Tiếp cận xã hội học về phát triển nông thôn trong giai đoạn mới

13/04/2007

Bằng hướng tiếp cận xã hội học, chúng tôi phát biểu về phát triển nông thôn từ chiều kích xã hội.

Vì thế, đọc bản báo cáo dày 70 trang về “Phát triển nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới, định hướng và giải pháp”, chúng tôi đặc biệt chú ý đến mấy dòng ở trang 21, tiểu mục 2.1: “Chính sách đất đai” của mục II.2: “Một số chính sách quan trọng phát triển nông thôn hiện nay” trong phần II: “Tình hình thực hiện chính sách phát triển nông thôn”. Đó là: “Lịch sử cho thấy những khủng hoảng nông thôn thường bắt đầu từ khủng hoảng ruộng đất. Trong khi đó, sự phân hóa về ruộng đất có nguyên nhân chính là sự yếu kém của nhà nước trước đây khi xử lý vấn đề ruộng đất ở nông thôn. Mâu thuẫn giữa tập trung ruộng đất phát triển sản xuất hàng hóa và sự sinh tồn của các tầng lớp dưới của các tầng lớp xã hội cần giải quyết thỏa đáng... Giải pháp ruộng đất nhằm đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp và những biện pháp can thiệp hành chính của chính quyền địa phương, trò chơi của các tác nhân có quyền lực ở nông thôn? Sự dịch chuyển của cơ cấu lao động trong gia đoạn CNH đi kèm với nó là quá trình tái cấu trúc lại các hệ thống sản xuất nông nghiêp”.

Theo chúng tôi, những vấn đề này có liên quan mật thiết đến phần cuối cùng của báo cáo: “Những vấn đề về chính sách phát triển nông thôn hiện nay”, nêu lên đến 12 vấn đề. Đúng cả, song người đọc có cảm tưởng tìm ra vấn đề cơ bản nhất chưa thật rõ. Có một vấn đề của thực trạng nông thôn: mối quan hệ giữa dân và bộ máy lãnh đạo, vốn từng là nguyên nhân của những bùng nổ xã hội như ở Thái Bình năm 1997, nay đang có chuyển biến thế nào, chưa thấy đề cập đến. Vì thế, chúng tôi xin gợi lên một đôi điều liên quan đến “trò chơi của các tác nhân có quyền lực ở nông thôn” mà bản báo cáo có nói thoáng qua.

Chú ý đến vấn đề này vì chúng tôi hiểu rằng, phát triển luôn luôn là tự phát triển. Đó là sự tự phát triển trong tiến trình tiến hóa tạo nên những thuộc tính hợp trội, được thực hiện bằng các cơ chế thích nghi qua sự tương tác của hệ thống. Tiến hóa qua cơ chế thích nghi không chỉ biểu hiện bằng cạnh tranh sinh tồn và chọn lọc tư nhiên, mà còn bằng hợp tác và cùng phát triển. Chính sự đa dạng của tiến hóa như vậy tạo nên sự đa dạng, phong phú, rất phức tạp, song cũng hết sức sinh động của cuộc sống. Cuộc sống nói chung, đặc biệt là cuộc sống xã hội. Chính ở đây, các hệ thống thứ bậc đang bị thách thức từ bên dưới. Vì vậy, hệ thống cấu trúc theo chiều dọc và phải tự biến đổi thành cấu trúc theo chiều ngang và có tính cộng tác hơn để tạo ra nhiều giá trị hơn. Đặc điểm cấu trúc này bắt gặp với tư tưởng Hồ Chí Minh về một cấu trúc xã hội và thể chế chính trị trong đó “quyền hành và lực lượng đều nơi dân”.

Chở thuyền là dân mà lật đổ thuyền cũng là dân, tư tưởng đó có bề dày kiểm nghiệm của lịch sử nhiều nghìn năm, riêng đối với lịch sử nước ta cũng đã có rất nhiều dẫn chứng. Chỉ có điều, “lực lượng đều nơi dân” thì thường thấy rõ, đặc biệt là khi tập hợp lực lượng để tiến hành những cuộc cách mạng lật đổ, khi tiến hành cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để cứu nước và giữ nước thì chân lý đó luôn sáng tỏ. Song khi chính quyền đã về tay nhân dân, dân trên danh nghĩa, đã trở thành người chủ xã hội, thì “quyền hành” lại chưa thực sự “đều nơi dân” như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở nông thôn, nhiều nơi, vấn đề này thật sự nổi cộm. Đây là một vấn đề xã hội lớn mà để “phát triển nông thôn” không thể không đặt ra thỏa đáng như nó cần có, đúng với thực trạng của nó. Đấy là lý do tôi tham gia Hội thảo này.

Tôi xin bắt đầu bằng câu chuyện “Thái Bình” mà tôi thường xuyên suy tư, trăn trở cùng với đề tài này, vì đây cũng là điểm tựa để nghĩ suy về “phát triển nông thôn”. Nói là suy tư, trăn trở, vì từ sau khi kết thúc cuộc “Khảo sát xã hội học về Thái Bình năm 1997”, năm xảy ra “sự kiện” Thái Bình, một trong những điểm “nóng” nhất là xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, thì hàng năm, năm nào chúng tôi cũng quay trở lại đó ít nhất một lần để khảo sát nhanh những chuyển biến tại đây. Chuyện này rất bình thường, vì đó là một cách “nghiên cứu xã hội học” thông thường. Đi về như thế, kể từ chuyến đi gần nhất vào dạo tháng 1 năm 2007, như vậy là đã được 10 năm. Xin từ khảo sát thực tế đó mà có đôi điều tham gia với Hội thảo.

