Tại các chợ đầu mối, qua kiểm tra định kỳ 6 tháng đầu năm, thì hơn 2.000 mẫu rau có 71 mẫu có hàm lượng chất độc hại vượt mức cho phép.
Chủ sạp bán rau ở sạp 8A, 12 A, mỗi ngày cung cấp hơn 1.000-1200 ký rau tại chợ đầu mối Tam Bình cho biết, chưa bao giờ thấy có ai đến kiểm tra ATVSTP. Đại diện BQL chợ đầu mối Tam Bình, Thủ Đức còn khẳng định, việc kiểm định ATVSTP được thực hiện định kỳ mỗi năm vài ba lần khi có sự phối hợp của các cơ quan liên ngành và chỉ chọn đại diện các mặt hàng. Khi kết quả từ phòng xét nghiệm cho biết hàm lượng vượt quá mức quy định thì các sản phẩm rau củ cũng đã qua tay người tiêu dùng lâu rồi.
|
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM cho biết, TP đã kiểm soát được khoảng 95% nguồn động vật đưa vào giết mổ ở TP. Phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm từ các tỉnh nhập về đều là phương tiện chuyên dùng. Thịt gia súc, gia cầm được vận chuyển từ các chợ sỉ về chợ lẻ trên các phương tiện vận chuyển có thùng chứa đựng bằng vật liệu không rỉ sét. Tuy nhiên, với rau củ thì lại không đơn giản. Kết quả vi phạm của các đợt kiểm tra ATVSTP được gửi về nguồn cung cấp nhưng chỉ có ý nghĩa nhắc nhở, phòng ngừa cho những lô hàng sau.
Theo thống kê từ Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM thì thành phố hiện có 15 khu công nghiệp - khu chế xuất, với gần 2,3 triệu công nhân. Kiểm tra các bếp ăn tập thể cho thấy, trong 76 mẫu xét nghiệm, có 5 mẫu có hàm lượng chất độc hại vượt mức cho phép. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thức ăn tập thể trong thời gian qua.
Từ thực trạng trên, vấn đề đặt ra cho TPHCM là phải kiểm soát được cả chuỗi cung ứng thực phẩm, đặc biệt từ gốc mới hy vọng quản lý được vấn đề ATVSTP trên địa bàn thành phố. Có thể nói, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn TP.HCM trong những năm qua phát triển ổn định với xu hướng tập trung theo quy mô trang trại hoặc chăn nuôi hộ gia đình có đầu tư cơ sở chuồng trại, con giống, kỹ thuật, mang tính chuyên nghiệp.
Riêng nuôi trồng thủy sản theo quy chuẩn của Bộ NN- PTNT còn nhiều hạn chế. Sản xuất rau quả trên địa bàn TP mới chỉ có 2.874 ha canh tác, trong đó có 2.735 ha (95,16%) được xác định đủ điều kiện sản xuất rau an toàn (RAT). Tuy nhiên, với nguồn cung 80% nông sản từ các tỉnh đổ vào chợ đầu mối thì việc đảm bảo ATVSTP là trách nhiệm chung đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết, đề án xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn đã được Chính phủ ký ngày 4/8/2011 đang được triển khai. Một chuỗi thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn khi sản phẩm lưu thông trên thị trường được quản lý chặt chẽ, chứng minh được nguồn gốc trong suốt quá trình từ lúc nuôi trồng, đánh bắt đến khi đưa vào lưu thông.
Theo đó, hình thành và quản lý cho được các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm có liên quan đến rau, củ, quả; thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; thủy hải sản hoạt động hợp pháp trên địa bàn TP.HCM và của các tỉnh, TP: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre nhằm cung cấp thực phẩm cho TP.HCM.
Chuỗi sẽ ưu tiên đầu ra cho các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến tháng 4/2011, tổng số đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn TP đã được chứng nhận VietGAP là 64 hộ, với diện tích 45,18 ha, sản lượng thu hoạch đạt 5.391 tấn/năm. So với diện tích đủ điều kiện sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP (2.735 ha), diện tích được chứng nhận VietGAP đạt tỷ lệ 1,64% và sản phẩm rau đạt chứng nhận VietGAP chiếm tỷ lệ 1,89%. Ông Hòa khẳng định: Chuỗi thực phẩm an toàn sẽ góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh trên động, thực vật và chất lượng nông sản, thực phẩm đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/84251/Kho-quan-ly-thuc-pham-cho-dau-moi.aspx