lo lắng không sống nổi khi chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ông Quân cho biết.

Thực tế, sự hiểu biết của lãnh đạo, cán bộ về Nghị định 115 còn hạn chế. Chuyển sang 115 không phải là nhà nước “bỏ rơi” các viện, bắt tất cả các nhà khoa học đi kinh doanh. Bộ Khoa học – Công nghệ (KHCN) vừa ban hành quyết định số 08 về tiêu chí để xác định tổ chức khoa học – công nghệ nghiên cứu cơ bản, chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước vẫn được tiếp tục cấp kinh phí hoạt động thường xuyên. Có 4 tiêu chí trong đó có tiêu chí quan trọng là 3 năm gần đây 70% nguồn thu của tổ chức khoa học – công nghệ này từ ngân sách Nhà nước. Còn viện nào tổ chức kinh doanh , dịch vụ, nguồn thu sự nghiệp lớn hơn 30% tổng thu thì phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự trang trải.

Phân định trên văn bản thì dễ, nhưng thực tế triển khai tại các đơn vị không đơn giản. Ngay trong một viện vẫn vừa có nghiên cứu cơ bản vừa ứng dụng?

Quyết định 08 quy định rất rõ. Giao quyền phân định cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quyết định căn cứ vào các tiêu chí đã có. Bộ KHCN không can thiệp. các viện sẽ căn cứ vào thực tế của đơn vị mình để tự xếp loại và trình lên Bộ NN&PTNT quyết định.

Thực tế hiện nay có một số viện vừa muốn bung ra làm ăn vừa muốn tiếp tục được bao cấp?

Những người không dám xông ra thì họ lấy lý do là sợ tai nạn giao thông. Thực tế các viện có thể thành lập các đơn vị riêng nằm trong viện. Có trung tâm thì “ông” tha hồ làm dịch vụ, sản xuất kinh doanh, nhưng trung tâm này không được hưởng ngân sách Nhà nước của viện lớn. Còn người làm nghiên cứu cơ bản, làm dịch vụ công thì tiếp tục được hưởng lương ngân sách. Đây là một cơ chế rất mở.

Hiện nay một số đơn vị muốn thành lập Công ty cổ phần trong viện, việc này có được không?

Để thành lập công ty cổ phần trong viện thì điều kiện tiên quyết là viện đó phải chuyển sang 115. Khi sang 115, Bộ chủ quản sẽ giao tài sản cho viện sử dụng quản lý thì viện được dùng tài sản đó để liên doanh, liên kết, góp phần thành lập công ty cổ phần. Những viện không còn nghiên cứu cơ bản thì nhà nước khuyến khích chuyển đổi toàn bộ thành doanh nghiệp khoa học – công nghệ nếu họ có sản phẩm kinh doanh. Dự kiến trong tháng 5 này Chính phủ sẽ ban hành về nghị định doanh nghiệp khoa học – công nghệ.

Còn kiến nghị của các viện về việc chưa có chính sách giải quyết lao động dôi dư thì sao, thưa ông?

Số cán bộ dôi dư về mặt nguyên tắc theo Luật lao động hoàn toàn có quyền xử lý. Khi chuyển sang 115 là cán bộ làm việc theo hợp đồng lao động, không còn biên chế nữa. Viện có thể kết thúc hợp đồng với những cán bộ không còn phù hợp. Nếu hợp đồng có thời hạn thì hết thời hạn đương nhiên cơ quan có thể chấm dứt hợp đồng , không phải đền bù. Hợp đồng dài hạn thì viện vẫn có quyền kết thúc hợp đồng nhưng phải bồi thường cho người lao động. Nhà nước trước đây đã có chế độ tinh giảm biên chế. Nhưng 3 năm thực hiện các viện đều nói không có lao động dôi dư. Bây giờ chuyển sang 115 thì các viện lại kêu chúng tôi dôi dư rất nhiều.

Theo ông thì đa số các khó khăn đã được giải quyết. Vậy vì sao các đơn vị thuộc Bộ NN& PTNT lại chậm chuyển đổi?

Bộ NN&PTNT nên tham khảo Bộ Công nghiệp, đây là Bộ đã chuyển đổi đựơc rất nhiều viện lớn thành công. Họ không hệ có khó khăn vướng mắc nào. Xin được nói rằng nghị định 115 cho phép các viện tự chủ, không còn cấp quản lý trung gian, kể cả Bộ cũng chỉ là hỗ trợ, định hướng. Các viện không phụ thuộc vào Bộ, không phải đi xin biên chế, xin kinh phí hoạt động…

Xin cảm ơn ông./.

Ngọc Tiến.

Thứ Sáu, ngày 25 tháng 5 năm 2007 - Số 105 (2690), NNVN


Tin khác