Chúng tôi nghĩ, tốt nhất là xin nhắc lại nguyên văn kết luận của báo cáo khảo sát đã viết cách đây 10 năm, từ đó đối chiếu với quá trình 10 năm “phát triển nông thôn”. Báo cáo khảo sát năm 1997 kết luận như sau:

Sự kiện Thái Bình, nếu với cái nhìn tỉnh táo, sẽ là một cơ hội để chúng ta có thể nhìn rõ thực trạng chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của nông thôn nước ta, do vậy mà có những chủ trương đúng sách lược đúng, đưa nông nghiệp và nông thôn đi vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Khi cái nhọt đã bục vỡ, nếu biết cách xử lý, nỗi đau sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều và phần cơ thể nhiễm khuẩn sẽ lành mạnh trở lại. Ðiều ấy là dễ hiểu song không dễ chấp nhận, không dễ có một thái độ dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật với một sự dũng cảm mổ xẻ, phân tích để tìm ra đúng nguyên nhân. Nếu không tìm ra đúng nguyên nhân của sự kiện, chỉ dừng lại trên bề mặt của hiện tượng, đối phó bị động và tạm thời bằng những giải pháp chắp vá, thì nhất thời có thể tạm yên được sự bùng nổ, nhưng cái đẩy tới sự bùng nổ thì vẫn còn nguyên, thậm chí còn nung nấu thêm.

Hơn nữa, sự kiện Thái Bình không là ngẫu nhiên và duy nhất. Cái đáng ngạc nhiên - nếu có ai đó có sự ngạc nhiên - thì tại sao lại xảy ra đúng ở Thái Bình, lá cờ đầu của sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cái xót xa là ở những điểm nóng nơi dân đòi hạ bệ hoặc bắt dẫn lên huyện cán bộ Ðảng và chính quyền xã mà không gặp sự phản kháng nào của Ðảng viên, mà những nơi ấy lại vừa được tuyên dương là đảng bộ vững mạnh! Sự kiện Thái Bình có những nguyên cớ ngẫu nhiên, đặc thù, song vấn đề nông dân trỗi dậy đòi quyền lợi về kinh tế, về chính trị, về xã hội thì không còn là cá biệt và ngẫu nhiên chỉ xảy ra ở Thái Bình. Do đó, giải quyết đúng sự kiện Thái Bình cũng chính là giải quyết đúng vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân hiện nay. Trên cơ sở khảo sát nhanh sự kiện Thái Bình, từ sự tiếp cận xã hội học, chúng tôi hình dung các kịch bản có thể diễn ra như sau:

1.Kịch bản thứ nhất:

Bị động đối phó bằng cách, một mặt giảm bớt các khoản phải đóng góp của dân, mặt khác trấn áp những đối tượng được nhận định là người cầm đầu, người kích động dân, người có hành vi hung đồ phạm pháp. Tiếp đó dần dần xem xét và kỷ luật hoặc loại bỏ một số cán bộ tham nhũng mất lòng dân, xem xét lại một số văn bản, quyết định từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh để có sửa đổi hợp lý, hợp lòng dân, kiện toàn lại bộ máy đảng và chính quyền ở cấp xã, loại bỏ những người tham nhũng quá đáng, quá mất phẩm chất, không có khả năng quản lý, bổ sung những cán bộ tốt, có phẩm chất,có năng lực, được dân tin.

Ðộng viên sức dân, đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp, cải thiện đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nông dân.

2. Kịch bản thứ hai:

Trung ương và tỉnh cử người về tại những điểm nóng, họp toàn thể nhân dân, công khai tiếp nhận kiến nghị, trực tiếp trả lời cho dân một số vấn đề có thể trả lời được ngay, ghi nhận những điểm cần tiếp tục xem xét để trả lời dân sau đó. Ở những nơi khác, cũng có thể làm tương tự với đại diện của tỉnh, huyện và một số ngành chức năng. Cách chức những cán bộ Ðảng và Chính quyền đã có bằng chứng là tham nhũng nặng, mất hết uy tín trong dân công khai tự phê bình những sai lầm về chủ trương, giải pháp không đúng với đường lối chính sách của Ðảng và nhà nước, làm thiệt hại đến lợi ích của dân. Cùng với việc đó, xử lý trong pháp luật những phần tử manh động và kích động quần chúng gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho cán bộ và cho dân, cho tài sản công cộng.

Kiện toàn bộ máy quản lý cấp xã, đảng và chính quyền bổ xung những cán bộ có phẩm chất được dân tín nhiệm. Sửa đổi và hoàn thiện cơ chế mới phát huy được sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, từng bước thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

3. Kịch bản thứ ba

Công khai phê bình và tự phê bình về những sai lầm của cán bộ lãnh đạo xã, huyện và tỉnh trong việc ban hành và áp đặt những chủ trương, giải pháp không phù hợp với đường lối Ðổi mới của Ðảng, làm mất lòng dân, gây phẫn nộ trong quần chúng. Xử lý thích đáng những cán bộ Ðảng và Nhà nước ở các cấp xã, huyện, tỉnh mắc sai lầm nghiêm trọng đã được dạn chỉ ra, những người chịu trách nhiệm về việc ban hành những văn bản, chỉ thị sai lầm, gây thiệt hại cho dân, làm mất uy tín của Ðảng và Nhà nước. Song song với công việc trên, dựa vào pháp luật để xử lý thích đáng những người lợi dụng phong trào quần chúng nhằm thực hiện những mưu đồ cá nhân, vi phạm luật pháp, làm hại đến lợi ích vật chất và tinh thần của cán bộ, nhân dân và tài sản công cộng.

