Trong những năm gần đây, sau một giai đoạn tăng trưởng liên tục, GDP nông nghiệp đã có dấu hiệu giảm. Nếu GDP nông nghiệp chiếm 41,1 % tổng GDP giai đoạn 1986-1990 thì giai đoạn 2001-2005 chỉ chiếm 22,1 %. Tăng trưởng GDP cũng giảm từ 4,6% giai đoạn 1996-2000 xuống còn 4 % giai đoạn 2001-2005
GDP nông nghiệp giảm trước tiên làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Mặt khác, điều này còn tạo ra tâm lý lo lắng cho những ai quan tâm đến khu vực nông nghiệp -hoạt động kinh tế chính của phần lớn các hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam.
Cơ cấu GDP (1986-2005, %)
Tăng trưởng GDP nông nghiệp (1986-2005, %)
Theo nghiên cứu của Trung tâm tư vấn chính sách (CAP), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), hiện tượng GDP nông nghiệp giảm có thể được lý giải bởi những nguyên nhân sau:
- Phương pháp thống kê GDP nông nghiệp
GDP nông nghiệp từ trước cho tới nay được Tổng cục Thống kê (TCTK) tính theo phương pháp tính giá trị sản xuất (GTSX), chi phí trung gian (CPTG) và giá trị tăng thêm (GDP) theo giá so sánh 1994. Theo đó: GDP = GTSX – CPTG.
Những năm gần đây tốc độ tăng GTSX nông nghiệp theo giá so sánh 1994 giảm (tức độ tăng sản lượng nông nghiệp giảm) là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng GDP nông nghiệp giảm rõ rệt.
Hơn nữa, tỉ lệ (CPTG/GTSX) theo giá so sánh do TCTK ước tính có xu thế tăng, hay nói cách khác là mức CPTG trên một đơn vị sản phẩm nông nghiệp có xu thế tăng và vì vậy GTTT trên một đơn vị sản phẩm nông nghiệp giảm. Đây là một yếu tố góp phần làm giảm tốc độc tăng trưởng GDP nông nghiệp.
Tốc độ tăng sản lượng ngành trồng trọt (đặc biệt là ngành sản xuất lúa gạo) mấy năm gần đây giảm mạnh đã tác động đáng kể đến đến giảm tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp (diện tích đất lúa trong vòng 3-5 năm gần đây giảm gần 200.000ha và diện tích gieo trồng giảm trên 300.000ha).
Việc sử dụng giá so sánh 1994 thay vì sử dụng chỉ số giá sản xuất hàng năm có thể làm giảm độ chính xác của ước lượng tăng trưởng GDP nông nghiệp.
Sau 15 năm (1990-2005) tổng sản lượng nông lâm nghiệp đã tăng hơn 2 lần (tăng bình quân 5,3%/năm) nhưng chi phí trung gian lại tăng hơn 3 lần (tăng bình quân 7,4%/năm) khiến cho tốc độ tăng GDP nông nghiệp giảm và chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình 3,8%/năm.
- Sự sụt giảm của các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp
Các yếu tố đầu vào được CAP xem xét, phân tích trong nghiên cứu của mình bao gồm: đất, lao động, máy bơm, phân bón và máy kéo.
Ngoại trừ yếu tố thủy lợi, nếu đem năm sau so với năm trước thì tất cả các đầu vào được xem xét đều giảm. Trong thời kỳ 2000-2005, tất cả các yếu tố đầu vào đều tăng trưởng ở mức rất thấp, và đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tăng trưởng chậm của giá trị sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây.
Mức tăng trưởng của các yếu tố đầu vào sản xuất nông nghiệp (1985-2005, %)
Cơ cấu lao động trong nền kinh tế quốc dân (1986-2005, %
Mức tăng trưởng đầu vào của Đất trong giai đoạn 1996-2000 là 4,9 %, giai đoạn 2001-2005 giảm xuống còn 0,7 %. Tăng trưởng đầu vào Lao động cũng giảm từ 1,1% xuống 0,9%; Máy kéo giảm từ 11,1% xuống 4,5%, Phân bón giảm từ 8,5% xuống còn 0,9% trong các giai đoạn tương ứng.
Đối với lao động, việc sụt giảm có thể là phù hợp với quy luật chung của quá trình công nghiệp hoá. Trong điều kiện thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ngày càng thấp hơn một cách tương đối so với các hoạt động kinh tế khác, việc dịch chuyển một bộ phận lao động làm nông nghiệp sang các ngành nghề khác là một quá trình khách quan.
Đối với đất, cả hai loại đất canh tác chính là diện tích đất trồng cây lương thực và cây ăn quả đều giảm mạnh trong những năm gần đây do quá trình đô thị hoá và mở rộng khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng.
Trong khi đó, chưa có những lý giải đầy đủ cho hiện tượng sụt giảm của các yếu tố phân bón, máy bơm, máy kéo. Giả thuyết có thể đặt ra là:
(i) Cùng với quá trình giải thể các hợp tác xã nông nghiệp trước đây, kèm theo đó là các phương tiện sản xuất, các hộ gia đình trong giai đoạn đầu của thời kì Đổi Mới mới chỉ có khả năng tập trung đầu tư về lao động; (ii) mặt khác, trên một đơn vị diện tích bị phân nhỏ, khó có khả năng áp dụng các phương tiện máy móc vào sản xuất nông nghiệp.
Sự tăng trưởng của sản lượng nông nghiệp thời gian vừa qua phụ thuộc khá nhiều vào việc sử dụng các loại giống cây trồng cho năng suất cao và các loại phân bón. Có thể trong giai đoạn gần đây, chi phí cho phân bón và các loại vật tư nông nghiệp khác trở nên quá đắt đỏ so với giá cả nông sản, nên đã tác động tới định hướng đầu tư của các hộ gia đình.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, thiên tai, dịch bệnh (cúm gia cầm, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở lúa...) đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sự tăng trưởng GDP nông nghiệp.
Một số câu hỏi nghiên cứu tiếp tục được đặt ra là: Những thay đổi về thể chế, chính sách trong nông nghiệp đã tác động như thế nào tới GDP nông nghiệp? Những thay đổi (tăng/giảm) của các yếu tố đầu vào sản xuất nông nghiệp diễn ra khác nhau như thế nào ở từng vùng kinh tế-xã hội, từng nhóm nông hộ, v.v..
___________________
Tham khảo:
Nguyễn Ngọc Quế, Nguyễn Đỗ Anh Tuấn et all., Nguyên nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp trong thời gian vừa qua và đề xuất các giải pháp cải thiện, Hội thảo ngày 19/4/2007, Ipsard-CAP.
AGROINFO