Xuất khẩu lúa gạo năm 2011: Cơ hội nhiều hơn thách thức

05/01/2011

Gạo là mặt hàng chính trong xuất khẩu nông sản của nước ta. Tuy nhiên, thời gian qua, bất ổn về giá cả, thị trường cũng như diễn biến phức tạp của thời tiết đã khiến nông dân gặp khó, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Đặc biệt, bài toán mâu thuẫn giữa giá cả và sản lượng tồn tại suốt thời gian dài. Trong năm 2011, mâu thuẫn này sẽ được giải quyết như thế nào để nâng cao giá trị hạt gạo Việt? Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia phân tích dự báo thị trường (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - Ipsard).

Việt Nam được xếp vào nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, song không phải ai cũng biết đến gạo Việt Nam. Có phải vì chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu cho gạo Việt, thưa ông?
Đúng là đến nay vẫn chưa có chiến lược quốc gia cho thương hiệu gạo của Việt Nam. Ngay cả trong thống kê của Tổng cục Hải quan, muốn tìm số liệu xuất khẩu của gạo chất lượng cao giống từ Nhật Bản, chúng cũng bị xếp vào nhóm gạo khác; các sản phẩm gạo thống kê phổ biến dưới dạng: 5%, 15%, 25% tấm và không hề có tên, nhãn mác cũng như xuất xứ sản phẩm.
Trong khi đó, Thái Lan là nước làm tốt việc xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo chất lượng cao và gạo đặc sản, mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với sản xuất gạo truyền thống. Để làm được điều này, ngoài việc quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, người Thái đã xây dựng mối liên kết tốt giữa nhà nước, nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp. Nước ta muốn nâng cao khả năng cạnh tranh, có lẽ trước tiên cần nghiên cứu và học tập mô hình sản xuất lúa gạo thương hiệu của Thái Lan; sau đó có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Một nghịch lý vẫn tồn tại lâu nay ở thị trường xuất khẩu lúa gạo là khi được giá lại khan hàng, khi hàng nhiều thì ế ẩm. Điều này có một phần nguyên nhân do công tác dự báo chưa đạt yêu cầu. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Hai năm nay, chúng ta nói nhiều đến vai trò dự báo thị trường, nhưng sự đầu tư cho công tác này chưa tương xứng. Để dự báo thị trường tốt, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ và kỹ thuật thì việc có nguồn thông tin thị trường tốt là hết sức cấp thiết. Hiện nay, chúng tôi chủ yếu nắm thông tin thị trường từ các nguồn như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ABBE (Austrailia), Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO), Bloomberg và Reuters... Những nguồn tin này tuy cập nhật nhưng chưa đáp ứng được những yêu cầu đối với từng thị trường cụ thể. Trong khi đó, mạng lưới thương vụ của Việt Nam tại các nước khá đông nhưng chưa hỗ trợ nhiều trong việc cung cấp thông tin. Nếu có cơ chế để các thương vụ này thu thập thông tin về tình hình thị trường tại những nước sản xuất, tiêu dùng gạo và cung cấp định kỳ cho các cơ quan dự báo trong nước, chắc chắn chất lượng thông tin sẽ được cải thiện.
Ông nhận định thế nào về thị trường lúa gạo năm 2011? Chúng ta cần có những điều chỉnh gì trong sản xuất và điều hành cho phù hợp với nhu cầu?
Năm 2011, sản xuất lúa gạo trên thế giới nhìn chung không có thay đổi lớn so với năm 2010 nhưng nhóm các nước tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Pakistan, Indonesia, Philippines đang đẩy mạnh chiến lược tự cân đối nhu cầu trong nước, do đó thị trường thế giới sẽ chỉ có đột biến khi bất ổn về thiên tai xảy ra.
Đầu năm 2011, lượng cung thương mại gạo toàn cầu vẫn khá dồi dào, trong khi đó, nhu cầu thế giới chưa có dấu hiệu khan hiếm; do đó, thị trường gạo toàn cầu chỉ chịu tác động trong hai trường hợp: nếu các nước vừa chịu ảnh hưởng nặng nề về hạn hán và lũ lụt như Trung Quốc, Pakistan, ấn Độ, Philippines tăng lượng dự trữ thông qua nguồn cung trong nước hoặc mua bổ sung vào lượng dự trữ; hoặc thiên tai bất ngờ xảy ra tại các nước sản xuất và tiêu dùng gạo.
Đối với thị trường gạo trong nước, những yếu tố về thời tiết trong vụ đông xuân 2010-2011 có thể gây áp lực lên nguồn cung gạo ở thời điểm đầu năm 2011. Tuy nhiên, việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam nâng mức giá hướng dẫn xuất khẩu cho thấy khối lượng gạo dành cho xuất khẩu sẽ bị co hẹp, vì thế giá lúa gạo trong nước sẽ duy trì ở mức cao nhưng không có đột biến lớn ở thời điểm đầu năm 2011.
Những năm tới được dự báo là thời cơ cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, tuy nhiên, biến đổi khí hậu sẽ đe dọa đến an ninh lương thực. Theo ông, chúng ta có nên đẩy mạnh xuất khẩu gạo?
Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Xét về chủ trương thì phát triển sản xuất lúa gạo Việt Nam trở
Ông Trịnh Văn Tiến
