Cơ chế phát triển sạch (CDM – clean development machenism) và ứng dụng trong lĩnh vực lâm nghiệp ở Việt Nam

07/05/2007

CDM là một cơ chế hợp tác quốc tế theo nghị định thư Kyoto nhằm làm giảm sự phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu thông qua cơ chế đầu tư giữa các nước công nghiệp phát triển với các nước đang phát triển...

1. CDM là gì?

Hiện nay có rất nhiều khái niệm khác nhau về CDM (clean development machenism). Song chúng ta có thể hiểu rằng CDM là một cơ chế hợp tác quốc tế theo nghị định thư Kyoto nhằm làm giảm sự phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu thông qua cơ chế đầu tư giữa các nước công nghiệp phát triển với các nước đang phát triển, tăng cường khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước phát triển thực hiện các dự án giảm phát thải khí nhà kính dưới dạng “Giảm phát thải được chứng nhận (CREs)”.

2. Nguồn gốc, cơ chế vận hành và thực thi CDM hiện nay trên thế giới.

Nhằm đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu và hạn chế những tác động có thể đem lại do việc tăng nhiệt độ trung bình của trái đất, tại hội nghị của liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển ở Rio de Janeiro, Brazil tháng 6/1992, 155 nhà nước và chính phủ đã tham gia kí kết Công ước khung liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu (UNFCCC) nhằm mục tiêu cuối cùng là ổn định nồng độ khí nhà kính (KNK) trong khí quyển ở mức độ có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu.

Nghị định thư Kyôto là hiệp định được kí kết trong khuôn khổ UNFCCC tại hội nghị lần thứ 3 các bên tham gia UNFCCC tại Kyoto - Nhật Bản tháng 12/1997. Trong nghị định thư này đã đưa ra 3 cơ chế mềm dẻo (Buôn bán phát thải toàn cầu (IET), cơ chế đồng thực hiện (JI) và cơ chế sạch (CDM), để giúp các nước thực hiện và phát triển được mục tiêu giảm thải khí nhà kính, góp phần đạt được mục tiêu chung của công ước.

CDM được ghi trong điều 12 của nghị định thư Kyoto, cho phép chính phủ hoặc tổ chức, cá nhân ở các nước công nghiệp thực hiện dự án giảm phát thải ở các nước đang phát triển để nhận được “chứng chỉ giảm phát thải”, viết tắt là CERs, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải của quốc gia đó. CDM cố gắng thúc đẩy phát triển bền vững ở các nước đang phát triển và cho phép các nước phát triển đóng góp vào mục tiêu giảm mật độ tập trung KNK trong khí quyển.

Tại điều 12.2 trong nghị định thư có nêu “mục đích của CDM sẽ là trợ giúp các bên không thuộc phụ lục I đạt được phát triển bền vững và góp phần thực hiện mục tiêu cuối cùng của công ước và giúp các bên phụ thuộc phụ lục I thực hiện được cam kết giảm và hạn chế phát thải của mình trong điều 3”.

Cơ chế phát triển sạch (CDM) là một trong những công cụ linh hoạt của nghị định thư Kyoto. CDM bao gồm các nguyên tắc cốt lõi của phát triển bền vững: Phát triển kinh tế, cải thiện môi trường và tiến bộ xã hội và có tiềm năng ứng dụng lớn ở các nước đang phát triển (Theo "Guide to clean development machenism").

Chẳng hạn với các nước công nghiệp phát triển như Đức, Pháp và các nước khác ở Châu Âu, theo nghị định thư Kyoto họ sẽ phải cắt giảm thấp nhất 5% lượng thải các-bon của mình. Thay vì phải cắt giảm sản xuất họ có thể tiến hành đầu tư tiền cho các nước ở Châu Á hoặc Châu Phi, tiến hành trồng rừng để hấp thụ khí các-bon, sao cho lượng khí hấp thụ được bằng với mức các-bon họ buộc phải cắt giảm. Như vậy, những nước này sẽ nhận được chứng nhận giảm phát thải theo đúng nghị định thư Kyôto.

