Dự thảo báo cáo của nhóm PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

06/04/2007

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH KHOAN SỨC, TIẾP SỨC CHO DÂN 1. Cơ sở lý luận thực tiễn. Việc tạo điều kiện để phát triển và tăng cường nội lực đem lại nhiều tác dụng quan trọng: a) Đứng trên quan điểm ổn định chính trị, trước khi qua đời năm 1300, Trần Quốc Tuấn trăng trối: "Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước". Chính việc khai thác, sử dụng sức dân bừa bãi, không chăm sóc, đảm bảo sinh kế tối thiểu cho nhân dân là nguồn gốc của các bất ổn mà chúng ta ngày nay vẫn phải xử lý từ các điểm nóng chính trị xã hội ở nông thôn vừa qua như Thái bình, Tây nguyên,... Đây là quan điểm được công nhận rộng rãi và áp dụng thành công trong các chiến lược phát triển của nhiều quốc gia nhất là các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,... Tại đây, với mục tiêu đảm bảo ổn định chính trị, thu nhập của nông dân được nâng lên sát với mức cư dân đô thị trong suốt quá trình tăng tốc công nghiệp hoá, đồng thời các tổ chức của nông dân như Nông hội, Liên hiệp xã, Phát triển cộng đồng,... được chú ý hỗ trợ để hình thành cầu nối gắn chặt nông dân với quá trình xây dựng, triển khai chính sách và đầu tư phát triển của chính phủ. Đây cũng là những khó khăn mà nhiều nước lân cận Việt Nam như Thái lan, Philippin, Indonexia đang phải đương đầu do sao nhãng việc đảm bảo sinh kế và điều kiện sống của một bộ phận dân chúng nông thôn, nhất là ở những vùng khó khăn, nhạy cảm về chính trị.

b) Tăng thu nhập, tăng sức mua của nông dân vốn chiếm phần lớn tỷ lệ dân cư, tạo ra thị trường rộng lớn để phát triển công nghiệp, tạo đà tích lũy cho công nghiệp hoá. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là nguồn xuất khẩu quan trọng. Nông thôn là thị trường tiêu thụ to lớn nhất hiện nay cho nên cần cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác[1]", "nông thôn giàu có sẽ mua nhiều hàng hóa của công nghiệp sản xuất ra, đồng thời sẽ cung cấp đầy đủ lương thực nguyên liệu cho công nghiệp và thành thị, như thế là nông thôn giàu có giúp công nghiệp phát triển. Công nghiệp phát triển lại thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh hơn nữa.[2]" Với quan điểm đó, trong di chúc, Bác đề nghị miễn thuế cho nông dân. Nhiều nhà kinh tế ủng hộ quan điểm hỗ trợ tăng cầu kinh tế nói chung như Keyne và đặc biệt là tăng cầu của nông dân như Nurkse (1961)...

c) Tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, tích lũy tư bản vượt qua mức tự cung tự cấp, đủ sức tái sản xuất mở rộng để tự chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Mundle (1985) tổng kết kinh nghiệm công nghiệp hoá của một loạt nước đã phát triển và đang phát triển, cho thấy sức mua quan trọng nhất của nông dân phải nhờ mức thu thặng dư từ sản xuất nông nghiệp chứ không thể chỉ dựa vào tăng trưởng nông nghiệp chỉ đáp ứng yêu cầu tự túc tự cấp của nông hộ. Tăng trưởng thương mại nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều tiến bộ kỹ thuật và kèm theo đó là tăng trưởng trong khả năng tự tích luỹ của nông hộ. Arikoko trong bài góp ý gần đây cho Bộ Nông nghiệp Việt Nam đã nhắc lại bài học chính sách thành công ban đầu của một số nước Bắc Âu trong việc hỗ trợ cho nông dân vượt qua mức tiêu dùng tự cấp trong giai đoạn tăng tốc công nghiệp hoá. Nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước (Jaman và Jansen, 1998; Golletti và Nguyễn Ngọc Quế, 2001; Akram-Lodhi, 2001;) và của Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, 2007 cho thấy tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến giai đoạn gần đây chủ yếu nhờ vào các động lực do các chính sách trong giai đoạn đổi mới tạo ra. Từ nay trở đi, tăng trưởng của nông nghiệp phải dựa vào đổi mới công nghệ. Muốn vậy, vốn đầu tư là điều kiện tiên quyết để tiếp tục tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