Nhanh chóng xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải tạo cơ bản bộ máy hành chính trên căn bản hoạt động theo chức năng, do vậy, phải bộ nhiệm những cán bộ được đào tạo nghiệp vụ hành chính, có phẩm chất đạo đức và được dân tin. Phân định rõ chức năng của cơ quan Ðảng và cơ quan hành chính Nhà nước để có hệ thống kiểm tra, chỉ huy thông suốt đến cấp xã, nơi trực tiếp với công sản hàng ngày của dân.

Trên cơ sở ổn định xã hội mà mấu chốt là sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế và xã hội theo cơ chế thị trường của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần được vận dụng sáng tạo trên địa bàn nông thôn. Tạo ra động lực phát triển bằng việc xử lý thỏa đáng mối quan hệ lợi ích của người nông dân và nghĩa vụ xã hội, nghĩa vụ với đất nước trên căn bản của nhận thức đúng về vai trò và lực lượng của người nông dân trong giai đoạn lịch sử mới. Từ đó, có những sửa đổi lớn về mặt chính sách trên hướng Ðổi mới và sáng tạo để thực sự phát huy sức mạnh nội sinh, đưa nông nghiệp, nông thôn, nông dân vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Ba kịch bản nói trên cũng chỉ là những dự báo căn cứ vào những gì đang diễn ra. Ðương nhiên, điều mong muốn của người làm khoa học là muốn được thấy kịch bản thứ hai được chuyển dần sang kịch bản thứ ba. Nông thôn và nông nghiệp của chúng ta từ sau Nghị quyết 10 vẫn đang phát triển trên căn bản của kinh tế hộ gia đình nông dân. Ðể cho hộ kinh tế gia đình chuyển dần từ hộ sản xuất tự cấp tự túc sang hộ kinh tế sản xuất hàng hóa còn là những phấn đấu gian khổ với rất nhiều điều kiện được tạo ra. Một trong những điều kiện tiên quyết nhất là phải có những thể chế thích hợp với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước bằng các cơ chế chính sách vĩ mô.

Sự biến Thái Bình sẽ là một cái hích mạnh mẽ cho những quyết sách đúng đắn để giải quyết vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Mà nếu như vậy thì trong cái rủi có cái may.

Một điều tưởng như đã chìm vào trong quá khứ: mọi chính quyền nhà nước qua các biến thiên của lịch sử đều phải đối diện với nông dân, nông thôn, nông nghiệp ở một nước mà hệ văn minh lúa nước ở vùng nhiệt đới gió mùa chi phối toàn bộ đời sống.

Từ tháng 8 năm 45, chúng ta cứ tưởng là với công nông liên minh là nền tảng, nhà nước ta đã không phải lo sự đụng độ và đối đầu với cái biển nông dân mênh mông và mãnh liệt ấy. Thế mà giờ đây, hóa ra chính nhà nước công nông của ta cũng vẫn đang đứng trước một thách đố mới của câu chuyện cũ.

Chỉ có điều, lịch sử phát triển theo đường xoáy trôn ốc. Vì vậy, lịch sử lại càng đòi hỏi bản lĩnh của Ðảng và nhà nước mà sứ mệnh của mình là xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng văn minh đi lên chủ nghĩa xã hội, phải giải quyết một cách thỏa đáng và vững chắc vấn đề nông dân. Ðặc biệt là, khi chúng ta quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước ta, một nước mà 80% cư dân sống ở nông thôn, thì vấn đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn càng là vấn đề bức xúc. Không làm sáng tỏ vấn đề này thì chưa thể định hướng được rõ đường lối công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Một lần nữa vấn đề nông dân lại được đặt ra!”.

Quả thật, dạo ấy, với sự kiện Thái Bình, vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân trở thành vấn đề nóng bỏng. Trong bài viết (hình như là bài viết cuối cùng) đồng chí Phạm Văn Đồng nghiêm khắc cảnh báo “Trăm con mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào” cái nguyên nhân chủ yếu làm bùng nổ sự kiện Thái Bình. Xin mượn một câu của C.Mác: “Rốt cuộc, mọi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh ngộ”. Liệu đã có “con mắt tỉnh ngộ” đó chưa thì e còn phải xem xét thêm với con mắt nhìn thẳng vào sự thật.

Phải trích khá dài, bởi một lý do: dường như những điều nói trên vẫn còn có ý nghĩa thời sự của “Phát triển nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới”, tuy có một số vấn đề về “định hướng và giải pháp” thì có thể cần nhiều điểm mới mà 10 năm trước đây chưa thể hình dung. Chẳng hạn như vấn đề nông thôn, nông nghiệp và nông dân đối diện với những thách thức nghiệt ngã khi phải thực hiện những cam kết với WTO cũng như những thời cơ lớn nếu biết cách phát hiện, khai thác và phát huy.

Chỉ riêng ở chiều kích xã hội, tôi xin gợi lên những cảm nhận và thông tin chúng tôi thu lượm được trong lần khảo sát mới nhất gần đây:

Tại địa bàn xã, nhìn thấy những nét mới đập ngay vào mắt: những ngôi nhà gạch khang trang, một tầng có hai tầng, ba tầng có nằm sát cạnh những mái nhà tranh quen thuộc. Hỏi ai là chủ nhân của những ngôi nhà đó. Được cho biết: chủ nhân là những người có con em “xuất khẩu” lao động, ra nước ngoài hoặc làm ăn ở đô thị trong nước, gửi tiền về để gia đình xây nhà. Và cùng với những gia đình có người “xuất khẩu” lao động xây nhà, là nhà của các quan chức xã và người nhà của họ.

