Tham gia hội thảo gồm có các cơ quan quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ, Vụ Pháp chế - Bộ Khoa học và CN), các nhà khoa học (Trung tâm Phát triển Nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Nông hóa Thổ nhưỡng - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt nam), đại biểu đến từ 17 tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt những tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển chỉ dẫn địa lý như: Sơn La, Nghệ An, Bình Thuận, Tiền Giang...
Theo thống kê không đầy đủ, tại Việt nam hiện nay có khoảng 123 sản phẩm mang tên địa danh có thể đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương đã lựa chọn những cách làm khác nhau nhằm xây dựng thương hiệu như: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ. Từ năm 2000 đến nay, có 20 sản phẩm nộp đơn xin bảo hộ chỉ dẫn địa lý và đã có 10 sản phẩm được đăng bạ đó là: nước mắm Phú quốc (Kiên Giang), chè Shan tuyết Mộc Châu (Sơn La), Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), Càphê Buôn Ma Thuột (Đắc Lắk), Thanh Long Bình Thuận, vải thiều Thanh hà (Hải Dương), hoa Hồi Lạng Sơn, gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), Cam Vinh (Nghệ An), Nước mắm Phan Thiết...
Để chuẩn bị cho buổi tập huấn này, Cục Sở hữu trí tuệ đã lựa chọn Trung tâm Phát triển nông thôn là cơ quan tư vấn chính cho Cục và các địa phương trong chương trình hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý. Tại buổi tập huấn, các địa phương đã được trang bị những vấn đề liên quan đến phát triển chỉ dẫn địa lý, cụ thể là:
- Kiến thức, thông tin về chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ của Việt nam (do Cục Sở hữu trí tuệ trình bày);
- Thông tin về những nội dung hỗ trợ của chương trình hỗ trợ sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ - cơ quan thường trực của chương trình trình bày);
- Trình bày giới thiệu về Viện và Trung tâm PTNT (Trung tâm Phát triển nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn trình bày);
- Kinh nghiệp nghiên cứu và phát triển mô hình xây dựng và quản lý khai thác chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ ở Việt nam: gạo tám xoan Hải Hậu (Trung tâm Phát triển nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn trình bày);
- Kinh nghiệm xây dựng chỉ dẫn địa lý của các nước trên thế giới, phương pháp triển khai, cách thức hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý (Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm PTNT - Viện Chính sách và Chiến lược PTNN Nông thôn);
- Quy trình xác lập quyền, mô hình tiếp cận từ trên xuống (Viện Nông hóa thổ nhưỡng trình bày);
- Các bước tiến hành và xây dựng dự án quản lý chỉ dẫn địa lý (Trung tâm Phát triển nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn trình bày);
- Giải pháp phát triển hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đã được đăng bạ tại Việt nam như: nước mắm Phú quốc (Trung tâm Phát triển nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn trình bày);
- Kinh nghiệm và định hướng phát triển chỉ dẫn địa lý tại các địa phương (Sở Khoa học và CN các tỉnh, thành phố).
Buổi tập huấn đã mang lại những nội dung bổ ích cho cán bộ của các địa phương, nhiều vấn đề được giải quyết sau buổi tập huấn này đó là:
- Các địa phương xác định cho mình hướng đi thích hợp trong phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản như: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể... phù hợp với điều kiện của từng địa phương;
- Trao đổi và định hướng giải pháp phát triển cho các sản phẩm chỉ dẫn địa lý đã được đăng bạ. Nội dung này sẽ là cơ sở để nhà nước và các địa phương hoàn thiện các vấn đề thể chế, pháp lý trong quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý;
- Nâng cao sự hiểu biết và quảng bá ý nghĩa về chỉ dẫn địa lý cho các địa phương
Tại buổi tập huấn này nhiều vấn đề cũng được các địa phương nêu ra và đề nghị sự hỗ trợ và hướng dẫn của các nhà khoa học đặc biệt là Trung tâm Phát triển nông thôn, những vấn đề được quan tâm nhiều đó là: làm thể nào để giúp các địa phương xác định và lựa chọn đúng các sản phẩm đặc thù, truyền thống, những sản phẩm đã được đăng bạ rồi thì cần phải có hỗ trợ, hướng dẫn và tư vấn nhằm xây dựng hệ thống quản lý và khai thác có hiệu quả...Những vấn đề mà các địa phương nêu ra đã được Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm PTNT trao đổi và tư vấn hỗ trợ.
Kết thúc khóa tập huấn này tất cả các địa phương đã hiểu rõ thực trạng và những khó khăn trong quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là các bước xây dựng dự án xác lập và quản lý chỉ dẫn địa lý. Trong quá trình đó, các địa phương rất cần sự hỗ trợ và tư vấn của các nhà khoa học.
Cũng thông qua buổi hội thảo này, Trung tâm Phát triển nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn đã khẳng định được vai trò của mình trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Việt nam, Trung tâm sẽ là địa chỉ tin cậy cho các địa phương trong lĩnh vực này trong thời gian tới. Bước đầu nhiều địa phương như: Sơn La, Nghệ An, Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ninh, Cao Bằng, Đắc Lắk... đã đề nghị Trung tâm PTNT tư vấn hỗ trợ, trong thời gian tới Trung tâm sẽ xây dựng những hình thức hỗ trợ khác nhau cho các địa phương này.