d) Ngoài ra, trong chiến lược mới về phát triển nông thôn, trí lực và vật lực của nhân dân phải trở thành động lực chính để tự lực và chủ động đứng lên làm chủ công cuộc mở mang kinh tế và đổi mới xã hội, cải thiện môi trường nông thôn Việt Nam. J. Nehru đã nói: “Sự thành bại là tùy thuộc ở khả năng v­ươn lên, lòng tự tin và khả năng hợp tác lẫn nhau của nông dân.” Michael Todaro nhận định: “Nhân tố cơ bản của phát triển nông thôn là nâng cao mức sống của người nghèo bằng cách khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên tự nhiên và con ngư­ời của họ...Tạo nên tiến trình tự giác phát triển nông nghiệp nông thôn không chỉ là sự huy động vốn và áp dụng kỹ thuật đem lại lợi ích cho người nghèo mà còn là sự tham gia tích cực của họ để xây dựng nên các định chế tổ chức và hoạt động của các bộ máy này”. Sự chỉ đạo, hỗ trợ của nhà nước, của quốc tế và các thành phần khác trong xã hội nhằm tạo điều kiện, môi trường phát triển thuận tiện cho nông thôn, tạo nguồn lực xúc tác, kích thích tinh thần chủ động sáng tạo và nguồn nội lực dồi dào của nhân dân. Chỉ đến khi bản thân doanh nghiệp có đủ sức mạnh để làm chủ và đủ năng lực để tự thay đổi cuộc sống của chính mình thì sự nghiệp phát triển nông thôn mới thành công vững chắc.

2. Tình hình thực tế ở nông thôn

a) Sau 20 năm đổi mới, nhờ có những thành tựu to lớn trong phát triển nông nhgiệp và kinh tế nông thôn, nhìn chung thu nhập của nông dân đã tăng 2 đến 3 lần, tỷ lệ đói nghèo đã giảm xuống gần 20% trong năm 2004 so với năm 2002. Tuy nhiên, do quá trình chuyển đổi kinh tế diễn ra rất chậm, hơn 78% hộ nông thôn vẫn dựa vào nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Trồng trọt vẫn là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp và cây lúa vẫn là nguồn sống của nông dân. Do đó, nhìn chung, thu nhập của cư dân nông thôn vẫn rất thấp. Tính đến năm 2004, tỷ lệ đói nghèo theo chuẩn quốc tế ở thành thị chỉ còn 3,6%, trong khi ở nông thôn vẫn trên 25%. Tỷ lệ đói nghèo của dân tộc Kinh và Hoa là 18%, trong khi của các dân tộc khác lên đến gần 63%. Đặc biệt những vùng khó khăn tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao: Tây Nguyên 41%, Tây Bắc hơn 65%.

Khoảng cách thu nhập và điều kiện sống giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi vẫn còn rất xa. So sánh thu nhập hộ gia đình cuộc điều tra dân cư 2002 và 2004 cho thấy tốc độ tăng thu nhập của thành thị là gần 35% trong khi tốc độ tăng của thu nhập ở nông thôn chỉ là 28%. Năm 2004, trong khi mức thu nhập bình quân đầu người/tháng ở các hộ đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long là 871 nghìn và 888 nghìn đồng, thì ở Tây Bắc chỉ đạt 265 nghìn đồng.

Do thu nhập thấp và tăng chậm nên phần lớn hộ nông dân vẫn chưa thoát khỏi mức độ tự cung tự cấp. Theo kết quả điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2006, tại bốn tỉnh Hà Tây, Lào Cai, Đồng Nai và Quảng Nam thì mức tiết kiệm của nông hộ rất thấp, trung bình một năm một hộ để dành được 8,5 triệu, chủ yếu là tập trung ở nhóm khá (8,6 triệu) và nhóm giàu (21 triệu). Còn 3 nhóm trung bình, nghèo và nghèo nhất chiếm tới 60% số hộ chỉ tiết kiệm đuợc 4 triệu, 3 triệu và 600 nghìn đồng/năm. Một mức tiết kiệm chưa đủ bù đắp cho những rủi ro xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống, chưa thể tính đến việc đầu tư trang bị mở rộng sản xuất, thay đổi cơ cấu kinh tế.

Mặc dù, Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã dành nhiều hỗ trợ về vốn và đầu tư cho các hộ nghèo nhưng khả năng tiếp cận tín dụng và lượng vốn các hộ này được vay vẫn còn rất khó khăn. Theo cuộc điều tra mức sống dân cư 2004, nhóm rất nghèo vay từ bạn bè, họ hàng và tư nhân gần 39% của tổng vốn vay và 36% đối với nhóm nghèo. Nhìn chung, số tiền vay được của nhóm hộ nghèo và rất nghèo là rất thấp, chỉ khoảng từ 18 đến 20 triệu/năm, trong đó chỉ có khoảng từ 4- 5 triệu dành cho sản xuất nông lâm thuỷ sản, chủ yếu là để tái sản xuất giản đơn.

b) Tình trạng khó khăn về nguồn thu dẫn đến sự khác biệt trong khả năng hoạt động của chính quyền cơ sở các xã vùng nghèo so với các xã vùng giàu. Ngoài khoản trợ cấp trực tiếp của chính quyền cấp trên, cân đối ngân sách của nhiều xã vùng nghèo và thuần nông trông đợi chủ yếu vào sự đóng góp từ các khoản thu của dân, không có khoản thu thêm từ các nguồn dịch vụ, từ doanh nghiệp hoặc chuyển đổi đất đai như các xã giầu. Ví dụ, ở Thái Bình, kinh phí thường xuyên thu của xã nghèo (Hoa Nam) chỉ bằng 4% xã giàu (Đông Xuân) trong khi đó mức chi của xã nghèo bằng 70% xã giàu, kinh phí Nhà nước bổ sung cho xã nghèo cũng chỉ hơn xã giàu có 16%. Nhìn chung, sự chênh lệch có thể được thấy ở các xã khảo sát tại Hải Dương, Hoà Bình, Bắc Kạn, Hà Tĩnh.

Nhìn chung, các nguồn thu chính (là những khoản thu được nhà nước cho phép như thuế nhà đất, quỹ đất 5%, hoa lợi công sản,…) chỉ đóng góp một phần nhỏ cho chi quản lý Nhà nước của xã, nhưng phần này đóng vai trò rất quan trong đối với xã nghèo. Ví dụ xã nghèo như Hoa Nam, nguồn thu này chiếm 20%, trong khi xã giàu như Đông Xuân chỉ chiếm 3,9%. Các khoản đóng góp của dân vì vậy đóng một vai trò quan trọng trong ngân sách của xã, đặc biệt là ở miền núi. Ví dụ, tại xã Yến Dương và Hà Hiệu của huyện Ba Bể - Bắc Kạn, tỷ lệ này lên tới 48-52%.

Tuy có nhiều khoản nhưng lượng đóng góp không nhiều. Theo số liệu điều tra năm 2007 ở một số xã đại diện cho thấy mức đóng trung bình một hộ khoảng từ 100-300 nghìn đồng/hộ/năm, ở tỉnh Quảng Ngãi khoảng 400-500 nghìn đồng/hộ/năm, ở Hải Dương khoảng 400-500 nghìn đồng/hộ/năm. Tất nhiên, đối với các hộ nghèo đây không phải là khoản tiền nhỏ. Nhìn chung, người dân ở nông thôn phải đóng góp có rất nhiều khoản:

- Các quỹ gồm quỹ xã hội, kinh tế mới, phòng chống lụt bão, an ninh quốc phòng, y tế, vệ sinh môi trường, quỹ người nghèo, quỹ trẻ thơ, xoá đói giảm nghèo, chữ thập đỏ, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học,...

- Các loại đóng góp phục vụ trực tiếp cho sản xuất như thú y, thuỷ lợi, diệt chuột, bảo vệ thực vật, phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ.

- Các khoản đóng góp cho đoàn thể như hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi, đảng phí, đoàn phí.

Các khoản chi thực sự là gánh nặng cho đa số người nông dân là các khoản đóng góp cho con cái học hành ngay từ cấp mẫu giáo, nhà trẻ đến phổ thông, đặc biệt thực sự rất khó khăn cho các gia đình có con cái học nghề chuyên nghiệp hoặc học đại học. Điều tra mức sống dân cư năm 2004 cho thấy ở các hộ nông thôn, phần chi cho giáo dục tương đương 10,8% chi cho lương thực, thực phẩm trong đó những vùng khó khăn như Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có mức chi rất cao khoảng trên 830.000 đến 880.000/hộ/năm. Chi cho giáo dục ở một hộ nông thôn gấp gần 3 lần so với chi cho y tế và có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Từ 2002 đến 2004, mức chi cho giáo dục nông thôn trung bình một hộ tăng gần 31%. Trong khi nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ và đầu tư trực tiếp cho ngành giáo dục đặc biệt là cho các vùng khó khăn và người nghèo (xây dựng trường sở, trợ cấp lương giáo viên, cấp không sách giáo khoa, xây dựng các trường nội trú, miễn học phí cho con em các hộ nghèo ở cấp tiểu học…) thì đối với các vùng nông thôn nói chung, đối với các hộ nghèo có con học cấp trung học trở lên, các khoản đóng góp trên vẫn chưa được miễn giảm. Nếu coi đầu tư cho đào tạo con người là hướng quan trọng nhất để phát triển thì trở ngại về phí cho giáo dục ở nông thôn là điều không thể chấp nhận được. Đó là chưa nói đến một thực trạng là một phần lớn học sinh nông thôn sau khi được đào tạo xong không dễ dàng tìm được việc làm có thu nhập tốt như học sinh là con em các gia đình ở đô thị. Theo kết quả điều tra mức sống dân cư năm 2004 (VHLSS 2004) gần đây cho thấy cho đến năm 2004, 24 % học sinh nông thôn tốt nghiệp cao đẳng, 30% tốt nghiệp đại học, 38 % tốt nghiệp các trường dạy nghề chưa có việc làm. Vì vậy, các khoản đóng góp này trở thành những khoản đầu tư không đuợc bù đắp cho các hộ nông thôn, làm nản lòng họ trong việc tiếp tục chi tiêu cho con cái học hành, nhất là cho các em gái.

Trong các khoản đóng góp của dân, một khoản rất quan trọng là chi phí trực tiếp cho sản xuất. Các chi phí này có thể đóng cho các dịch vụ của các HTX (tưới nước, bảo vệ thực vật, thú y...), có thể đóng cho các doanh nghiệp nhà nước như tưới tiêu thủy lợi, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, có thể đóng góp cho các tổ chức sự nghiệp dịch vụ công tại địa phương như các trạm khuyến nông, thú y…Các khoản chi này tuy không nhiều nhưng cũng làm tăng thêm giá thành trong điều kiện giá thành sản xuất ngày càng cao do chi phí đầu vào ngày càng tăng (phân bón, thuốc trừ sâu, giống, nhiên liệu, lao động…tăng giá). Do khả năng đóng góp của các hộ khác nhau nên mức độ thâm canh của các hộ nghèo có xu hướng giảm. (thêm số liệu).

