Vào WTO: Nông dân ta được gì và mất gì?

13/04/2007

Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO- World Trade Organization).

Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO- World Trade Organization). WTO được thành lập từ ngày 1-1-1995, kế tục và mở rộng phạm vi điều tiết thương mại quốc tế của tổ chức tiền thân là GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại). Ngân sách của WTO tính đến năm 2004 là 162 triệu Francs Thụy Sĩ. Chức năng chính của WTO là quản lý các hiệp định về thương mại quốc tế, là diễn đàn cho các vòng đàm phán thương mại, là nơi giải quyết các tranh chấp thương mại và giám sát các chính sách thương mại , là cơ quan trợ giúp về kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển và cũng là đầu mối để hợp tác với các tổ chức quốc tế khác. Nói đơn giản WTO như Ban quản lý cái Chợ toàn cầu, đang chiếm tới 97% thương mại toàn cầu. Khi đã có 150 nước vào trong chợ rồi (và 30 nước khác đang xin gia nhập) thì Việt Nam không có lý gì để đứng mãi bên ngoài chợ ! Cơ quan quyền lực cao nhất của WTO là Hội nghị Bộ trưởng WTO họp ít nhất 2 năm 1 lần. Thấp hơn là Đại hội đồng -thường họp nhiều lần trong 1 năm tại trụ sở chính của WTO ở Genève (Thụy Sĩ) để giải quyết các tranh chấp thương mại và rà soát lại các chính sách của WTO.

Vào WTO các nước thành viên phải tuân thủ các quy tắc thống nhất về hệ thống chính sách thương mại, về môi trường thể chế pháp lý (bảo hộ sở hữu trí tuệ, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xã hội, tiêu chuẩn môi trường). WTO hướng tới một hệ thống chính sách thương mại minh bạch, một luật chơi thống nhất, nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại.Đúng là Nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất nhưng không có nghĩa là “khó khăn lại càng khó khăn hơn”. Có người còn lo ngại đến mức sợ sau khi gia nhập WTO sẽ có chuyện “Biển tràn vào ao” (!). Tất nhiên gia nhập WTO là chấp nhận cả hai mặt Cơ hội và Thách thức. Vượt qua được thách thức và không bỏ lỡ cơ hội thì nông nghiệp nước ta có thể bứt phá lên rất mạnh mẽ. Không phải nước nào cũng nhanh chóng giàu lên sau khi vào WTO nhưng chưa có nước nào bị nghèo đi do vào WTO!

Gia nhập WTO có nghĩa là tranh thủ cơ hội và chấp nhận thách thức. Đối với nông dân nước ta thì Cơ hội Thách thức ấy gồm những gì?

Cơ hội:

Gia nhập WTO chúng ta có thể thâm nhập vào thị trường nông sản thế giới (có kim ngạch tới 548 tỷ USD/ năm). Nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu mức hàng rào thuế quan thấp nhất, nhiều hàng rào phi thuế quan sẽ được bãi bỏ. Nước ta là nước nhiệt đới với những ưu đãi rất lớn của thiên nhiên về khí hậu, về tính đa dạng sinh học; nên có những nông sản có năng lực cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới như lúa gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều và một số hoa quả nhiệt đới như bưởi , xoài, nhãn, vải, nước dứa, nước dừa, nước cam, nước ổi, nước mơ, các loại nấm ăn.... Năm 2006 vừa qua chúng ta đã xuất được 717 000 tấn cao su (thu 1,5 tỷ USD), hồ tiêu xuất được 120 000 tấn ( thu 200 triệu USD), chè xuất được 95000 tấn (thu 100 triệu USD). Đặc biệt là việc xuất khẩu 4,7 triệu tấn gạo (thu 1,3 tỷ USD, đứng thứ nhì thế giới và góp 18% trong tổng giá trị xuất khẩu) và việc xuất khẩu 887 nghìn tấn cà phê đã giúp thu được tới 1tỷ USD . Lâm sản cũng góp phần mang về được 2,16 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản trong năm 2006 đạt mức kỷ lục từ trước tới nay: 7,2 tỷ USD.