Như vậy, cơ chế phát triển sạch (CDM) trong nghị định thư Kyôto cho phép nhận dạng được những cách bảo vệ khí hậu một cách linh hoạt và có hiệu quả cả về mặt chi phí bằng cách tạo ra một thị trường toàn cầu cho buôn bán chứng chỉ về việc giảm thải khí nhà kính và khuyến khích việc sử dụng tiềm năng, sử dụng hiệu quả năng lượng và những phương pháp bảo toàn năng lượng ở các quốc gia. CDM là một cơ hội để khẳng định rằng việc giảm thiểu phát thải khí CO2 không chỉ có ý nghĩa lớn cho việc bảo vệ môi trường mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế.

3. Quan điểm và định hướng phát triển CDM ở Việt Nam và áp dụng trong ngành Lâm Nghiệp.

a. Quan điểm chung đối với CDM:

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và cho rằng sự nóng lên toàn cầu là mối đe doạ mà Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhất. Chính phủ cũng tin rằng KNK là những nguyên nhân chính gây lên sự nóng lên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng đã kí công ước khung biến đổi khí hậu (UNFCCC) ngày 11/06/1994 và kí nghị định thư Kyôto ngày 03/12/1998 và phê chuẩn ngày 25/12/2002. (Theo Bộ TN & MT).

Với việc tự nguyện tham gia CDM, Việt Nam mong muốn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường toàn cầu. Thông qua CDM, Việt Nam sẽ có những sự đầu tư bổ sung và chuyển giao công nghệ sạch tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển. Quan điểm của Việt Nam là:

- Việc tránh sự nóng lên toàn cầu là công việc chung, nhưng các nước phát trỉên phải có trách nhiệm và dẫn đầu.

- Sự cố gắng của cộng đồng quốc tế cần cân đối hơn nữa giữa việc giảm thải và các biện pháp ứng phó (Theo "Guide to clean development machenism").

b. Lâm nghiệp và CDM ở Việt nam.

Trong những năm gần đây ở Việt Nam, những kiến thức về CDM và việc áp dụng CDM đã được cải tiến và được thực thi ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và một số địa phương. Đồng thời việc áp dụng CDM ở nước ta cũng đã mở ra nhiều triển vọng mới cho việc giảm nghèo nhất là đối với những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những người làm công tác lâm nghiệp. Bản chất của việc áp dụng CDM trong lâm nghiệp ở Việt nam đó là sự thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, các nước công nghiệp phát triển và định hướng, chính sách phát triển lâm nghiệp của chính phủ trong việc bảo vệ, tái tạo rừng, phục hồi đất lâm nghiệp, thực hiện xã hội hoá lâm nghiệp và trồng rừng nguyên liệu cho sản xuất bột giấy, giấy, gỗ và các việc sử dụng các sản phẩm phi gỗ khác nhằm tạo ra một môi trường hấp dẫn đối với các nước trong việc đầu tư buôn bán phát thải CO2.

Một ví dụ điển hình, theo chương trình dự án của trung tâm nghiên cứu cải tạo giống cây lâm nghiệp của Viện khoa học Lâm nghiệp Việt nam, được tài trợ bởi Cơ quan hợp tác nhà kính quốc tế (IGPO), đã đang được thực thi trong khung CDM, được sử dụng để cải tiến và thu thập những nguồn giống của loài Keo và Bạch đàn cho trồng rừng, nhằm nâng năng suất sinh trưởng của 2 loài này và đã tăng được từ 15- 20% năng suất. Điều này cũng có nghĩa là đã tăng được khả năng hấp thụ CO2 lên nhiều hơn 6000 tấn. y-1 so với những nguồn giống bình thường cùng loài (bình thường là 22.000 tấn.y-1).

4. Những trở ngại trong việc thực hiện CDM trong lĩnh vực lâm nghiệp ở Việt Nam.

Muốn tham gia thực hiện được dự án CDM thì các nước phải đáp ứng được 3 yêu cầu sau:

(i) Tự nguyên tham gia CDM

(ii) Chỉ định cơ quan quốc gia về CDM

(iii) Phê chuẩn nghị định thư Kyoto.