Giá thành sản xuất cao khiến lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp giảm sút nhất là các vùng thuần nông và những vùng chuyên lúa. Ở Đồng Bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ nhiều lao động nông thôn chuyển ra đô thị hoặc các khu công nghiệp tìm việc làm bổ sung thu nhập. Chính vì vậy, ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Nam Định…, xuất hiện tình trạng diện tích lúa, hệ số quay vòng và năng suất lúa giảm, nông dân trả lại đất cho xã và không chăm lo sản xuất trên diện tích đất của mình. Theo báo cáo của 7 huyện và thành phố Thái Bình, đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 6408 hộ nông dân trên 101 xã bỏ ruộng với một diện tích không nhỏ trong đó có cả diện tích nhận khoán (đất công ích, đất khó giao) và diện tích cơ bản (đất giao ổn định sản xuất lâu dài) trong đó nhiều nhất là Đông Hưng (huyện luôn có năng suất cao nhất tỉnh) có 1939 hộ bỏ ruộng[3]. Số liệu thống kê đã thể hiện tình trạng giảm bớt hệ số quay vòng trên đất canh tác ở các vùng sản xuất nông nghiệp chính như Đồng Bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ trong các năm gần đây do giảm diện tích các vụ màu luân canh với lúa (xem phụ lục…).

Trong các khoản đóng góp về sản xuất, thủy lợi phí là khoản đóng góp quan trọng. Số liệu điều tra khảo sát nhanh của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2007, mức thủy lợi phí này khác nhau giữa các vùng. Ví dụ ở ĐBSCL, huyện Tân Thạnh, Long An 400 kg thóc/năm, ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận 267 kg thóc/năm, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình 275 kg thóc/năm, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng 165 kg thóc/năm, huyện Đông Hưng, Thái Bình 611 kg thóc/năm. Ớ các xã miền múi, mức này thấp hơn do không có hệ thống thủy lợi. Chi phí thủy lợi được chia thành thủy lợi phí nội đồng trả cho các đơn vị dịch vụ thủy lợi tại chỗ của cơ sở và thủy lợi phí đầu nguồn đóng cho công ty thủy lợi nhà nước. Nhìn chung, phần chi phí đầu nguồn cao hơn nội đồng nhưng cũng có nơi không có thủy lợi phí đầu nguồn.

c) Trong quan hệ đất đai, một vấn đề gây bức xúc trong dân là vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị và công nghiệp. Tình trạng này diễn ra rất gay gắt ở các địa phương gần đô thị và phát triển công nghiệp nhanh như Đồng Bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ… Trong 5 năm 2001-2005, đất nông nghiệp đã thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp là 366.440 ha (chiếm 3.89 % đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng), bình quân mỗi năm 73.288 ha. Tính riêng năm 2005, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 109.031 ha trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là 64.524 ha chiếm 59,2%. Đặc biệt, có khoảng 10-20% tổng số hộ bị thu hồi 100%, 20% bị thu hồi 2/3 và 60-70% bị thu hồi 1/2.

Vướng mắc chính trong chuyển đổi đất là giá bồi hoàn cho dân thấp. Giá đất để tính bồi thường do UBND tỉnh ban hành hàng năm trên cơ sở khung giá các loại đất do Chính phủ quy định nhưng thường thấp hơn tới 30-40% mức giá tối đa do chủ yếu tính theo hạng đất cũ cách đây 20 năm. Chênh lệch về giá bồi hoàn với giá chuyển nhượng thực tế quá cao không những gây bức xúc trong dân mà còn gây ra nhiều tiêu cực ở chính quyền địa phương. Tính đến năm 2005, có 12.348 trường hợp khiếu nại tố cáo về bồi thường, giải phóng mặt bằng trong đó có 1.754 trường hợp tố cáo cán bộ địa phương, chiếm 10.03%.[4]

Bên cạnh đó, người dân sau khi chuyển nhượng đất không có việc làm, không có thu nhập ổn định. Các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ ổn định sản xuất, hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề và tìm việc làm mới chưa được thực hiện tốt và mức hỗ trợ còn thấp.