Gia nhập WTO, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, thông thoáng hơn, ổn định hơn, minh bạch hơn. Nhờ đó, nông dân có nhiều khả năng tiếp cận được với những tiến bộ rất lớn lao về Công nghệ sinh học của các nước phát triển, từ đó có thể nâng cao nhanh chóng sản lượng và năng suất cây trồng, vật nuôi .

Toàn bộ đời sống kinh tế- xã hội sẽ được cuốn hút vào một quá trình cải cách để phù hợp với sự hội nhập quốc tế. Sự đổi mới đồng bộ về kinh tế sẽ tạo động lực cho việc nâng cao chất lượng phát triển của Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân. Bước đi của Trung Quốc về chuyển hóa “tam nông” sau khi gia nhập WTO là những kinh nghiệm rất đáng để chúng ta tham khảo. Đó là việc thông qua các phương thức như tăng cường sản xuất, mở rộng thu nhập của nông dân, tăng cường chi phí chuyển dịch tài chính đối với nông nghiệp, nâng cao trình độ dịch vụ công cộng cơ bản ở nông thôn, miễn học phí hết 9 năm học cho học sinh các tỉnh nghèo, từng bước thực hiện công nghiệp trợ giúp nông nghiệp và yêu cầu “thành thị ủng hộ nông thôn”. Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường đầu tư mạnh vào nông nghiệp về cơ sở hạ tầng, vốn, kỹ thuật, bãi bỏ thuế và giảm phí, tạo ra một nền kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, một số nông sản tăng vọt xuất khẩu, đe dọa cả việc xuất khẩu nông sản của Mỹ. Ngày nay Trung Quốc đã đứng hàng thứ 8 trên thế giới và đứng đầu Châu Á về xuất khẩu nông sản và chẳng mấy chốc sẽ biến thành “ nông trại của thế giới”…

Nông dân nước ta cũng sẽ được lợi từ việc chuyển đổi các bí quyết công nghệ nhằm năng cao hiệu quả sản xuất. Công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia sẽ được du nhập vào nước ta. Mức tăng trưởng xuất khẩu của nông nghiệp Việt Nam đã đạt mức 4,3% hàng năm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản sẽ đạt tới 9-19 tỷ USD vào năm 2010. Gia nhập WTO nông dân sẽ được tiếp cận thị trường nhiều hơn do nắm bắt được nhu cầu của khách hàng trên thế giới. Nông dân sẽ biết được từng lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu, khi nào mặt hàng nào có thuế bằng 0% để định hướng phát triển theo tinh thần cạnh tranh về chất lượng và giá cả.Việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ đem lại cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nông sản, từ đó mà nâng cao được năng lực cạnh tranh của các sản phẩm. Dưới sức ép của luồng hàng nhập khẩu mạnh mẽ, các doanh nghiệp chế biến hàng nông lâm thủy sản buộc phải phấn đấu vươn lên để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Cũng như mọi thành phần xã hội khác người nông dân cũng sẽ được tự do lựa chọn rất nhiều mặt hàng phong phú và có chất lượng cao của toàn thế giới. Việc gia nhập WTO thúc ép việc biến nông thôn thành sân sau của sản xuất công nghiệp và thương mại. Không thể tồn tại mãi 11 triệu hộ tiểu nông sản xuất nhỏ mà phải có những liên minh Ba nhà, Bốn nhà với các doanh nghiêp, các nhà đầu tư, các nhà khoa học để đẩy mạnh việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta.

Kinh nghiệm của Trung Quốc :

Sau 3 Sau 3 năm gia nhập WTO đến năm 2004 đã có 43 664 hợp đồng đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào các ngành nông lâm ngư nghiệp với tổng kim ngạch tới 153,48 tỷ USD, vốn sử dụng thực tế là 60,63 tỷ USD. Cùng với việc bố trí lại và tăng cường đầu tư trong nông nghiệp mà 800 triệu nông dân Trung Quốc đang nhận được sự cải thiện rõ rệt trong đời sống. Sản lượng lương thực, thực phẩm, thủy sản... của Trung Quốc tăng dần từng năm sau khi gia nhập WTO (triệu tấn):