Những ngôi nhà tranh quen thuộc thì vẫn như bao đời nay. Những gia đình thuần nông, sống bằng nghề trồng lúa, có chen vào hoa màu, song vẫn là “nông vi bản”, thì không có bao nhiêu thay đổi. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Cũng có nghĩa là, quá trình “phát triển nông thôn” trong “giai đoạn mới” chưa giúp người nông dân trồng lúa thoát được nghèo. Có thể có những hộ khấm khá lên nhờ nuôi tôm, nhưng khi tôm bệnh chết hàng loạt thì phá sản. Lại phải nai lưng ra lấp hồ nuôi tôm mà trước đấy phải đầu tư bao công của nay phải trở lại trồng lúa. Song không phải cứ muốn phục hồi lại đất trồng lúa là ai đã trót biến ruộng cấy lúa thành hồ nuôi tôm cũng đủ sức làm được. Thế là những khấm khá có được dễ thấy nhất, chắc ăn nhất, là nhờ sự hỗ trợ từ đô thị và công nghiệp một cách rất thô sơ và “truyền thống”; đồng tiền kiếm được từ nơi xa gửi về. Và sự khấm khá thứ hai là nhờ… tham nhũng!

Người nông dân có thể kể vanh vách nhà này, nhà nọ vì sao mà “phất lên”, của ai, đứng tên ai, nhờ ai đứng tên. Có người “ăn vụng chùi mép sạch”, nhưng khối kẻ ăn vụng một cách đường hoàng và công khai, vì “không ăn cũng thiệt”. Nhiệm kỳ có niên hạn, không tranh thủ “xơi” ngay thì “nhỡ thời cơ”.

Thông tin “mới” nhất mà chúng tôi thu nhận được, vẫn lắp lại một chủ đề của năm ngoái, song năm nay thì nổi lên một bức xúc khác của vấn đề an toàn xã hội ở nông thôn. Câu chuyện được mở đầu như sau: “nhà nước đang hô hào chống cúm gia cầm, còn chúng em thì đang phải ngủ với gia cầm đấy ạ”. Hỏi tại sao. Được trả lời “tối đi ngủ, phải bắt gà, vịt, ngan, ngỗng nhốt vào lồng, để dưới gậm giường vì để ngoài chuồng thì chúng bắt ngay”. Hỏi ai bắt, trộm trong xã hay ở ngoài vào?”. Trả lời “Ngoài vào thế nào được. Chỉ trong xã. Mà chúng tôi biết rõ những ai trộm. Toàn cánh hút chích ma túy cả. chúng ngang nhiên nói rõ: chúng tao chỉ lấy cắp gà, chẳng làm gì nên tội. Giết người như con bí thư xã mà cũng chỉ đi tù vài năm đã trở về, trộm cắp vặt thì có là cái thớ gì”. Công an xã biết, nhưng cũng lờ đi cho đỡ “rách việc”. Thế là dân chúng tôi phải tự bảo vệ lấy mình. Nhà tôi có 3 mặt con trai, đủ gậy gộc, chúng không dám làm gì vào đêm hôm. Nhưng nhà neo đơn, toàn đàn bà trẻ con thì hãi lắm”.

Chỉ cần nghĩ sâu vào một chút: “phải cần con trai để có lực lượng tự bảo vệ”, vậy thì luật pháp, bộ máy cầm quyền, lực lượng công an xã, các đoàn thể quần chúng như thanh niên, phu nữ, hội nông dân…góp gì vào vấn đề an toàn xã hội? Và nếu vậy thì khẩu hiệu “mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con”, con trai con gái đều như nhau, còn có sức thuyết phục để đảm bảo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình như thế nào đây?

Xin nhắc lại nguyên văn một đoạn trong “Báo cáo Thái Bình” đã dẫn để thấy rằng, những vấn đề của 10 năm trước hình như vẫn còn nguyên đó:

"làng là tế bào của xã hội Việt Nam. Xã hội Việt Nam là sản phẩm của tự nhiên tiết ra từ quá trình định cư và cộng cư của người dân Việt trồng trọt. Hiểu được làng Việt là có trong tay cơ sở tối thiểu và cần thiết để tiến lên hiểu xã hội Việt nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung trong sự năng động lịch sử của nó, trong ứng xử cộng đồng và tâm lý tập thể của nó, trong các biểu hiện văn hóa của nó, cả trong những phản ứng của nó trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó”. (Nguyễn Từ Chi "Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người").

Chúng ta đang chứng kiến "những phản ứng của làng xã" trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó. Mô hình văn hóa "làng họ" ăn sâu vào tâm thức và thế ứng xử của người nông dân, đặc biệt là nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Trong các thiết chế của làng xã cổ truyền, làng - họ là mối liên hệ đặc trưng. Hệ thống thân tộc, các phe giáp, mối quan hệ người cùng làng đã phần nào tạo ra đời sống ổn định, trung hòa bởi những đối kháng trong xã hội. Cái cơ cấu làng - họ với những thiết chế cổ truyền ấy tưởng đã bị xóa bỏ để thay vào đó thiết chế quyền lực mới: đảng và chính quyền ở xã.

