Trước đó, mặc dù dự đoán của các nhà giao dịch, trong năm nay, giá hạt tiêu đen sẽ vượt mức 7.000 USD/tấn và giá hạt tiêu trắng sẽ vượt 10.000 USD/tấn nhưng đến nay, trên thị trường, giá hạt tiêu đen đã vượt 8.000 USD/tấn và giá hạt tiêu trắng đã chạm mốc 12.000 USD/tấn.
Khuynh hướng giá lên có thể duy trì đến hết năm nay, ít nhất là đến thời điểm tháng 11/12 do hiện nhu cầu vẫn vượt xa nguồn cung. Tại thị trường Ấn Độ, thậm chí hiện nay các công ty đa quốc gia đang tích cực thu mua cả những loại hạt tiêu chất lượng thấp hơn, trong khi vẫn ráo riết tích trữ hạt tiêu chất lượng cao. Rất nhiều người mua đã đặt hàng nguồn hạt tiêu chất lượng thấp hơn từ Việt Nam, hiện phải chuyển sang nguồn hàng từ Ấn Độ do Việt Nam đang thiếu nguồn cung trầm trọng.
Tuy nhiên, trong tương lai, giá hạt tiêu có thể giảm mạnh do áp lực của các nhà giao dịch giá xuống. Trên thị trường Ấn Độ, phe giao dịch giá xuống đã thành công khi đẩy giá hạt tiêu giảm trong phiên giao dịch ngày 23/9 và 24/9, bất chấp lực mua mạnh và không áp lực bán trên thị trường giao ngay. Hiện thị trường vẫn đang giao dịch ở mức giá cao. Tương đương giá hạt tiêu Ấn Độ trên thị trường thế giới đạt 7.750 – 7.800 USD/tấn (c&f) tại châu Âu và 8.050 USD/tấn (c&f) tại Mỹ. Giá chào hàng từ các nhà cung cấp khác hiện đều cao hơn giá chào hàng của Ấn Độ khoảng 200 USD/tấn.
Trên thị trường Ấn Độ, trong tuần qua, giá hạt tiêu giao tháng 10, 11, 12 lần lượt tăng 550 Rs, 550 Rs và 630 Rs, lên mức 36.200 Rs/quintal, 36.845 Rs/quintal và 37.325 Rs/quintal.
Trong tuần trước, giá hạt tiêu giao ngay trên thị trường Ấn Độ tăng 1.000 Rs, đóng cửa ở mức 33.000 Rs/quintal cho hạt tiêu chưa loại và 34.500 Rs/quintal cho hạt tiêu loại 1. Trong tuần giao dịch qua, giá hạt tiêu giao ngay đã từng chạm mức giá cao kỷ lục 33.400 Rs/quintal cho hạt tiêu chưa loại và 34.900 Rs/quintal cho hạt tiêu loại 1.
Do nguồn cung sẵn có tại Ấn Độ và giá hạt tiêu loại 1 trên thị trường này giảm, những người mua quốc tế đang đổ dồn vào thị trường này, đẩy những nhà xuất khẩu Ấn Độ phải ráo riết thu mua nguồn hạt tiêu nội địa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, lượng hạt tiêu chất lượng cao lại không còn. Thậm chí, theo một số nguồn tin trên thị trường, nguồn hạt tiêu 550 GL cũng đã cạn kiệt.
Trong khi đó, theo ước tính điều chỉnh của IPC, sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2011 giảm khoảng 17 ngàn tấn so với năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu ước tính từ các nước sản xuất chính trong 8 tháng đầu năm 2011 cũng giảm khoảng 10 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2010.
Ước tính này được xác nhận khi xem xét nguồn dự trữ sẵn có để giao sau tại các nước sản xuất chính đang giảm xuống mức kỷ lục. Theo ông S. Kannan, giám đốc IPC, các nhà sản xuất hạt tiêu và các nhà giao dịch nội địa tại Ấn Độ đang nỗ lực thu mua để duy trì lượng dự trữ cao hơn ở mức giá hiện tại. Tuy nhiên, mức tiêu dùng hạt tiêu tại các nước tiêu thụ lớn đang tăng trưởng nhanh; trong khi đó, tăng trưởng nguồn cung toàn cầu lại không tương xứng. Theo ước tính của IPC, sản lượng tiêu dùng hạt tiêu toàn cầu hàng năm ước đạt 350 ngàn tấn.
Trong tuần giao dịch trước, theo IPC, giá hạt tiêu đen đã tăng vọt tại một số nước sản xuất lớn. Tại Brazil, Ấn Độ và Việt Nam, giá hạt tiêu nội địa đã tăng khoảng 8%; trong khi đó, giá FOB tăng khoảng 3%. Giá hạt tiêu tại Sri Lanka, Lampung (Indonesia) và Sarawak (Malaysia) cũng tăng nhưng với lượng thấp hơn. Giá hạt tiêu nội địa tại các nước này cũng tăng nhanh hơn mức tăng giá xuất khẩu. Trong tuần qua, giá hạt tiêu tại Việt Bam đã tăng hơn 20.000 VND/kg, tăng từ mức 141.000 VND/kg lên mức 161.000 VND/kg. Tại Brazil, giá hạt tiêu nội địa tăng lên mức 12 BRL/kg, từ mức 10,5 BRL/kg. Tại Lampung (Indonesia), giá hạt tiêu nội địa tăng từ mức 59.000 IDR/kg lên mức 63.000 IDR/kg.
Kim Dung - AGROINFO
Theo The Hindu Business Line