Các nội dung hoạt động Chương trình ARD SPS hợp phần tỉnh Đăk Nông

09/01/2009

Các hoạt động được hỗ trợ sẽ xuất phát từ nhu cầu của các nhóm nông dân nên chưa thể nêu ra chi tiết những hoạt động nông nghiệp và thị trường nào sẽ thực sự được hỗ trợ. Các phương án có thể khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của nông dân; tuy nhiên, nguyên tắc chung là các hoạt động đó phải dễ thực hiện, dễ nhân rộng và không tốn kém.

Dựa vào nghiên cứu xác định định hướng và các nghiên cứu khác đã thực hiện cũng như những ý tưởng từ quá trình thiết kế chương trình, một số hoạt động có thể được hỗ trợ (và còn những hoạt động khác có thể được xác định thêm trong giai đoạn khởi động và thực hiện) như sau:

Trong lĩnh vực nông nghiệp

• Cải thiện luân canh và xen canh;

• Các mô hình trồng cây trên đất dốc;

• Thúc đẩy bảo vệ đất và nguồn nước bằng các kỹ thuật trồng trọt cải tiến

• Đa dạng hóa các loại cây trồng, sản phẩm cho thị trường cũng như cho tiêu dùng nhằm giảm bớt các rủi ro và tăng dinh dưỡng;

• Cải tiến các giống ngô và lúa địa phương;

• Giới thiệu các loài cây trồng mới và các thực tiễn canh tác theo hướng bền vững để đảm bảo an toàn lương thực. Do vậy, các loại cây trồng hàng năm có thể sẽ phù hợp hơn cây lưu niên;

• Ứng dụng các phương pháp sản xuất cà phê, hồ tiêu và ca-cao bền vững và có lợi nhuận;

• Xóa bỏ cây cà phê không sinh lợi và thay bằng các loại cây khác;

• Bảo vệ và gìn giữ các giống cây bản địa.

Trong chăn nuôi

Các hộ chăn nuôi nhỏ như gia cầm và lợn và vật nuôi lớn hơn được xem là có tiềm năng.

• Nâng cao chất lượng chăn nuôi gia cầm (tiêm vắcxin phòng bệnh dịch, cải tiến cách cho ăn, khả năng lai tạo giống để tăng sản lượng).

• Cải tiến cách quản lý đàn lợn cả giống cũ của địa phương và giống mới lai tạo.

• Xem xét tiềm năng mở rộng đàn đại gia súc lớn, nhất là trâu bò thuộc các giống cải tiến của địa phương. Các hoạt động trong lĩnh vực này có thể là: cải tiến cách cho ăn, nhất là trong mùa khô. Cần phải tiến hành thêm nhiều trao đối để có thể xây dựng được một phương pháp thực hiện hướng tới người nghèo.

Sau thu hoạch, chế biến và tiếp cận thị trường

• Việc quản lý và bảo quản các nông sản sau thu hoạch thực sự là có nhiều vấn đề cần giải quyết. Đề xuất ở đây là tiến hành một nghiên cứu nhằm xác định những khó khăn và các cơ hội giải quyết, dựa vào đó có thể thiết lập một kế hoạch đào tạo và có các cơ chế khuyến khích để hỗ trợ xây dựng các thiết bị cải tiến để bảo quản sản phẩm cho cá nhân hoặc tập thể.

• Những hoạt động cải tiến quá trình chế biến và marketing các sản phẩm địa phương, trong hoặc ngoài tỉnh, cũng có thể được đề xuất để được hỗ trợ.

Cơ sở hạ tầng

• Cải thiện quản lý hệ thống tưới tiêu hiện nay theo phương pháp quản lý có sự tham gia như “Quản lý thủy lợi có sự tham gia” và “Hiệp hội những người sử dụng nước” đã được thiết lập ở một số nơi trong tỉnh Đắk Lắk qua các mô hình triển khai trong tiểu hợp phần 3.1 của Chương trình hỗ trợ ngành nước của Danida (thành lập các nhóm sử dụng nước, việc trả phí của người sử dụng, tập huấn về quản lý và bảo trì).

Đa dạng hóa nguồn thu nhập

• Hỗ trợ dân nhập cư trong các vùng cao đa dạng hóa nguồn thu nhập của họ (nhằm làm giảm đi áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên)

Giao đất giao rừng

Tâm điểm của Chương trình là giới thiệu quy trình và thủ tục giao đất giao rừng có sự tham gia cho các nhóm dân tộc. Có một số quy trình và phương pháp tiếp cận thích hợp có thể xem xét khi tiến hành hỗ trợ để cải thiện quá trình giao đất giao rừng ở Đắk Nông.

Dưới đây sẽ là một số khó khăn và thách thức đã được xác định:

• Đảm bảo quyền sở hữu đủ diện tích đất đai là điều kiện cần và đủ để có thể tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp;

• Một số người địa phương chưa nhận thức đầy đủ về quyền sở hữu đất;

• Bên cạnh tình trạng thiếu rõ ràng này còn có một thực tế là còn rất nhiều diện tích đất chưa được giao hoặc chỉ được giao cho các lâm trường quốc doanh hoặc các cơ quan nhà nước quản lý;

• Sự nhập cư của các nhóm dân tộc ít người từ phía Bắc đã khiến cho tình hình càng thêm phức tạp;

• Để tránh những sai lầm trong nhận thức về quyền sở hữu đất, cần tiến hành việc giao đất giao rừng theo một quá trình có sự tham gia thực sự của các bên, trong đó, quyền lợi và nghĩa vụ cũng như các giải pháp sở hữu đất đai như sở hữu theo xã, sở hữu theo nhóm v.v… được giải thích một cách rõ ràng.

Các hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ hợp phần này được phân thành các nhóm sau:

• Hỗ trợ kỹ thuật cho việc phân loại và phân loại lại đất rừng

• Hỗ trợ kỹ thuật cho công tác giao đất giao rừng có sự tham gia và phân ranh giới cho các hộ gia đình cá thể và cộng đồng;

• Thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức và thông tin tuyên truyền cho nông dân đặc biệt nghèo thuộc các nhóm dân tộc ít người về những vấn đề liên quan đến sử dụng đất.


Tin khác