Trong thực tế, ảnh hưởng của thiết chế bền vững xưa kia không tan biến mà chỉ chìm sâu xuống mà thôi. Một khi uy lực và tín nhiệm của bộ máy quyền lực hiện thời bị lung lay thì sức mạnh của thiết chế cũ lại trỗi dậy. Không thấy điều này, sẽ không tìm ra được những giải pháp mang tính bền vững trong việc xây dựng nông thôn mới, lại là nông thôn đang hướng tới sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Thổi bùng lên ngọn lửa từ lâu âm ỉ là thiếu sót của một bộ phận khá lớn những cán bộ cấp cơ sở và những xử lý không đúng của các cấp trên của họ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý và kỷ luật một số cán bộ có sai lầm khuyết điểm mà thôi thì chưa đủ. Ðiều ấy là tuyệt đối cần thiết để yên lòng dân, song chưa giải quyết được tận gốc những nguyên nhân tích lũy, sự bùng nổ lại tiếp tục có thể diễn ra.

Vì, tiếp theo sau sự sa thải hoặc kỷ luật những cán bộ có sai lầm, những người mới được bổ nhiệm sẽ lại tiếp tục hoạt động trong cái cơ chế vốn là nguyên nhân của sự tham nhũng, lộng quyền, thiếu dân chủ, không đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực thi chức năng nhà nước tại cơ sở thì con đường dẫn đến sai lầm của lớp cán bộ mới này là không tránh khỏi. Nếu khởi đầu từ cấp cơ sở đi lên, thì thật sẽ hết sức ngạc nhiên tại sao người nông dân lại có thể chịu đựng lâu đến như thế sự mất dân chủ.

Trước hết là vấn đề ruộng đất. Nếu việc trả lại ruộng đất cho người nông dân tự quản là nền tảng lớn nhất và sơ khởi cho bất cứ loại hình dân chủ nào thì hiện thực ở Thái Bình là, người nông dân thường không biết được thật chính xác số đất họ có và với số đất đó họ phải nộp những khoản gì, bao nhiêu và trên văn bản nào. Tất cả đã được tính sẵn trong một quyển sổ bởi ai đó và hộ gia đình ở nhiều nơi không được giữ quyển sổ đó, mà là do trưởng xóm giữ. Chẳng thế mà sau những sự biến, ở nhiều nơi cán bộ xã (có thể dưới sự chỉ đạo của cấp trên) đã lẳng lặng đến tuyên bố hoặc gạch bỏ những khoản mục mà dân phải đóng góp và đã được ghi vào sổ. Bà con kháo nhau, nếu cứ đà này thì vài năm là chúng ta có thể giàu ! Bằng những chuyện thật mà cứ tưởng như đùa này, quyền làm chủ đất đai, ước mơ nghìn đời của người nông dân trên thực tế đã bị vi phạm nghiêm trọng và khiến cho mọi sự bàn cãi về thành tích dân chủ của một nông thôn mới quả là một điều xa xỉ.

Tiếp đó, những dấu hiệu thông thường của nền dân chủ, dù chỉ là hình thức, càng khó có thể nói là được tôn trọng. Một việc đơn giản nhất là bầu trưởng xóm, một chức vụ được quy định bởi nhà nước và quy trình bầu cũng được quy định bởi nhà nước, một nhân vật sống sát nhân dân nhất, thì ngay việc bầu cử này người dân cũng không thật có quyền. Hay đúng hơn là, người dân có quyền bầu ra một ông trưởng xóm làm đúng những gì cấp trên quy định. Nếu không ông trưởng xóm đó sẽ được bãi miễn, để thay bằng một ông trưởng xóm khác dễ bảo hơn (xã Tây Phong, Tiền Hải).

Do vậy, khó có thể nói nền dân chủ mà chúng ta triển khai có gì khá hơn nền dân chủ làng xã vốn đã tồn tại nghìn đời ở nông thôn Việt Nam mà ngay cả chính quyền đô hộ thực dân Pháp trước năm 1945 cũng ngần ngại không dám xóa bỏ.

Ở một chiều cạnh khác của việc thực thi dân chủ là ở tinh thần luật pháp. Ở đây cũng lại thể hiện một sự bất cập. Một số cán bộ tin chắc rằng quyết nghị của Hội đồng nhân dân xã có thể là cơ sở pháp lý tuyệt đối cho mọi hành vi của họ. Vì thế, chỉ cần thao túng Hội đồng nhân dân là họ có ngay được những văn bản pháp lý cho những quyết định mất dân chủ của họ. Còn ở phía một bộ phận nhân dân thì dường như chế độ dân chủ bằng pháp luật chỉ có tính hình thức. Họ chỉ tin vào một chế độ dân chủ trực tiếp, nơi mà họ có thể trực tiếp phát biểu ý kiến và nguyện vọng của họ. Họ đã làm nên một sự kiện gần như cuộc "đảo chính" khi họ giằng micro từ tay một cán bộ (xã Thái Thịnh, tháng 6/97) để đọc bản đề nghị phế truất vị chủ tịch xã do chính họ bầu ra trước đây và đề cử một người khác.

Những cách quan niệm khác nhau và bất cập về dân chủ trong xã hội không thể không dẫn tới những rối loạn chức năng của tổ chức bộ máy nhà nước ở cấp xã, cái cần làm thì không làm, cái không được phép thì cứ làm bừa.