d) Hiện nay, nhà nước đã đầu tư phát triển rộng rãi hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, thông tin liên lạc, cung cấp nước sạch…Tuy nhiên, so với người dân đô thị vốn được đầu tư miễn phí các cơ sở hạ tầng trên với chất lượng tốt thì người dân nông thôn vẫn phải đóng góp 20% để hoàn tất các chi phí tại chỗ như đưa đường điện, nước vào nhà, làm đường trong thôn…Yêu cầu đặt ra trong hoàn cảnh thu nhập nông dân rất thấp khiến nhiều vùng cơ sở hạ tầng chính đã đi qua nhưng người dân không được hưởng hoặc được hưởng nhưng chất lượng thấp. Trong thực tế có sự khác biệt trong việc tiếp cận của người dân nông thôn đối với cơ sở hạ tầng so với người dân thành thị. Theo điều tra năm 2004 cho thấy ở đô thị gần 50% hộ có nước máy riêng trong khi ở nông thôn là 3.6%, 17.3% số hộ thành thị có máy tính trong đó 27% kết nối Internet trong khi ở nông thôn là 1% hộ nông thôn có máy tính trong đó 10% kết nối Internet.

III. Đề xuất chính sách

Những khó khăn, vướng mắc chính ở trên là những thách thức xuất hiện trong giai đoạn mới của quá trình phát triển kinh tế dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa. Có tháo gỡ được các khó khăn trên mới có thể khôi phục mức tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm sút trong thời gian gần đây, từng bước tháo gỡ những mâu thuẫn về xã hội, chính trị và môi trường đang nảy sinh trong nông thôn để đảm bảo cho quá trình phát triển tương lai vững bền và ổn định.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu còn nhiều vấn đề bức xúc khác cần được giải quyết một cách đồng bộ như vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, vấn đề quy hoạch dân cư, chống ô nhiễm môi trường, giảm rủi ro cho nông dân, thu hút đầu tư về nông thôn… Những vấn đề này sẽ được đề cập đến trong các đề xuất chính sách dài hạn và đồng bộ hơn. Sau đây là một số đề xuất chính sách chính tập trung vào các vấn đề bức xúc nhất ở nông thôn cần sớm được giải quyết bao gồm: giảm bớt các khoản đóng góp của người dân nông thôn, bù ngân sách cho các xã nghèo, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, cải thiện việc bồi hoàn đất nông nghiệp chuyển sang công nghiệp và đô thị.

1. Giảm bớt đóng góp cho người dân nông thôn:

- Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu giảm, miễn một số loại phí mà người dân nông thôn phải đóng góp theo quy định như quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ an ninh trật tự quốc phòng, quỹ trẻ thơ, nghĩa vụ lao động?. Trước hết tập trung vào các vùng nghèo, khó khăn.

- Đối với các loại phí thuộc thẩm quyền của địa phương quy định và quản lý như: quỹ kinh tế mới, y tế dân lập, vệ sinh môi trường, quỹ kiến thiết, quỹ ủng hộ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh, quỹ người nghèo, quỹ tình nghĩa, quỹ hỗ trợ người cao tuổi, quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ nạn nhân chất độc màu da cam. đề nghị chính phủ chỉ đạo rà soát lại và loại bỏ những khoản thu không cần thiết

2. Hỗ trợ cho người dân nông thôn

- Đối với những khoản thu thuộc phạm vi dịch vụ phục vụ sản xuất thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý như phí phòng chống bão lụt, phí bảo vệ thực vật, phí thú y, phí kiên cố hóa kênh mương,…đề nghị Bộ giao cho các Cục chuyên ngành rà soát lại và loại bỏ các khỏan thu không cần thiết.

Đối với những vùng khó khăn, nghèo ưu tiên sử dụng kinh phí sự nghiệp để bù đắp chi phí cho nhân dân. Đối với những vùng thuận lợi, sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao hỗ trợ cho các thành phần kinh tế và các cơ quan sự nghiệp cung ứng dịch vụ có thu phí trực tiếp.

-Riêng thủy lợi phí, đề nghị nhà nước xem xét bỏ thủy lợi phí phần đóng góp đầu mối, phần đóng góp thủy lợi nội đồng giao cho cộng đồng và tổ chức nông dân ở cơ sở tự quản lý và thu phí dịch vụ.

