Tỷ lệ hoàn vốn của lao động khu vực nông nghiệp thấp nhất

24/12/2007

AGROINFO - Để hỗ trợ các nhà quản lý, hoạch định chính sách trong việc thiết kế và phát triển các chính sách giáo dục và thị trường lao động phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế Việt Nam, ngày 12/12/2007, tại Hà Nội, Viện Khoa học Lao động và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Hội thảo về “Giáo dục đại học và Kỹ năng cho phát triển”.

Tới dự hội thảo có ông Lê Thanh Hòa - Thứ trường Bộ LĐTBXH, ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính của Bộ GD&ĐT và ông Jeffrey Waite - Chuyên gia Giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, nhiều cá nhân thuộc các Bộ, Ban, Ngành khác cũng tới tham dự hội thảo. Góp mặt tại đây, đáng chú ý, còn có đại diện của một số doanh nghiệp lớn.

Buổi hội thảo là dịp gặp gỡ giữ hai cơ quan Nhà nước quản lý về “cung” cho thị trường lao động – Bộ Giáo dục và Đào tạo và quản lý về “cầu” của thị trường này – Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội để cùng thảo luận về những biến đổi của thị trường lao động Việt Nam trong những năm gần đây. Trong bài báo cáo “Khu vực doanh nghiệp: Thị trường cầu lao động”, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Phó Viện KHLĐ&XH đã trình bày những phân tích sâu sắc về nhu cầu giáo dục đại học hiện nay. Theo đó, nhu cầu giáo dục đại học định hướng kỹ năng đang tăng lên do nhu cầu về lao động có kỹ năng ngày càng lớn, do mức lương khác biệt của lao động có kỹ năng và vai trò của lao động có kỹ năng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng/đại học tập trung nhiều nhất trong ngành giáo dục và đào tạo, tiếp theo là dịch vụ và hành chính công, chiếm tới 75% tổng số lao động có trình độ cao đẳng/đại học ở nước ta.

Phân tích của TS Lan Hương cũng cho thấy, thị trường lao động trong khu vực nông nghiệp đang chứng kiến thực trạng số lượng lao động thấp, mức lương giờ thấp (3480 đồng/giờ) và mức hoàn trả thấp (4.79%). Những con số này là hết sức khiêm tốn so với khu vực giáo dục (tỷ lệ hoàn vốn là 11.67%) và khu vực hành chính công (14.00%). Giải thích thêm về thực tế này, TS Hương cho biết, số năm đi học/đào tạo trung bình của lao động khu vực nông nghiệp rất thấp (4.79 năm) và không hề tăng trong những năm qua. Ngay cả ở trình độ cao đẳng/đại học, một sinh viên ra trường thuộc khu vực nông nghiệp cũng sẽ có tỷ lệ hoàn trả vốn thấp nhất so với các khu vực khác. Điều này rõ ràng đã có tác động mạnh mẽ đến xu hướng chuyển dịch lao động và dự báo về nguy cơ thiếu lao động nông nghiệp nghiêm trọng trong tương lai.

Sinh viên khu vực nông nghiệp ra trường có tỷ lệ hoàn trả vốn thấp nhất
Trong bài trình bày thứ hai “Hệ thống đại học: Thị trường cung lao động”, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Vụ phó Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT đã đưa ra những phân tích tổng quát về thực trạng giáo dục đại học ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp như phát triển các trường cao đẳng cộng đồng, tích hợp các trường đại học và viện nghiên cứu, chuyển sang đào tạo tín chỉ, điều chỉnh chương trình khung, đổi mới phương pháp dạy và học, xây dựng đội ngũ giảng viên v.v. Theo bà Emanuela Di Gropello, Chuyên gia Kinh tế Phát triển Nguồn nhân lực cao cấp của Ngân hàng Thế giới, những giải pháp này đều tập trung vào việc nâng cao chất lượng, mức độ phù hợp cũng như việc thể hiện vai trò nuôi dưỡng những sáng tạo kỹ thuật và rèn luyện kỹ năng của hệ thống đại học.

Nhìn chung, hội thảo đã diễn ra thành công và đem lại nhiều thông tin hữu ích. Có thể coi đây là một trong những bước chuẩn bị chu đáo cho Đề án Đổi mới giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào Tạo với tầm nhìn 15 năm tới./.


Tin khác