Bản tin cà phê trong và ngoài nước tháng 3/05

28/04/2006

Thị trường thế giới - giá đạt mức cao nhất 5 năm
Tháng 3/2005, giá cà phê các loại tiếp tục tăng cao, lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua do nguồn cung cà phê tiếp tục giảm sút đáng kể ở Braxin và Việt Nam, trong khi đó nhu cầu mua cà phê vào của các quỹ đầu tư và các nhà đầu cơ vẫn tăng mạnh.

Thị trường thế giới - giá đạt mức cao nhất 5 năm

Tháng 3/2005, giá cà phê các loại tiếp tục tăng cao, lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua do nguồn cung cà phê tiếp tục giảm sút đáng kể ở Braxin và Việt Nam, trong khi đó nhu cầu mua cà phê vào của các quỹ đầu tư và các nhà đầu cơ vẫn tăng mạnh. |

Giá cà phê Arabica tại New York đạt 131,60 UScent/lb, tăng 13,55 UScent/lb; giá cà phê Robusta tại London đạt 982 USD/tấn, tăng 154 USD/tấn so cùng thời điểm tháng trước. Tại châu á, giá cà phê Robusta loại 2, 5% đen vỡ của Việt Nam đạt 870 USD/tấn, tăng 130 USD/tấn; và giá cà phê EK1 loại 4, 80% tạp chất của Indonesia đạt 900 USD/tấn, tăng 160 USD/tấn so với một tháng trước đó.

Ngày 11/3, giá cà phê Robusta đã lên cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (1070  USD/tấn), khi có tin đồn rằng tỉnh Đắc Lắc – tỉnh sản xuất nhiều cà phê nhất Việt Nam đang gặp một năm khô hạn nhất trong nhiều thập niên qua (vụ cà phê tới Đắc Lắc sẽ bị thiệt hại khoảng 100.000 tấn).

2005 sẽ là năm thứ hai liên tiếp sản lượng cà phê thế giới thấp hơn nhu cầu tiêu thụ khoảng 3 triệu bao, vì vậy giá chào bán sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian dài.

Dự báo: Giá cà phê cao chỉ là nhất thời vì nguồn vốn đầu tư có xu hướng giảm trong trong thời gian tới. ICO đề nghị các nước xuất khẩu cà phê tăng tỷ lệ hạt chất lượng cao chứ không nên mở rộng diện tích gieo trồng, chạy đua về sản lượng.

Giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm do hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra tại nhiều nước trồng cà phê trên thế giới, làm giảm sản lượng.

Thị trường trong nước

Giá cà phê thế giới tăng lên mức cao cộng với việc cung cà phê cho xuất khẩu trong vụ tới sẽ giảm xuống mức thấp do hạn hán kéo dài tại Tây Nguyên đã đẩy giá cà phê thu mua trong nước tăng liên tục.

Đến tuần cuối tháng 3, giá mua vào 1kg cà phê nhân xô vối là 14.200đ/kg; vối loại R2- 5% là 14.500đ/kg; vối loại R1- 6.3 đạt 14.600/kg; vối loại R1-7.1 tăng tới 15.200đ/kg, tăng trung bình từ 4.000- 5.000đ/kg so với cuối tháng 12/04.

Giá xuất khẩu (FOB) cà phê robusta loại 2 tỉ lệ hạt đen vỡ 5% tại cảng Sài Gòn đứng ở mức 865 USD/tấn; loại 1-7.1 đạt mức 910 USD/tấn, tăng khoảng 140-180 USD/tấn so với cuối tháng 12/04.

 

Nguyên nhân chính dẫn đến việc giá cà phê trong nước và xuất khẩu tăng cao trong thời gian qua là do hạn hán kéo dài trầm trọng ở những khu vực trồng cà phê chính như  Đắc Lắc- Tây Nguyên. Vụ cà phê tới Đắc Lắc sẽ bị thiệt hại khoảng 100.000 tấn cà phê, còn khoảng 220.000 tấn; điều này khiến nhiều nhà vườn trữ cà phê lại, hạn chế bán ra để chờ giá cao. Ngoài ra, giá xăng dầu, phân bón tăng làm tăng cước phí vận chuyển cà phê, cũng ảnh hưởng tới giá cà phê và thu nhập của nông dân.

Dự kiến năm 2005, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 800.000 tấn cà phê các loại, giảm gần 100.000 tấn so với năm trước do diện tích canh tác bị giới hạn và nhu cầu thị trường thế giới về cà phê robusta không tăng. Để xuất  khẩu mặt hàng cà phê ổn định lâu dài và tạo thế vững chắc trên thị trường thế giới. Ngành cà phê Việt Nam cần xây dựng và tạo được giá trị riêng cho thương hiệu cà phê Việt Nam.

Dự báo, giá cà phê thu mua trong nước và xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn hẹp. Tuy nhiên, giá có thể giảm nhẹ nếu tình hình khô  hạn tại một số vùng trồng cà phê của Việt Nam được cải thiện trong những ngày tới.

 


Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC