Các tỉnh Tây Bắc khai thác tiềm năng, lợi thế từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững

02/12/2008

Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo "các tỉnh Tây Bắc cần khai thác tiềm năng, lợi thế từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại"tại Hội nghị chuyên đề Phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc tổ chức ngày 12/10 tại Lai Châu.

Các tỉnh Tây Bắc cần tập trung cao khai thác các tiềm năng, lợi thế để tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đi đôi với xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Sự chỉ đạo đó được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh tại Hội nghị chuyên đề Phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc tổ chức ngày 12/10 tại Lai Châu.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 12 tỉnh thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mà các tỉnh vùng Tây Bắc cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là: Phát triển nhanh việc trồng cây công nghiệp chuyên canh tập trung, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Chú trọng cây chè, cao su, cà phê, dâu tằm, mía, cây ăn quả, dược liệu… UBND các tỉnh thuộc vùng rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phát triển các loại cây công nghiệp có thị trường tiêu thụ mạnh; áp dụng các chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi địa phương trong vùng, trước hết là các chính sách đã được ban hành, như chính sách hỗ trợ 100% tiền mua giống mới phục vụ trồng mới, trồng thay thế cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm; hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng đối với các hộ vay vốn trồng mới và thâm canh cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, theo tinh thần Quyết định 27/2008/QĐ-Thủ tướng Chính phủ.

Đối với cây cao su đa mục đích (cung cấp mủ, gỗ và cải thiện môi trường sinh thái), Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, đã có nhiều kết quả khảo nghiệm qua thực tiễn một số tỉnh vùng Tây Bắc và các địa phương Trung Quốc giáp ranh. UBND các tỉnh cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh, xác định quy hoạch phát triển cây cao su một cách khoa học. Trên cơ sở đó, liên kết chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các doanh nghiệp có điều kiện, xây dựng mô hình tổ chức phù hợp để triển khai thực hiện một cách bền vững. Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cây cao su tại các tỉnh vùng Tây Bắc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương này.

Cùng với đó là việc đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi, nhất là đại gia súc và thủy đặc sản trong đó tập trung làm tốt công tác thú y, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bằng mô hình gia trại, trang trại có quy mô ngày càng lớn; tận dụng diện tích hồ chứa, ao, đầm, ruộng trũng cho phát triển nuôi trồng thủy sản…

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu các tỉnh trong vùng cần tiếp tục phát triển đồng bộ các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, coi đây là khâu then chốt; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ, kiện toàn hệ thống khuyến nông, nâng cao kỹ năng canh tác và kiến thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa cho đồng bào; trú trọng phát triển lâm nghiệp toàn diện, trong đó có việc quản lý và bảo vệ tốt 5,3 triệu ha rừng hiện có. UBND các tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để quản lý sử dụng có hiệu quả kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, giao đất giao rừng gắn với định canh định cư, sớm chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo, thảo luận về định hướng phát triển nông nghiệp hàng hoá; về định hướng phát triển chăn nuôi gia súc; trồng cây cao su; trồng rừng; phát triển nuôi trồng thuỷ sản… của các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc; trong đó đi sâu vào thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm tận dụng các lợi thế về điều kiện tự nhiên cho phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục tập quán và trình độ người dân, góp phần vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa bảo vệ môi trường sinh thái. Các giải pháp được đưa ra, đều hướng tới mục tiêu thực hiện thành công một số chỉ tiêu chủ yếu mà các tỉnh trong vùng đã đề ra tới năm 2010 như: Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 50% (tăng 6% so với năm 2007); tăng diện tích chè từ 70 nghìn lên 80 nghìn ha; phát triển diện tích cây ăn quả lên 200 nghìn ha; bảo đảm mức độ tăng trưởng bình quân của đàn trâu, bò hàng năm là 10%; tăng diện tích cây cao su theo đúng quy hoạch dự kiến…

*Trước đó, vào chiều 11/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã tới thăm đồn điền cao su ở xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Trong những năm qua, các tỉnh vùng Tây Bắc (12 tỉnh trong phạm vi thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị) trên lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được những kết quả khá quan trọng: Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phát triển tương đối toàn diện, từng bước theo hướng sản xuất hàng hoá. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,7%/năm (so với cả nước 4%/năm); tổng sản lượng lương thực toàn vùng năm 2007 đạt 4.873 nghìn tấn, tăng hơn 300.000 tấn so với năm 2004; hầu hết các tỉnh tự cân đối được nhu cầu lương thực. Đàn trâu, bò tăng 4 - 5%/năm, đàn gia cầm tăng bình quân khoảng 4%/năm. Đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: trồng mía đường, chè, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, hoa, cây cảnh, chăn nuôi đại gia súc; nhiều sản phẩm của vùng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được quan tâm hơn. Độ che phủ rừng cuối năm 2007 đạt 44% (cả nước 38%)… Hiện nay, toàn vùng Tây Bắc có khoảng 16.000 ha cây cao su: (Lai Châu: 1.426 ha; Sơn La: 1.873 ha, Điện Biên: 650 ha, Nghệ An: 4.663 nghìn ha, Thanh Hoá: 7.465 ha).


(Cổng TTĐT Chính phủ)

Tin khác