Sản phẩm 2001 2002 2003 2004

Lương thực: 452,62 457,11 430,67 469,67

Chè: 0,69 0,74 0,78 0,84

Hoa quả: 65,36 68,09 114,7 152,43

Thịt: 63,4 65,9 69,2 72,6

Thủy sản: 43,75 45,13 46,9 48,55

Ngày nay Trung Quốc đã đứng hàng thứ 8 trên thế giới và đứng đầu Châu Á về xuất khẩu nông sản và chẳng mấy chốc sẽ biến thành nông trạo của thế giới. Bước đi của Trung Quốc về chuyển hóa tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) sau khi gia nhập WTO là những kinh nghiệm rất đáng để chúng ta tham khảo. Đó là việc thông qua các phương thức như tăng cường sản xuất, mở rộng thu nhập của nông dân, tăng cường chi phí chuyển dịch tài chính đối với nông nghiệp, nâng cao trình độ dịch vụ công cộng cơ bản ở nông thôn. Từng bước thực hiện công nghiệp trợ giúp nông nghiệp và yêu cầu thành thị ủng hộ nông thôn...

Thách thức:

Thách thức lớn nhất đối với nông nghiệp khi gia nhập WTO là khả năng cạnh tranh khốc liệt của các hàng nông sản trong nước với hàng ngoại nhập có chất lượng cao. Nông dân do thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ phải mua giống, vật tư, tư liệu sản xuất nông nghiệp với giá cao và do đó làm tăng chi phí sản xuất. Các nước giàu tiếp tục duy trì trợ cấp và các rào cản đối với thị trường nông sản khiến ngành nông nghiệp khó có thể sử dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để đối phó. Hiện vẫn còn tồn tại những hàng rào phi thương mại áp dụng đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp.Chúng ta chắc chưa đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng như đường, ngô, sản phẩm sữa và thịt... (Chính phủ Mỹ hàng năm trợ cấp 10 tỷ USD cho các chủ trang trại trồng ngô và 3,6 tỷ USD cho các trang trại sản xuất gạo. Một con bò ở EU mỗi ngày được trợ cấp 2,62 USD). Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật (SPS) đòi hỏi sự hài hòa các tiêu chuẩn chặt chẽ trong nông nghiệp và thủy hải sản.gạo, đường, phân bón...Hiện nay tỷ lệ nông dân và lao động nông nghiệp ở nước ta còn chiếm quá cao: 73,7% cư dân, chiếm 55% lực lượng lao động của cả nước, với 13,2 triệu hộ trong đó có 11 triệu hộ chuyên sản xuất nông nghiệp đang làm chủ 70 triệu thửa ruộng manh mún và nhỏ bé. Bình quân mỗi hộ nông dân hiện chỉ có 2,5 lao động và khoảng 0,7ha canh tác. Trong khi đó, chẳng hạn như ở Australia, bình quân đất canh tác là 200ha/hộ. Tại Mỹ, tỷ lệ nông- lâm- ngư nghiệp trong GDP chỉ chiếm có 1%, ở Nhật chỉ có 1,7%... Nông dân Mỹ chiếm không đến 2% dân số vậy mà làm ra 41% sản lượng ngô; 34,9% đậu tương và 13,1% lúa mỳ của toàn thế giới!. Vì ruộng vườn manh mún và nhỏ bé nên chúng ta khó có được một nền sản xuất hàng hóa vững chắc và ổn định. Lấy ví dụ trong lĩnh vực sản xuất trái cây, chúng ta có tới 750 000 ha trồng trái cây, trong khi đó Thái Lan chỉ có 260 000 ha. Trái cây Việt Nam vì có chất lượng không đồng đều, lại mới chỉ có 10-15% mang thương hiệu Việt Nam, cho nên mới có 10% bán được giá cao, 90% phải bán rẻ (dẫn đến phải mua của nông dân với giá thấp). Trong khí đó Thái Lan sản xuất trái cây ở quy mô trang trại với công nghệ tốt hơn và vì vậy bán ra được khắp thế giới, kể cả thị trường Việt Nam Kinh tế nông thôn nước ta phần lớn còn phát triển theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch, rất bị động trong việc tiêu thụ sản phẩm. Các ngành nghề phi nông nghiệp sản xuất thiếu ổn định do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu và sử dụng công nghệ lạc hậu.Nhìn vào danh mục 94 dự án trọng điểm quốc gia mời gọi vốn FDI trong giai đoạn 2006-2010 (gần 26 tỷ USD) ta thấy rất rõ sự mất cân đối giữa khu vực công nghiệp- xây dựng với khu vực nông nghiệp- nông thôn. Trong danh mục này chỉ có 1 dự án dành cho nông nghiệp-chăn nuôi-lâm nghiệp và 4 dự án dành cho thủy sản. Sản xuất nông nghiệp- nông thôn thường gặp nhiều rủi ro do chịu ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai và thiếu đảm bảo về điều kiện hạ tầng. Hơn nữa hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập và chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn còn rất lớn, theo Tổng cục thống kê là cách nhau khoảng 3,7 lần. Thật đáng lo ngại khi giá gạo xuất khẩu của ta là thấp nhất trong 6 nước xuất khẩu gạo (gạo Việt Nam- 218 USD/tấn, năm 2006 tăng lên được đến 259 USD/tấn; trong khi của Thái Lan là 278,33 USD, của Australia là 509,9USD). Các giống lúa của nước ta được mặt này thì hỏng mặt kia (cao sản thì dễ đổ, chất lượng gạo ngon thì lép nhiều và kháng bệnh kém...). Nông dân không mặn mà với giống mới vì phải mua với giá cao trong khi vẫn bán sản phẩm theo giá bình thường. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì thất thoát sau thu hoạch về lúa thường là 10-17%, có nơi tới 30%!. Vì thiếu sân phơi nên gạo phải sấy sau khi xát và dẫn đến gãy nát, xỉn màu. Công nghệ sau thu hoạch của ta còn rất bất cập, trong khi cam Mỹ. quýt Thái Lan sau cả tháng vẫn tươi nguyên. Chúng ta còn bị động trước thiên tai và dịch bệnh. Nếu Bộ trưởng, Thứ trưởng và các Vụ trưởng, Viện trưởng luôn phải lo đi chống hạn, chống lụt, chống bão, chống cúm gia cầm, chống bọ rầy... thì còn tâm trí đâu và thì giờ đâu để lo tổ chức lại nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa?. Chúng ta biết rằng dịch rầy nâu chỉ có thể khắc phục triệt để bằng việc sử dụng các chế phẩm sinh học (gây bệnh cho rầy nâu bằng nấm Beauveria bassiana hay nấm Metarrhizium anisopliae). Chúng ta đã nghiệm thu nhiều đề tài nghiên cứu về các chế phẩm này, nhưng khi mà cả nước chưa có nổi một cơ sở sản xuất lớn các chế phẩm sinh học, thì chỉ tốn tiền nhập thuốc trừ sâu hóa học, vừa rất độc hại lại vừa ít hiệu quả bền vững . Theo báo cáo của Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) thì đang có 1 tỷ tấn nông sản ở Châu Á sẵn sàng... đổ bộ vào Việt Nam sau khi nước ta gia nhập WTO (!). Nông dân nước ta sẽ phải cạnh tranh quyết liệt trên thị trường cả ngoài nước lẫn trong nước. Chúng ta chưa sản xuất được sản phẩm nông nghiệp chuẩn mực như nhiều nước khác vì chưa có nền sản xuất lớn, chưa sản xuất tập trung, chưa có các quy trình kỹ thuật chuẩn, chưa kết nối được giữa sản xuất và tiêu thụ... Cho đến nay mà 90% sản phẩm nông nghiệp còn được bán ra ở dạng thô và 60% sản phẩm bị bán ép với giá thấp. Sản xuất còn rất manh mún, nhỏ bé. Theo điều tra của Bộ NN&PTNT thì chỉ có khoảng 25% nông dân tiếp cận được với các thông tin thị trường trong khi 75% nông dân không biết gì cả. Mặc dầu cả nước đã có khoảng 8000 điểm bưu điện văn hóa xã nhưng chỉ có khoảng 4000 điểm có thể kết nối Internet và số nông dân được tiếp cận với công nghệ thông tin còn rất ít, hơn nữa thông tin giúp nông dân tiếp cận được với thị trường cũng còn hết sức hạn chế. Đáng lưu tâm là trong khi Thái Lan chỉ có 260 nghìn ha trồng cây ăn quả (Việt Nam- 750 nghìn ha) nhưng hoa quả Thái Lan tràn lan khắp thế giới, kể cả thị trường Việt Nam (!). Đã đến lúc phải tạo ra các khu chuyên canh rộng lớn để phấn hoa không thể thụ phấn chéo gây nên lai tạp bất thường theo kiểu vườn nhà như tình trạng hiện nay.Không có con đường nào khác, ngoài con đường tích tụ ruộng đất thành các Trang trại hay các Hợp tác xã chuyên canh sản xuất gạo, hoa quả, rau dưa xuất khẩu với sự đầu tư cao về cơ sở hạ tầng và tiến bộ khoa học- công nghệ. Trong khi chưa thực hiện được việc tích tụ lớn ruộng đất thì ngay trong năm 2007 này vẫn phải phấn đấu gieo trồng lúa trên 7,2 triệu ha, đảm bảo an ninh lương thực và có được 4 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Tôi mới đi thăm các cánh đồng trồng hoa hồng ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc) và thấy quy trình trồng không khác gì ở Gia Lộc. Giống hoa cũng không thể nói là ưu việt hơn. Lại thiếu hẳn sự đầu tư của Nhà nước và các nhà doanh nghiệp nên khả năng xuất khẩu chưa cao. Vậy mà tuy bán với giá rất rẻ nhưng mỗi sào/mỗi năm đã cho thu nhập tới trên 5 triệu đồng. Nếu trồng lúa thì không vượt quá được 1 triệu đồng. Tôi rất tiếc cho các cánh đồng hoa hồng vốn rất đẹp ở Gia Lộc, lại có cả hợp đồng xuất khẩu sang Vân Nam, được sự chăm sóc một cách ưu ái của lãnh đạo tỉnh, huyện… vậy mà thất bại thảm hại. Nguyên nhân chính phải nói đến trận lụt quá lớn, mấy chục năm mới có một lần như vậy. Cũng còn có nguyên nhân về hợp đồng không thuận giữa nhà doanh nghiệp và nông dân. Không có bất kỳ lý do gì để kết luận trồng hoa xuất khẩu là kém hiệu quả. Nhưng đã thất bại trên diện rộng thì rất khó lấy lại niềm tin cho nông dân.