Một đặc trưng khác của nền dân chủ là sự kiểm soát hữu hiệu hoạt động của nền hành pháp. Và không thể nói người nông dân, hay thanh tra nhân dân được bầu ra, lại có thể làm được điều nàỵ Một kiểm soát hữu hiệu phải có thông tin, ấy vậy mà, chưa có cơ chế nào quy định để người dân nắm được thông tin cần thiết. Với cơ chế "Ðảng lãnh đạo” được hiểu một cách thô thiển theo kiểu đảng viên phải nắm tất cả mọi chức vụ, cho nên sự kiểm tra cũng bị những người nhân danh Ðảng thao túng. Như vậy thì sự dân chủ đã bị vi phạm trắng trợn”.

Nhắc lại những điều này trong bối cảnh của quá trình chuẩn bị tiến tới ngày bầu cử Quốc hội khóa XII cũng sẽ là một kiểm nghiệm về tiến trình dân chủ hóa xã hội đã đạt được đến đâu sau mười năm phát triển nông thôn để có cái nhìn sát đúng.

Tiến trình dân chủ hóa xã hội ấy chỉ có thể tiến triển được một cách bền vững khi gắn liền với việc xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, phát huy tính tự quản của người dân đảm đương những công việc mà Nhà nước không cần phải bao biện. Cần lưu ý rằng, với tất cả khuyết tật vốn có, nền “dân chủ làng xã” xưa kia cũng đã nuôi dưỡng được phần nào tính “tự quản” đó. Tác giả của cuốn sách “La commune anammite”, P.Ory, đã từng lưu ý những nhà cai trị thực dân rằng: “làng của Việt Nam tự quản lấy chính nó. Nhà nước không nên can thiệpvào công việc của làng, trừ phi làng không thực hiện nghĩa vụ của mình là đóng thuế thân, thuế đầt, đi phu, đi lính”.

Quả có vậy. Các tổ chức tộc họ, phe giáp, phường hội…với những vai trò khác nhau phải lựa chọn cách ứng xử trước áp lực của lệ làng, của hương ước. Sự chế ước của dòng họ, nhân tố có khả năng trung hòa các quan hệ khác nhau, tạo nên đời sống tương đối ổn định của cái làng Việt Nam trong tính tự quản vốn có của nó. Những cái đó đã mất đi cùng với sự ra đời của một cách tổ chức xã hội mới sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đặc biệt là sau “cải cách ruộng đất” ở Miền Bắc.

Một mặt, cơ cấu xã hội ở nông thôn được hình thành trong quá trình hợp tác hóa đã đơn giản hóa đến mức tối đa. Diện mạo xã hội nông thôn chỉ còn lại một bên là người nông dân với các hộ gia đình xã viên, và bên kia là Ban Chủ nhiệm hợp tác xã, Đảng ủy, Ủy ban và các đoàn thể, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc đều đã được “nhà nước hóa”. Các hình thức tự quản vốn có như đã nói ở trên hầu như bị xóa sạch. Không có một lực lượng xã hội nào được tồn tại có tính tự trị, tự quản tương đối độc lập. Người ta đã không hiểu rằng, khi phá vỡ tính tự trị của làng xã thì cũng đồng thời xóa mất tính trung hòa do sự chế ước và dung hợp của những quan hệ cộng đồng tạo nên.

Sự tích tụ những bất đồng, mâu thuẫn giữa hai khối lợi ích và quyền lực : một bên là đông đảo bà con nông dân, bên kia là tầng lớp lãnh đạo mới, mà không còn yếu tố trung hòa nào nữa sẽ là sự ươm mầm cho những bùng nổ xã hội. Đấy là chưa chưa nói đến một vấn đề nhức nhối khác là những hệ lụy của những sai lầm trong “cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức” mà dù đã sửa sai cũng không sao hàn gắn lại được nguyên vẹn những đổ vỡ trong đạo lý truyền thống gia đình, làng họ, xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Những đấu tố, đặc biệt là “tố điêu”, diễn ra thảm cảnh con tố cha, vợ đấu chồng, con rể đặt chuyện tố mẹ vợ, con dâu vu oan giá họa cho bố chồng, họ hàng không nhìn mặt nhau, xóm giềng cảnh giác, giữ miếng nhau vì sợ là “cơ sở”, là “chuỗi” của “ông đội”v.v… Những chùa làng biến thành chuồng trâu, đình làng trở thành kho hợp tác, nhiều di tích văn hóa vật thể và phi vật thể bị hủy hoại mà việc phục hồi trở lại chỉ được phần nào. Những vết thương chưa lành ấy, lúc “trái gió trở trời” có thể nhức nhối trở lại.

Đây là điều không thể lẩn tránh, ngược lại, phải nhìn thẳng vào sự thật để chủ động tìm ra giải pháp. Mà giải pháp có thể “trị liệu” những chấn thương tinh thần trong đời sống gia đình và đời sống cộng đồng nông thôn lại đòi hỏi một tầm nhìn xa, thật trung thực và không câu nệ, đi liền với một tấm lòng nhân ái rộng mở để thấu hiểu được những hệ lụy về đời sống tinh thần không thể chữa trị một cách giản đơn. Sự sòng phẳng với lịch sử là phương thuốc hay nhất cho việc xây dựng văn hóa, “nền tảng tinh thần của đời sống xã hội” ở nông thôn.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, đảm bảo dân chủ nâng cao dân trí, xã hội hiện đại cần đến một loạt các thiết chế xã hội để đảm bảo sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn giữa con người trên căn bản tôn trọng cá nhân. Xã hội hiện đại còn là một sự hài hòa giữa lao động và sử dụng hợp lý thời gian nhàn rỗi, đặc biệt là khi có sự tăng trưởng kinh tế.

