Đắk Nông là một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam. Mặc dù dân số tương đối ít so với diện tích đất, nhưng một bộ phận lớn nông dân vùng cao thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số chính vẫn còn rất nghèo và có ít cơ hội để thoát nghèo nếu không có hỗ trợ từ bên ngoài.
Chương trình này sẽ hỗ trợ cho các nông dân nghèo vùng cao, chủ yếu là những người dân tộc thiểu số tại địa phương, nâng cao năng suất và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thông qua hỗ trợ kỹ thuật và quản lý có chất lượng tốt hơn từ các đơn vị cung cấp dịch vụ hiện có trong địa phương, đồng thời giúp người nông dân có thể đa dạng hoá các hoạt động sản xuất của mình nhờ khai thác thêm tiềm năng đất rừng và các lâm sản.
Nông nghiệp của Đắk Nông cũng gặp phải những khó khăn giống như hầu hết các tỉnh khác của Việt Nam. Nhưng khác với các tỉnh khác, Đắk Nông vẫn có những khu vực thích hợp có thể được sử dụng để mở rộng sản xuất nông nghiệp và các hình thức sản xuất nông thôn khác. Mặc dù trong 20 năm qua nhiều diện tích rừng đã bị chặt phá phục vụ mục đích nông nghiệp, vẫn còn nhiều khu vực rừng có thể được sử dụng một cách hiệu quả nếu vấn đề môi trường được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có những kỹ thuật và hình thức sản xuất mới cũng như công tác lập kế hoạch thận trọng nhằm i) không gây thêm tác động xấu tới môi trường và nhu cầu bảo vệ đa dạng sinh học, và ii) kết hợp được với các mục đích sử dụng khác mang tính cạnh tranh trên cùng một khu vực (như sản xuất gỗ).
Một điều kiện tiên quyết để có thể tăng lợi nhuận trong hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng cao là người dân cần có đầy đủ và được bảo đảm về quyền sử dụng đất đai đối với đất canh tác cũng như đất rừng. Hiện nay, hầu hết đất canh tác ở các khu vực vùng cao chưa được đăng ký cấp phép sử dụng hay phân bổ theo đúng pháp luật do năng lực của các phòng địa chính huyện còn hạn chế. Chương trình sẽ hỗ trợ địa phương đẩy nhanh quá trình giao đất giao rừng.
Hiện có một số phương án về quyền sử dụng đất khác nhau bao gồm quản lý cộng đồng và đặc biệt đối với đất rừng là quản lý theo nhóm. Đã có một số thử nghiệm được tiến hành trên quy mô nhỏ nhưng chưa được triển khai nhân rộng trên quy mô bởi một phần do người nông dân và cán bộ hành chính đều chưa quan tâm đến các phương án, một phần khác là do trong một số trường hợp, các thử nghiệm này phải điều chỉnh theo hệ thống mẫu hệ của cộng đồng dân tộc thiểu số trong vùng.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, tỉnh Đắk Lắk (khi còn bao gồm cả tỉnh Đắk Nông) cũng như nhiều tỉnh khác ở khu vực Cao nguyên Miền trung được coi là khu vực của cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là cộng đồng dân tộc người Eđê, M’nông, và Gia Rai. Tuy nhiên, hơn 50 năm qua, nhiều người dân ở các khu vực khác cũng đến đây định cư và hiện nay có đến 80% cộng đồng dân cư ở đây là dân di cư hoặc con cháu của những thế hệ dân di cư đầu tiên. Trong khi người dân tộc Kinh là cộng đồng dân di cư tới đầu tiên và cũng là cộng đồng lớn nhất hiện nay, trong vòng hơn 10 năm qua cũng có nhiều làn sóng di cư mới của nhiều cộng đồng dân tộc khác từ các khu vực miền núi phía bắc đổ về. Hiện nay, cộng đồng dân tộc thiểu số miền Bắc chiếm từ 10 – 25% tổng số dân cư, mở ra một khu vực dân cư đa dạng với 43 nhóm dân tộc.
