|
Ươm giống cây ăn quả tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam.
|
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Ông Châu cho biết:
Có thể thấy, những chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thời gian qua tuy có nhiều cải thiện nhưng chưa xứng tầm, việc đầu tư còn dàn trải.
Theo thống kê, nước ta có khoảng 4 triệu hecta đất trồng lúa nhưng mỗi năm lại có khoảng 70.000ha đất trồng lúa bị mất đi do chuyển đổi mục đích sử dụng. Mất đất nghĩa là nông dân mất việc làm. Khảo sát ở những vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp ở Bắc Ninh cho thấy con số thật giật mình, chỉ có 5-6% nông dân tìm được việc làm sau khi bị thu hồi đất, khoảng 95% nông dân không tìm được phương kế mưu sinh. Điều này lý giải cho làn sóng nông dân tìm lên các đô thị để kiếm sống ngày càng nhiều và tình trạng khan hiếm lao động vào mùa vụ ở nông thôn càng trở nên nghiêm trọng.
Muốn xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hiện đại thì hàm lượng khoa học trong sản xuất, chế biến phải lớn. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Lâu nay, các nhà khoa học luôn bị "mang tiếng" là nghiên cứu xong thì cất công trình vào ngăn kéo vì không có tính thực tiễn. Trên thực tế, việc phân bổ vốn cho các đề tài nghiên cứu khoa học vẫn còn quá ít và dàn trải nên có những công trình, các nhà khoa học bắt buộc phải cho vào ngăn kéo vì không tìm đâu ra kinh phí để xây dựng mô hình hoặc triển khai tiếp.
Đơn cử như tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, số tiền ngân sách cấp cho hoạt động thường xuyên của viện không đủ, mỗi năm chúng tôi phải bù thêm khoảng 1,5 tỷ đồng. Vì vậy, để đảm bảo cuộc sống của cán bộ, nhân viên, đồng thời có kinh phí xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, chúng tôi phải dựa vào những chương trình, dự án hợp tác.
Tôi cho rằng, lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp của nước ta thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tăng năng suất của nhiều loại nông sản chủ lực như lúa gạo, càphê, hồ tiêu... Công nghệ giống cũng có những bước tiến mang tính đột phá. Nếu được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm thì chắc chắn công tác nghiên cứu khoa học sẽ góp phần thay đổi diện mạo của nền nông nghiệp hiện nay.
Có một thực tế là, nhiều mô hình sản xuất khi còn tham gia một dự án nào đó thì cho hiệu quả cao nhưng khi dự án kết thúc thì mô hình cũng không còn. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc đầu tư của các dự án cho nông nghiệp, nông thôn còn quá dàn trải, vốn mỏng. Như bạn đã biết, bệnh chổi rồng đang là vấn đề "nóng" ở các vùng chuyên canh nhãn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất loại cây ăn trái này. Khi phát hiện bệnh, chúng tôi cũng đã vào cuộc nghiên cứu, bước đầu xây dựng được quy trình phòng trị bệnh. Điều đáng nói là mô hình áp dụng biện pháp phòng trị để trên cơ sở đó mở rộng thêm nhưng lại chỉ được duyệt 0,5ha (trong khi diện tích nhãn bị nhiễm bệnh lên đến hàng chục ngàn hecta). Với diện tích nhỏ, manh mún như vậy làm sao có thể nói lên được điều gì.
Thời gian qua, nhiều nông dân tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của sản xuất theo quy trình GAP. Tôi khẳng định, làm nông nghiệp theo GAP là đòi hỏi tất yếu, bởi có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được các thị trường khó tính chấp nhận. Nhưng sở dĩ bà con có tâm lý này là vì tấm giấy chứng nhận đó chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm, trong khi để sản xuất theo quy trình này nông dân phải thay đổi tập quán, thói quen từ những cái nhỏ nhất. Phần lớn những mô hình sản xuất theo quy trình GAP hiện nay đều nằm trong dự án, khi được chứng nhận cũng là lúc dự án kết thúc, nông dân chưa kịp đứng vững thì đã bị bỏ rơi nên hiệu quả sản xuất không cao, chưa kể do phải tự bơi trong việc tìm đầu ra cho nông sản nên bà con nản. Vì vậy, theo tôi, để mở rộng các mô hình sản xuất theo GAP thì các dự án đầu tư phải mang tính dài hơi. Nhiều người vẫn cho rằng, nông dân ngại thay đổi, không muốn làm ăn lớn nhưng thực tế, nhận thức của bà con đã chuyển biến rất lớn, họ không ngại làm chung, không ngại áp dụng các quy trình kỹ thuật mới; họ hiểu, liên kết cùng sản xuất một loại giống với diện tích lớn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn làm ăn riêng lẻ. Vấn đề còn lại là, các nhà khoa học, ngành chức năng phải luôn sát cánh cùng họ ở mọi lúc, mọi nơi chứ không phải đơn thuần cấp xét cho một dự án kéo dài trong vài ba năm, sau khi được chứng nhận thì bỏ mặc họ.
Vậy theo ông, làm thế nào để việc đầu tư cho nông nghiệp đạt hiệu quả như mong muốn?
Về tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thì khỏi phải bàn cãi. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực cây ăn quả, chúng ta đã sở hữu nhiều loại đặc sản thuộc hàng độc của thế giới. Vấn đề là làm thế nào để tiềm năng ấy mang lại lợi nhuận cho nông dân, giúp họ có thể sống no đủ trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Để làm được điều này, theo tôi, trước tiên phải quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Tôi nghĩ, tích tụ ruộng đất không phải là vấn đề quá khó, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nếu tập hợp nông dân trong một tổ chức, cùng sản xuất một loại giống, cùng theo một quy trình thì chỉ cần mỗi nhà góp một ít là đã có sản lượng lớn. Khi đã hỗ trợ nông dân xây dựng được mô hình điểm rồi thì các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình này, chứ không thể áp dụng theo kiểu năm nay hỗ trợ chỗ này, khi chưa kịp đứng vững đã bỏ đi hỗ trợ chỗ khác. Nếu không có một chính sách khác về đầu tư cho nông nghiệp thì hiệu quả của các mô hình chẳng những không cao mà còn gây lãng phí lớn tiền của của Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinh tế nông thôn