Bài 3: Từ chối thực hiện đề tài tiền tỷ.

30/05/2007

Viện trưởng Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (viết tắt là RIAM, thuộc Bộ Công nghiệp) – TS, Nguyễn Tường Vân thẳng thắn bày tỏ: chúng tôi quyết định dừng không thực hiện đề tài “Hoàn thiện thiết bị làm thức ăn viên cho bò sữa” vì biết rằng sản phẩn làm ra không có thị trường.

Bài 1: Bó chân, bó tay

Bài 2: Một đề tài 9 chữ ký

Quá trình chuyển đổi tư duy từ bao cấp sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm quả là cuộc vận lộn sống còn. Đề tìm lời giải, chúng tôi đã sang Bộ Công nghiệp, ngành đi đầu trong việc thực hiện Nghị định 115. Phó viện trưởng RIAM Trần Đức Trung cho rằng, đó là cả một quá trình “bươn chải” đề tồn tại và phát triển. Từ năm 1990, RIAM chuyển về trực thuộc tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Đây là một bước ngoặt đầy gian nan, thử thách bởi không còn dựa được vào nguồn bao cấp của nhà nước. Là một viện khoa học nhưng RIAM hoạt động như một doanh nghiệp, phải nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm. Quan trọng hơn là bán được sản phẩm đó để lấy tiền nuôi sống mình.

Ông Trung nhớ lại: bước ra thị trường mới thấy, đúng là một cuộc sàng lọc ghê gớm với cả những kế hoạch, chiến lược và những “thủ đoạn” trong kinh doanh. Hẫng hụt là cảm giác đầu tiên của tất cả những nhà khoa học quen ngồi trong phòng thí nghiệm. Không còn bấu víu được vào đâu, nhiều cán bộ xin chuyển công tác. Một số tế nhị hơn thì làm đơn xin đi học, rồi họ cũng tạm biệt cơ quan khi học xong. Ban lãnh đạo Viện như ngồi trên đống lửa. Phải làm gì để trước mắt là duy trì viện, chứ chưa tính đến chuyện phát triển mở rộng. Chỉ có một con đường đó là tung cán bộ đi xâm nhập thị trường , nơi nào cần cái gì, bất kể lớn nhỏ, giá trị bao nhiêu là tổ chức cho anh em nghiên cứu, chế tạo ra bằng được để bán. Thực tế, làm khoa học thị trường lúc đó gian nan hơn hiện nay rất nhiều, đặc biệt là sản phẩm của viện lại phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, việc phát triển sản xuất còn chậm, các công ty, trang trại cần máy móc nông nghiệp đếm trên đầu ngón tay. Viện buộc phải tổ chức nghiên cứu sản xuất những sản phẩm đơn giản. Nhưng đối với thiết bị đơn giản, đưa ra thị trường một thời gian là mất mẫu, bị làm nhái tràn lan. Vượt qua những năm tháng ban đầu, cứ từng bước từng bước sau gần 10 năm RIAM đã dần đi vào ổn định. Đến lúc này kinh phí đầu tư của Nhà nước cho khoa học – công nghệ cũng nhiều hơn. Đầu tư nhiều nhưng cơ chế tuyển chọn đề tài không theo kịp khiến nhiều khi các tổ chức khoa học tự chủ thấy “dị ứng” với đề tài nhà nước.

TS. Nguyễn Tường Vân, viện trưởng RIAM kể câu chuyện khiến chúng tôi ngỡ ngàng: Năm 2002 khi phong trào chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh. Viện đã ấp ủ thực hiện đề tài làm dây chuyền sản xuất thức ăn cho bò. Năm 2004, ý tưởng thành hiện thực khi Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức đấu thầu thực hiện đề tài. Tổng vốn đầu tư cho đề tài là 1 tỉ đồng. Với thế mạnh của mình RIAM đã vượt qua cả đơn vị trong ngành nông nghiệp để trúng thầu. Thế nhưng triển khai được một thời gian, RIAM quyết định xin ngừng đề tài. TS. Vân kể: Thuyết trình để được nhận đề tài đã khó, nhưng xin rút không thực hiện còn khó hơn. Thế nhưng RIAM vẫn quyết ngừng bởi nhận thấy nếu tiếp tục thực hiện thì sản phẩm của đề tài không thể đưa ra thị trường. “Cũng nhờ báo NNVN mà chúng tôi mới đưa ra quyết định táo bạo như vậy. Tình cờ tôi đọc được bài báo với cái tít ấn tượng “Nuôi bò sữa như… đua xe công thức 1”, nhận thấy kiểu nuôi bò sữa như một số địa phương đang ồ ạt triển khai trước sau sẽ dẫn đến thất bại. Sau này dự án bò sữa tỉnh Tuyên Quang và hàng loạt địa phương đổ bể mới chứng minh cho quyết định của chúng tôi là đúng. Nếu không còn nơi nào nuôi bò thì mình nghiên cứu, chế tạo dây chuyền sản xuất thức ăn làm gì?”. TS. Vân quả quyết.

Vậy, RIAM đã thẳng thắn từ chối thực hiện đề tài tiển tỷ. Hiện nay, mỗi năm RIAM chỉ thực hiện 5-6 đề tài nhà nước, chiếm 5-10% doanh thu của viện. Nguồn thu chính của viện là từ hợp đồng sản xuất dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến tinh bột sắn….với các công ty TNHH, cổ phần. Mới đây nhất, đầu tháng 1/2007, RIAM đã tiến hành bàn giao nhà máy chế biến tinh bột sắn cho Công ty Sơn Lâm với năng suất sản phẩm đạt trên 50 tấn/ngày, chất lượng tinh bột đạt tiêu chuẩn xuất khẩu… Đây là dây chuyền thứ 5 với thiết bị đa số chế tạo trong nước của RIAM.

Rõ ràng, tư duy của một viện khoa học nhà nước với một viện khoa học tự chủ đã có sự khác biệt lớn. Nhiều nơi lấy việc thực hiện đề tài Nhà nước là phương tiện để kiếm sống. Do vậy, đề tài gì, bất kể lớn bé đơn vị khoa học đó cũng nhận theo kiểu vơ bèo, vạt tép. Ví như mục đích cuối cùng là làm một chiếc máy cấy, đáng ra phải bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo chiếc máy thì chủ đề tài xây dựng một dự án đồ sộ, vẽ ra đủ thứ từ khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài để lấy tiền ngân sách. Đề tài thì lớn, phức tạp nhưng sản phẩm cuối cùng cũng chỉ là chiếc máy cấy đơn giản.

Phó viện trưởng Trần Đức Trung cho biết: Điều đặc biệt nữa đối với chúng tôi là đội ngũ cán bộ của RIAM. Trong tổng số 120 cán bộ, thì 80% là cán bộ trẻ dưới 35 tuổi. Chính những cán bộ trẻ này đã đem lại chỗ đứng cho RIAM trên thị trường máy nông nghiệp . Do vậy, chuyển sang cơ chế 115 chỉ là bước chuyển mình nhẹ nhàng đối với RIAM. Bởi từ trước đến nay họ đã như những con gà cần mẫn nhặt từng hạt thóc, chứ không chờ “bầu sữa” ngân sách.

Ngọc Tiến

Thứ Tư, 23/5/2007 - số 103 (2688), Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác