Kết thúc văn hóa Làng-cái Đình và nông thôn hiện đại

13/04/2007

1.Cái làng và văn hóa làng rực rỡ trong các thế kỷ 16-18, bế tắc và tàn lụi từ nửa cuối tk19. Nó vùng vẫy tìm một lối ra, một hướng phát triển mới suốt hơn 3/4 thế kỷ 20 với các điền chủ, với cải cách ruộng đất, hợp tác hóa, khóan 10 …mà không thành công là bao. Chỉ với cuộc đô thị hóa rầm rộ hiện nay và sẽ kéo dài vài thập niên nữa nông thôn-làng xã mới thật sự ‘khủng hoảng’ và biến đổi căn bản về chất. Cái làng và văn hóa làng là đặc sản VN do nước ta không có tầng lớp quý tộc quốc gia và tầng lớp doanh nhân quốc gia,và từ tk 19 về trước hầu như không có văn hóa đô thị .Làng và văn hóa làng sẽ ‘biến mất’ hay sẽ tồn tại theo hình thức khác với nội dung mới là một câu chuyện hay,một câu hỏi lớn của thời kỳ công nghiệp hóa.

2. Cuộc thành thị hóa lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra với dòng dân di cư về thành phố để lại sau lưng một sự trống vắng văn hóa và một vực thẳm ngăn cách giàu nghèo (cả về văn hóa) .Có thể nói đặc trưng văn hóa VN hai thập niên tới sẽ là ‘văn hóa nhà quê ra tỉnh’.Thành thị lớn lên với sự tràn về của văn hóa làng.Tất nhiên văn hóa đó sẽ hòa tan trong đô thị nhưng không mất đi hết những "thói quen" có chất quán tính.Ngược lại nông thôn sẽ đón nhận văn hóa đô thị cởi mở hơn và thụ động hơn. Nông thôn dù vẫn là làng sẽ mang phong thái đô thị trong lối sống,hưởng thụ vật chất và tinh thần. Thời đại thông tin hiện nay càng làm cho sự ‘phố cả làng’ về văn hóa thêm bạo liệt, bao trùm.

3. Khoảng trên 80% di sản vật thể là ở Làng.Nổi bật là các công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu, nhà ở, điêu khắc và các làng nghề thủ công.Các nghề thủ công biến dạng để hòa nhập kinh tế thị trường. Truyền thống của nó sẽ được bảo tồn trong các dòng sản phẩm mới. Thuận lợi là thị trường đòi hỏi tính độc đáo truyền thống của các nghề nên càng bảo tồn tốt càng giàu có hơn. Ngược lại các di sản khác không có đất sống và sẽ là các di sản ‘chết’. Việc trùng tu, phục chế, bảo quản, sử dụng và xây mới đều hết sức bế tắc. Mất cắp, bị phá bỏ, bị trùng tu sai, phục chế hỏng và xây mới kiểu ‘làm đồ giả cổ’ đang được báo động từ Chùa Bút tháp, chùa Dâu, Yên Kinh, Yên Tử, thành SơnTây… tới các làng miền trung và miền Nam, các di sản của người Việt, người Chăm, người K’me, người Hoa, người Tây Nguyên.. Tất cả đều nằm trong báo động đỏ. Chiến lượng phát triển nông thôn thời công nghiệp hóa cần một chiến lược di sản vật thể cho cái Làng VN.

4. Cũng khoảng 80% di sản phi vật thể là sản phẩm từ làng. Nay lớp ‘tinh hoa’ của làng sẽ bỏ di hết, người làng còn lại học làm người thành thị và người toàn cầu ngay ở làng. Trước đây người làng hưởng thụ văn hóa ở làng, của làng, sáng tạo văn hóa ở làng. Từ quan họ tới hò, vè, ca dao dân ca, từ cồng chiêng tới tuồng, chèo, múa… đều ‘ra tỉnh’ và được cải biên thành ‘sản phẩm du lịch’. Đại bộ phận các lễ hội cũng vậy. Đặc biệt sức sáng tạo văn hóa ở làng, của làng suy giảm đến kiệt quệ hẳn. Những di sản mấy trăm năm ngày nay bị chính dân làng chối bỏ. Thanh niên làng không thích chèo hay quan họ bằng phim hành động và game online. Cơ cấu sản xuất và hưởng thụ văn hóa làng của làng muốn hay không cũng đang bị xoá bỏ. Niềm say mê và niềm tự hào về văn hóa của làng mình đã rời bỏ mỗi người dân làng. Chiến lược phát triển nông thôn cần một chiến lược xây dựng đời sống văn hóa ở Làng mới mong vớt vát được phần nào những gì cha ông để lại.

5. Cái đình là hạt nhân của mô hình văn hóa làng cổ điển. Nó là trung tâm của đời sống làng xã, là niềm tự hào của mỗi làng. Số phận của dân làng tuỳ thuộc vào ‘hướng đình’. Tình yêu của trai gái gắn với cây đa, mái đình. Hội hè diễn ra ở đình. Chuyện cộng đồng được giải quyết ở đình. Toàn bộ văn nghệ thâu tóm ở trong cái đình từ hát cửa đình, chèo sân đình tới tế lễ, thờ thành hoàng làng và cả họp chợ cũng đều diễn ra ở đình. Vai trò của nó như người mẹ của các môn nghệ thuật tương tự như vai trò của ngôi nhà thờ Gôtíc trung cổ châu Âu cộng thêm chức năng hành chính. Ngày nay các đình làng phần lớn bị bỏ hoang, có khi được người làng hảo tâm chầu tiền tô vẽ lại, có khi được cấp tiền tu bổ di tích nhưng hầu như không còn sức sống. Phải chăng là một sự lãng phí lớn. Đình chính là cái nhà văn hóa làng mà ta đang muốn xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở. Bên cạnh các kiến trúc tâm linh sẽ tự tìm thấy sức sống của mình cái đình cần được nghiên cứu và làm sống lại trong nông thôn hiện đại. Nếu nó lại quy tụ được các sinh hoạt văn hóa của làng cộng thêm các hoạt động văn hóa hiện đại từ thư viện tới máy tính, từ điện ảnh tới sân khấu du diễn chuyên nghiệp và văn chương, từ thể thao tới các sinh hoạt cộng đồng hàng ngày như du lịch và thương mại thì có thể ta sẽ phát huy được những mặt tốt của văn hóa làng xưa?

6. Các nước khác không có làng như VN nên bảo tồn phát huy xây dựng đời sống văn hóa nông thôn hiện đại sẽ phải là sáng tạo riêng của ta, khó có mô hình tốt để ta chuyển giao công nghệ. Thiết nghĩ các viện nghiên cứu văn hóa, viện nghiên cứu phát triển nông thôn cùng các cấp chính quyền làng xã nên có những đề tài nghiên cứu những mô hình văn hóa nông thôn mới trên cơ sở nghiên cứu kỹ cách thức sinh hoạt, sáng tạo văn hóa văn nghệ của cái làng xưa trong đặc thù vùng miền chủng tộc và lịch sử cụ thể để xây dựng một đời sống văn hóa nông thôn mới đa dạng giàu bản sắc, để không sa mạc hóa văn hóa nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa.

Xin trân trọng cảm ơn.


Tin khác