Kinh nghiệm sản xuất trên tinh thần “hợp tác bốn nhà” tại một vài cơ sở , nhất là các cơ sở có đầu tư của nước ngoài cho thấy: nhà doanh nghiệp phải có đủ vốn để thuê ruộng của nông dân dài hạn, nông dân vẫn tiếp tục lao động trên cánh đồng làng mình và nhận thù lao hàng ngày (mức chung dễ chấp nhận là 20.000 đồng/ngày công). Mọi kế hoạch trồng cây gì, nuôi con gì, chế biến ra sao, bảo quản ra sao, bán cho ai, bán giá nào, người nông dân không cần quan tâm. Đó là việc của nhà doanh nghiệp, được hay thua mình anh chịu. Nông dân có thu nhập cao hơn rõ rệt mà không phải rời xa quê hương là tốt rồi. Nhà nước đứng ra làm trọng tài và có thể cho nhà doanh nghiệp vay tín dụng nếu thấy có khả năng hoàn vốn và trả lãi ngân hàng đúng kỳ hạn. Đó là mô hình tích tụ ruộng đất dễ thực hiện nhất và cho hiệu quả nhanh nhất trong giai đoạn hiện nay. Các ông chủ trồng hoa hồng là nông dân ở Linh cũng đang phát triển cây hoa hồng sang các xã khác theo mô hình thuê đất và thuê lao động.Tất nhiên sản xuất lớn thì phải nghĩ đến xuất khẩu thì mới mong có thu nhập cao và có sản lượng ổn định

Chính sách nông nghiệp của ta trước đây là lo cho đủ ăn và cố gắng có dư thừa để xuất khẩu. Nay phải hướng sang giai đoạn phát triển có hiệu quả cao và bền vững. Bây giờ phải lo hướng dẫn nông dân tiếp cận được các thông tin về thị trường, đàm phán thương mại, kiểm tra chất lượng và đăng ký thương hiệu nông sản...

Kế hoạch phát triển nông nghiệp phải hướng tới ba lĩnh vực chủ yếu là: chuyển giao tiến bộ khoa học- công nghệ, nhất là các thành tựu về Công nghệ sinh học; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho kinh tế nông thôn; tập trung xây dựng các cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn. Các loại cây trồng, vật nuôi ưu tiên phải được lựa chọn theo nhu cầu thị trường chứ không dựa trên tiềm năng sẵn có. Phải áp dụng cơ chế chuyên hóa tại một số vùng miền để nâng cao năng suất chế biến và tiêu thụ. Chính phủ cần đầu tư tập trung cho các lĩnh vực sinh học phục vụ nông nghiệp, cần có chính sách rõ ràng trong việc sử dụng các cây trồng chuyển gen (GMC) đang được phát triển nhanh chóng trên thế giới, cần tăng cường nâng cấp cho dịch vụ thú y và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Phải chuyển thách thức thành cơ hội, làm cho người nghèo cũng tiếp cận được với cơ hội sau khi gia nhập WTO và được hưởng lợi từ các cơ hội này. Đã có hợp đồng đưa vải thiều Thanh sang thị trường Châu Âu ngay trong mùa vải 2007. Doanh nhân Đặng Nguyên đã quyết định sản xuất loại cà phê hảo hạng với hy vọng “ Chỉ cần chiếm 10% sản lượng cà phê xuất khẩu hiện nay cũng đủ tạo ra giá trị hàng tỷ USD”. Nhiều người nghèo nhờ có sáng kiến và chịu khó tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới mà đã có thu nhập cao. Có thể lấy ví dụ như các hộ nuôi nhím ở thị xã Sơn La, chỉ với chuồng trại 20 m2 mà vẫn có thể thu về trên 150 triệu đồng/năm…

Về từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đang có những chính sách và biện pháp cụ thể để giúp đỡ nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính phủ sẽ có thể trợ cấp cho Nông nghiệp khoảng 1,1 tỷ USD mỗi năm mà không trái với quy định của WTO (10% giá trị cả nền nông nghiệp). Ví dụ như lĩnh vực phát triển cây ăn trái. Chính phủ xây dựng chương trình xuất khẩu rau quả 10 năm (2001 - 2010) nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD rau quả vào năm 2010. Nhà nước hỗ trợ thay đổi giống cây ăn quả, lai tạo các giống tốt nhất trong nước và du nhập các giống tốt thích hợp với điều kiện khí hậu đất đai, tăng cường năng lực công nghệ sau thu hoạch, bảo vệ thực vật, xúc tiến thương mại và hỗ trợ tài chính qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ... Nhà nước chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế trang trại tạo vùng sản xuất trái cây tập trung ở các vùng đất mới như Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc.... Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong đó có Hợp tác xã chuyên ngành trái cây. Nhà nước hỗ trợ việc xúc tiến thương mại quốc gia các mặt hàng trọng điểm, trong đó có rau qua tươi và rau quả chế biến...

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Nông nghiệp 2006 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành cho nông nghiệp- nông thôn sự ưu tiên hàng đầu. Nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng nếu không công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nông nghiệp- nông thôn là không thành công. Phải có những tính toán rõ ràng và đưa ra những khuyến cáo cụ thể với nông dân. Chẳng hạn như: Chúng ta có nên phát triển bò thịt hay không, phát triển ở mức độ nào? Những mặt hàng nào không cạnh tranh được thì chuyển hướng ra sao? Phải đưa ra được lộ trình chuyển hướng và công bố công khai những sản phẩm nào cạnh tranh được. Cần tính toán với Bộ Tài chính về việc giảm thủy lợi phí để hỗ trợ nông dân. Bộ phải đề xuất với Chính phủ cơ chế, chính sách để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sản xuất lương thực là lợi thế của đất nước ta. Cần đưa nhanh giống mới và khoa học-công nghệ mới vào để tăng năng suất, chất lượng lương thực. Chính phủ không hạn chế việc các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu. Cần chủ động điều tiết thị trường, đừng để rớt giá, vì rớt giá còn thiệt hại hơn cả sâu bệnh. Cần tiếp tục phát triển thêm 200.000 ha cao su theo quy hoạch. Có thể chuyển những diện tích rừng kém hiệu quả sang trồng cao su. Đẩy mạnh việc giao đất cho dân, cho doanh nghiệp để trồng rừng. Trong chăn nuôi phải chỉ đạo chăn nuôi an toàn, bền vững. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đề xuất các chính sách để phát triển các loại hình doanh nghiệp ở nông thôn.Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy Chính phủ rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn, góp phần sắp xếp lại lực lượng lao động và nâng cao đời sống cho nông dân.

