Vì sao HTX Đức Phong phá sản?

24/08/2007

Hơn 1 năm kể từ lễ ra mắt đầy khí thế, đến nay HTX Dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đức Phong, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi)chỉ còn tên gọi.

Theo thống kê của UBND xã hiện Đức Phong có 75 hộ nuôi tôm, với tổng diện tích khoảng 41 ha. Cũng như một số địa phương khác của tỉnh, lâu nay việc nuôi tôm chủ yếu mang tính tự phát. Đại đa số các hộ nuôi tôm phải tự tìm kiếm nguồn giống, nơi tiêu thụ, phòng trừ dịch bệnh nên gặp không ít khó khăn. Trước thực tế này nên tháng 2/2006, được sự đồng ý của cấp thẩm quyền Mộ Đức, HTX Dịch vụ nuôi trồng Thuỷ sản Đức Phong, xã Đức Phong được thành lập gồm 47 hộ thành viên tham gia, có số vốn điều lệ dự kiến ban đầu 47 triệu đồng.

Theo đó HTX Dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đức Phong sẽ đảm nhận thực hiện tập hợp các hộ nuôi trồng thuỷ sản trong vùng nhằm tương trợ và giúp đỡ nhau trong sản xuất. Tổ chức các hoạt động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Hướng dẫn và triển khai công tác khuyến ngư, tạo điều kiện cho các xã viên áp dụng thành tựu KHKT vào sản xuất. Đảm nhận dịch vụ phục vụ bảo vệ môi trường sinh thái vùng nuôi tôm. Cứ tưởng với mục tiêu và phương hướng hoạt động kinh doanh đã đề ra một cách và cụ thể, rõ ràng như vậy, khi đi vào hoạt động HTX Đức Phong sẽ thừa thắng xông lên. Tuy nhiên chỉ sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động: Ban quản trị, Ban kiểm soát, kế toán...HTX giống như "ngọn đèn cạn dàu" yếu dần và đến nay chỉ tồn tại trên giấy. Ông Phạm Đủ, Chủ nhiệm UBND xã cho biết: Sau khi thành lập, UBND huyện Đức Phong cho mượn tạm phòng họp cũ của xã làm trụ sở tạm giao dịch. Thế nhưng xã viên cho rằng vị trí đô nằm cách nơi sản xuất trên 2km là quá xa để liên hệ công việc. Để có trụ sở làm việc ổn định, Ban Chủ nhiệm HTX đã nhiều lần đề nghị chính quyền cấp đất để xây dựng, nhưng chưa được đồng ý. Không có trụ sở nên mới chỉ có 4 xã viên góp vốn 1 triệu đồng/ngừời. Số còn lại thì từ chối và nói rằng khi nào có nơi ở ổn định mới tham gia. Không huy động được vốn, HTX không có kinh phát hoạt động và không biết phải làm gì để có tiền chi trả lương cho các thành viên HTX. Vì vậy họ đã bỏ đi làm công việc khác và đến nay chỉ còn lại đúng 1 người, với chức danh "vô thực" là Chủ nhiệm HTX. Ông Đủ còn cho biết thêm: Ngay cả số tiền trên 7 triệu đồng bản thân tôi và một thành viên khác trong ban chủ nhiệm HTX cho mượn trong buổi làm lễ ra mắt và chi trả một số khoản lệ phí thủ tục khác cũng có nguy cơ "theo mưa, theo gió” vì không biết lấy đâu ra để hoàn ứng lại.


(Theo Nông nghiệp Việt Nam)

Tin khác