Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

28/08/2007

Trong quy hoạch tổng thể phát triển khu vực Móng Cái được phân thành 3 khu chức năng: khu thương mại quốc tế, khu du lịch, khu công nghiệp

Móng Cái là một trong những cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất ở biên giới phía Bắc Việt Nam trong việc giao lưu với Trung Quốc và các nước trong khu vực. Móng Cái tiếp cận với thị trường rộng lớn thuộc các tỉnh phía nam Trung Quốc, đặc biệt Móng Cái tiếp giáp với với thị xã Ðông Hưng là khu kinh tế mở của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Khu kinh tế này đang được xây dựng thành một thành phố lớn, hiện đại, đa chức năng và được xác định là cửa ngõ để Trung Quốc đi vào thị trường Ðông Nam á.

Móng Cái có hệ thống đường bộ, đường biển giao lưu trong nước và quốc tế thuận lợi. Vùng ven biển có thể xây dựng các cảng nhỏ (Dân Tiến, Mũi Ngọc, Thọ Xuân). Ðặc biệt cảng Vạn Gia là cảng chuyển tải xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt - Trung qua khu vực này. Năm 2000, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực Móng Cái đạt hơn 500 triệu USD.

Móng Cái đã có một sân bay nhỏ, có thể nâng cấp, mở rộng phục vụ việc đi lại bằng đường hàng không. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng quan trọng như hệ thống đường bộ, thông tin liên lạc, lưới điện quốc gia 110 KV, hệ thống cấp nước (5.000 m3/ngày đêm)...đã được xây dựng.

Móng Cái có bãi biển Trà Cổ nổi tiếng với bãi cát phẳng chạy dài 17 km. Khu du lịch Trà Cổ, đảo Vĩnh Thực gắn với quần thể du lịch Hạ Long - Bái Tử Long càng tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ khách du lịch nước ngoài. Trong quy hoạch tổng thể phát triển khu vực Móng Cái được phân thành 3 khu chức năng: khu thương mại quốc tế, khu du lịch, khu công nghiệp. Ðiều kiện địa chất đảm bảo thuận lợi cho việc xây dựng các công trình kiến trúc và các công trình hạ tầng khác.

Với những lợi thế của mình, Móng Cái là khu vực cửa khẩu giầu tiềm năng. Nhằm đưa Móng Cái thành địa bàn có sức thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ngày 18/9/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 675/TTg về việc "áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái" theo hướng của một khu kinh tế mở. Sắp tới, Móng Cái sẽ được Chính phủ cho hưởng thêm những chính sách ưu đãi hơn nữa để tạo sự tiếp cận gần hơn với mô hình một khu kinh tế đặc biệt.

Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái; ngoài quyền được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực này còn được hưởng các ưu đãi sau:

- Ðược giảm 50% giá thuê đất và mặt nước so với khung giá hiện hành của Nhà nước Việt Nam đang áp dụng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái; với mức giá thuê đất thấp nhất là 0,005USD/m2/năm, cao nhất là 1,08 USD/m2/năm.

- Ðược miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày xây dựng cơ bản hoàn thành đưa dự án vào hoạt động.

- Trong thời hạn 4 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chủ đầu tư chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp nhất trong khung thuế theo luật định (10%).

- Chủ đầu tư không phân biệt trong và ngoài nước, nếu đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên theo quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của khu vực cửa khẩu Móng Cái được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

- Chủ đầu tư nước ngoài nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài với thuế suất ở mức thấp nhất (3%) trong khung thuế theo luật định.

- Các dự án nằm trong danh mục các dự án khuyến khích đầu tư sẽ được áp dụng các ưu đãi của dự án nằm trong danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư và được UBND tỉnh xem xét, cho hưởng những ưu đãi hơn nữa về giá thuê đất và các sắc thuế khác.

- Các quy định của chính sách xuất - nhập cảnh cũng được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho người nước ngoài ra, vào khu vực này.

Ðể thúc đẩy quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, trong 5 năm (từ 1996 đến 2000), mỗi năm Nhà nước đầu tư riêng qua ngân sách tỉnh cho Móng Cái không dưới 50% tổng số thu ngân sách trong năm trên địa bàn khu vực cửa khẩu Móng Cái. Với nguồn ngân sách đó; trong 5 năm 1996-2000, Quảng Ninh đang tập trung triển khai xây dựng trên 50 công trình với giá trị 200 tỷ đồng: Cửa khẩu Quốc tế Bắc Luân, đường bộ, đường thuỷ, cảng Vạn Gia - Mũi Ngọc; hệ thống cung cấp điện, nước, chợ, công viên...tạo ra bộ mặt mới của một khu kinh tế mở tương lai. Hiện cơ chế này đang tiếp tục thực hiện.


Theo sinoviet.com

Tin khác