Sử dụng lại “Báo cáo khảo sàt Thái Bình” vì sau mười năm, nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và nhất là văn hóa dường như vẫn còn nguyên như vậy, đây quả thật là điều cần đặt ra với vấn đề “phát triển nông thôn trong giai đoạn mới”.

Chúng ta đứng trước một hiện tượng: Thái Bình là một trong những tỉnh khá nhất của nông thôn Bắc Bộ, kinh tế có lên tuy chưa nhiều so với tiêu chuẩn hiện đại, nhưng là rất cao so với những ngày trước năm 1945. Học vấn cũng vậy. Ấy thế mà việc tạo ra những điều kiện để sử dụng thời gian nhàn rỗi là gần như con số không. Thanh niên sau khi được học hành đã không thể tìm được một cách giải trí tích cực nào ngoài việc giải trí thụ động là xem tivi. Trong khi đó tuổi kết hôn lại được nâng cao đến thừa sinh lực. Thanh niên cũng không có chỗ để thực thi trình độ hiểu biết của mình do phải tuân thủ truyền thống "trọng xỉ", dù cho đã có văn hóa, nhưng xem ra vẫn còn "trẻ quá" để thay thế các bậc cha chú, do vậy họ cũng chưa có chỗ để sử dụng. Trong các đám đập phá ở nông thôn Thái Bình người ta quan sát thấy chủ yếu là thanh niên, với những mô hình hiệp khách, du nhập một cách bập bõm qua các phương tiện thông tin đại chúng, cũng là điều để chúng ta suy nghĩ kỹ hơn về nguyên nhân.

Ðối với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là phụ nữ, tình hình còn bi kịch hơn. Ruộng đất còn ít, nghề phụ không có, người ta không biết sử dụng lao động của mình làm gì. Những truyền thống và tập tục văn hóa ngày xưa thì phần lớn đã bị tiêu vùi trong những năm tháng trước đây. Việc phá đình chùa cuối cùng ở Thái Bình là vào những năm đầu thập kỷ 80. Một sự trống trải trên bình diện văn hóa tinh thần, cái dù sao đi chăng nữa cũng đào tạo cho con người ta một nhân cách, dù là nhân cách cam chịu, sự trống trải đó sẽ dẫn tới những hệ lụy mà không phải lúc nào người lãnh đạo cũng cảm nhận được. Và không có cái gì dễ thay thế nó. Văn hóa mới, hướng nhiều về vật chất, lại cao hơn mức mà kinh tế nông thôn Thái Bình cho phép.

Những tổ chức, thể chế xã hội được xây dựng nên trong những năm tháng đã qua như Ðoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội phụ lão v.v... dần dần rơi vào trạng thái phần nào hữu danh vô thực. Những tổ chức này có một thời đã đóng một vai trò rất tích cực nhưng giờ đây hình như không còn sức hấp dẫn người dân nữa. Tất cả những thiết chế xã hội này đều vẫn đang hoạt động, nhưng có vẻ như nó đã không đáp ứng được mục tiêu: tạo một sự đồng cảm xã hội.Trong khi đó, những loại hình tổ chức khác bắt đầu được lập ra: các hội từ thiện, các tổ chức phi chính phủ v.v... lại cũng chưa phát huy được tác dụng bao nhiêu. Người ta dường như cũng cảm nhận rằng, những loại hình thức tổ chức đó cũng chẳng đáp ứng được gì cho nhu cầu tinh thần và giao tiếp xã hội của người dân, vì vẫn là những con người cũ làm những việc đó. Do vậy, một mặt người dân tiêu chỗ tiền phụ trội ít ỏi có được của họ vào ma chay, cưới xin và những cái hủ tục khác nữa như uống rượu hoặc đánh số đề. Và mặt khác, tâm linh họ lại hướng mạnh về tôn giáo tín ngưỡng.

Có thể thấy ở nông thôn tất cả các bà, các chị từ 30 tuổi trở lên đều chăm chỉ tham gia lễ chùa hoặc đi nhà thờ đều đặn. Chỉ riêng quan sát ngôi chùa ở nông thôn thì có thể thấy thiết chế này trong bối cảnh hiện nay là trở nên rất hữu ích cho người dân nông thôn : thỏa mãn phần nào nhu cầu văn hóa tinh thần, rèn luyện tình người cho con người. Hơn thế, nó còn là nơi cưu mang cho những cuộc đời bất trắc, cái mà ở thời nào cũng có.

Hiện nay, cùng với sự cởi mở và thông thoáng trong các quan hệ kinh tế và xã hội với nền kinh tế thị trường, những yếu tố tự quản của làng xã xưa kia tưởng đã mai một, nay đang được khôi phục trở lại, đương nhiên, cùng với những biến thái, hay có, dở có, tệ hại cũng có. Điều ấy dễ hiểu. Bên cạnh những dấu vết tiêu cực, những tệ đoan mới, có nhiều yếu tố lành mạnh nếu biết thanh lọc và phát huy, nâng cao lên trên một bình diện mới về truyền thống cộng đồng và tinh thần tự quản của làng xã xưa kia để giúp hình thành nên tổ chức xã hội mới ở nông thôn, sẽ tạo ra được một sức năng động xã hội mới, tao nên động lực mới cho phát triển nông thôn. Điều có thể phát huy ngay là giúp giám sát và phản biện cho hoạt động của bộ máy Nhà nước ở nông thôn, góp phần lành mạnh hóa bộ mày đó.

