Lược trích ý kiến của GS,TS Nguyễn Văn Luật: Tổ chức hợp tác sản xuất nông nghiệp trong lộ trình hội nhập WTO

27/03/2007

Sản xuất nông sản hàng hóa có lợi nhuận ngày một cao là mong muốn của bà con nông dân. Có nhiều thời cơ đạt nguyện vọng chính đáng khi nền kinh tế của nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, hiện chiếm 90% dân số và 95% GDP toàn thế giới.

Gia nhập WTO, người nông dân có nhiều cơ hội mới, như việc Nhà nước đầu tư vào khuyến nông, vào hạ tầng cơ sở cho nông nghiệp cũng như vật tư kỹ thuật nông nghiệp có thể gấp vài ba lần hiện nay. Còn theo quy định của WTO thì không chấp nhận những đầu tư cho doanh nghiệp có thể dẫn đến phạm luật "bán phá giá", hoặc như việc thưởng xuất khẩu cho doanh nghiệp như đã làm, mà thực tế người nông dân đâu có được hưởng lợi lộc gì. Mặt khác, người nông dân phải đương đầu với thách thức mới trong cạnh tranh với nông sản hàng hóa của nước ngoài, không chỉ trên thị trường thế giới, mà ở ngay trên "sân nhà", như trái cây nhập khẩu cạnh tranh với trái cây sản xuất trong nước do hàng của họ rẻ hơn, chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn.

Nông sản hàng hóa có giá trị cao không chỉ dựa vào năng suất và chất lượng cao, giá thành hạ, mà sản lượng hàng hóa phải nhiều, chân hàng phong phú và luôn sẵn sàng xuất bán cho thị trường trong và ngoài nước theo hợp đồng, và đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường mới kiến lập được. Chỉ có tổ chức cho nông dân sản xuất hợp lý mới có thể đáp ứng những yêu cầu trên.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp cần bắt đầu từ đơn vị sản xuất cơ bản, hay kinh tế nông hộ. Các tổ chức liên quan, nhất là khuyến nông cần giúp người nông dân có ý thức và kiến thức hoạch định sẽ sản xuất nông sản nào chuyên làm hàng hóa như trái cây đặc sản; hay vừa để nhà dùng, vừa làm hàng hóa như lúa gạo; loại cho thị trường gần thường do người sản xuất đem bán trực tiếp, loại cho thị trường xa thường theo hợp đồng với các doanh nghiệp; nông sản nào cho an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng gia đình, hay không chỉ để no bụng, mà còn phải đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng.

Đời sống người nông dân được cải thiện sẽ tăng cường nội lực; mà nội lực thì bao gồm tri thức và kỹ năng đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của kiến thức và sức khỏe để sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị cao.

Có một thời chỉ khuyến khích sản xuất lớn để xuất khẩu, ngay thị trường trong nước cũng không được quan tâm đúng mức, do đó, tính bền vững kém. Quá trình sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, cũng như các địa phương khác cho đến vài năm gần đây vẫn xảy ra khi thì khan hiếm một vài mặt hàng nào đó, khi lại dư thừa rớt giá, như với nhãn giá thấp đến mức không đủ chi trả công thu hoạch, để cho trái chín tự rụng ngập mắt cá chân, và dẫn đến chặt cây này, trồng cây khác, có khi sau mấy năm lại trồng cây đã chặt.

Điều quan trọng là làm thế nào để giúp người nông dân một cách thiết thực thoát ra khỏi cảnh sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với những bước đi thích hợp, giảm tối thiểu rủi ro. Nếu chỉ nhận xét phê phán thì đâu giải quyết được vấn đề.

Tổ chức sản xuất chuyên canh nông sản nào đó sẽ dễ dàng có số lượng nông sản hàng hóa đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của thị trường, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thuận tiện hơn. Nhưng nếu nóng vội mà không tính đến những rủi ro cho nông dân sẽ làm cho nông dân chịu thiệt thòi như đã xảy ra.

Đa canh trong VAC nhằm sản xuất nhiều nông sản trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất bền vững hơn, và đáp ứng được những nhu cầu về dinh dưỡng cho nông hộ. Nhưng cứ để tình trạng tự phát, tùy tiện mà không có kế hoạch thì khó phát triển được sản xuất hàng hóa nông sản có giá trị lớn, nông nghiệp khó thoát ra khỏi tình trạng manh mún và dễ gặp rủi ro. Mặt khác, nước ta đất ít người đông không thể tổ chức sản xuất lớn bằng diện tích rộng như ở Australia, Italy...