Về chính sách Xóa đói giảm nghèo Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển Kinh tế-Xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010. Mục tiêu chính của chương trình là trông 5 năm giảm được 50% số hộ nghèo. Đối tượng nhận hỗ trợ của chương trình là người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ưu tiên các hộ nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội (người già, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt). Toàn quốc hiện có 1644 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu chưa hoàn thành các mục tiêu của Chương trình 135 giai đoạn 1999-2005 và các xã mới được chia tách từ xã chưa hoàn thành mục tiêu.

Bốn nhiệm vụ chính trong Chương trình này là: Hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch chuyển cơ cấu kinh tế; Phát triển cơ sở hạ tầng; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và năng lực của cộng đồng; Hỗ trợ các dịch vụ xã hội, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân. Về kinh phí đầu tư cho Chương trình 135 giai đoạn 2 dự kiến lên đến 9625 tỷ đồng (6475 tỷ đồng cho 1850 xã, 1875 tỷ đồng cho 2550 thôn bản, 400 tỷ đồng cho 200 Trung tâm Cụm xã và 875 tỷ đồng cho vốn duy tu bảo đưỡng).

Liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội và chuyển hóa được thách rhức thành cơ hội hay không. Tôi có niềm tin khá mạnh mẽ, nhất là sau khi được tham dự Hội nghị cuộc hội thảo về Nông nghiệp Nông thôn và Nông dân do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức. Tôi coi đây như một ví dụ về con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn nước ta trong thời kỳ hậu WTO.

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đang phát triển rất nhanh. Tốc độ phát triển GDP bình quân trong giai đoạn 2001-2005 đạt 15,6%, năm 2006 dự kiến đạt 16,98%. Từ một tỉnh thuần nông đến nay tỷ lệ nông nghiệp chỉ còn chiếm 17,31% trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp và xây dựng đã đạt mức 57,01% và dịch vụ đã đạt tới 25,68%. Đến nay tỉnh đã tiếp nhận 435 dự án đầu tư , trong đó có 103 dự án FDI với số vốn đăng ký đến 842,65% triệu USD. Năm 2006 thu ngân sách đạt ước 4500 tỷ đồng (thu nội địa 3500 tỷ đồng)...

Về nông nghhiệp Vĩnh Phúc đạt sản lượng lương thực có hạt khoảng 400 nghìn tấn / năm; đàn bò đạt 177,1 nghìn con, sản lượng thịt hơi khoảng 81,72 nghìn tấn... Tỉnh đã đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong 5 năm qua tới 1 638 tỷ đồng và rõ ràng đời sống nhân dân ở nông thôn đã được cải thiện một cách rõ rệt....

Những mục tiêu đề ra cho đến năm 2010 là rất rõ và khá cao. Chẳng hạn như: tỷ trọng nông lâm thuỷ sản chỉ còn 14,3%, giá trị thu nhập trên 40 triệu đồng/ha, hàng năm thu 40 vạn tấn lương thực có hạt và 10-12 nghìn tấn thuỷ sản, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm,90% đường giao thông nông thôn được trải nhựa, lát gạch hay bê tông hoá, hoàn thành phổ cập THPT (!), 95% trẻ em trong độ tuổi đến trường Mẫu giáo,100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% các xã, thôn, bản có nhà văn hoá, mỗi xã có ít nhất 1 sân vận động, mỗi thôn có 1 TT văn hoá, mỗi xã có 1 nhà văn hoá, 100% số hộ có nhà xây lợp ngói, có TV màu, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có nhà tiêu và chuồng trại sạch sẽ, 30% số hộ có điện thoại, 100% tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh...

Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015, tức là đi trước cả nước 5 năm (!). Thật là một tiêu chí rất đáng phấn khởi và đáng biểu dương. Nếu mỗi tỉnh trong cả nước đều có được những mục tiêu và những kế hoạch hành động đẹp đẽ như Vĩnh Phúc thì chúng ta hy vọng có thể đạt được điều mà ai cũng mong muốn giống như xác định của Đảng: đến năm 2020 nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Tin khác