Việc di cư hàng loạt cũng gây ra nhiều thay đổi lớn về tình hình môi trường, xã hội và kinh tế trong tỉnh.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp được mở rộng cũng kéo theo sự suy giảm đáng kể diện tích che phủ rừng. Năm 1980, Đắk Lắk được coi là tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước với một số rừng tự nhiên được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Trong vòng 9 năm từ năm 1992 đến năm 2000 diện tích rừng tự nhiên đã giảm bớt 240.000 ha và mặc dù cho tới nay tốc độ này đã giảm bớt nhưng việc phá rừng để làm nông nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra. Trước đây, hầu hết đất rừng được chuyển đổi thành đồn điền trồng cà phê, tuy nhiên do cà phê mất giá, cây cà phê đang được thay thế bằng các cây trồng khác.
Do diện tích che phủ rừng sụt giảm mạnh, đa dạng sinh học ở cũng đang giảm sút nhanh. Hơn thế, độ che phủ rừng giảm đi cũng khiến cho các hệ thống tạo nguồn nước tự nhiên thay đổi. Cùng với thực tế là nhu cầu sử dụng nước phục vụ tưới tiêu ngày càng gia tăng, trong một vài năm trở lại đây, vào một số thời điểm, khu vực đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Báo cáo đánh giá Kế hoạch hành động ngành nước Srepok cho thấy tình hình sử dụng nước hiện nay là không bền vững và các hồ nước ngầm đang bị khai thác quá mức so với tốc độ tái tạo của nguồn nước này.
Cũng do canh tác không bền vững, độ màu mỡ trong đất giảm dần, dẫn tới tình trạng xói mòn đất đai, năng suất canh tác giảm và chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Tình trạng đất đai bị xói mòn cũng có ảnh hưởng lớn đến hiện tượng mất đất bề mặt, đặc biệt là vào mùa mưa dù hiện tượng này xảy ra ít hơn trong mùa khô. Bên cạnh đó, tình trạng xói mòn đất cũng gây trở ngại lớn cho hệ thống thuỷ lợi trong tỉnh vì các hồ chứa nhanh chóng bị bùn lắng tích tụ.
Nhờ tốc độ phát triển mở rộng sản xuất nông nghiệp và cà phê được giá vào giữa những năm 1990 tình hình kinh tế ở đây phát triển mạnh vào thời điểm đó. Nhưng trong vòng 5 năm qua điều kiện kinh tế ở đây có phần giảm sút, ít nhiều do giá cà phê thấp đi và tình hình cạnh tranh đất đai ngày càng cao. Nhiều khu đất của hộ gia đình đã bị chia nhỏ ra để bán hoặc do chuyển giao quyền thừa kế khiến cho việc sử dụng đất đai mất dần tính bền vững về mặt kinh tế. Lao động dư thừa trong ngành nông nghiệp hầu như không có cơ hội để chuyển sang làm ở các ngành kinh tế khác.
Dòng người nhập cư từ các địa phương khác đã dẫn đến những thay đổi lớn trong đời sống của những cư dân sinh sống lâu đời ở tỉnh. Trước đây, người dân Êđê, M’nông và Gia Rai thường có tập tục kết hợp canh tác trên các vùng đất có thể canh tác được kết hợp với hoạt động chăn nuôi. Những diện tích đất có thể canh tác được chủ yếu kết hợp canh tác lúa nước ở dưới chân thung lũng và canh tác luân vụ lúa nương, đây là vụ canh tác chính, theo mùa mưa trên những vùng đất đồi. Các ruộng lúa được sử dụng trong vòng 3 đến 5 năm, tuỳ thuộc vào độ màu mỡ, mật độ cỏ dại và sau thời gian đó sẽ được bỏ trống từ 20 đến 30 năm. Các khu vực đất rừng mặc dù đã bị khai thác quá mức vẫn được coi là một nguồn kinh tế chiến lược quan trọng vì đây là nguồn cung cấp, khai thác cây dại làm lương thực, đồ dùng và hàng thủ công mỹ nghệ cũng như làm thuốc chữa bệnh trong vùng. Các khu vực đất rừng còn là nơi để cung cấp thức ăn và chăn thả gia súc, trâu bò.