Với cả 3 yêu cầu trên Việt Nam đã đáp ứng cả, có nghĩa là đủ quyền tham gia các dự án này. Song để thực hiện được các dự án CDM trong lâm nghiệp hiện chúng ta cũng đang gặp phải một số trở ngại sau:

- Thiếu các chính sách pháp luật cụ thể trong lĩnh vực lâm nghiệp để thực thi các chương trình CDM và một khung chiến lược phát triển CDM cụ thể trong lâm nghiệp Việt nam

- Thiếu thông tin và kiến thức trong việc áp dụng cơ chế CDM.

- Người dân còn thiếu sự hiểu biết về việc thực thi CDM và kiến thức về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

- Thiếu các cán bộ chuyên môn làm CDM trong lĩnh vực lâm nghiệp.

- Chưa có được sự hợp tác quốc tế, sự phối hợp với các bộ ban ngành khác trong việc thực thi CDM.

- Chưa tạo lập được một thị trường buôn bán CO2­ trong lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng và cả nước nói chung.

- Khai thác và sử dụng tài nguyên rừng chưa hợp lí, làm lãng phí tài nguyên rừng phục vụ cho việc phát triển CDM trong tương lai.

- Tình trạng đói nghèo của người dân vùng nông thôn đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn là một thách thức lớn trong việc thực hiện CDM .

5. Một số kiến nghị về cơ chế chính sách thực hiện CDM ở Việt Nam.

Với những điều còn tồn tại trên, để thực hiện tốt việc ứng dụng CDM trong lâm nghiệp ở Việt Nam, chúng ta cũng cần phải có những định hướng mới cụ thể như:

- Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc chỉ đạo, xem xét, phê duyệt và thu hút những chương trình dự án thực hiện CDM từ bên ngoài.

- Phải có những chính sách cụ thể, xây dựng kế hoạch cụ thể trong lĩnh vực lâm nghiệp để thực hiện nghị định thư và CDM trong từng giai đoạn cụ thể để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng trong việc thực hiện các dự án đầu tư của các nước công nghiệp phát triển.

- Khuyến khích việc phát triển các mô hình thân thiện với môi trường, các mô hình nông lâm kết hợp hiệu qủa, các chương trình nâng cao năng suất và sinh trưởng của rừng. Áp dụng các công nghệ sạch, tiến bộ trong quá trình sản xuất.

- Có các chương trình thực hiện trong lâm nghiệp nhằm xây dựng được các bể chứa các-bon thông qua các chương trình như: trồng rừng, bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học.

- Phát triển mạnh các chương trình nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm phi gỗ cho việc phát triển sinh kế đối với người dân sống gần rừng và dựa vào rừng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc phá rừng.

- Có các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ rừng và áp dụng CDM một cách sâu rộng.

- Lồng ghép các hoạt động thực hiện CDM vào trong các chính sách phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, chính quyền địa phương các cấp.

- Có các chương trình chính sách, cơ chế thu hút vốn đầu tư đối với các nước, các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài.

- Thực hiện tốt chính sách lượng hoá giá những giá trị môi trường của rừng.

- Tăng cường hợp tác quốc tế.

Phạm Văn Viễn

Bộ môn Kinh tế Tài nguyên Môi trường (DENRE)

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD)

------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Guide to clean development machenism, xuất bản bởi TiV Rheiland Hong Kong Ltd và RCEE – Trung tâm nghiên cứu năng lượng và môi trường.

2. Tạp chí hoạt động khoa học www.tchdkh.org.vn.

3. Công ước khung về biến đổi khí hậu toàn cầu (UNFCCC), năm 1992.

4. Nghị định thư Kyoto The Kyoto Protocol (Full text of the 1997 agreement, from the United Nations Framework Convention on Climate Change. www.unfccc.int/resource/docs/convkp/kpeng.html).

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường www.monre.gov.vn.


Tin khác