Kết hợp hài hòa giữa chuyên canh và đa canh đáp ứng được nhiều mặt cho nhu cầu của xã hội, mà vẫn có thể sản xuất nông sản hàng hóa. Các vùng sản xuất trái cây hàng hóa, như bưởi Năm Roi tập trung ở Vĩnh Long, bưởi da xanh ở Bến Tre, bưởi Phú Hữu ở Hậu Giang... nếu được đầu tư thỏa đáng sẽ tăng giá trị hàng hóa mà không phạm đến luật chơi của WTO. Cũng như vậy đối với các nông sản hàng hóa khác. Đa canh trong VAC vẫn làm được trong các vườn trái cây chuyên canh.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL cho thấy người nông dân bao đời đã thực hiện đa canh trong vùng chuyên canh lúa. Mặt khác, ở những miệt vườn lại có nhiều kinh nghiệm thực hiện chuyên canh trong các hệ canh tác VAC đa canh. Kinh nghiệm này cần được bổ sung nhằm nâng lên trình độ cao hơn.

Nếu không có biện pháp tổ chức mạnh như là một "cú hích" thì sản xuất nông nghiệp khó hội nhập nhanh với sản xuất ở các nước trong WTO có trình độ cao hơn. Cú hích đó chính là hợp tác sản xuất với các hình thức thích hợp từ thấp đến cao.

Người nông dân nghe đến "hợp tác xã" thì thường tỏ thái độ không mặn mà, nghi ngờ, do phong trào hợp tác hóa trong quá khứ kìm hãm sản xuất mà Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách khắc phục, như ở Nghị quyết 100, Chỉ thị 10... Thật ra, các hợp tác xã trước đây đã tan vỡ không phải là hợp tác xã, mà là những tổ chức sản xuất tập thể, mà chủ thể không phải là nông dân, dẫn đến tình trạng "dong công chấm điểm".

Tổ chức hợp tác sản xuất nông nghiệp sẽ bền vững nếu người nông dân được coi là chủ thể sản xuất. Trang trại cũng là những nông hộ lớn. Hợp tác xã bao gồm các chủ thể sản xuất trên, chứ không tước bỏ quyền làm chủ của nông dân. Người nông dân có thể tham gia hợp tác sản xuất một hoặc một số nông sản hàng hóa; có thể tham gia một khâu canh tác, hoặc một số khâu hay cả hệ thống; có thể tham gia một hay một số hợp tác xã phù hợp với sản xuất kinh doanh của hộ; sự hoạt động của hợp tác xã cũng không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính... Người nông dân có nhiều con đường thích hợp để dần dần tự nguyện đi vào sản xuất hợp tác. Đã có khá nhiều hình thức tổ chức hợp tác được nông dân hưởng ứng, như hợp tác cung ứng vật kỹ thuật, hợp tác tiêu thụ nông sản hàng hóa, hợp tác chuyên làm mạ, cấy thuê, chuyên làm dịch vụ sạ lúa theo hàng, hợp tác trong việc tiêu tưới nước, hợp tác sản xuất một số nông sản hàng hóa nào đó, hợp tác trong nuôi trồng thủy sản cần kỹ thuật cao... Người nông dân đã và sẽ thấy cần thiết thuê người điều hành tốt, thuê chuyên gia giỏi chuyển giao công nghệ mới, như đã có nhiều tổ chức hợp tác thực hiện.

Cách làm ở Viện Lúa ĐBSCL vừa thâm canh, vừa bảo vệ sản xuất lúa đông xuân 2006 - 2007 phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá là một thí dụ theo hướng trên. Viện đã thực hiện chiến lược nói trên ngay từ khâu mạ, đã thuê những tổ chức làm đất, xử lý hạt giống và gieo mạ sân, thuê cấy trên gần 80 ha. Đến nay lúa phát triển tốt, sạch sâu bệnh, như hai mô hình do Viện Bảo vệ Thực vật Hà Nội vào cùng với nông dân Long An làm.

lược trích trong www.nhandan.com.vn


-Nguyễn Trang Nhung-

Tin khác