Ðặc biệt là với một nông thôn mà không có gia đình nào không có người phải nằm xuống trong cuộc chiến tranh. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các sư giữ chùa làng là những người phụ nữ có số phận dở dang, trong số đó có nhiều người trở về sau những năm tháng chiến đấu trong trong hàng ngũ thanh niên xung phong, chống Mỹ cứu nước.

Và, nhà thờ Thiên chúa giáo cũng đang hoạt động tích cực như một lực lượng cứu rỗi linh hồn. Họ có đủ đức tin và nguồn tài chính để đi vào trong quần chúng. Ðiều này thật đáng phải suy nghĩ.

Cần hiểu rằng, với Đổi Mới, người nông dân trong các hộ tiểu nông có sự độc lập tương đối trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, không còn quá bị lệ thuộc vào Ban Chủ nhiệm HTX và Đảng ủy và Ủy ban như trước. Rồi, bộ đội xuất ngũ trở về, một số người đi đây đi đó chứ không chỉ bị ràng buộc bên trong lũy tre làng, được tiếp nhận những thông tin mới. Họ không dễ tuân phục và cam chịu trước những hư hỏng của lớp “cường hào mới”, có khi vừa ngoi lên từ trong số họ. Đứng trước tình hình “nhiều người có chức có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hóa, biến chất, chạy theo chức quyền, tiền, danh và lợi, những người ấy đang làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường” mà đồng chí Phạm Văn Đồng đã cảnh báo trong bài viết cuối cùng đăng trên báo Nhân Dân. Sử dụng lại một số luận điểm đã đặt ra trong “Báo cáo Thái Bình” chính vì lời cảnh báo “đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường” đó.

Vấn đề này không thể lẩn tránh, mà cần phải đặt ra trong việc “Phát triển nông thôn trong giai đoạn mới”.

Bài học về Thái Bình là bài học về sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị ở nông thôn. Bài học đó còn nguyên vẹn. Kết thúc cho cuộc khảo sát nhanh vào tháng 1.2007 tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình nói ở trên, chúng tôi gặp lại một đồng chí nguyên là Thường vụ tỉnh ủy, người đã giúp chúng tôi tiếp cận với tình hình lúc ấy, vào được đúng nơi nóng bỏng nhất của sự kiện dạo tháng 7.1997, đồng chí cho biết: “Tôi vừa định viết một bài báo: “Đừng quên bài học Thái Bình năm 1997”.

Có nhiều trao đổi khó có thể đưa lên mặt báo. Nếu trước đây vấn đề “điện, đường, trường trạm” đã huy động quá mức sức dân và những khuất tất trong việc xây dựng giúp cho một số người phất lên, thì nay vấn đề lại diễn ra ở bình diện khác, tinh vi hơn, kín nhẹm hơn có, mà lộ liễu hơn cũng có. Song lộ liễu hay kín nhẹm đều có “đường giây thông suốt” từ trên xuống,từ dưới lên không dễ gì “đưa nhau ra tòa” được. “Không đưa ra tòa”được, nhưng những tồn đọng âm ỉ thì vẫn đang tích tụ,nếu không được giải quyết thì đó sẽ chính là nguyên nhân đưa đến “đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường” đã được cảnh báo.

Kết thúc bài phát biểu này, chúng tôi muốn dừng lại ở hình ảnh một đồng chí Bí thư Huyện ủy trẻ, có bản lĩnh và trí tụê, vốn đã được học hành nghiêm chỉnh và được đào tạo có bài bản, từng giữ cương vị lãnh đạo ở một số lĩnh vực kinh tế trước khi về nhận chức bí thư huyện ủy. Anh say sưa trình bày những ý tưởng táo bạo trong việc đưa nông nghiệp, nông thôn đi lên trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Kết luận anh rút ra là: nếu được chấp nhận những ý tưởng đó, chỉ trong vòng một nhiệm kỳ [5 năm], huyện của anh sẽ có chuyển biến thật sự. Trong những ý tưởng táo bạo đó có vấn đề là làm thế nào để xóa bỏ tình trạng manh mún, tản mạn của ruộng đất hiện nay. “Không tập trung được ruộng đất, không sao chuyển đổi được cơ cấu lao động, ngành nghề, áp dụng khoa học và kỹ thuật mới”. Trả lời cho câu hỏi làm sao tập trung ruộng đất, anh cười dí dỏm: “trước hết là phải thay đổi cách nghĩ quen thuộc về “người cày có ruộng” như là một cứu cánh của lập trường cách mạng. Có lẽ phải biết và dám “tập trung ruộng đất để đưa nông thôn vào sản xuất hiện đại ở trong đầu” đã, rồi từ đó mới thực thi được trên đồng ruộng”. Mà cái đầu của chúng tôi ở huyện, nếu không được cái đầu của tỉnh gật thì chỉ mới đưa ra ý tưởng đã bị “phạt đền 11 mét” rồi, làm sao dám thực thi? Mà cái đầu của tỉnh thì lại phải chờ đợi từ cái đầu của trung ương có thuận không đã. Và cứ thế, sự chờ đợi kéo dài, và nông thôn cũng mòn mỏi kéo dài ì ạch theo bước chân trâu”.

Những cán bộ cỡ bí thư Huyện ủy như vậy là vốn quý của sự nghiệp “phát triển nông thôn trong giai đoạn hiện nay”. Những cái đầu biết suy nghĩ, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng vào cuộc, bứt lên. Hiện nay, đang ở tư thế sẵn sàng ở vạch xuất phát, chỉ chờ phát súng lệnh là lao lên. Ai chịu trách nhiệm về phát súng lệnh xuất phát ấy?

Tin khác