-Đề nghị Chính phủ giao cho ngành giáo dục nghiên cứu xem xét chi bổ sung ngân sách để giảm bớt các khoản thu của người dân nông thôn đối với giáo dục mầm non (lương của giáo viên, chi phí trường sở, học phí,…). Xem xét miến giảm học phí cho cấp trung học ở các vùng nghèo và xem xét bỏ học phí cho tiểu học ở các vùng nông thôn.

-Xây dựng quỹ học bổng để tạo điều kiện cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc có năng lực được học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Lập quỹ tạo việc làm giao cho địa phương và các cơ sở sản xuất kinh doanh ở nông thôn để thu hút các học sinh này trở về làm việc tại nông thôn.

3. Trợ cấp cho chính quyền xã

- Khi thực hiện miễn giảm các khoản thu theo quy định như quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ an ninh trật tự quốc phòng, quỹ trẻ thơ, sẽ làm mất cân đối ngân sách của các xã ở nông thôn nhất là các xã nghèo. Đề nghị Nhà nước cấp bổ sung phần ngân sách thiếu hụt trên.

- Đối với các khoản đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay nhà nước yêu cầu các xã thu bổ sung từ nhân dân để bù đắp khoảng 20% tổng chi phí đầu tư ở cơ sở. Đề nghị các ngành hữu quan (giao thông, điện, thông tin liên lạc, nước…) tính toán để bổ sung khoản thu này để đảm bảo cho người dân nông thôn tiếp cận một cách công bằng cơ sở hạ tầng như người dân đô thị.

- Đối với hai khoản bổ sung ở trên, để tiết kiệm ngân sách cho trung ương cần chia ra hai loại tỉnh và thành phố: Những nơi có mức độ CNH cao, nguồn thu từ công nghiệp, dịch vụ lớn (ví dụ đóng góp của công nghiệp và dịch vụ cho GDP lớn hơn 85%) thì tự sử dụng nguồn thu của địa phương để bù đắp. Trung ương tập trung trợ cấp cho các tỉnh không có khả năng bổ sung ngân sách. Nhà nước khuyến khích các tỉnh có khả năng tự bù đắp như cho phép trích tỷ lệ thu từ công nghiệp và dịch vụ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn và khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo phương pháp BOT.

4. Về tín dụng nông thôn:

Để phát triển thị trường vốn ở nông thôn một cách lành mạnh, tạo điều kiện cho nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất đồng thời bảo đảm cho ngân hàng vượt qua các khó khăn về chi phí vận hành và rủi ro cao ở nông thôn:

- đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chính sách cho vay trung và dài hạn và tăng khối lượng vốn vay để cho nông dân vay mua sắm trang thiết bị chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

- Chuyển dần chi phí trợ cấp từ ngân hàng chính sách sang bù chi phí cho các ngân hàng thương mại hoạt động trên các vùng khó khăn, vùng nghèo một mặt giúp các ngân hàng vượt qua khó khăn về chi phí giao dịch cao ở các vùng này, mặt khác tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách được tiếp cận với vốn tín dụng bình đẳng về lãi suất như nhân dân ở các vùng thuận lợi.

- Hình thành các tổ chức dịch vụ hướng dẫn đầu tư để cung cấp thông tin thị trường đáng tin cậy cho người sản xuất, kinh doanh định hướng đầu tư, giúp nông dân xây dựng phương án đầu tư, cung cấp địa chỉ để mua sắm máy móc thiết bị, chuyển đổi công nghệ.