Nhiều năm qua, những người dân tộc thiểu số tại địa phương này sinh sống còn khá tách biệt với hệ thống của nhà nước. Trong thời kỳ Pháp thuộc, vai trò của họ chưa được chính quyền trung ương lưu ý và quan tâm đầy đủ. Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ và kể từ sau khi thống nhất đất nước, các cơ quan chính quyền nhà nước mới bắt đầu được hình thành. Những biện pháp chính mà bộ máy chính quyền mới đưa ra là “ổn định” các nhóm dân di cư, quốc hữu hoá đất rừng và đưa vào áp dụng hệ thống luật pháp quốc gia, trong đó gồm cả luật hôn nhân gia đình và luật thừa kế.
Tốc độ chặt phá rừng nhanh chóng của dân di cư đã đẩy nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây đi sâu hơn vào khu vực đất rừng hoặc khiến cho họ không có cơ hội sử dụng đất rừng. Nhiều người hoàn toàn bị mất hết đất nông nghiệp do họ bán đất đi hoặc bị thu lại để phục vụ phát triển các Vùng Kinh tế Mới, các xí nghiệp hay nông trường quốc doanh. Quá trình này đã được củng cố với chính sách quốc gia về “sắp xếp và ổn định” dân cư- qua đó các nhóm dân di cư thiểu số được khuyến khích định cư tại các thôn bản dọc theo các tuyến đường để tham gia và đồng thời hưởng lợi từ quá trình phát triển đất nước.
Hậu quả kinh tế của chính sách này không thích hợp với hầu hết các nhóm dân tộc thiểu số. Nếu như trước đây họ có thể sống dựa vào nhiều hoạt động kinh tế khác nhau, khai thác nhiều nguồn tài nguyên đa dạng thì chính sách mới đã buộc những người dân tộc thiểu số nơi đây phải hoàn toàn lệ thuộc vào chỉ một hoạt động kinh tế chính, canh tác lúa nước hoặc cà phê theo các thửa đất nhỏ của từng hộ gia đình. Do kiến thức về các kỹ thuật canh tác mới còn thấp, cơ sở hạ tầng không đảm bảo nên năng suất và thu nhập sản xuất ngày càng giảm và tình hình nghèo đói ngày càng lan rộng. Trong tổng số khoảng 90.000 hộ nghèo hiện nay, có trên 50% hộ dân là người dân tộc thiểu số gốc tại địa phương và từ miền Bắc vào. Chính vì vậy, cũng không sai nếu đưa ra con số ước tính khoảng 75% tổng số hộ dân tộc thiểu số tại hiện nay đang sống dưới mức nghèo khổ.
Ngược với xu thế chung của các nhóm dân tộc mới di cư từ miền bắc vào - hầu hết là các hộ có đủ nguồn lực để thoát nghèo mà không cần có sự trợ giúp đặc biệt - tình hình nghèo khổ trong nhóm người dân tộc thiểu số gốc tại địa phương ngày càng trầm trọng và bị coi như “dịch nghèo”.
Các nhóm dân tộc thiểu số trong vùng đang gánh chịu những hậu quả xã hội mà họ khó có khả năng thay đổi. Bị đẩy xa khỏi đất rừng đã làm suy giảm mô hình buôn làng truyền thống. Bộ máy chính quyền và quyền lực được hình thành theo kiểu “cha truyền con nối” và việc miễn cưỡng chấp nhận chính thức các tập quán mẫu hệ đối với tài sản của người dân đã khiến cho cơ cấu tổ chức xã hội ở địa phương ngày càng yếu đi.