thành mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn có hiệu quả và đảm bảo an ninh lương thực; xét về cung - cầu, trong những năm gần đây, chúng ta luôn xuất khẩu đạt ngưỡng 6 triệu tấn; năm 2010, chúng ta đã đạt kim ngạch xuất khẩu gần 3 tỷ USD, chiếm hơn 1/5 tổng kim ngạch các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Như vậy, không có lý do gì ngăn cản việc xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Thách thức từ biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp của nước ta là rất lớn, nhưng theo tôi đây là quá trình gặm nhấm hoặc bào mòn. Nếu chúng ta có hành động thích ứng để đối phó thì vấn đề này sẽ không gây tác động đột ngột đến sản xuất lúa gạo.
Năm 2011 là thời điểm nước ta mở cửa thị trường kinh doanh xuất khẩu gạoN, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được tham gia vào hoạt động này. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức gì cho các doanh nghiệp trong nước, thưa ông?
Sự kiện đáng chú ý nhất trong năm tới là việc mở cửa thị trường kinh doanh gạo, nhưng theo tôi, sẽ không có thay đổi lớn vì hiện chưa có dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào thị trường Việt Nam.
Năm 2011, Nghị định 109/NĐ-CP có hiệu lực. Đây là bước đi cần thiết để chuẩn bị đối phó với các doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy, công tác tổ chức thị trường sẽ được cải thiện. Việc tiến hành xây dựng hệ thống kho chứa cũng đang được tiến hành khẩn trương và bước sang năm 2011, năng lực dự trữ và bảo quản lúa gạo của Việt Nam sẽ được nâng cao.
Việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường gạo trong nước đương nhiên sẽ gây những bất lợi nhất định cho các doanh nghiệp Việt. Với lợi thế về vốn, công nghệ và mạng lưới tiêu thụ toàn cầu, đương nhiên các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, họ cũng phải đối mặt với những khó khăn trước mắt khi bước vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam, đó là hệ thống hạ tầng kho bãi, mạng lưới thu mua chưa đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế...
Về phía các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trong nước, sẽ có 3 thách thức lớn đặt ra trong năm 2011.
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện được chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường. Nhìn lại thị trường xuất khẩu gạo trong 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu gạo theo thị trường tập trung với giá thấp; những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)..., khối lượng xuất khẩu hết sức khiêm tốn. Đây chính là thách thức lớn vì phân khúc thị trường gạo cấp thấp sẽ không có tiềm năng trong dài hạn do chúng ta một mặt phải cạnh tranh với những đối thủ mới tham gia thị trường như Myanmar, Bangladesh, Campuchia; mặt khác, phân khúc gạo phẩm cấp cao sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Và trong tương lai xa hơn, các nước tiêu dùng gạo sẽ tự cân đối nhu cầu trong nước bằng việc xây dựng chiến lược tự cung tự cấp để đảm bảo an ninh lương thực.
Thứ hai, hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện chức năng thu mua xuất khẩu và bình ổn thị trường, rất ít trường hợp tự tổ chức vùng sản xuất hay tạo ra các mối quan hệ, liên kết giữa các nhà để có gạo chất lượng cao và có thương hiệu. Thay vào đó, họ lại cạnh tranh không bình đẳng trong thu mua, rồi giành giật hợp đồng xuất khẩu... Những tồn tại này nếu không sớm được khắc phục thì cơ hội sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ ba, doanh nghiệp trong nước chưa có tiềm lực tài chính đủ mạnh để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo khá hùng hậu, hơn 200 đơn vị, song rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn hạn chế và sức cạnh tranh yếu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc mở cửa thị trường gạo mang lại nhiều cơ hội hơn là thách thức do tạo được sân chơi bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thông qua cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp nhỏ - kinh doanh theo kiểu kiếm lợi nhuận trước mắt - sẽ không có cơ hội tồn tại. Mặt khác, mở cửa thị trường kinh doanh xuất khẩu gạo, tức là chúng ta đã cho phép mở cửa thị trường đối với khối lượng gạo thương mại xuất khẩu, đồng thời quản lý chặt chẽ cung - cầu để đảm bảo tiêu dùng nội địa. Như vậy, trên phương diện kinh doanh xuất khẩu gạo thì việc các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập vào thị trường sẽ làm tăng số lượng người mua. Và như thế, mức độ cạnh tranh cao, người nông dân sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn và quyết định bán sản phẩm với giá có lợi nhất.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thúy Nga - Báo Kinh tế Nông thôn


Tin khác