Lý thuyết phác thảo cơ chế lên ngôi

06/12/2007

Ngày 15/10, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Kinh tế cho ba giáo sư của nước Mỹ, Leonid Hurwicz, Eric Maskin và Roger Myerson, những người đã xây dựng nên Lý thuyết phác thảo cơ chế (Mechanism design theory).

Lý thuyết phác thảo cơ chế do Leonid Hurwicz khởi xướng và được Eric Maskin và Roger Myerson chọn lọc áp dụng, cung cấp những công cụ phân tích và trả lời các câu hỏi: Cơ chế giao dịch nào sẽ giúp thu được kết quả lớn nhất? Cơ chế giao dịch nào sẽ tối đa hoá thu nhập mong đợi của người bán? Trình tự ra quyết định tập thể nào sẽ thành công trong việc thực hiện các dự án liên kết trong khi từ chối các nguồn quỹ cho những dự án không mong muốn? Cơ chế bảo hiểm nào sẽ mang lại phạm vi bảo hiểm rộng nhất mà không bị thiệt hại?

Chẳng hạn, lý thuyết này chỉ ra tại sao đấu giá là hình thức hiệu quả nhất đối với việc phân bổ các hàng hoá cá nhân giữa những người mua tiềm năng, và cũng phân loại hình thức đấu giá nào sẽ mang lại thu nhập ước tính lớn nhất cho người bán. Tương tự, lý thuyết này cũng giải thích tại sao, thông thường, không có giải pháp thị trường nào cho vấn đề cung cấp hàng hoá công cộng.

Bên cạnh luận dẫn về phác thảo cơ chế, phân tích kinh tế vi mô của các cơ chế phân bổ nguồn lực xét rất rộng là một lý thuyết của các thị trường. Một câu hỏi trung tâm là: Khi nào một cơ chế thị trường đáp ứng được việc phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả?

Đồng thời, những luận dẫn cũng chỉ ra, một thị trường mang lại hiệu quả đầy đủ nhất chỉ trong những điều kiện rất nghiêm ngặt (phi thực tế) chẳng hạn như, cạnh tranh hoàn hảo, thông tin tự do, hàng hoá cá nhân và vắng mặt các tác động của môi trường đối với sản xuất và tiêu dùng.

Theo thông cáo của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển: “Lý thuyết này cho phép phân biệt những tình huống giúp thị trường vận hành tốt với những tình huống làm cho thị trường vận hành không tốt, giúp nhận dạng các cơ chế giao dịch hiệu quả, các khung quy định của pháp luật và các trình tự bầu cử.” Các nhà khoa học đã tìm cách lý giải cách thức đạt được một kết quả tối ưu.

Để đi sâu nghiên cứu về vấn đề này, họ đã phát triển cao hơn việc sử dụng lý thuyết trò chơi trong kinh tế học do John Nash tiên phong, người đã từng đạt giải thưởng Nobel năm 1994. Tuy nhiên, không giống với lý thuyết nguyên bản của Nash, họ còn phân tích trong những tình huống mà người chơi có thể chơi một trò chơi lặp đi lặp lại và học hỏi trong từng lần chơi.

Lý thuyết này đưa ra một câu hỏi chung chung hơn: Cơ chế phân bổ nguồn lực nào mang lại kết quả đáng kể nhất dưới những điều kiện chung? Một phần của câu trả lời là ở các thị trường, cho dù chúng không đạt hiệu quả toàn diện, ít nhất chúng cũng vận hành tốt như cơ chế nằm trong điều kiện được cho là ít nghiêm ngặt hơn.

Sự phát triển của lý thuyết này bắt đầu từ nghiên cứu của Leonid Hurwicz năm 1960. Ông định nghĩa một cơ chế như một trò chơi, trong đó, những người chơi gửi các thông điệp cho nhau và/hoặc đến một “trung tâm thông điệp”, và đến nơi có quy định về việc đưa ra kết quả (chẳng hạn sự phân bổ của hàng hoá và dịch vụ) đối với mỗi nguồn thu nhận thông điệp.

Công trình nghiên cứu đoạt giải này là một ứng dụng của lý thuyết trò chơi, được áp dụng cho các tình huống thị trường không hoàn hảo, chẳng hạn, sự cạnh tranh không hoàn toàn tự do, người tiêu dùng không nhận được thông tin hoàn chỉnh hoặc nhiều người không tiết lộ những thông tin riêng. Nghiên cứu này cũng giải quyết những trường hợp các giao dịch không được thực hiện trên thị trường công khai mà diễn ra trong các công ty, thông qua các cuộc mặc cả riêng giữa các cá nhân hoặc giữa các nhóm.

Những nghiên cứu đột phá của các nhà khoa học này là nòng cốt để xem xét các chủ thể hoạt động như thế nào trong những điều kiện như vậy và nhằm phác thảo ra cơ chế tốt nhất đảm bảo đạt được các mục tiêu, chẳng hạn, phúc lợi xã hội tối ưu, hoặc lợi nhuận cá nhân tối đa. Ngày nay, Thuyết phác thảo cơ chế đã đóng vai trò trung tâm trong nhiều lĩnh vực của kinh tế học và chính trị học.

(Theo VnEconomy)


Tin khác