5. Giải quyết một cách hợp lý việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang phục vụ công nghiệp và đô thị

Nhằm thu hẹp khoảng cách giữa mức bồi hoàn cho nông dân và giá đất sau khi đã chuyển đổi mục đích sử dụng, tăng tốc độ giải phóng mặt bằng, giảm các nguy cơ về tham nhũng, lãng phí đất đai trong các dự án chuyển đổi sử dụng đất, xóa bỏ các tiềm ẩn mâu thuẫn trong xã hội nông thôn:

- Các địa phương có nhu cầu về quy hoạch chuyển đổi đât nông nghiệp sang đất công nghiệp và đô thị cần xây dựng kế hoạch dài hạn hướng vào đất có hiệu quả sử dụng nông nghiệp thấp (đất trống, đồi núi trọc, đất có độ phì thấp, đất ngập nước, ngập mặn, ngập phèn…). Thông thường đất này không thuận tiện giao thông, hoặc nền móng công trình, nên cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tính vào chi phí xây dựng cơ bản của các khu công nghiệp và đô thị này. Các phương án quy hoạch này cần công khai rộng rãi cho dân và các nhà đầu tư.

- Các địa phương cần áp dụng các biện pháp bổ sung để đảm bảo sinh kế cho nông dân sau khi mất đất (đào tạo, tạo việc làm cho lao động địa phương, dành một tỷ lệ đất sau khi quy hoạch giao lại cho người dân làm dịch vụ phục vụ cho công nghiệp và đô thị, chuyển giá trị của đất đã chuyển nhượng tính vào vốn đầu tư của doanh nghiệp để chia lại hàng năm cho nông dân, bồi hoàn cho nông dân bằng san nền và xây dựng kết cầu hạ tầng cho các khu công nghiệp nông thôn hoặc sản xuất chăn nuôi tập trung bên ngoài khu dân cư, làng xã…)

- Việc bồi hoàn đất đai phải đảm bảo sát với giá thị trường theo đúng quy định nhà nước, từng bước tiến đến chấm dứt tình trạng chênh lệch giữa giá do chuyển đổi mục đích sử dụng đất giữa đất nông nghiệp và đất công nghiệp và đô thị. Chỉ có phần chênh lệch do xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Đối với các công trình xây dựng đòi hỏi di dân tái định cư trên quy mô lớn chủ đầu tư phải đầu tư thỏa đáng để xây dựng các khu dân cư cho người dân nông thôn tốt hơn nơi cũ đảm bảo các yêu cầu: có sinh kế ổn định, phù hợp với tập quán, văn hóa, xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường (ngoài nhu cầu tối thiểu về cơ sở hạ tầng sản xuất và sinh sống cần có các công trình văn hóa, phúc lợi phục vụ nhu cầu văn hóa cộng đồng, môi trường như trường học, bệnh viện, nghĩa trang, cây xanh, công trình vệ sinh, nguồn nước…).

IV. Kiến nghị và đề xuất

Các đề xuất chính sách trên nhằm giải quyết các yêu cầu bức xúc nhất đang đặt ra ở nông thôn. Các đề xuất này liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nhưng thời gian chuẩn bị quá ngắn nên đề nghị Bộ trình Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan (giáo dục, ngân hàng, giao thông, điện lực, bưu chính viễn thông…) và các Cục liên quan trong ngành nông nghiệp như khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, thủy lợi…triển khai nghiên cứu để tính toán đầy đủ chi phí, lợi ích mà các chính sách này mang lại và cung cấp đủ các luận chứng cần thiết.

Đây mới chỉ các chính sách để xử lý các vấn đề bức xúc nhất ở nông thôn hiện nay. Tình hình nông thôn trước thách thức mới đang đặt ra của quá trình hội nhập, công nghiệp hóa rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải nghiên cứu để xây dựng một hệ thống phát triển đồng bộ, dài hạn liên quan đến nhiều lĩnh vực rộng lớn. Đề nghị Bộ, Nhà nước tổ chức xây dựng một chương trình nghiên cứu, làm thử mô hình với quy mô lớn và dài hạn để hình thành một hệ thống chiến lược và chính sách hoàn chỉnh và đồng bộ.


[1] Hồ Chí Minh, Tuyển tập, trang 14 (T10).

[2] Hồ Chí Minh, Tuyển tập, trang 405-406 (T10).

[3] Báo Nông nghiệp số 259 ngày 28 tháng 12 năm 2006.

[4] Báo cáo Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001-2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường


Tin khác